Sức mạnh mềm văn hóa với sự phát triển bền vững


Trong xu thế phát triển hiện nay, sức mạnh mềm văn hóa đã trở thành một nguồn tài nguyên quyền lực mới, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các quốc gia. Các nước trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều quan tâm xây dựng, củng cố, khai thác sức mạnh mềm văn hóa như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia. Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nằm ở chính giá trị nội sinh của văn hóa Việt Nam. Chỉ những giá trị đó mới đủ sức nặng, đủ bản lĩnh, uy tín, sức thuyết phục và sức lôi cuốn, hấp dẫn để lan tỏa và thâm nhập vào các nền văn hóa/cộng đồng khác nhau trên thế giới.

Sức mạnh mềm văn hóa

Khái niệm sức mạnh mềm (soft power) được đề cập lần đầu năm 1973, trong cuốn Sức mạnh và thịnh vượng của Klaus Knorr nhưng tới năm 1990, Joseph S.Nye, giáo sư của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) mới đưa ra khái niệm cụ thể: “Sức mạnh mềm là khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc; xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia. Theo đó, một quốc gia được coi là thành công trong việc xây dựng sức mạnh mềm khi dựa trên sức hấp dẫn của văn hóa, quan điểm chính trị và chính sách ngoại giao đủ sức lôi cuốn nước khác đi theo mình”. Năm 2006, J.S.Nye đã hoàn thiện khái niệm như sau: “Sức mạnh mềm là khả năng thông qua sự thu hút, hấp dẫn hoặc dụ dỗ của mình làm thay đổi hành vi của người khác, từ đó đạt được cái mà mình cần” (1). Ngoài ra, ông còn chỉ ra ba nguồn gốc của sức mạnh mềm, bao gồm văn hóa, thể chế chính trị và chính sách ngoại giao của một nước (2).

Sức mạnh mềm văn hóa là khái niệm được đề cập nhiều trong các nghiên cứu gần đây. Theo tác giả Nguyễn Thị Thu Phương, “sức mạnh mềm văn hóa chính là nguồn lực quan trọng có sức hấp dẫn, có khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa, tinh thần, hệ tư tưởng thông qua hình thức giao lưu văn hóa, các kênh đối ngoại văn hóa, giáo dục, phim ảnh, truyền thông,…” (3).

Từ những quan điểm trên, có thể hiểu: Sức mạnh mềm văn hóa là khả năng lan tỏa và thâm nhập các giá trị văn hóa từ chủ thể/ cộng đồng này sang chủ thể/ cộng đồng khác bằng sức hấp dẫn/ sự lôi cuốn, từ đó tạo ra thái độ chủ động tiếp nhận các hiện tượng văn hóa từ chủ thể/ cộng đồng mà nó tác động.

Sức mạnh mềm văn hóa có một số đặc điểm cơ bản sau: là những giá trị nền tảng, căn bản, cốt lõi, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc/ quốc gia; có sức ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng nơi nó khởi phát; có khả năng lan tỏa và thâm nhập vào cộng đồng văn hóa khác; tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn, thái độ chủ động tiếp nhận các hiện tượng văn hóa từ chủ thể/ cộng đồng mà nó tác động.

Phát triển bền vững

Thuật ngữ phát triển bền vững (sustainable development) ra đời từ những năm 1970, TK XX, được trình bày trong nhiều công trình nghiên cứu.

Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ. Như vậy, phát triển bền vững có nghĩa là sự kết hợp giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và sinh thái thành một chỉnh thể thống nhất (4).

Liên Hiệp Quốc thống nhất khái niệm về phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai” (5).

Theo UNESCO, “… Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy, phân tích đến cùng, các trọng tâm, động lực và mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa. Nhưng đó là điều cho đến nay vẫn thiếu. Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình là một nguồn cổ súy trực tiếp cho phát triển và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội” (6). Nhận định của UNESCO cho thấy vai trò quan trọng, động lực của sự phát triển nằm ở chính mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế. Phát triển văn hóa là vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Vì vậy, để mỗi quốc gia, dân tộc phát triển ổn định và bền vững, không chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà cần song hành với mục tiêu phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này có nghĩa là cần nhìn nhận văn hóa là cơ sở, là nền tảng, yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội.

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Sức mạnh mềm của một quốc gia được thể hiện ở nhiều yếu tố như sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tính thống nhất, gắn kết cộng đồng dân tộc, sự đồng thuận quốc gia, sự ổn định chính trị xã hội, chính sách ngoại giao, chính sách điều hành, quản lý, phát triển kinh tế – xã hội… Sự ảnh hưởng, giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ và nhiều quốc gia đang có xu hướng thể hiện, cạnh tranh sức mạnh qua truyền thông văn hóa – nghệ thuật truyền thống, văn học, điện ảnh, âm nhạc…

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nằm ở chính giá trị nội sinh của văn hóa Việt Nam. Giá trị nội sinh của văn hóa Việt Nam được cấu thành từ hệ giá trị văn hóa, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước; truyền thống yêu nước, ý thức độc lập tự chủ; khả năng tiếp nhận và biến đổi tài tình các giá trị văn hóa ngoại lai thành giá trị văn hóa bản địa. Điều đặc biệt ở đây là truyền thống ấy đã được người Việt Nam thể hiện qua các hình thức độc đáo, hấp dẫn. Đó là nền ẩm thực đặc sắc thiên về nguồn gốc nông nghiệp lúa nước, có sự tiếp thu tinh tế văn hóa ẩm thực từ các nước tạo ra thương hiệu riêng cho ẩm thực Việt Nam (bánh chưng, bánh dày, phở, nem, các món bún…); là các loại hình nghệ thuật được sinh ra và nuôi dưỡng trong cái nôi văn hóa nông nghiệp lúa nước (múa rối nước, chèo, hát quan họ…); là tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các hiện tượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp); là di sản hệ thống đê sông Hồng gắn với quá trình canh tác, trị thủy, kết tinh giá trị văn hóa nông nghiệp từ ngàn đời. Đó là hệ tư tưởng độc đáo, tôn giáo riêng của dân tộc: thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó còn là những công trình kiến trúc tôn giáo, chính trị đồng thời chứa đựng nghệ thuật đặc sắc như di sản Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long… Những giá trị này là kết tinh nguồn lực văn hóa Việt Nam, đã được tạo dựng, hun đúc và chứng minh qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, lan tỏa và thâm nhập trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những giá trị văn hóa đó được bạn bè quốc tế nhìn nhận như những biểu tượng văn hóa gắn với truyền thống dân tộc.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam chỉ nằm ở những giá trị nội sinh của văn hóa Việt Nam mới đủ sức nặng, đủ bản lĩnh, uy tín, sức thuyết phục và sức lôi cuốn, hấp dẫn để lan tỏa và thâm nhập vào các nền văn hóa/cộng đồng khác nhau trên thế giới.

Sức mạnh mềm văn hóa với phát triển bền vững đất nước – vấn đề và giải pháp

Sức mạnh mềm văn hóa cần được nhìn nhận vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận sức mạnh mềm văn hóa của chúng ta vẫn chủ yếu dưới dạng “tài nguyên”. Chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của nguồn lực văn hóa dân tộc. Giá trị nội lực của văn hóa dân tộc chưa được quan tâm xứng đáng để đưa vào các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Mặt khác, quá trình toàn cầu hóa hiện nay đồng thời dẫn tới nguy cơ làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Xuất khẩu văn hóa chưa tạo được những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Lợi thế và giá trị kinh tế của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa được chúng ta khai thác triệt để. Nhiều hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo và chưa có tầm nhìn dài hạn. Truyền thông chưa tạo được ảnh hưởng và sức lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Nguồn lực tài chính để phát triển và xây dựng sức mạnh mềm văn hóa còn eo hẹp. Nhân lực trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu và yếu, từ đội ngũ cán bộ quản lý, sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu đến các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu văn hóa muốn được nhìn nhận như một thứ sức mạnh mềm thì cần khắc phục những vấn đề nêu trên, đồng thời hội đủ “bản lĩnh”, thứ “bản lĩnh” được hun đúc từ truyền thống, từ kết tinh văn hóa dân tộc.

Vì thế, để có thể phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong sự phát triển bền vững đất nước, cần quan tâm đến những nội dung sau:

Phát huy giá trị nội sinh của văn hóa dân tộc, tạo sự gắn kết giữa truyền thống và hiện tại. Như đã đề cập ở trên, Việt Nam có các di sản văn hóa đặc sắc, được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước như hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật; trang phục; ẩm thực; lễ hội; phong tục tập quán; các loại hình nghệ thuật truyền thống… Đây cũng chính là nguồn lực cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Gắn kết giá trị văn hóa truyền thống với đời sống thực tại thông qua các giá trị mà văn hóa mang lại: giá trị giáo dục truyền thống, giá trị cố kết cộng đồng, giá trị nghệ thuật, giá trị giải trí, giá trị kinh tế.

 Để phát huy các giá trị nội sinh, cần chú trọng bảo tồn, sưu tầm, phục dựng, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật; trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, chú trọng phát hiện nhân tài, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, các hoạt động sáng tạo văn hóa, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa. Tăng cường sản xuất và xuất khẩu văn hóa vừa góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh quốc gia, vừa thể hiện sức hấp dẫn, sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra thế giới. Lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng, trong các hoạt động đời sống xã hội một cách gần gũi, giản dị nhằm nhận được sự quan tâm, thái độ trân trọng, trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc trong cộng đồng.

Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, bằng và thông qua văn hóa để phát triển đất nước. Cần đẩy mạnh quảng bá văn hóa, tạo ra sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam; giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, xây dựng thông điệp về hình ảnh quốc gia Việt Nam thân thiện, mến khách, gắn với truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước; truyền thống yêu nước, ý thức độc lập tự chủ,… Mở rộng phạm vi, mức độ, quy mô và chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè quốc tế; tăng cường sự hiện diện của các hoạt động văn hóa Việt Nam tại các sự kiện quốc tế như liên hoan du lịch, liên hoan ẩm thực, biểu diễn thời trang, hội chợ, các liên hoan phim quốc tế, triển lãm mỹ thuật thế giới, liên hoan nghệ thuật truyền thống (rối nước, âm nhạc… ), tổ chức ngày Việt Nam tại các nước… Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực cũng như mọi hình thức để quảng bá, giới thiệu, đưa văn hóa, các giá trị văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Các hoạt động này cần tạo được sức mạnh tổng hợp đủ để nhận diện và tạo hiệu ứng tích cực về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, đủ sức nặng để “đem chuông đi đánh nước người”.

Đổi mới công tác truyền thông văn hóa: Chúng ta cần tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều phương thức khác nhau để tiến hành công tác truyền thông văn hóa. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc ra thế giới bằng nhiều hình thức: báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet; đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức truyền thông bằng tiếng nước ngoài… Nội dung quảng bá, giới thiệu cần ngắn gọn, súc tích, đảm bảo tính nghệ thuật, tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn. Khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông (tốc độ, sức lan tỏa, hết hợp hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, trực tiếp, gián tiếp,…) để truyền tải các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Phát hiện, giới thiệu các di sản và truyền thống văn hóa của các địa phương, vùng, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Xây dựng hình ảnh các điểm đến văn hóa hấp dẫn (các điểm du lịch, các di sản được UNESCO công nhận, làng nghề, lễ hội, ẩm thực) cùng với hình ảnh đại sứ du lịch, đại sứ văn hóa là những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong cộng đồng. Phát huy thế mạnh của truyền thông để quảng bá các điểm đến để tạo ra lực hút và sức hấp dẫn du khách.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa: Con người là nhân tố then chốt, quyết định thành bại của mọi hoạt động. Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, có chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, hỗ trợ công tác truyền nghề và giáo dục giá trị văn hóa truyền thống. Để đảm bảo yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa, hội nhập cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức văn hóa, kiến thức đối ngoại cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa. Nâng cao chất lượng đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài để tạo dựng được quan hệ tốt, thiện cảm của nước chủ nhà. Đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa có khả năng phát triển sức mạnh mềm văn hóa thông qua các chương trình học tập, trao đổi, hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia thành công trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa với sự phát triển đất nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa, kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển: Để thực hiện những mục tiêu trên, cần xác định được các nguyên tắc của phát triển bền vững, là kim chỉ nam cho những hoạt động tiếp theo, giúp văn hóa nói chung, sức mạnh mềm văn hóa nói riêng, phát triển bền vững trong tương lai. Cần khai thác sử dụng nguồn lực văn hóa hợp lý bởi nó được coi là tài sản quốc gia. Việc sử dụng, bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, khai thác phù hợp dựa trên sự tính toán nhu cầu hiện tại và tương lai.

Duy trì bảo tồn sự đa dạng văn hóa, thiên nhiên, xã hội và nhân văn: Cần trân trọng tính đa dạng của văn hóa, thiên nhiên, xã hội, bảo vệ tính đa dạng của văn hóa địa phương. Sư phát triển phải phù hợp với văn hóa bản địa, phúc lợi xã hội, nhu cầu của sự phát triển. Thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển bền đất nước, đặc biệt là cộng đồng văn hóa, để văn hóa trở thành một hạt nhân của sự phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, sức mạnh mềm ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia. Vì thế, để tạo được sức mạnh tổng hợp quốc gia, đồng thời giải quyết mục tiêu phát triển bền vững thì không thể không khai thác sức mạnh mềm văn hóa. Phát huy sức mạnh mềm văn hóa gắn với phát triển bền vững đất nước cũng là cách để chúng ta gìn giữ, phát triển sức mạnh nội sinh của dân tộc trong điều kiện hiện nay.

________________

1. J.S.Nye, Think Again: Soft Power (tạm dịch: Tái suy ngẫm: sức mạnh mềm), www.foreignpolicy.com, 23-2-2006.

2. Hồ Sĩ Quý, Về “Sức mạnh mềm” Việt Nam, www.tuyengiao.vn.

3. Nguyễn Thị Thu Phương, Sức mạnh mềm văn hóa và sự lựa chọn chính sách ở Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 357, tháng 5-2014, tr.14-18.

4. Võ Minh Tập, Phát triển bền vững – Một số vấn đề lý luận và thực thi chiến lược trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, www. css.hcmussh.edu.vn.

5. UNEP, Hướng tới Nền kinh tế Xanh – Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, 2011, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, tr. 107.

6. Ủy ban quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992, tr.23.

Tác giả: Dương Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *