Sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại qua sáng tác nghệ thuật


 

Các quốc gia, từng dân tộc, đến từng con đường, góc phố và trong mỗi gia đình đều có lịch sử. Lịch sử từ chính sự chân xác của các nhân chứng, vật chứng. Lịch sử được tái hiện, diễn tả qua nhiều phương cách khác nhau từ việc cụ thể, tỉ mỉ, đòi hỏi sự chính xác như chép sử, đến xúc cảm, thăng hoa, sáng tạo nên các tượng đài kỳ vĩ.

Tất cả dường như vừa muốn phản ánh một cách chân thực lịch sử, vừa muốn tiếp thêm sức sống để lịch sử được lưu truyền và cũng có thể muốn lịch sử đóng băng để được khép lại quá khứ.

Nghệ thuật không phải là hình thức chép sử một cách nguyên bản. Trong nghệ thuật, thường thấy hình bóng của quá khứ, giá trị của lịch sử được tái hiện, phản ánh, minh họa trực tiếp qua hội họa, điêu khắc, tác phẩm sân khấu, âm nhạc, điện ảnh… Cũng có khi lịch sử lẩn vào bên trong, nêm chặt vào những xúc cảm thẩm mỹ, hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật tưởng chừng như thoát khỏi quá khứ, rất hiện đại về phong cách thể hiện, chất liệu, phương thức biểu cảm, nhưng hàm chứa giá trị nhân văn và như có sợi dây vô hình nối hiện tại trở về quá khứ, lịch sử, hay nói cách khác là qua và bằng nghệ thuật hiện đại, thích ứng với cuộc sống đương đại mà gợi nhớ, khắc ghi những giá trị của lịch sử một cách thích hợp, sáng tạo, có chiều sâu.

Để quá khứ, lịch sử được tái hiện, diễn tả chân thực đến mức có thể, trong nghệ thuật dường như không quá khó, nhưng để nó tạo xúc cảm, đi vào tâm tư, tình cảm, cuộc sống của những con người đương đại, đặc biệt là giới trẻ, là vấn đề khác, rất khó, nhất là những câu chuyện của hàng ngàn năm trước, khi quãng thời gian và sợi dây liên hệ giữa thực tại với quá khứ đã trở lên quá mơ hồ.

Nhiều năm qua, tại Việt Nam, cứ gần đến dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn của một số sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, cũng là dịp nhiều tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử được ra lò. Khoan bàn đến chuyện công chúng đón nhận và suy ngẫm về lịch sử qua các tác phẩm này như thế nào, ngay câu chuyện thể hiện lịch sử ra sao đã là đề tài nóng cho các nhà lý luận, phê bình, nhà báo lên tiếng. Sự thật phải là sự thật, lịch sử phải chân thực và chỉ có một. Đã có những ý kiến bình luận cho rằng tác phẩm sân khấu này cách tân lịch sử, làm méo mó lịch sử, nhân vật kia không đúng trang phục truyền thống, không gian không đúng lịch sử, khuôn mặt danh nhân này không giống tượng ở địa phương kia…, không chỉ vì chúng ta thiếu cứ liệu lịch sử, sử sách bị giặc ngoại xâm đốt phá mỗi lần xâm lược, thiếu người am tường lịch sử, thiếu bối cảnh, trường quay, cũng không chỉ vì chúng ta thiếu kinh phí dàn dựng…, hay vì đề tài này quá khó, công chúng đang quan tâm nhiều đến thực tại, cập nhật cái mới, cái tân tiến, được quốc tế hóa… mà còn thiếu nhiều cái khác.

Có lẽ, điểm thiếu, điểm yếu nhất của chúng ta ở đây là cảm hứng sáng tạo, phương thức truyền cảm lịch sử qua tác phẩm nghệ thuật một cách thích ứng, hay có thể nói là sợi dây nối giữa hiện tại và quá khứ đang có vấn đề, từ cả hai cách.

Cách thứ nhất từ giá trị của lịch sử qua sợi dây nối đến tạo xúc cảm cho hiện tại. Cách thứ hai từ hiện tại qua sợi dây nối đến tạo xúc cảm, trở về quá khứ, lịch sử.

Phần nhiều các tác phẩm nghệ thuật của chúng ta đang thiên về phương cách thứ nhất, cứ mang quá khứ vẹn nguyên đến thực tại, có cải biên, có cách tân để phù hợp với không gian, môi trường, con người thực tế, nhưng liệu có thích hợp, được tiếp nhận, tạo xúc cảm trong những khối óc của thời kỳ công nghệ số, ví như khoác chiếc áo mới lên thân hình của lịch sử, để người xem, người nghe thấy được sắc diện mới của lịch sử. Nhưng chiếc áo vẫn chỉ là vỏ bọc, không thể là tâm hồn, tính cách của lịch sử và vì thế hiệu quả của cách thể hiện này còn có những hạn chế nhất định.

Cách thứ hai thường mang triết lý và nếu thành công, sức ảnh hưởng, xúc cảm, hiệu quả của nó sẽ vô cùng lớn về cả diện rộng và chiều sâu, hay nói cách khác là để lại ấn tượng nghệ thuật sâu sắc.

Nếu cách thứ nhất, lịch sử như viên kim cương được bọc trong nhung lụa thì cách thứ hai người ta sẽ đem đun chảy viên kim cương đó, tưới xuống mảnh đất của cuộc sống hiện tại, để từ mạch nguồn dinh dưỡng đó, mảnh đất sẽ mọc lên một bông hoa có độ trong sáng lấp lánh và độ cứng không kém kim cương. Một hình thức thể hiện của lịch sử, làm sống lại những giá trị của lịch sử mà chỉ có nghệ thuật với những quyền năng, sức sáng tạo và ưu thế của nó mới có thể làm được.

Có người cho rằng tại sao lại có sáng tạo ở đây, sáng tạo ở lịch sử, vì lịch sử chỉ có một, nhưng trong nghệ thuật, nếu không có sáng tạo, đồng nghĩa nghệ thuật đã chết, và nếu theo phương cách thứ hai, tuy không mang hình hài của lịch sử, nhưng bức thông điệp và những giá trị tinh thần của lịch sử được truyền cảm đến công chúng qua tác phẩm nghệ thuật bằng ngôn ngữ, công nghệ và cuộc sống của hiện tại, mới mẻ.

Không phải so sánh về mức độ và tầm ảnh hưởng của các thể loại nghệ thuật (thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh,…) khi biểu đạt lịch sử, nhưng có thể nhận thấy điêu khắc, kiến trúc các không gian tưởng niệm thường có độ bền lâu về mặt thời gian, hiện hữu trên không gian và sự thu hút đa dạng các đối tượng công chúng.

Xin được có một số suy nghĩ về sợi dây nối hiện tại với lịch sử qua một số ví dụ cụ thể về tượng đài, điêu khắc, không gian kiến trúc lịch sử.

Khi các cụm tượng đài công, nông, binh với những nhân vật được điển hình hóa anh dũng, kiên cường khí thế ra trận, khắc ghi một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, chỉ nhìn từ xa đã biết đó khắc ghi chiến công của một trận đánh nào đó, là một phần của lịch sử và phần nhiều chỉ được sống động vào những dịp kỷ niệm nhất định, còn để nó thật sự ấn tượng, bắt người ta phải dừng bước, tiến lại gần, suy nghĩ, liên tưởng để lịch sử hiện về là một việc khó và chính vì sự na ná giống nhau của thể loại có thể là nguyên nhân không dừng bước của người xem. Thật khó với cách thể hiện này đối với lịch sử có bề dày về thời gian, mang dấu ấn về tinh thần mà không có nhân vật cụ thể, hoặc không thể xác định được.

Lịch sử đau thương một lần nữa trở về, làm xúc động khi ai đó bước vào, làm trào dâng những cảm xúc khó tả và hầu hết là sự lặng yên khi người đó bước ra khỏi khu di tích Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, nơi 504 đồng bào ta bị lính Mỹ thảm sát ngày 16-3-1968, với bảo tàng không lớn nhưng đanh thép tố cáo tội ác quân sát nhân, với cụm tượng đài không to nhưng đong đầy đau thương, uất hận, với một phần khung cảnh làng xóm điêu tàn bị đốt phá, san bằng, dù cây cối đã mọc xanh tươi trên mảnh đất ngấm máu đồng bào, bao quanh những con đường đầy vết chân trần chạy hoảng loạn, vết bánh xe đạp ngoằn ngèo, chen lẫn vết giầy đinh của quân giết người… Tất cả được tái hiện một cách tài tình, chân thực và đầy cảm xúc về một sự thật không thể che dấu, lịch sử đau thương của chiến tranh, quá khứ lại trở về qua sợi dây của sáng tạo kiến trúc, ý tưởng thẩm mỹ trên chất liệu xúc động, chân thực của lịch sử.

Câu chuyện về công trình tưởng niệm chiến tranh Việt Nam từng gây sóng gió trong dư luận nước Mỹ suốt những năm đầu thập niên 80 TK XX, khi chiến tranh và nỗi đau của nó vừa qua đi là một trong những ví dụ điển hình về sáng tạo nghệ thuật về chủ đề của lịch sử. Vượt qua 1.421 phương án dự thi, thiết kế tượng đài chiến tranh Việt Nam độc đáo, táo bạo của cô sinh viên người Mỹ Maya Lin được Hội đồng giám khảo quốc tế trao giải. Hội đồng đã khẳng định phương án của Maya Lin “nói lên hết ý nghĩa cuộc chiến tranh Việt Nam, không vinh quang và từng gây chia rẽ nước Mỹ suy ngẫm và tưởng niệm chứ không phải là một sự vinh danh chiến thắng”. Tuy nhiên phương án cũng bị một số người phản đối cho rằng tượng đài với hai cánh đá đen đi vào lòng đất, không có điêu khắc hình tượng… trông giống như một “mộ bia khổng lồ”, “một vết cắt màu đen nhục nhã” chỉ làm tổn thương nước Mỹ. Còn nhà thiết kế thổ lộ “Tôi nghĩ đến ý nghĩa của cái chết, sự mất mát. Nỗi đau xé lòng rồi cũng sẽ phôi pha cùng với thời gian, nhưng phải nói là vết thương cũng thật khó lành. Một vết sẹo. Một ý nghĩ đến ngay với tôi. Như ta cầm con dao và rạch vào lòng đất, và với thời gian cỏ sẽ mọc lên lấp nó đi. Giống như ta cắt một tảng đá và mài nhẵn nó”.

Cuối cùng, phương án được Ủy ban nghệ thuật chấp nhận cho tiến hành thực hiện như thiết kế ban đầu với một số bổ sung nhỏ. Và ngày nay, dù gần 40 năm chiến tranh đã trôi qua, và sau 30 năm khánh thành, hàng năm có khoảng 3 triệu lượt khách viếng thăm bức tường đá hoa cương khắc ghi trên 58 nghìn tên tuổi, với trên 58 nghìn số phận khác nhau, âm thầm nói lên những khắc nghiệt, khốc liệt của chiến tranh. Một phần của lịch sử có thể chỉ là một bức tường đá chạy dài vào lòng đất, nhưng những ai đến đây, nhất là những người đã đi qua cuộc chiến hoặc có liên quan đều âm thầm, lặng lẽ đầy xúc cảm khi đi qua, không bởi những tượng đài kỳ vĩ, hoành tráng, không bởi những mô tả phức tạp, có thể chỉ từ những ý tưởng sáng tạo, táo bạo được tiết ra từ những xúc cảm lay động lòng người của chính lịch sử và sự thật.

Qua hai ví dụ về sáng tạo, biểu đạt nghệ thuật về đề tài lịch sử, có thể thấy: chất cảm để người nghệ sĩ sáng tác chính từ giá trị của lịch sử, phụ thuộc vào chất liệu lịch sử, được chuyển hóa, thấm vào tâm hồn người nghệ sĩ để phát tiết những ý tưởng mang hồn cốt của lịch sử, để đời sau phải suy ngẫm, tất nhiên còn phù hợp với văn hóa, tư duy của công chúng. Nhưng nhìn chung để có giá trị lâu bền, trường tồn với thời gian, chân thực với lịch sử thường phải có sự chắt lọc, chuyển hóa, sự khác biệt, mới lạ, đánh thức trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người khi cảm nhận về tác phẩm, hơn là mô phỏng lịch sử qua hình. Phải chăng đó là sợi dây vô hình mà hữu hình nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai.

Quá khứ tương tác với hiện tại đang là xu hướng thể hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, và chính sự tương tác đó có thể làm đời sống của các tác phẩm nghệ thuật phải thay đổi, có thể theo hướng mở hơn, động hơn.

Với đặc tính sáng tạo nghệ thuật của các chuyên ngành, tầm ảnh hưởng, khả năng hiện hữu trong không gian liên tục, tác động tới nhiều loại đối tượng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần rà soát toàn bộ hệ thống tượng đài, điêu khắc, không gian kiến trúc về chủ đề lịch sử đề xuất hướng nâng cấp, hoàn thiện không gian thích ứng với cuộc sống, con người hiện tại, đồng thời với quy hoạch tổng thể các địa điểm lịch sử để có định hướng sáng tác nghệ thuật phù hợp, chú trọng các cuộc thi, trân trọng các ý tưởng mới, táo bạo.

Tập quán của người Việt nói chung với việc thưởng thức, cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có các tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử là trực tiếp, nhìn thấy, sờ thấy, hình dung ra ngay, còn nếu để tư duy, xúc cảm, liên tưởng, thấm giá trị lịch sử đó thì cần có sự chuyển hóa về chất liệu lịch sử, sự bứt phá về sáng tạo, thậm chí tạm quên đi tiền lệ của người sáng tác, sự thay đổi tư duy của nhà quản lý và cả thói quen cảm nhận nghệ thuật của công chúng. Để thích nghi với công chúng thời công nghệ số, trên nền tảng những giá trị trường tồn của lịch sử, cần có phương pháp tiếp cận và sáng tạo mới, cần sợi dây kết nối, không có công thức chung trong nghệ thuật, đặc biệt với các tác phẩm điêu khắc, không gian kiến trúc lịch sử.

Điều này đặt ra vấn đề cần có sự đổi mới tư duy, phương pháp sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử đồng thời với tăng cường năng lực thụ cảm lịch sử qua lăng kính nghệ thuật của công chúng. Có thể thời gian đầu còn có những khoảng vênh nhất định, nhưng để dòng chảy của lịch sử liên tục được phản ánh chân thực, mới mẻ với cảm xúc của con người đương đại, mang thông điệp tới tương lai, nhất thiết phải tìm ra và thiết lập sợi dây đó, sợi dây chắp cánh cho sáng tạo nghệ thuật và làm thăng hoa các giá trị của lịch sử.

Đồng thời với chú tâm về quá khứ, chúng ta cần trù tính yếu tố lịch sử ngay từ sáng tạo nghệ thuật đương đại vì chính những tác phẩm ngày hôm nay sẽ là lịch sử của các thế hệ kế tiếp, do đó sợi dây nào đưa nghệ thuật đến với lịch sử và lịch sử đến với nghệ thuật, để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai cần được hình dung và tiếp tục định hình từ ý tưởng sáng tác đến cuộc sống của tác phẩm nghệ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Hồ Anh Tuấn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *