1. Sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa – một luận thuyết được ứng dụng phổ biến trong quan hệ quốc tế
Nội hàm khái niệm sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa
Sức mạnh mềm (soft power) là một thuật ngữ xuất hiện khá sớm trong giới học thuật phương Tây vào thập niên 30 và 40 của TK XX. Nhưng phải đợi đến cuối TK XX, thuật ngữ này mới chính thức được Joseph S.Nye (nhà nghiên cứu chính trị học quốc tế Mỹ, giáo sư danh tiếng của Đại học Haward) hoàn thiện về mặt khái niệm và từng bước tạo dựng thành một hệ thống lý luận có khả năng ứng dụng phổ biến trong quan hệ quốc tế. Trong cuốn sách xuất bản năm 1990 với nhan đề Ràng buộc để dẫn dắt: Bản chất sức mạnh đang thay đổi của Mỹ, J.Nye đã xác lập nội hàm khái niệm sức mạnh mềm bao gồm: 1. Sức mạnh mềm là sự hấp dẫn và mê hoặc chứ không phải cưỡng chế hay ép buộc. Một quốc gia có thể khiến đối tượng có hành vi học tập và làm theo những điều mình mong muốn thông qua sức lan tỏa về văn hóa, hình thái ý thức và chế độ, từ đó thực hiện mục tiêu chiến lược của quốc gia; 2. Sức mạnh mềm phản ánh khả năng của một quốc gia đề ra và xây dựng các thể chế quốc tế, đó cũng chính là hình thức quyền lực mới mà chủ nghĩa hiện thực mới và chủ nghĩa tự do mới đề cập đến; 3. Sức mạnh mềm mang tính thừa nhận, có thể là thừa nhận về giá trị hay thể chế, cũng có thể là thừa nhận trong phán đoán hệ thống quốc tế. Quyền lực mang tính thừa nhận giúp cho một quốc gia đạt được sự hợp pháp trên trường quốc tế (1).
Năm 2004 được coi là thời điểm đánh dấu bước phát triển mới của lý luận sức mạnh mềm khi J. Nye đi sâu phân tích và giải thích rõ hơn về khái niệm này. Trong cuốn Quyền lực mềm: Phương tiện để đạt được thành công trong chính trị quốc tế J. Nye cho rằng: “Xét từ góc độ hành vi, sức mạnh mềm là sức hấp dẫn. Xét từ góc độ nguồn tài nguyên, sức mạnh mềm là tài nguyên sản sinh ra sức hấp dẫn này”(2). Theo lý thuyết của J. Nye, sức mạnh mềm dựa trên ba nguồn cơ bản. Một là, văn hóa của một quốc gia (có sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác). Trong bối cảnh nhất định, văn hóa có thể được coi như một nguồn lực quan trọng của sức mạnh mềm. Văn hóa hiện diện ở các cấp độ vô cùng đa dạng, các nền văn hóa khác nhau tương tác theo những cách thức khác nhau, là kênh truyền bá giá trị và tư tưởng chính trị của một quốc gia. Hai là, tư tưởng chính trị và chính sách đối nội. Theo J.Nye, dân chủ và nhân quyền chính là những nguồn lực có hiệu quả tạo ra sức hút của Mỹ đối với thế giới, các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội thực hiện trong nước đạt hiệu quả cao cũng tạo ra hiệu ứng lan tỏa ra thế giới bên ngoài, tạo nên sức hấp dẫn của quốc gia này. Ba là, chính sách ngoại giao (khi chính sách được coi là uy tín và có đạo đức), sức hấp dẫn của một quốc gia phụ thuộc vào việc triển khai các chính sách ngoại giao cũng như những giá trị mà các chính sách ngoại giao muốn truyền tải. Mọi quốc gia đều tìm kiếm lợi ích quốc gia thông qua các chính sách ngoại giao, nhưng định nghĩa lợi ích quốc gia như thế nào và dùng cách thức nào để đạt được lợi ích quốc gia lại khác nhau giữa các nước. Những chính sách được xây dựng trên cơ sở xác định lợi ích quốc gia một cách rộng rãi và có tầm nhìn rộng dễ tạo ra sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác.
Như vậy, về cơ bản sức mạnh mềm được hiểu là sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế trong quan hệ quốc tế. Trong đó, sức mạnh mềm văn hóa” chính là nguồn lực quan trọng có sức hấp dẫn, có khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng thông qua các hình thức giao lưu văn hóa, các kênh đối ngoại văn hóa, giáo dục, phim ảnh, truyền thông,…
Các nguyên tắc sử dụng sức mạnh mềm văn hóa
Trên thực tế, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc … đều đã sử dụng sức mạnh mềm văn hóa ở các mức độ khác nhau như một phương thức gia tăng sức hấp dẫn, khả năng lan tỏa, cạnh tranh sức sản xuất, sức lan tỏa của văn hóa ra thế giới, từ đó nâng cao ảnh hưởng quốc tế và khẳng định vị trí cường quốc văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, việc sử dụng sức mạnh mềm văn hóa thường được tuân thủ theo một số quy tắc đặc thù sau:
Trong cạnh tranh và chinh phục đối phương, sức mạnh mềm văn hóa thường xuyên đi truớc sức mạnh cứng. Sở dĩ như vậy là vì các quốc gia đều muốn tạo dựng bộ mặt thân thiện, mang tính xây dựng và đem lại lợi ích cho đối tác, nhờ đó tranh thủ đuợc trái tim của nhân dân và trước hết là của ban lãnh đạo quốc gia đối tác. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm phí tổn nhất trong cạnh tranh quốc tế mà hiệu quả lại bền vững lâu dài. Chính vì động cơ đó mà quốc gia thường sử dụng ngoại giao văn hóa như một kênh để xây dựng hình tượng quốc gia và tăng cường lòng tin trong quan hệ quốc tế nhằm tránh những “hiểu lầm” ở đối tác về hành vi quân sự hay chính trị gây ra trong khu vực và trên thế giới.
Sức mạnh mềm văn hóa thường được các cường quốc vận dụng trước hết đối với các nước láng giềng, các nước từng chịu ảnh huởng về văn hóa và chính trị lâu dài trong lịch sử, nhất là các nước có chung ngôn ngữ, chữ viết, tôn giáo, thể chế và hệ tư tưởng chính trị. Nếu nước đó lại có cộng đồng ngoại kiều lớn mạnh có chung cội nguồn với cường quốc đi chinh phục thì việc sử dụng sức mạnh mềm càng hiệu quả.
Trong kỷ nguyên thông tin mạng, sức mạnh mềm văn hóa có điều kiện phát huy hết sức mạnh của mình nhờ vào hệ thống mạng toàn cầu (internet), công nghệ truyền hình kỹ thuật số… Giới hạn không gian và thời gian trở nên vô nghĩa. Bởi vì những yếu tố sức mạnh cứng thường mang đặc tính vật lý không gian (khối lượng, cự ly, tốc độ di chuyển của phương tiện). Các công cụ của sức mạnh cứng không thể trong nháy mắt tiếp cận được mục tiêu và chinh phục mục tiêu. Do đó so với việc sử dụng sức mạnh cứng, thì việc sử dụng sức mạnh mềm văn hóa tỏ ra có ưu thế vượt trội (3).
2. Sức mạnh mềm văn hóa – sự lựa chọn cần thiết nhằm tăng cường sức mạnh nội sinh và khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa Việt Nam
Những phân tích ở trên đã cho thấy, sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa là một hệ thống lý thuyết đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam xét trong cấu trúc hệ thống lý thuyết sức mạnh mềm đã từng được chính J.Nye – cha đẻ của học thuyết này – khẳng định là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội và lợi thế để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa trong quốc tế. Dựa vào cách tiếp cận sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa của J.Nye và căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước, chúng tôi xin được đề xuất một số ý kiến về vấn đề xây dựng sức mạnh mềm văn hóa quốc gia như một lựa chọn cần thiết nhằm tăng cường sức mạnh nội sinh và khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam như sau:
Phát huy các giá trị văn hóa ứng xử có sức thuyết phục và hấp dẫn của Việt Nam trong quan hệ quốc tế
Năm 2007, trong cuộc phỏng vấn báo chí Việt Nam, J.Nye đã từng nhận định, Việt Nam có nhiều thứ có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như sự nổi danh từ lịch sử đấu tranh giành độc lập bảo vệ chủ quyền, sự chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng… Ông cho rằng, những điều này đã giúp gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam. Điểm hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay nằm ở tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc và phát triển kinh tế. Cũng theo J.Nye, văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn, có sức lôi cuốn các nước phương Tây. Điều này thật quan trọng vì Việt Nam có 3 nguồn lực chính để tạo nên sức mạnh mềm: một là văn hóa quốc gia, hai là hệ giá trị quốc gia và ba là chính sách quốc gia. Từ lý thuyết của J.Nye có thể thấy, nguồn cội của sức mạnh mềm văn hóa suy cho cùng chính là những vẻ đẹp, giá trị cốt lõi của một dân tộc có tính thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm liên quan tới lợi ích quốc gia và môi trường hòa bình của khu vực. Từ cách tiếp cận như vậy, chúng ta có thể thấy, trong quá khứ, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được biết đến bởi hình ảnh một dân tộc yêu nước, quật cường… Thách thức sống còn trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo điều kiện cho Việt Nam được biết đến như một dân tộc quả cảm, quật cường, nhưng giàu lòng vị tha, khoan dung, thân thiện và yêu chuộng hòa bình. Đó là những giá trị bền vững, có khả năng lan tỏa và sức thuyết phục – những nét độc đáo mà nếu tích cực quảng bá và phát huy tối đa trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong các trường hợp nhạy cảm, chúng ta sẽ nhận được thiện cảm và sự đồng thuận của cộng đồng thế giới.
Mặt khác, nguồn lực sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam còn là khả năng dung nạp nhiều tư tưởng, văn hóa khác nhau, biến chúng thành của mình (như dung nạp từ chữ Hán, chữ quốc ngữ, dung nạp và tiếp biến những giá trị ngoại lai như Nho giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo… thành những giá trị tôn giáo có tính chất bản địa). Sức hấp dẫn của vẻ đẹp Việt Nam còn nằm khả năng dung nạp và Việt hóa những giá trị tinh hoa của các nền văn minh khác tạo nên tinh thần nhân văn, thân thiện với môi trường… Những giá trị này nếu được quảng bá một cách có hệ thống vì lợi ích của dân tộc, vì mục tiêu phát triển chung của cộng đồng quốc tế, sẽ tạo nên sức ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Truyền bá có chọn lọc bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các kênh ngoại giao văn hóa và vai trò của kiều bào tại nước ngoài
Trong việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa, một nhân tố cần phải chú trọng đó là truyền bá có chủ đích bản sắc văn hóa Việt ra thế giới. Là một quốc gia luôn sáng tạo trong việc bản địa hóa các yếu tố ngoại lai, đặc biệt là yếu tố văn hóa Hán, Việt Nam đã tạo nên một bản sắc văn hóa dân tộc không trộn lẫn thông qua các thành quả văn hóa nghệ thuật. Một nền văn học dân gian mang đậm sắc màu Đông Nam Á, sự ra đời của chữ Nôm như một cách khẳng định hồn cốt dân tộc, hay sức sống vượt thời gian của Truyện Kiều, âm nhạc thấm đẫm chất nhân văn của Trịnh Công Sơn, nhạc võ Tây Sơn, tà áo dài tha thướt của phụ nữ Việt, hương vị phở Hà Nội… đều đã được bạn bè quốc tế coi là sức quyến rũ của bản sắc văn hóa Việt Nam. Bản sắc đó, nếu được truyền bá chọn lọc và có hệ thống thông qua sự phối hợp chuyên nghiệp của các ngành nghề văn hóa với các kênh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân sẽ góp phần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra, các hình thức quảng bá hình ảnh đất nước thông qua sách báo, phát thanh và truyền hình, hội nghị, hội thảo quốc tế, đào tạo sinh viên nước ngoài, trao đổi chuyên gia, liên hoan văn hóa, nghệ thuật quốc tế, mạng xã hội,… rất cần được khai thác triệt để.
Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa mối liên hệ với cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài. Sự gắn kết của cộng đồng kiều bào ta với tổ quốc sẽ góp phần phổ biến, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của dân tộc, hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, củng cố tình cảm và nhận thức đúng đắn của cộng đồng quóc tế về Việt Nam. Cần biến môi trường dư luận quốc tế thành điểm tựa và sự hậu thuẫn vững chắc cho chúng ta trong quan hệ quốc tế.
Tăng cường sức hấp dẫn văn hóa thông qua kết hợp văn hóa làng nghề, ẩm thực, du lịch, thể thao…
Theo kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến của hơn 1.200 nhà quản lý du lịch trên toàn thế giới về xu hướng du lịch toàn cầu công bố năm 2013, châu Á dẫn đầu thế giới về tiềm năng phát triển du lịch, chỉ đứng sau người khổng lồ đông dân Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tiềm năng du lịch (4). Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2012 ước đạt 4,85 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu khảo sách của Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho thấy, hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam với lý do để khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới (5). Điều đó đã khẳng định vai trò của các di sản vật thể và phi vật thể đối với sự phát triển của ngành du lịch. Do vậy, một trong những phương thức hiệu quả để Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn văn hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế của các sản phẩm văn hóa chính là những hoạt động có định hướng và thể chế hóa trong các góc độ văn hóa, đặc biệt là lễ hội văn hóa, văn hóa làng nghề với sự phát triển của ngành du lịch phối hợp với thể thao…
Nâng cấp chất lượng văn hóa truyền thông
Trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông tin đối ngoại và ngoại giao nhân dân, khiến nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về đất nước con người và sức hấp dẫn của Việt Nam. Cần tận dụng mọi cơ hội để phát triển những giá trị cốt lõi có khả năng lan tỏa và tạo thiện cảm với dư luận quốc tế, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm có liên quan tới lợi ích quốc gia, như sự thân thiện, khoan dung, cởi mở, yêu chuộng hòa bình, cần cù lao động, sáng tạo, ham học hỏi, … Tăng cường các kênh thông tin và truyền thông, các trang mạng bằng tiếng nước ngoài, nhằm tuyên truyền tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Việc gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa các nước trên thế giới đối với Việt Nam thường tập trung vào giới trẻ và gắn với việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, gắn với các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông. Vì vậy, Việt Nam phải tận dụng công nghệ hiện đại và truyền thông để nâng cao chất lượng của các sản phẩm văn hóa, nâng cao sức cạnh tranh của những sản phẩm văn hóa trên thương trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Ngăn chặn việc xâm phập, phán tán các sản phẩm văn hóa thiếu lành mạnh và tăng cường các kênh hợp tác giao lưu, đối thoại văn hóa, giáo dục với nước bạn
Cần ngăn chặn việc phát tán những văn hóa phẩm thiếu lành mạnh từ các nước trên thế giới; chủ động nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong nhân dân, đặc biệt là cho thanh thiếu niên; tăng cường đưa học sinh sang Việt Nam du học và thu hút lưu học sinh nước ngoài đến Việt Nam học tập. Thực tế cho thấy, những thế hệ lưu học sinh từng học tập tại Việt Nam chính là những kênh truyền thông thuyết phục nhất với người dân các nước về sự thật hình ảnh đất nước, con người và bản sắc Việt Nam.
3. Kết luận
Những nghiên cứu ban đầu của chúng tôi đã từng bước cho thấy, sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa là một hệ thống lý thuyết đã được triển khai tại nhiều quốc gia và đã gia tăng tích cực khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa cũng như sức mạnh tổng hợp của các nước trong quan hệ quốc tế. Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa như một phương thức hiệu quả nhằm tăng cường sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của văn hóa. Mặt khác, với lợi thế là một quốc gia có khả năng chủ động tiếp nhận, hấp thu, tiếp biến có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, việc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa còn tạo dựng các điều kiện thuận lợi để Việt Nam thể hiện năng lực chống đỡ, hóa giải được những tác động nguy hại, gây xói mòn các giá trị nền tảng, làm giảm đi bản sắc văn hóa dân tộc và gây tổn hại tới chủ quyền văn hóa quốc gia. Do đó, đã đến lúc, chúng ta cần xem xét vấn đề gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam như một sự lựa chọn chính sách cần thiết nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội sinh, sức mạnh hội nhập và sức mạnh lan tỏa của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
_______________
1. Joseph S. Nye Jr., Bound to Lead: The Changing N ature of Am erican Power, New York: Basic Books, Inc., Publisher, 1990.
2. Phạm Hồng Yến, Hoài Nam, Lý luận sức mạnh mềm văn hóa và nhận thức của Trung Quốc về sức mạnh mềm văn hóa, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12-2013.
3. Lương Văn Kế, Phương pháp xác định sức mạnh tổng hợp quốc gia, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 9-2007 và Các yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 10-2007.
4. Việt Nam đứng thứ hai châu Á về tiềm năng du lịch, baomoi.com.
5. Giá trị di sản: Át chủ bài trong chiến lược phát triển du lịch cinet.gov.vn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Nguyễn Thị Thu Phương
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam