Trước năm 1945, khi cơ cấu tổ chức xã hội vẫn còn theo phe, giáp thì lễ hội được tổ chức dưới sự điều hành của các giáp trong các kỳ lễ hội. Người dân các làng tự tổ chức lễ hội của mình, họ coi đó là quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với làng, xã. Ngày nay, việc tổ chức lễ hội đã có nhiều biến đổi về cách thức tổ chức, không gian lễ hội, vật dâng cúng, lễ nghi, trò chơi, trò diễn.
Sự biến đổi trong cách thức tổ chức lễ hội
Lễ hội ở mỗi nơi lại có qui mô khác nhau, vì vậy đơn vị đứng ra tổ chức cũng khác nhau. Ngày nay, vai trò của lão làng, người cao tuổi trong làng vẫn rất quan trọng trong việc tổ chức lễ hội.
Cấp độ tham gia của chính quyền vào quản lý, chỉ đạo tổ chức lễ hội của địa phương theo từng năm cũng thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa của lễ hội của năm đó. Điều này cho thấy công tác tổ chức lễ hội đã có xu hướng hành chính hóa với sự tham gia của các cấp chính quyền nhà nước, sự tham gia của các hội, các dòng họ, do người dân đại diện với mọi lứa tuổi, thành phần trong làng, xã, huyện, tỉnh thậm chí của cả vùng.
Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội cũng bị tác động do hoàn cảnh khách quan như thời tiết, chiến tranh, mất mùa đói kém nên quy mô, cách tổ chức nhiều khi cũng giản tiện hơn. Nhiều lễ hội được phục dựng lại hoành tráng, sôi động, có vai trò to lớn trong đời sống văn hóa của người dân do được sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Nguồn tài chính để tổ chức vẫn là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến lễ hội. Hầu hết các lễ hội chủ yếu đều huy động tài chính trong nhân dân, các nhà tài trợ. Nếu có kinh phí của xã hỗ trợ thì cũng chỉ đủ đón tiếp đại biểu đến dự và chi phí khánh tiết cho buổi lễ. Các hoạt động thường quyên góp lấy thu bù chi. Trong lễ hội hiện nay không thể thiếu nghi lễ mới đó là khai mạc lễ hội, tổ chức dâng hương của các đại biểu đến dự. Nghi lễ này thực hiện theo kịch bản hoặc hướng dẫn chung của cơ quan quản lý văn hóa các cấp.
Lễ hội ngày nay cũng không còn nặng về hình thức và giảm bớt tính tục lệ làng xã của xã hội cổ truyền như việc tổ chức cỗ bàn, ăn uống linh đình của phe pháp, dòng họ. Việc ăn uống chỉ có tính lễ nghi, đón tiếp khách có liên quan đến công việc tổ chức lễ hội. Hơn nữa, khách đến dự hội chủ yếu là giải tỏa tâm linh và vui hội.
Một số lễ hội có xu hướng hành chính hóa, thiếu sự gắn bó của người dân tham gia lễ hội dẫn tới sự đơn điệu, giống nhau từ năm này sang năm khác, yếu tố quan trọng nhất của lễ hội là cộng mệnh và cộng cảm không còn nữa. Vai trò của lễ hội, tính cộng đồng, sức hút của lễ hội cũng bị giảm đi, đời sống văn hóa của cư dân địa phương bị hạn chế.
Những lễ hội do nhân dân đứng ra tổ chức bao giờ người dân cũng tham gia tích cực hơn, sáng tạo trong cách thức tổ chức qua mỗi năm. Thực tế đã chứng minh lễ hội ở đâu người dân được tự quản, tự gánh vác trong việc tổ chức, điều hành lễ hội như một phần trách nhiệm tâm linh thì sự gắn kết cộng đồng diễn ra tự nhiên, hiệu quả, bền chặt hơn. Việc chuẩn bị cho lễ hội trong xã hội hiện đại cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đây và có nhiều thuận lợi hơn.
Lễ hội truyền thống được tổ chức cho cộng đồng. Nhưng hiện nay chúng ta thấy một số lễ hội được tổ chức không chỉ cho cộng đồng mà còn tập trung vào khách thập phương, thu hút các nhà hảo tâm đóng góp cho hội. Nhiều nơi người dân địa phương lại trở nên thờ ơ với lễ hội ngay nơi mình sinh sống. Khi nghiên cứu lễ hội hiện nay, có ý kiến: “Không thể nói rằng lễ hội ngày xưa không có khách chảy hội, nhưng nhìn chung việc quản lý và tổ chức các lễ hội trước đây không bị chi phối bởi lượng khách như ngày nay; thậm chí, trong những trường hợp cụ thể, chúng ta đã không nói quá khi cho rằng, cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội truyền thống chủ yếu phục vụ cho khách trảy hội, chứ không còn hướng đến cộng đồng cư dân địa phương như trước kia nữa” (1).
Tổ chức lễ hội là một việc không hề đơn giản, đòi hỏi những nhà quản lý văn hóa phải có chuyên môn, nghiệp vụ và có cái tâm để duy trì được những giá trị quý báu của lễ hội. Tổ chức theo kiểu rập khuôn, đóng kín chỉ làm cho lễ hội ngày càng giảm đi tính thiêng, tính cộng đồng. Tổ chức theo hình thức mở tức là không có sự quản lý lại làm cho lễ hội đi chệch quĩ đạo vốn có của nó do một số lực lượng muốn lợi dụng niềm tin của dân chúng. Vì vậy, vai trò của các nhà tổ chức lễ hội dù là chính quyền, địa phương hay nhân dân đều hết sức quan trọng. Tổ chức lễ hội thành công là đã góp phần bảo tồn các giá trị của lễ hội.
Sự biến đổi không gian lễ hội
Không gian tổ chức lễ hội thay đổi phần nhiều do sự tác động của môi trường sống xung quanh di tích. Nhiều di tích phải di dời do quy hoạch của Nhà nước, thành phố hoặc địa phương. Không gian lễ hội, di tích được mở rộng hay thu hẹp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, do yếu tố văn hóa hiện đại du nhập nhanh chóng.
Lễ hội truyền thống ven biển của cư dân Quảng Ninh được tổ chức ở những không gian thiêng như đình, đền, chùa, miếu,… đều là những trung tâm của lễ hội. Không gian văn hóa này là tâm điểm của cả làng, xã,… trong ngày lễ. Từ đó mới lan tỏa sang các vùng xung quanh. Không gian thiêng là nơi thờ các vị thánh thần, uy tín của các vị thánh thần sẽ quyết định quy mô, phạm vi quy mô nhỏ hay lớn của lễ hội. Uy tín đó lại do trình độ biểu trưng hóa cái linh thiêng, địa điểm thờ cúng đóng một vai trò quan trọng.
Không gian thực của lễ hội là phạm vi thực tế diễn ra lễ hội của làng, xã, là các nghi lễ, lễ rước, không gian chuẩn bị cho lễ hội, các thành viên chuẩn bị cho lễ hội. Không gian ảo của lễ hội là sự lan tỏa của lễ hội tới làng bên, xã bên hay cả một vùng rộng lớn khiến mọi người phải đến tham dự trực tiếp vào lễ hội. Độ lan tỏa này phụ thuộc vào mức độ linh thiêng của vị thánh, thần được tôn thờ, mức độ thể chế hóa của nhà nước đối với việc tôn thờ. Vì thế mới có lễ hội vùng, thậm chí lễ hội mang tính quốc gia.
Thực tế hiện nay có nhiều công trình di tích, đình, đền, miếu,… đã không còn hoặc đã được sử dụng vào việc khác. Chính vì vậy, nhiều lễ hội đã không khôi phục được các trò diễn, cuộc rước như xưa.
Sự biến đổi trong lễ vật dâng cúng
Chuẩn bị lễ vật dâng cúng là một việc làm trọng đại, thể hiện niềm tôn kính của dân làng đối với các vị thần được thờ. Vật dâng cúng cũng là thể hiện tính chất, bản chất của lễ hội là một trong những thành tố thu hút mọi người về dự hội. Lễ vật là một thành tố được coi là linh thiêng, chứa đựng năng lượng thiêng để tế thần. Lễ vật phản ánh, thể hiện sự tôn kính, tình cảm, thái độ, trách nhiệm, trình độ của dân chúng dành cho thần, dâng lên thần.
Hàng năm, vào mùa lễ hội, toàn thể dân chúng trong cộng đồng làng xã họp bàn, lo sửa soạn lễ vật dâng cúng thần linh rất chu đáo. Người dân quan niệm rằng phải đem dâng thần những sản vật đặc biệt tiêu biểu (đặc sản) thu được từ nền kinh tế nông nghiệp như trồng cấy (lúa gạo, hoa màu) và chăn nuôi (gia súc, gia cầm…). Sự thành tâm còn thể hiện trong việc nấu nướng hay chế biến sản vật theo những quy trình đặc biệt để tạo ra những món ăn thơm ngon, tinh khiết. Nhân dân các địa phương, nơi diễn ra lễ hội, thường dùng gạo để đồ xôi (cơm nếp), thổi cơm (cơm tẻ), làm các loại bánh (bánh chưng, bánh dày…), đóng oản, nấu rượu ngon (mỹ tửu) hoặc chế biến các loại thịt của gia súc (trâu, bò, lợn…), gia cầm (gà, ngan, ngỗng, vịt, chim…), hay sản vật từ biển (tôm, cua, cá,…) để làm lễ vật. Ngoài ra, hoa quả ngon, tươi cũng không thể thiếu trên mâm cỗ dâng cúng thần thánh.
Nhiều lễ hội vật dâng cúng có khi phải chuẩn bị cả năm trời, còn phải kiêng kỵ, phải chọn người khéo tay, chu đáo chuẩn bị lễ vật.
Ngoài việc nuôi lợn chầu thần, các ông đám, trong ngày hội đình, còn phải phục vụ hội theo sự phân công của ông đám trưởng, trong đó có việc dâng cỗ chay, cỗ mặn tế thần: cỗ mặn gồm xôi, gà, ngan, trang trí cách điệu thành hình tứ linh. Gạo để nấu xôi phải được ngâm rất cẩn thận. Người ngâm gạo phải là một phụ nữ đảm đang, được các cụ già làng tin cẩn giao cho. Nước ngâm gạo được lấy từ giếng giữa làng và phải lấy vào giờ dần (từ 3 đến 5 giờ sáng), người lấy nước phải là trai tân khỏe mạnh. Khâu ngâm gạo cũng là một công đoạn hết sức tỷ mỉ: gạo ngâm trong thùng gỗ, sau đó đổ nước cao hơn bề mặt của gạo khoảng 5cm, sau 1 giờ, tiếp tục đổ thêm nước cho gạo nở to, khoảng sau 1 giờ tiếp theo, cho gạo ra đãi, bỏ hết hạt xấu, sạn, sau đó lại cho vào thùng ngâm tiếp khoảng từ 3 đến 4 giờ thì vớt ra rá tre, để ráo nước rồi mới cho vào chõ, trước khi cho gạo vào chõ phải rắc một chút muối tinh để xôi có độ đậm vừa phải, rắc gạo nhẹ nhàng từng lớp tạo độ xốp giữa các hạt gạo thì xôi mới chín đều, khô dẻo, cho gạo vào xong lại đạy một lớp lá chuối lên trên rồi mới đem thổi. Khi thổi xôi, chỉ duy nhất một người được ngồi trông, tiếp lửa. Các cụ cho rằng nếu có hai người cùng trông một chõ xôi sẽ bị ganh nhau không chín được, bếp đun phải đảm bảo cháy đều, không to quá. Kinh nghiệm dân gian cho rằng khi nào vung chõ xôi bốc hơi và sờ thấy rất nóng thì lúc đó xôi mới chín. Xôi chín đem ra dỡ nhanh tay cho vào mâm đồng, một người dỡ xôi, một người dàn đều cho kín lòng mâm. Dàn thật tròn, bằng phẳng trên mặt thì ván xôi mới đạt yêu cầu. Sau đó, đặt gà lên trên, tạo hình con rùa (một trong tứ linh) thể hiện sự trang nghiêm thành kính đối với các bậc tiền hiền.
Cỗ chay là các loại bánh ngọt chế biến từ bột gạo nếp, gạo tẻ, bột sắn, đỗ xanh, đường. Có nơi là cỗ tầng, các thứ bánh được bày thành nhiều tầng, cao nhất là 16 tầng, thấp nhất là 2 tầng. Các thứ bánh rất phong phú: bánh tày, bánh cao, bánh chưng, bánh gio, chè lam, bánh tai voi, bánh quấn thừng, bánh quẩy, bánh nếp, bánh tẻ, bánh quả đào… Mỗi mâm cỗ đều có hai người khiêng, có lọng che, thể hiện sự thành tâm tôn kính dâng lễ vật lên các vị thành hoàng.
Hiện nay do điều kiện kinh tế đã khá giả hơn, lễ vật trong lễ hội cũng phong phú theo điều kiện thị trường. Bên cạnh đó nhiều trường hợp, ngoài yếu tố nghi lễ, đã có xu hướng chạy theo trình diễn lễ vật hơn là chú trọng yếu tố tâm linh. Nhiều nơi, nhiều người dùng các lễ vật có sẵn bán ngoài chợ như: lợn quay, xôi. Đồ lễ thì có thêm cả rượu tây, các loại nước ngọt, hoa quả nhập ngoại.
Sự biến đổi trong nghi lễ
Nghi lễ trong lễ hội cổ truyền được thực hiện tuần tự theo qui định truyền thống, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Chính vì vậy, nghi lễ trong các lễ hội khá giống nhau. Một số nơi do quan niệm, cách thức tổ chức đã giản lược bớt đi nghi lễ nên sự trang trọng của lễ nghi cũng không còn được như trước.
Trước khi vào hội bao giờ các làng cũng tổ chức lễ mộc dục (lễ tắm thần vị). Lễ mộc dục được thực hiện rất trang nghiêm, tôn kính, thường được chọn vào giờ thiêng. Người thực hành nghi lễ cũng được chọn cẩn thận. Tại nhiều lễ hội trước khi làm lễ mộc dục, phải tiến hành nghi lễ rước nước về để làm lễ tắm cho thần.
Rước kiệu thánh trong lễ hội cổ truyền cũng là một nội dung hết sức linh thiêng trong lễ hội. Lễ rước là để nghênh đón thần về dự hội của làng, để dân làng được cúng tế thần. Tuy nhiên, nhiều cuộc rước hiện nay cũng đã bị mai một đi nhiều.
Thêm vào đó, tham gia các đội tế tại các di tích hiện nay đội tế nữ nhiều hơn đội tế nam. Một số nơi có cả đội tế nam và đội tế nữ. Việc trang phục của đội tế cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Có nơi người tế đi hia theo cổ truyền nhưng nhiều nơi lại đi giày vải. Các kiểu mũ áo không thống nhất, hoàn chỉnh. Mỗi đội tế lại có cách trang trí đồng phục của xiêm áo, mũ, hia hoàn toàn khác nhau. Mũ tế nam quan có nơi có cánh chuồn, có nơi lại theo mũ triều phục của cung đình nhà Nguyễn.
Nhiều lễ hội ngày nay mang lớp văn hóa, tín ngưỡng. Việc tổ chức đoàn rước hoành tráng, việc người dân làm lễ vật dâng cúng hai bên đường, ném tiền lên kiệu rước khi đoàn rước đi qua hay du khách về cầu làm ăn đã làm cho lễ hội thiên về tín ngưỡng sùng bái cầu tài, cầu lộc hơn là một lễ hội lịch sử.
Sự biến đổi trong trò chơi, trò diễn
Xưa kia, mỗi năm lễ hội được tổ chức một lần nên trò chơi, trò diễn cũng diễn ra một lần, lễ hội chính là nơi con người giao hòa với nhau, được thể hiện mình khi trực tiếp vào trò chơi ấy. Trò chơi, trò diễn cũng tạo nên bản sắc riêng độc đáo của lễ hội. Nói đến lễ hội Vân Đồn người ta nhớ đến hội đua thuyền, lễ hội Trà Cổ nhớ đến trò chơi bịt mắt chém cá chình, lễ hội xuống đồng (Yên Hưng) nhớ đến hội thi cấy… Tất cả, tạo nên một tổng thể hài hòa trong sắc thái văn hóa riêng đặc sắc.
Trong các lễ hội ở Quảng Ninh vẫn còn tồn tại những trò chơi dân gian phổ biến như: chọi gà, đánh cờ, tổ tôm điếm, tam cúc, múa long đao, đánh vật, bịt mắt bắt dê, kéo co, hát chèo, hát đúm, hát giao duyên,… Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều trò chơi hiện đại như: đánh xèng, bắn súng điện tử, úp vòng, tôm cá, xiếc thiếu nhi,… Một số hình thức vui chơi thể dục thể thao cũng đưa vào trong hội như: thi chạy, đánh cầu long, đánh bóng bàn, thi đá bóng,…
Hội đền Cửa Ông xưa có hội bơi trải và các trò chơi dân gian. Ngày nay không tổ chức thi bơi trải nhưng vẫn duy trì các trò chơi dân gian như: thi têm trầu, thi thổi cơm, thi giết gà, soạn lễ, thi đẩy gậy, múa rồng, lân,…
Hội Vân Đồn chỉ tập trung vào hội bơi thuyền mà không tổ chức các trò chơi dân gian khác trên biển. Cư dân địa phương ít tham gia, chỉ chủ yếu người ngoài địa phương.
Hội Tiên Công, hội đình Giang Võng, hội Trà Cổ,… vẫn còn duy trì được tổ chức hát đúm và có sự tham gia của các tỉnh bạn như Hải Phòng, Nam Định,…được người dân nhiệt liệt hưởng ứng.
Mặc dù trò chơi, trò diễn đã có nhiều thay đổi nhưng tham gia lễ hội, tham gia vào các trò chơi thì người dân mới được hòa mình, thể hiện mình vào các trò diễn, cũng chính là dịp họ được vui chơi thỏa thích sau những ngày lao động cực nhọc. Cùng tham gia vào hội với mọi người tức là cùng thể hiện niềm cộng cảm, cộng mệnh. Các trò chơi dân gian bao giờ cũng phát huy tính tập thể, tính cộng đồng rất cao. Vì vậy, người dân tham gia vào trò chơi, trò diễn cũng là cơ hội họ được hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn thường ngày.
Biến đổi xã hội là những thay đổi trong các điều kiện, phương thức sinh hoạt, trong cơ cấu của một nhóm, một tổ chức xã hội, một tập thể, thậm chí trong toàn bộ xã hội. Lễ hội truyền thống nói chung, lễ hội truyền thống ven biển ở Quảng Ninh nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Song lễ hội là một trong những nhân tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt. Vì vậy, việc bảo tồn, duy trì lễ hội truyền thống là điều cần thiết để lễ hội tồn tại mãi trong lòng người dân.
_______________
1. Bùi Hoài Sơn, Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ từ năm 1945 đến nay, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2006, tr.31, 32.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám