Kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều ngành, nghề cùng vào cuộc, trong đó không thể thiếu ngành văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Điện ảnh góp phần đưa mọi người đến gần nhau hơn không kể già trẻ, tôn giáo, vùng miền, văn hóa. Để góp phần vào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngành điện ảnh Việt Nam cũng đã bắt tay vào sản xuất những bộ phim về đề tài lịch sử, đề tài vốn được cho là yếu và thiếu từ trước tới nay. Đối với điện ảnh Việt Nam, các nhà làm phim thường hay quan tâm tới những đề tài tâm lý, tình cảm hiện đại mà quên đi mảng đề tài lớn này. Bởi theo các đạo diễn, làm phim về lịch sử gặp rất nhiều vấn đề bất cập, như kinh phí cao, kịch bản thiếu, phim trường không có… nên dẫn đến việc rất ít phim lịch sử được sản xuất, để lại một khoảng trống trên màn ảnh nhỏ, cũng như trên rạp.
Sau một thời gian dài bị quên lãng, đề tài lịch sử đã nóng trở lại với những dự án làm phim quy mô lớn. Nhờ vào đại lễ năm nay mà khán giả mới lại được tiếp xúc và được thưởng thức những bộ phim điện ảnh và truyền hình về lịch sử Việt Nam. Có lẽ, việc trình chiếu phim lịch sử, cả điện ảnh và truyền hình, là cách tuyên truyền lịch sử sống động, và hiệu quả nhất. Một số lớp đối tượng trẻ ngày nay hiểu rất ít về lịch sử, nên cần có những bộ phim về lịch sử để họ xem và tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, nơi họ sinh ra và lớn lên. Nhưng điều này ở ta chưa thực hiện được tốt vì phim lịch sử còn quá ít, quá mới mẻ với những bạn trẻ, hoặc có nhưng chưa hay, chưa thuyết phục người xem, làm cho khán giả không mặn mà. Phim lịch sử của ta làm còn thiên về sân khấu, kịch, không thật. Nhìn sang nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc những đất nước có nhiều kinh nghiệm về làm phim lịch sử, những bộ phim của họ hoành tráng, chân thật, bối cảnh đẹp, trang phục đẹp, diễn viên xinh… Một thực tế là phim lịch sử của Trung Quốc được rất đông đảo khán giả Việt Nam đón xem và có những bộ phim còn gây sốt như phim Vua Càn Long, Tể tướng Lưu gù, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tần Thủy Hoàng… Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những bộ phim trên có thể coi là một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo, cả về nội dung lẫn hình thức, nó đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh thật trung thực về lịch sử Trung Quốc ở một khía cạnh, một thời đoạn lịch sử hay một triều đại nào đấy. Bộ phim đáp ứng được cả về khía cạnh giải trí và nghệ thuật, bởi vậy nó đã làm mê đắm, chinh phục hoàn toàn khán giả Việt Nam, kể cả những khán giả khó tính. Phim lịch sử Trung Quốc đa dạng, phong phú về đề tài bởi Trung Quốc là nước có bề dày lịch sử lâu đời, nên các nhà làm phim, đạo diễn thỏa sức vẫy vùng, sáng tạo trong những tác phẩm của mình nhưng không làm mất đi cái gốc của nội dung cốt truyện.
Có thời gian bật tivi lên ở bất kỳ kênh nào, hay bất kỳ buổi nào cũng thấy phim lịch sử Trung Quốc. Phim lịch sử Trung Quốc đã len lỏi vào từng góc phố, từng nhà dân và từng người, qua đó có cảm giác rằng không ít khán giả am hiểu lịch sử Trung Quốc còn tường tận hơn lịch sử Việt Nam. Điều đó hẳn làm chạnh lòng những người làm nghề khi mà về cơ bản, chúng ta có điều kiện để có thể sản xuất ra được những bộ phim lịch sử. Đề tài cho phim lịch sử không thiếu bởi lịch sử Việt Nam có vô số sự kiện, nhân vật anh hùng, đủ để tạo nên những câu chuyện phim hấp dẫn người xem và chúng ta cũng không thiếu những nhà làm phim tâm huyết. Nhưng trên thực tế, đến nay, phim lịch sử của ta, về số lượng thì quá ít, chất lượng lại thua kém rất nhiều so với những phim lịch sử của nước bạn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu phim lịch sử trên màn ảnh nhỏ là do không ai dám đầu tư, bởi kinh phí lớn, khả năng thu hồi vốn thấp. Các nhà làm phim luôn gặp khó khăn khi làm phim lịch sử, như làm sao phải am hiểu tác phẩm một cách thấu đáo, chính xác. Lịch sử tức là không được bóp méo dù có sáng tạo nghệ thuật nhưng vẫn phải giữ ở mức độ chân thực, chính xác, điều đó cũng dẫn đến sự gò bó về sáng tạo nghệ thuật, đôi khi làm cho tác phẩm bị khô cứng.
Năm 2010 là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn, nên điện ảnh Việt Nam cũng đã dành nhiều ưu ái hơn, quan tâm hơn đến mảng đề tài phim lịch sử. Do đó đã có nhiều đạo diễn, biên kịch đã vào cuộc viết những kịch bản phim lịch sử và làm phim lịch sử. Hưởng ứng cuộc phát động làm phim về đề tài lịch sử để chào đón 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với cuộc phát động của đài truyền hình, đã có nhiều hãng phim tư nhân cũng bắt tay vào cuộc. Đài Truyền hình TP.HCM đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thích hợp dành cho các hãng phim tư nhân như nâng mức giá cho mỗi tập phim, ưu tiên giờ đẹp để phát sóng, ưu tiên cho nhiều mục quảng cáo… Trước đây cũng đã có một số phim truyền hình về đề tài lịch sử như Hoàng Lê nhất thống chí, Dưới cờ đại nghĩa, Ngọn nến hoàng cung cũng đã nhận được nhiều lời khen, chê, bên cạnh đó điện ảnh cũng cho ra một số phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Giải phóng Sài Gòn, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… Những bộ phim điện ảnh này được mọi người đánh giá là thành công hơn so với những bộ phim truyền hình khác làm về lịch sử. Vào những năm 90 thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Việt Nam, hãng phim tư nhân Lý Huỳnh cũng làm một số bộ phim lịch sử như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại…, được đông đảo khán giả đón xem.
Giai đoạn này một số phim đang được gấp rút hoàn thành và để trình chiếu đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội như Tây Sơn hào kiệt của đạo diễn Lý Huỳnh, Long thành cầm giả ca đạo diễn Đào Bá Sơn, Thái sư Trần Thủ Độ đạo diễn Đào Duy Phúc, Khát vọng Thăng Long đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long, tổng đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu, do Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành (Hà Nội) và EASTV Hồng Kông hợp tác sản xuất, Huyền sử thiên đô, đạo diễn NSƯT Tất Bình và đạo diễn Phạm Thanh Phong thực hiện và còn rất nhiều phim về lịch sử khác nữa.
Những bộ phim lịch sử nêu trên không những tiêu tốn về tiền bạc, không những phải tập hợp sức mạnh của các bộ phận làm phim mà ngoài ra còn phải huy động cả dàn diễn viên quần chúng hàng nghìn người phục vụ những cảnh quay trong phim. Theo như dự tính, bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ kinh phí làm phim lên tới 51 tỉ VND, Khát vọng Thăng Long kinh phí còn cao hơn, lên đến 60 tỉ VND. Đó là những con số quá lớn dành cho một bộ phim Việt Nam, làm xôn xao dư luận, gây sự chú ý tới khán giả và nhiều người cũng đặt câu hỏi, liệu với kinh phí tốn kém như vậy, phim sẽ đạt được kết quả như mọi người vẫn mong chờ là có được một bộ phim lịch sử thật hoành tráng, mang đậm tính dân tộc, chân thật, đúng với giá trị của nó hay không?
Theo như thống kê xung quanh bộ phim Tây Sơn hào kiệt, riêng đội ngũ diễn viên quần chúng đã phải huy động đến 20.000 người, trang phục lên tới gần 10.000 bộ, có tới 200 võ sư Việt Nam tham gia diễn xuất và bộ phim cũng tiêu tốn tới 12 tỉ VND. Đó quả thật là những con số không nhỏ so với một bộ phim đã làm từ trước đến nay. Phim được quảng cáo rầm rộ khắp mọi nơi, và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đến thời điểm này bộ phim đã ra mắt khán giả, nhưng nó vẫn chưa thực sự thuyết phục được người xem, phim mới chỉ được công nhận ở mức độ hoành tráng, hay nói cách khác vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng bộ phim chưa thật chân thực, mang nhiều tính diễn xuất sân khấu hơn là chất điện ảnh. Phim được coi là thành công về mặt quảng cáo và cũng đạt kỷ lục về những con số. Diễn viên trong phim cũng thu hút sự chú ý của khán giả với sự diễn xuất của nam diễn viên nổi tiếng một thời Lý Hùng và diễn viên, hoa hậu hoàn vũ Thùy Lâm; sự kết hợp của 2 diễn viên này cũng phần nào tạo nên được sức hấp dẫn cho phim.
Phim Thái sư Trần Thủ Độ cũng là bộ phim gây nhiều tranh cãi và xôn xao dư luận. Như việc thay đổi diễn viên, tìm diễn viên vào vai Nguyên phi Trần Thị Dung thay thế cho á hậu Thiên Lý dừng vai cũng khá vất vả. Phim có phần phải thực hiện quay ở Trung Quốc, cảnh quay ở Trung Quốc không nhiều nhưng do thuê trường quay Hoàng Điếm nên tốn khá nhiều kinh phí. Và việc thiết kế lại bối cảnh trường quay cho phù hợp với bối cảnh lịch sử Việt Nam cũng mất một giai đoạn dài. Dàn diễn viên trong phim hội tụ cả diễn viên trong Nam và ngoài Bắc, có sự góp mặt của một số nghệ sĩ nhân dân, diễn viên NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, và các diễn viên trẻ, ca sĩ trẻ như Lã Thanh Huyền, Hứa Vĩ Văn, Võ Thành Tâm, Minh Hương…
Bộ phim truyện nhựa Long thành cầm giả ca được nhà biên kịch Văn Lê lấy từ cảm hứng bài thơ Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du trong bối cảnh Việt Nam cuối TK XVIII đầu TK XIX. Thông qua nhân vật chính là cô gái gảy đàn tên Cầm và chàng trai Tố Như, nội dung kịch bản nói về thân phận con người, những con người tài năng mà cuộc đời phải trải qua nhiều biến cố khủng khiếp nhất của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Khác với bộ phim lịch sử khác Long thành cầm giả ca khai thác về vẻ đẹp sâu lắng một thời của người Hà Nội, nỗi lòng của người trí thức và tình yêu trai gái. Được hứa hẹn là một bộ phim lịch sử với đề tài hấp dẫn, nhẹ nhàng, gần gũi con người, hy vọng Long thành cầm giả ca sẽ thu hút được sự đón nhận của khán giả. Sau bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ thì đây là bộ phim thứ 2 được nhà nước đặt hàng sản xuất phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bộ phim quay chủ yếu ở Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, phủ Thành Chương, Bắc Giang, Huế và khu giải trí Thiên đường Bảo Sơn, Ninh Bình. Diễn viên được chọn đóng vai Tố Như và nàng Cầm là diễn viên Ngọc Ngoan và ca sĩ Nhật Kim Anh.
Bộ phim Khát vọng Thăng Long đến giờ vẫn còn nằm trong vòng bí mật, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chưa muốn tiết lộ nhiều thông tin vì có thể đạo diễn muốn gây sự tò mò và bất ngờ cho khán giả. Nhưng một điều ai cũng biết đó là kinh phí làm bộ phim này cũng rất tốn kém. Bối cảnh quay chính của phim Khát vọng Thăng Long được thực hiện tại Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Huế, Tây Nguyên và nhiều nơi khác.
Phim Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long có nội dung xoay quanh con người và sự nghiệp vua Lý Công Uẩn, người khai sinh ra kinh thành Thăng Long và gắn kết đời mình với 3 thời kỳ lịch sử đáng nhớ: Đinh, tiền Lê và Lý. Ngoài ra bộ phim còn cho thấy việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển thành một quốc gia hùng cường và đặt nền móng đầu tiên cho một Thăng Long 1000 năm tuổi ngày nay. Bộ phim quay tại trường quay Hoành Điếm Trung Quốc với sự góp mặt của ê kíp làm phim của Việt Nam và Trung Quốc.
Lược qua mấy bộ phim nói trên, ta thấy đã có đến 2 phim lấy bối cảnh quay ở Trung Quốc. Điều này một phần lý giải vì sao phim lịch sử Việt Nam làm tốn nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian. Đó là do chúng ta không có phim trường, mà đối với một bộ phim lịch sử thì bối cảnh và trang phục là quan trọng nhất, có thể nói nó góp phần không nhỏ làm nên thành công của phim, bởi 2 yếu tố đó giúp cho người xem cảm nhận được không khí lịch sử trên phim.
Về trang phục, làm sao để khán giả xem phim chỉ cần nhìn vào trang phục diễn viên cũng có thể nhận biết được phim đang diễn ra ở thời kỳ lịch sử nào, và làm sao để cho nó phù hợp với đúng lịch sử Việt Nam chứ không phải vay mượn của Trung Quốc. Đã có những phim lịch sử Việt Nam, diễn viên Việt Nam đóng, nhưng khi nhìn vào trang phục, ta lại nhầm tưởng phim đang chiếu lịch sử của nước khác. Đây cũng là cái khó cho những nhà làm phim, bởi lịch sử đã đi qua hàng nghìn năm, khi tái hiện nhân vật, do ta thiếu tài liệu nghiên cứu nên việc sản xuất trang phục, dựng lại bối cảnh cho đúng… không phải là điều dễ dàng. Nếu như ở những bộ phim hiện đại chuyện phục trang chỉ cần có đủ tiền thì có thể có được những bộ trang phục như ý của nhân vật, nhưng ở phim lịch sử chuyện phục trang thực sự là một trong những vấn đề làm đau đầu các đạo diễn bởi có đủ tiền chúng ta vẫn bế tắc.
Đến bối cảnh trường quay chúng ta vẫn chưa có một trường quay nào dành riêng cho việc sản xuất phim, ta vẫn phải đi thuê trường quay của Trung Quốc để đóng hoặc đến những địa danh có những di tích hay lăng tẩm, đình làng, chùa cổ gần giống với kịch bản phim để quay. Nhưng việc lựa chọn những địa điểm có sẵn để vào phim như vậy rất dễ dẫn đến việc sai lệch về lịch sử, ví như ta cần quay cảnh thời Lý thì nếu không cẩn thận lại quay lăng tẩm thời Nguyễn, như thế là hoàn toàn sai lệch về bối cảnh bởi mỗi thời vua có khoảng cách giai đoạn lịch sử cách xa nhau hàng trăm năm nên kiến trúc cũng khác nhau. Để có được một bộ lịch sử thuần Việt, chúng ta phải tốn khá nhiều công sức, thời gian, kinh phí để chuẩn bị thật kỹ trước khi bấm máy.
Có thể nói rằng năm 2010 là năm của phim lịch sử. Điểm qua một số phim lịch sử Việt Nam đã, đang hoàn thiện và sẽ trình chiếu trong năm nay, có thể thấy đây là những tín hiệu đáng mừng đối với điện ảnh và truyền hình Việt Nam. Dẫu biết rằng làm phim lịch sử gặp rất nhiều khó khăn cả về mặt khách quan và chủ quan, nhưng các nhà làm phim Việt Nam đã cố gắng hết mình, dồn hết tâm huyết, dồn hết những khát khao cháy bỏng từ lâu nay để thực hiện, bộ phim lịch sử mang nhiều ý nghĩa cả về chính trị lẫn giá trị thưởng thức nghệ thuật. Có thể kết quả của sự thành công mỗi bộ phim sẽ không được như mong đợi của khán giả, nhưng dù sao đến thời điểm này, nó cũng gây được sự chú ý, dư luận quan tâm và đem lại những thách thức mới, những trải nghiệm mới, những thành công mới cho người làm phim lịch sử Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Hiền Hiền
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh