Sân nhà truyền thống hàn quốc

Tôi là một thợ mộc chuyên dựng nhà truyền thống Hàn Quốc. Tôi theo nghề cha truyền con nối đã qua năm thế hệ của gia đình. Trong suốt hai mươi năm qua, tôi đi mòn đế giày để kiếm tìm phần sót lại của những ngôi nhà truyền thống nằm rải rác khắp cả nước. Ở đó, không chỉ có các công trình bằng gỗ hấp dẫn trái tim, con mắt tôi. Cuộc hành hương không ngừng nghỉ này của tôi bắt đầu từ một sự đánh thức lạ thường khi đứng trong sân một ngôi đền tọa lạc trên núi.


 


  Ảnh do Koreana cung cấp

Mỗi ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc đều có một điểm nghỉ ngơi, nơi người ta có thể chiêm ngưỡng nhiều khung cảnh thiên nhiên đa dạng khác nhau, thông qua những khung cửa sổ hướng ra nhiều điểm nhìn khác nhau. Người ngồi trong nhà có thể hưởng trọn cảnh vật thiên nhiên xa xa đằng sau bức tường, cảnh hiện hữu của cuộc sống đời thường trong sân nhà, cả quang cảnh nội thất bên trong mỗi gian phòng. Những cảnh tượng này được bày ra cùng một thời điểm và hòa quyện lại như khêu gợi trí tưởng tượng kỳ diệu của con người.

Năm 1995, lần đầu tiên tôi đến thăm quan đền Buseok, tại Yeogju, tỉnh Bắc Gyeongsang, ngay sau khi có một cơn bão lớn vừa tràn qua khu vực này. Mưa dữ dội đã cắt lối chính vào ngôi đền. Vì thế, tôi phải đi đường vòng, tay xách giày để tránh bị dính bùn, cho đến khi tới được cổng một cột, cổng vào đầu tiên của khu đền phức hợp này. Khi vừa qua cửa cổng vào, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ thấy một tầm nhìn bị giam cầm bởi một khu rừng rậm rạp, mờ mịt.

Chín cái sân trong ngôi đền Buseok

Tôi tiếp tục men theo dốc núi. Ngay lúc mệt thở không nổi, cổng thứ hai lại xuất hiện. Người ta tin rằng có tới bốn vị thần canh gác chiếc cổng để bảo vệ ngôi đền. Tôi bước lên từng bậc thang. Đằng sau chiếc cổng này, và ngay trước mặt tôi, chỉ là các dãy thềm đá. Khi quay lại nhìn một lần nữa, khu rừng khép kín không còn hiện hữu, thay vào đó là khoảng cách mênh mông từ dãy núi. Chính khoảng cách này giúp tôi ngầm đoán được qui mô không gian của khu rừng. Sau một lúc nghỉ lấy sức, tôi tiếp tục theo con đường mòn và đi ngang qua các bậc thang dẫn đến hàng chuỗi thềm đá tuyệt mỹ. Trên đỉnh, khi nhìn lại khung cảnh đằng sau một lần nữa, hàng dãy núi xanh thẳm biến mất, thay vào đó là bầu trời xanh trải rộng theo mọi hướng nhìn. Phía trước tôi là mái của Muryangsujeon (tòa của cuộc đời vĩnh cửu), đây cũng là tòa chính thờ tượng Phật. Tiến thêm vài bước là dẫn đến gian nhà chuông, nơi chuông đền được treo cùng với các vật dụng thiêng liêng khác. Tôi tiếp tục leo bước qua gian nhà chuông và đến được Anyangnu (nơi của sự tĩnh tâm và viên mãn). Đột nhiên, Muryangsujeon lộ ra một mặt tiền đồ sộ.


 

Đằng sau tôi là dãy núi trải dài Sobaek đối nghịch với bầu trời, phẳng lặng không gợn sương mù và bụi, trong veo, được rửa sạch bởi cơn mưa. Tôi như bị một cú giáng vào đầu: giống như một cuộc tương ngộ được mở rộng tầm mắt bởi một kiến trúc sống động, không thể so sánh với tất cả những gì tôi từng thấy trước kia. Ấn tượng mạnh về sự khám phá này đã thôi thúc tôi tìm hiểu và học hỏi thêm về kiến trúc truyền thống Hàn Quốc một cách nghiêm túc hơn. Đến lúc tôi quyết định từ bỏ vị trí thợ mộc với thu nhập 150 nghìn won một ngày, chuyển đến làm việc tại khu bảo tồn cung điện Gyeongbok theo mức lương ngày chỉ còn 38 nghìn won.

Một vài năm sau, tôi nhận ra rằng ấn tượng mà tôi có được vào ngày hôm đó không phải là một sự trùng hợp hay là một cảm nhận cá nhân, mà là sự chinh phục tuyệt đối bởi một thiết kế tỉ mỉ, kỹ càng, được sáng tạo từ hàng ngàn năm về trước. Đền Buseok được xây dựng trên một mảnh đất nghiêng, với địa hình bậc thang gồm chín bậc. Từ cổng của bốn thiên hoàng đến tòa của cuộc đời vĩnh cửu, khu nhà cầu nguyện chính, có ba sân, mỗi sân được chia ra thành ba khu vực nhỏ hơn. Để đi lên được khoảng 108 bậc thang, qua các khu sân ấy, người thăm quan được ấn định trút bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực thông qua ba quá trình hoạt động của ba giác quan: thần thái, được thuần hóa từ bỏ một tinh thần ưu tư, phiền lo khi tiến gần đến một xã hội không tưởng nơi Phật ngự trị; thể chất, được bắt đầu từ lúc bước qua các dãy bậc thang; và thẩm mỹ, thông qua thị giác, bắt đầu từ lúc mắt ta chấp nhận những thay đổi cảnh quan trên đường lên núi. Cả ba tiến trình giác quan này cùng phát triển để tạo ra một trải nghiệm thực sự có một không hai mà khu đền mang lại cho du khách.


 

Hàng năm, tôi thường đến thăm đền Buseok một hoặc hai lần. Mỗi lần, tôi lại có được một cách nhìn mới và sâu sắc hơn về sự bố trí tài tình của toàn bộ khu đền với các khoảng sân theo bậc thang, nhiều tầng lớp, mỗi tầng đem lại một cảnh nhìn khác nhau về khu vực núi Sobaek, nơi có rất nhiều đỉnh xa và rộng lớn. Dạo bước từ cổng đến tòa thờ chính, tôi tự cảm thấy tâm trí và cơ thể mình thay đổi theo cảnh huống bên ngoài, tất cả luôn đem lại một ấn tượng mới lạ về nơi này.

Các khu riêng biệt (pavilion) và mái hiên

Dưới thời Joseon, hiếm khi các nhà nho tìm đến cuộc đời ẩn sĩ tại một chốn hẻo lánh, xây một ngôi nhà đơn sơ với một sân vườn nho nhỏ trong rừng. Những khu vườn của đất nước trong TK XV được kiến tạo nhằm khơi dậy các suy nghĩ, cảm xúc, giác quan và sự hòa trộn của tất cả các yếu tố này, làm cơ sở nâng tầm giá trị của họ. Có thể kể đến Gyosujeong (pavilion về giáo dục), tại Hamyang và Doksujeong (pavilion bảo vệ ẩn sĩ) tại Damyang, bên trong khu vườn của Jo Seung-suk và Jeon Sin-min, hai người trung thành với triều đại sụp đổ Goryeo và chọn sống ẩn dật một cách đáng trọng thay vì hợp tác với những người lập nên triều đại thắng thế Joseon. Hai pavilion được xem là mẫu hình cho các kiến trúc tương tự dần xuất hiện tại chân núi Deogyu và Mudeung, dẫn đến sự hình thành của Soswaewon (Khu vườn của tâm trí thuần khiết), một trong những khu vườn ấn tượng nhất của các văn nhân thời Joseon vẫn còn hiện diện tới ngày hôm nay. Phong cách kiến trúc này ảnh hưởng đến thiết kế không gian nhà và được biến hóa thành các mái hiên gỗ cao vút (numaru), thường thấy ở phần nhà dành cho nam giới trong một căn nhà truyền thống của tầng lớp trên.


 

Ngôi nhà cổ của Jeong Yeo-chang ở làng Gaepyeong, khu vực Hamyang, cũng thừa hưởng mái hiên gỗ, nơi chủ nhà tiếp khách và đàm luận về triết lý Nho giáo mới, hoặc các vấn đề chính trị khác. Gắn liền vào phía đông của khu dành cho nam giới, đó là điểm đẹp nhất để thưởng lãm tiểu cảnh núi đá, một yếu tố trang trí truyền thống, đặt ở một góc sân. Thêm vào đó, cây thông cổ thụ đứng đối diện với bức tường thả bóng mát xuống mái hiên gỗ với các cành lá uốn lượn bao trùm. Trong quá khứ, mái hiên có chức năng như một pavilion trong vườn. Ở đó, chủ nhà tiếp đãi khách, tâm tình với các bài thơ, khúc nhạc về cảnh đẹp gần xa. Do đây là khu vực trung tâm của các hoạt động như vậy nên phần còn lại của sân trong khu dành cho nam giới được để trống một cách ý vị.

Giao đãi có chừng mực với thiên nhiên

Với người Hàn Quốc, thiên nhiên và con người cùng tồn tại bên nhau thay vì là chủ thể và khách thể của nhau. Khi xây một căn nhà, người Hàn Quốc trước hết cân nhắc về địa thế khu vực, mà trên hết là hình dạng của các dãy núi gần kề và hướng chảy của sông ở vùng lân cận. Tầm nhìn ra dãy núi phía xa từ cửa sổ nhà là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc xác định hướng nhà. Bởi vậy, mỗi ngôi nhà đều có một vị trí mà ở đó, ta có thể có đa dạng điểm nhìn ngắm qua một vài khung cửa sổ mở theo nhiều hướng khác nhau. Người ngồi trong nhà có thể cùng lúc ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên xa xa bên ngoài những bức tường, cảnh thường nhật trong sân nhà, cả nội thất bên trong phòng. Những cảnh tượng này được bày ra cùng một thời điểm, và hòa quyện lại như khêu gợi trí tưởng tượng kỳ diệu của con người.

Vì quang cảnh là một phần của tự nhiên, nên hầu như con người không cố gắng thay đổi gì cả. Có chăng, họ điều chỉnh kích thước và hướng cửa sổ để có được một khung hình hấp dẫn mà thôi. Bên cạnh đó, cách thêm thắt các yếu tố nội thất và đồ dùng trong nhà, chẳng hạn tường và lò sưởi, cây cảnh, đá tiểu cảnh trong sân nhà cũng góp phần thay đổi cảnh quan.

Các yếu tố quang cảnh được chọn lựa không chỉ dựa trên tính thẩm mỹ mà còn cả tính tượng trưng của nó nữa. Những người từng sống tại thành phố hoặc ở môi trường không được gần gũi nhiều với tự nhiên, thường sẽ treo các bức tranh thiên nhiên trên tường và tô điểm sân vườn bằng các ao nhỏ hoặc dùng đá mô phỏng hình núi non.

Dongnakdang, hay còn gọi là nhà của thú vui ẩn sĩ, tại Gyeongju, là điển hình của một ngôi nhà được xây dựng bằng cách tận dụng mọi ưu thế của cảnh quan xung quanh. Yi Eon-jeok, một nhà Nho nổi tiếng của TK XVI dưới thời Joseon, đã sống trong căn nhà này sau khi ông từ quan cao chức trọng do hoàn cảnh chính trị. Chính ông đã đặt tên cho ngôi nhà của mình như vậy nhằm ngợi ca niềm vui của sự một mình. Ngôi nhà nằm ngay cạnh một con suối bắt nguồn từ núi Jaok, tạo nên không khí của một khu tư dinh bên núi hẻo lánh trong khi quanh nhà có lớp tường đôi bảo vệ. Nơi đây, Yi Eon-jeok đã phát triển những triết thuyết Nho học mới thích hợp với cuộc sống của người Hàn Quốc đương thời và khác biệt với tư tưởng gốc Trung Hoa. Triết thuyết của ông được truyền lại cho Yi Hwang, người đã tinh lọc chúng thành một truyền thống triết học toàn diện.

Phần bố trí tối ưu của nhà và sân, nơi người ở có thể hưởng thụ thiên nhiên nguyên sơ ngay tại chỗ, gắn liền với những lý tưởng triết học của gia chủ là tập trung vào sự hợp lý hơn là các khía cạnh của thuyết Nho học mới. Gần 500 năm sau, chúng ta có thể đọc được các nguyên tắc và mục đích của Yi Hwang khi thiết kế xây dựng ngôi nhà này nhằm phản ánh suy nghĩ của ông về mối quan hệ lý tưởng giữa con người và tự nhiên.


 

Một điểm thú vị của ngôi nhà thôn quê đầy ánh sáng ấy là sự rộng mở bên trong bức tường, nhờ một hàng rào mắt cáo thẳng đứng. Phần mở này như bù đắp lại cảm giác không thể xuyên qua được, gây ra bởi tường chắn phía trước được làm bằng đất nén và có lợp mái ngói. Trong khi bức tường có tác dụng ngăn người lạ vào nhà, nó đồng thời kết nối người sống ở đây với cảnh quan xung quanh một cách khéo léo. Nhờ sự rộng mở với bức rào mắt cáo kia, người ngồi trong nhà có thể thưởng ngoạn cảnh trí tươi tắn quanh dòng suối ngay sau khi mở cánh cửa sổ của đại sảnh chính.

Sân vườn trong các ngôi nhà riêng

Thời xưa, các ngôi nhà của tầng lớp trên có bốn khu sân vườn riêng biệt. Sân vườn ở khu dành cho người làm công là nơi tiến hành chuẩn bị các công việc đồng áng và sửa chữa, duy tu đồ đạc. Sân vườn ở khu dành riêng cho nam giới là nơi ông chủ trong nhà tiếp khách và tổ chức các lễ cúng bái của gia đình. Sân vườn ở khu nhà trong là nơi bà chủ nhà làm các công việc nội trợ. Khu cuối cùng là sân vườn phía sau nhà, nơi có một ống khói dọc theo bức tường đen, các bình bằng sành để đựng đủ loại nước sốt, thêm nhiều loại gia vị để ở nơi có ánh nắng. Phần sân sau này được phối cảnh để nhằm làm hoàn thiện toàn bộ không gian nhà với cây cối và các luống hoa, đem lại sự hứng thú cho người thưởng ngoạn khi ngồi ở bên trong các gian nhà.


 

Ngôi nhà cổ của Myeongjae, tại Nonsan là một điển hình cho kiểu nhà của tầng lớp trên trong thời kỳ Joseon. Ngôi nhà cổ này được xây dựng bởi các học trò trung thành của Yun Jeung, một học giả có tiếng ở TK XVII, được biết đến dưới bút danh Myeongjae. Ngôi nhà thể hiện thế giới quan triết học của ông. Ngay việc thiết kế các sân vườn cũng đã cho thấy sự quan tâm của người thiết kế tới mọi thành phần sinh sống trong ngôi nhà. Ví dụ, cho dù sân của các phần nhà bên trong bị bao quanh bởi nhà và tường thì thiết kế của nó giúp cho bà chủ nhà vẫn có thể nắm bắt được mọi diễn biến trong từng góc nhà của mình.

Dưới triều Joseon, nam giới và nữ giới sống biệt lập, bởi vậy, phạm vi hoạt động của bà chủ nhà thường giới hạn ở các phần nhà phía sau. Tuy nhiên, trong nhà của Myeongjae, các phần nhà và các thành phần cấu trúc khác được sắp xếp để bà chủ nhà có thể nắm bắt được mọi chuyện xảy ra tại khu vực của ông chủ. Sân nhà phía trong có một lối đi đến các khu nhà kho chứa đồ dùng để tiện việc nấu nướng, thêm hệ thống thông gió và ống dẫn nước mưa. Bức tường nhỏ dọc theo rìa sân cùng với các cây ngay cạnh giếng che chắn khu nhà nhằm tránh sự lộ diện của phần nhà này đối với các khách nam giới, thường chỉ dừng chân ở khu vực của ông chủ. Thêm vào đó, các cửa sổ tại sảnh chính mở ra hướng khu sân nhà sau nơi các luống hoa nở rộ và những dãy bình đựng đồ bằng sành sạch sẽ.


 

Khu nhà của ông chủ không những có một mái hiên ngoảnh lên, nối liền theo hướng tây, nhìn thẳng ra ngôi làng, mà khu sân vườn rộng rãi còn được trang trí thêm một chiếc ao nhỏ, các tiểu cảnh cùng một cái giếng xinh xắn.

Ngôi nhà cổ của Chusa (bút danh của nghệ nhân thư pháp Kim Jeong-hui) từng là nhà của công chúa Hwasun (con gái vua Yeoingjo dưới thời Joseon), nơi cô từng sống sau khi kết hôn với Kim Han-sin (học giả và ông cố của Chusa). Ngôi nhà là một công trình trác tuyệt của các thợ mộc hoàng gia nhưng do chỉ còn lại một nửa nên rất khó để phác họa lại toàn bộ thiết kế nguyên thủy của nó. Điều đáng nói, đây là một điển hình cho dạng nhà của tầng lớp bề trên trong xã hội Hàn Quốc TK XVIII, được thực hiện một cách tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết.

Cá biệt, khu nhà trong (nội phủ), nơi công chúa ở, có hình dạng vuông góc rất đặc trưng với một sân vườn tại chính giữa. Vào những ngày hè oi bức, trên chóp ngói của tòa nhà tỏa ra hiện tượng nóng bức xạ và tạo nên một luồng khí thông tự nhiên. Khi cửa sổ hướng về phía sân sau được mở ra, một làn khí mát từ khu rừng sau nhà thổi vào, giúp hình thành nên một luồng khí mát thông suốt trong ngôi nhà, làm dịu hẳn cái nóng oi bức.

Thay lời kết

Từ khi tôi bắt đầu cuộc sống của một thợ mộc ở tuổi 15, là người tiếp quản việc kinh doanh gia đình, tôi tham gia nhiều dự án trùng tu và tái dựng lại các di sản văn hóa. Qua thời gian, tôi nhận ra là tôi thích dựng nhà cho người ở hơn là đi trùng tu cung điện của các triều đại xưa. Tôi tập trung vào việc xây dựng nhà theo phong cách truyền thống cho khách hàng hiện tại. Với tôi, những ngôi nhà cổ được bảo tồn qua hàng thế kỷ luôn là nguồn cảm hứng vô giá.

Gần đây, tôi chỉ đạo một công trình nghiên cứu về các nhà cổ còn sót lại trên một hòn đảo gần bờ biển phía tây của đất nước. Những ngôi nhà cổ xiêu vẹo này bị bỏ hoang cả 15 năm sau khi một chiếc cầu nối từ đảo đến đất liền được xây dựng, điều này cũng đồng nghĩa với việc bất động sản trở nên tăng nhanh dữ dội. Do giới hạn về địa hình địa lý của khu đảo, những ngôi nhà ở đây không lớn, cũng không bắt mắt. Nhưng phải thừa nhận rằng, tôi học được rất nhiều về kiến trúc truyền thống và cảnh quan trong lúc thăm quan, đo đạc, gom góp các tài liệu về những ngôi nhà bị quên lãng này. Tôi đang rất lo lắng về tình trạng xuống cấp của chúng. Tôi hy vọng được góp công sức vào việc bảo tồn và làm sống lại những phong cách sống cũ thiên về việc cùng tồn tại một cách hài hòa giữa con người và tự nhiên.

LÀ TÂM (dịch)

Nguồn: Courtyards of Traditional Korean Houses, Koreana Vol. 27, No.3, Autumn 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : CHO JEON-HWAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *