Sự dung hợp tín ngưỡng dân gian trong chùa việt khánh hòa

Từ lâu, chùa Việt Khánh Hòa không chỉ thờ Phật, mà còn dung hợp nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian, tiêu biểu như Thiên Y A Na, Quan Thánh, Ngũ hành thần nữ; sự dung hợp này được phản ánh qua cấu trúc thờ tự, thực hành văn hóa. Đồng thời, nó biểu hiện tính truyền thống, đa dạng, biến đổi, tiếp biến văn hóa, sắc thái vùng miền trong chùa Việt Khánh Hòa. Từ nghiên cứu thực địa, bài viết bàn luận về sự dung hợp tín ngưỡng dân gian tại nơi đây.

Sự dung hợp của Phật giáo với các loại hình tín ngưỡng khác

Trong quá trình xây dựng, phát triển Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã tiếp tục lựa chọn, sùng bái Phật giáo. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn tiếp nhận tư tưởng Phật giáo đại thừa từ Trung Hoa. Thời kỳ này có nhiều thiền sư Trung Hoa sang truyền bá tư tưởng Phật giáo, gồm phái Lâm Tế, Tào Động. Phái Lâm Tế giữ vai trò chủ đạo, được truyền bá phổ biến hơn. Tác giả Nguyễn Lang viết: “Trong thâm ý của chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Các chúa Nguyễn đều sùng đạo Phật, nhân dân Đàng Trong nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh – Thanh, nhiều cao tăng Trung Hoa đã tới Đàng Trong hành hóa”(1). Sau đó, các chúa Nguyễn tiếp tục công cuộc Nam tiến, truyền bá Phật giáo ở đàng trong. Năm 1653, vùng đất Khánh Hòa được khai mở bởi chúa Nguyễn Phúc Tần. Phật giáo cũng theo bước chân chúa Nguyễn truyền vào Khánh Hòa vào những năm cuối TK XVII. Có nhiều thảo am được tạo dựng thờ đức Phật ở Khánh Hòa trong thời gian này. Dần dần, những thảo am này được xây dựng thành những ngôi chùa kiên cố như chùa Phổ Hòa, Thanh Lương, Kim Sơn, Linh Phong, Vạn Thiện… Những ngôi chùa này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc truyền bá tư tưởng Phật giáo mà còn là bệ đỡ tinh thần cho người Việt trong quá trình khai hoang trên vùng đất mới. Chùa Việt Khánh Hòa được làm theo lối kiến trúc truyền thống, bình đồ chữ đinh, nhất, nhị hoặc công. Tuy nhiên, tượng trong chùa Việt Khánh Hòa có số lượng ít, không chia thành nhiều lớp như chùa Việt Bắc Bộ. Cách bài trí tượng trong chùa Việt Khánh Hòa cũng rất linh hoạt, phổ biến là: Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Đại Thế Chí, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Nam Hải…

Mặt khác, trong quá trình di cư đến Khánh Hòa cũng như vùng đất khác, người Việt mang theo nhiều phong tục truyền thống như tín ngưỡng thờ tổ tiên, mẫu tam phủ, tứ phủ, thờ Trần Hưng Đạo, Hùng Vương… Hơn nữa, quá trình cộng cư, giao lưu giữa người Việt với người Chăm hoặc các tộc người khác ở Khánh Hòa đã hình thành tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa. Người Việt đã dung hợp, Việt hóa nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na thánh mẫu của họ. Bên cạnh đó, sự tiếp biến văn hóa Việt – Hoa đã hình thành tục thờ Quan Thánh trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Khánh Hòa. Theo thời gian, do niềm tin, nhu cầu tâm linh của người Việt, mà những tín ngưỡng dân gian này đã dung hợp trong chùa Việt Khánh Hòa. Do điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử, xã hội mà sự dung hợp này mang sắc thái văn hóa riêng. Tuy nhiên, trong bài viết này chỉ tập trung thảo luận sự dung hợp 3 tín ngưỡng dân gian tiêu biểu trong chùa Việt Khánh Hòa, đó là Quan Thánh, Thiên Y A Na, Ngũ hành thần nữ. Sự dung hợp này vừa phản ánh tính truyền thống, vừa là sự Việt hóa trong quá trình tiếp nhận Phật giáo vào nước ta. Tác giả Trần Quốc Vượng viết: “Phật giáo cũng như Đạo giáo, được truyền bá từ Ấn Độ, Trung Hoa vào Việt Nam từ đầu công nguyên thì chúng ta cũng dung hòa, dung hóa với những tín ngưỡng dân gian vốn có. Kết quả là thần điện Việt Nam thêm phong phú, bác tạp, hoặc thần cũ được gọi theo tên mới, Tàu hay Ấn, hoặc ngoại lai được biến dạng đi” (2).


 Chùa Long Sơn, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh Tuấn Minh 

Một số tín ngưỡng dân gian tiêu biểu trong chùa Việt Khánh Hòa

Thứ nhất là sự dung hợp tín ngưỡng Thiên Y A Na trong chùa Việt Khánh Hòa. Đây là vị mẫu thần dân gian quan trọng của người Việt ở Khánh Hòa, là kết quả của sự giao lưu tiếp biến văn hóa Việt – Chăm. Quá trình Nam tiến, người Việt đã dung hợp rồi Việt hóa nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm thành Thiên Y A Na thánh mẫu của họ. Theo đó, vị mẫu thần được người Việt thờ phụng chính tại hai di tích là tháp Bà, am Chúa. Đây là hai di tích thờ phụng Thiên Y A Na quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Khánh Hòa. Đặc biệt, tháp Bà là điện thờ nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm được người Việt kế thừa, Việt hóa thành quần thể thờ Thiên Y A Na. Còn di tích am Chúa xã Diên Điền, huyện Diên Khánh là di tích do người Việt tạo dựng mới để thờ phụng Thiên Y A Na. Theo thời gian, tín ngưỡng Thiên Y A Na được phổ biến, lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở Khánh Hòa. Theo đó, Thiên Y A Na Thánh Mẫu được người Việt phối thờ phổ biến như trong lăng ông Nam Hải, đình làng, miếu ngũ hành thần nữ, chùa, điện thần mẫu tứ phủ Huế, điện thần mẫu tam, tứ phủ Bắc… Từ lâu, sự dung hợp, phối thờ Thiên Y A Na là một hiện tượng phổ biến trong chùa Việt Khánh Hòa (3). Tuy nhiên, so với tín ngưỡng thờ Quan Thánh, tục thờ ngũ hành thần nữ thì tín ngưỡng Thiên Y A Na luôn được đề cao, có vị trí quan trọng trong chùa Việt Khánh Hòa. Điều này cho thấy niềm tin, lòng thành kính, sự biết ơn của người Việt Khánh Hòa với Thiên Y A Na là rất lớn.

Bên cạnh đó, người Việt còn thực hành nhiều nghi lễ để tôn vinh, biết ơn Thiên Y A Na. Hàng tháng, vào ngày 1, 8, 15, 18, 28 âm lịch, người Việt thường dâng hương, hoa quả, đèn trà, trầu cau, nước, tụng kinh Thiên Y A Na. Lễ hội Thiên Y A Na được người Việt tổ chức lớn nhất vào tháng 3 âm lịch hàng năm tại tháp Bà, am Chúa. Theo truyền thuyết dân gian, đây là thời gian Thiên Y A Na giáng trần, thăng thiên. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều điện thờ Thiên Y A Na trong chùa Việt Khánh Hòa cũng tổ chức lễ hội mừng thánh mẫu như chùa Đào Viên, Suối Đổ, Bửu Long. Đặc biệt, ngoài những nghi lễ, thì lễ hội Thiên Y A Na trong chùa Việt Khánh Hòa đã tích hợp nghi lễ hầu đồng, hát văn trong tục thờ mẫu tam phủ, tứ phủ Bắc, tứ phủ Huế. Sự tích hợp này không chỉ thể hiện tính biến đổi mà còn tạo nên tính đa dạng trong thực hành tín ngưỡng Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa hiện nay. Nghi thức hầu bóng, hát văn vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, trong lễ hội Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa không thể thiếu tục múa bóng. Đây là điệu múa bóng dâng nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm đã được trao truyền cho người Việt gìn giữ, phát huy. Như vậy, sự dung hợp tín ngưỡng Thiên Y A Na trong chùa Việt Khánh Hòa phản ánh truyền thống văn hóa của người Việt là vừa thờ Phật, vừa thờ Mẫu. Nói cách khác, sự dung hợp tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Việt Khánh Hòa là quy luật tất yếu của Phật giáo Việt Nam. Tác giả Trần Lâm Biền viết: “Việc thờ Mẫu là một đảm bảo cho sự tồn tại của ngôi chùa, hay sự dung hội với tín ngưỡng dân dã này là đường đi tất yếu của Phật giáo, nhờ đó mà đạo Phật có bệ đỡ quần chúng” (4).

Thứ hai là sự dung hợp tín ngưỡng thờ Quan Thánh trong chùa Việt Khánh Hòa. Qua khảo sát thực địa, chúng tôi được biết nhiều ngôi chùa Việt Khánh Hòa phổ biến có cung hoặc ban thờ Quan Thánh. Bên cạnh đó, quá trình cộng cư giữa người Việt với người Hoa ở Khánh Hòa, đã thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông qua hoạt động kinh doanh, hôn nhân, sinh hoạt tín ngưỡng… Do đó, người Việt đã dung hợp Quan Thánh với vị thần khác của người Hoa trong tín ngưỡng dân gian của họ. Nhiều chùa Việt Khánh Hòa, ngoài thờ Phật, thì phổ biến thờ Quan Thánh cùng với hai tùy tướng của ông là Quan Bình, Châu Xương. Song, sự phối thờ Quan Thánh trong chùa Việt ở Khánh Hòa vừa đa dạng, vừa linh hoạt (5). Thông thường, gian giữa chính điện trong chùa Việt Khánh Hòa là cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, bên phải là ban thờ Quan Thánh, bên trái có thể là ban thờ Thiên Y A Na, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Nam Hải… Ban thờ Quan Thánh trong chùa Việt Khánh Hòa phổ quát là tượng Quan Thánh ở chính giữa, tượng hai tùy tướng của ông ở hai bên. Tượng Quan Thánh thường được người Việt tạc lớn nhất dưới hai hình thức đứng hoặc ngồi. Mặt tượng Quan Thánh thường được sơn màu đỏ, râu dài, mắt to, lông mày rậm, dài, mình khoác áo bào. Đồng thời, ban thờ Quan Thánh còn có bát hương, đèn, bát bửu, một con ngựa sơn màu đỏ, ống đựng thẻ xăm. Ngược lại, nhiều chùa Việt Khánh Hòa do không gian hẹp, nên không có ban, hoặc cung thờ riêng thì tượng Quan Thánh được bài trí ở gian giữa bên dưới tượng Phật Thích Ca Mâu Ni như chùa Oai Linh, Đào Viên ở Nha Trang. Điện thờ Quan Thánh được xây dựng theo bố cục hình chữ nhất gồm 3 gian, 2 chái, kiến trúc đẹp. Gian giữa là cung thờ Quan Thánh, gian bên phải là cung thờ Thiên Y A Na, gian bên trái là cung thờ Ngọc hoàng.

Ngoài ra, Quan Thánh còn được người Việt ở Khánh Hòa thờ phổ biến trong điện thần mẫu tứ phủ Huế, lăng ông Nam Hải, thậm chí trong cả điện thần mẫu tứ phủ Bắc. Điều khá thú vị trong điện thần mẫu của người Việt ở Khánh Hòa, là Quan Thánh luôn được phối thờ phổ biến với Thiên Y A Na như cặp nhị phân cha, mẹ trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Đây là sự khác biệt so với tín ngưỡng dân gian của người Việt Bắc Bộ, thường là Mẫu Liễu Hạnh với Đức Thánh Trần. Mặc dù người Việt Bắc Bộ mang theo tín ngưỡng đức thánh Trần vào vùng đất Khánh Hòa từ sau năm 1954, ông còn được thờ phổ biến trong những điện thờ mẫu tam phủ, tứ phủ Bắc tư gia của người Việt ở Khánh Hòa, ở đây còn có cả đền thờ, tượng đài Trần Hưng Đạo nhưng ông không được đề cao trong tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Khánh Hòa (6).

Việc phối thờ Quan Thánh trong chùa Việt Khánh Hòa có thể được lý giải bằng giả thuyết sau: người Việt tiếp nhận tín ngưỡng thờ Quan Thánh của người Hoa thông qua thương mại, cộng cư giữa người Việt với người Hoa, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Cũng có thể là chúa Nguyễn, triều Nguyễn muốn xây dựng văn hóa Đàng Trong khác Đàng Ngoài. Một lý do khác mà chúng tôi được biết là Quan Thánh được thờ trong chùa Việt ở Khánh Hòa là theo phong tục của dân làng (7). Đây là vị thần phù hộ cho nhân dân, ai đau bệnh đến cầu xin ngài. Do vậy, sự dung hợp, thờ phụng Quan Thánh đã trở nên phổ biến trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Khánh Hòa. Ngược lại, chúng tôi chưa quan sát được một điện thần nào của người Việt ở Khánh Hòa, mà lại có sự dung hợp, thờ phụng Thiên Hậu Thánh Mẫu như tín ngưỡng dân gian người Việt Nam Bộ.

Thứ ba là Ngũ hành thần nữ biểu tượng cho cho 5 yếu tố trong vũ trụ, đó là thủy, mộc, hỏa, thổ, kim. Ngũ hành thần nữ được người Việt ở Khánh Hòa thờ phụng phổ biến từ nông thôn đến thành thị, dưới nhiều hình thức như thờ trong miếu riêng, trong khuôn viên điện thờ Thiên Y A Na, lăng ông Nam Hải, đình, chùa, điện thần tứ phủ Huế. Trong những điện thần thường có linh tượng của 5 bà Ngũ hành. Tục thờ Ngũ hành thần nữ trong khuôn viên chùa Việt Khánh Hòa là do nhu cầu, niềm tin dân gian của người người dân nơi đây.

Sự dung hợp tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na trong chùa Việt Khánh Hòa chiếm vai trò chủ đạo trên hai phương diện thờ tự, thực hành văn hóa của người Việt. Sự dung hợp này không chỉ phản ánh tính truyền thống, dung hòa, mà còn thể hiện sắc thái địa phương của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, bài viết khắc họa bức tranh đa dạng, biến đổi, hỗn dung, sắc thái địa phương trong chùa Việt Khánh Hòa. Đây là kết quả của sự tiếp biến văn hóa  Việt – Chăm, Việt – Hoa trên vùng đất Khánh Hòa. Không những thế, sự dung hợp này đã phản ánh về điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, nhu cầu tín ngưỡng, mối quan hệ cộng cư giữa người Việt với các tộc người khác ở Khánh Hòa. Nói cách khác, chùa Việt Khánh Hòa là bức tranh đa dạng về sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian của người Việt. Qua tìm hiểu nguồn gốc, cách bài trí, các thực hành văn hóa trong một số trường hợp trên, bài viết đã diễn giải mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Khánh Hòa. Nguồn gốc của sự dung hợp xuất phát từ truyền thống, niềm tin, nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Mặt khác, những thực hành văn hóa trong chùa Việt Khánh Hòa còn là sự dung hợp nghi lễ Phật giáo vào tín ngưỡng dân gian của người Việt, không chỉ thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy, tích hợp những giá trị văn hóa của người Việt trong quá trình Nam tiến.

____________

1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, tr.584 – 585.

2. Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014, tr.265-266.

3, 5, 6, 7. Tư liệu điền dã của tác giả tại các chùa ở Khánh Hòa.

4. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.637.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN BỐN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *