Sưu tập hiện vật tự tạo của phụ nữ tại bảo tàng phụ nữ việt nam

Những tấm gương về người phụ nữ vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà từ xưa đến nay không thiếu. Khi đất nước bị nạn ngoại xâm đe dọa, dân tộc đứng lên chống bọn thống trị giành lấy quyền sống, người phụ nữ đã biểu thị thái độ của mình Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Trong chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, cũng là bảo vệ gia đình và bản thân, phụ nữ đã trở thành một lực lượng quan trọng trong chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Với vai trò và đóng góp to lớn đó, trong 30 năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu sưu tầm và lưu giữ rất nhiều những sưu tập hiện vật về sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam, trong đó tiêu biểu là sưu tập hiện vật tự tạo của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, số lượng hơn 200 hiện vật với các loại hình:

Hiện vật thể khối gồm những bức thêu, bếp dầu, quạt, tác phẩm nghệ thuật của nữ tù làm khi bị giam tại các nhà tù, nhẫn chung thủy, lọ hoa được làm bằng vỏ đạn pháo 57 ly, bếp dầu làm từ vỏ hộp guygô, lược làm từ xác máy bay, đèn được làm từ vỏ bom bi…

Hiện vật chữ viết có: thư của nữ tù Côn Đảo, nữ TNXP, tập thơ của người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù, hồ sơ bệnh án giả điên, vở tự làm để học tập trong tù…

Nghiên cứu sâu, sưu tập hiện vật tự tạo của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã toát lên những giá trị tiêu biểu sau:

1. Thể hiện tình yêu quê hương đất nước

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định về lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam: “Dân ta có một tấm lòng yêu nước nồng nàn. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1). Lòng yêu nước chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử, kết nối 54 dân tộc Việt Nam, vốn dựa trên một nền và xoay quanh một trục, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, trường tồn và phát triển mãi mãi đến muôn đời sau. Có thể nói, lòng yêu nước là thẻ căn cước, là cái chứng minh thư để mỗi người dân, trong đó có phụ nữ Việt Nam khẳng định bản thân mình từ trong quá khứ đến hiện tại và trong tương lai.

Lật lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam, lòng yêu nước được lan tỏa vô cùng mạnh mẽ từ thời Bà Trưng, Bà Triệu cho đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Đặc biệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tinh thần yêu nước lại dạt dào, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thắng lợi vĩ đại của những ngày tháng 4 -1975, đã ghi đậm dấu ấn của dân tộc ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, sự đóng góp hy sinh to lớn của toàn dân tộc, trong đó có phụ nữ Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm ấy, đã có hàng vạn phụ nữ bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man. Hình ảnh bất khuất của họ góp phần làm sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng.

Sưu tập hiện vật tự tạo phụ nữ Việt Nam đã thể hiện tinh thần đó, ngay khi sa vào tay giặc, phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh đến cùng. Họ đoàn kết nhau, chia cho nhau từng bát cơm, manh áo, giọt nước, manh chiếu… dù điều kiện vô cùng khắc nghiệt, kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo, họ vẫn tỏ ra lạc quan yêu đời, có niềm tin trong sáng vào cách mạng nước nhà. Không những vậy, những người phụ nữ ấy còn không ngừng học tập để nâng cao trình độ bản thân, với mong muốn khi có điều kiện, sẽ đóng góp một phần sức lực nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tiêu biểu cho tinh thần yêu nước như trên, phải kể đến những tấm gương sáng chói:

Bà Trương Mỹ Hoa, người con gái Gò Công, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi còn nhỏ được má sai làm liên lạc, đưa thư, mang cơm cho mấy chú bộ đội. Năm 1962 bà tham gia phong trào học sinh, sinh viên tuyên truyền giáo dục phát triển hội viên, đoàn viên xây dựng cơ sở, tham gia biểu tình, hoạt động vừa công khai vừa bí mật, trở thành Ủy viên Ban chấp hành Khối trường Gia Định – Tân Định. Năm 1964, bà tham gia chiến dịch tuyên truyền chống lệnh tổng động viên của địch. Bà bị bắt, đày qua nhiều nhà lao và hai lần bị đày ra chuồng cọp Côn Đảo. Kẻ thù đã đóng đinh lên mười đầu ngón tay để tra tấn nhưng không khuất phục được ý chí của bà.

 Bà Võ Thị Thắng, khi bị bắt, đưa ra xét xử bị tòa tuyên án 20 năm khổ sai, đã mỉm cười nói một câu nổi tiếng “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?” và bức chân dung với nụ cười rực rỡ, hiên ngang của cô nữ sinh trẻ tuổi đã được một phóng viên người Nhật chụp lại, được in trên nhiều tờ báo nước ngoài. Bức thêu Chùa Một Cột của bà tự làm trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, năm 1970. Hồi đó bà chưa một lần ra thăm miền Bắc, chưa một lần được thăm chùa Một Cột nhưng qua tấm hình vẽ về ngôi chùa, bà đã hình dung và thêu. Để thêu được ở Côn Đảo là một việc rất khó khăn, bà hồi tưởng lại, lúc ở trong tù không có đủ ánh sáng, bà phải tận dụng tia sáng qua các khe cửa nhà tù, nhiều lúc ánh sáng thiếu bà vẫn cố gắng hình dung từng mũi kim sợi chỉ. Không những vậy, bà luôn phải giấu bức thêu mỗi khi có cai ngục đi tuần tra, kiểm soát do vậy phải mất thời gian gần một năm bà mới hoàn thành bức thêu. Giờ đây bức thêu không chỉ là kỷ vật thiêng liêng của riêng một người mà đã trở thành di sản văn hóa của phụ nữ Việt Nam.

Bà Cao Ngọc Quế sinh năm 1927, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, năm 19 tuổi, khi đang học khóa sư phạm cấp 1 tỉnh Tiền Giang, theo tiếng gọi của Đảng, bà xếp bút nghiên đi hoạt động cách mạng. Suốt hai cuộc kháng chiến, bà bị địch bắt giam 3 lần. Một lần giam và tra tấn tại nhà tù Catina, hai lần bị đày đi Côn Đảo, tổng cộng 11 năm ở tù với những đòn tra tấn dã man nhưng “luôn xác định, đời cách mạng dấn thân là phải chịu tù đày, là hy sinh, mất mát, để bản thân không bị lung lay, gục ngã, dù trong lòng thì như dao rạch ngang lồng ngực”.

 Chế độ nhà tù Côn Đảo thi hành mọi biện pháp tàn ác và âm mưu để hành hạ người tù cả thể xác và tinh thần. Nữ tù Côn Đảo tuy thành phần xuất thân, vị trí đấu tranh khác nhau, hoàn cảnh cũng không giống nhau, nhưng cùng chung một quyết tâm: “Thà chết chứ không cho địch khuất phục về chính trị, kiên quyết bảo vệ phẩm chất người cách mạng. Họ luôn lạc quan và luôn tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, vào lý tưởng và con đường cách mạng mà mình đã chọn. Nhà tù đồng nghĩa với địa ngục nhưng những nữ tù Côn Đảo đã biến nó thành trường tranh đấu, nơi biểu dương lực lượng của tình đoàn kết và lòng trung kiên cách mạng” (2).

Trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngại ngày đêm và bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chị em nữ nông dân tay cày, tay súng sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị làm chủ nhiệm giỏi. Tiêu biểu là 11 nữ anh hùng: Nguyễn Thị Song (Hà Bắc), Nguyễn Thị Chén (Hà Tây), Phạm Thị Vách (Hưng Yên)…

Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… với khẩu hiệu thi đua mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt cùng quyết tâm tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy, hàng chục vạn nữ công nhân tay búa, tay súng sôi nổi tham gia phong trào thi đua luyện tay nghề, thi thợ giỏi nêu cao tinh thần làm chủ tập thể. Nhiều đơn vị, cá nhân liên tục đạt ngày công, giờ công, phát huy sáng kiến, hoàn thành kế hoạch được Nhà nước tuyên dương anh hùng như tổ sợi 1 máy con ca A thuộc nhà máy dệt Nam Định, anh hùng Cù Thị Hậu, công nhân nhà máy dệt 8 – 3…

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chị em hết sức gan dạ, dũng cảm. Thi đua với phụ nữ miền Nam, hàng chục ngàn nữ thanh niên miền Bắc đã hăng hái gia nhập các đơn vị quân sự tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu. Hàng chục ngàn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Hình ảnh chị em sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, sửa chữa đường thông xe, hàng chục lần bị bom vùi, bị thương vẫn không rời vị trí, tình nguyện làm lễ truy điệu sống để phá bom nổ chậm. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước: bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt vượt bao mưa bom bão đạn, chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ vào Nam chiến đấu; anh hùng La Thị Tám 23 lần bị bom vùi vẫn không rời vị trí, bình tĩnh quan sát máy bay địch đếm từng quả bom rơi, đánh dấu từng quả bom chưa nổ để tạo điều kiện thuận lợi cho công binh phá bom nổ chậm. Đặc biệt tiểu đội nữ anh hùng 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, gần 200 ngày đêm trụ lại dưới bom đạn để sửa đường thông xe, bị thương vẫn không rời vị trí, đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ, nêu cao tấm gương dũng cảm tuyệt với, mãi mãi là bài ca bất diệt nối tiếp truyền thống yêu nước anh hùng của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Những câu chuyện hiện vật thuộc sưu tập đã phản ánh chân thực nhất về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nó có giá trị văn hóa rất lớn cho các nhà khoa học, bảo tàng góp phần nghiên cứu lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc, đặc biệt làm sáng ngời phẩm chất anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

2. Thể hiện tính nhân văn sâu sắc

Tình yêu trong thời kỳ chống Mỹ thường được mô tả đằm thắm, biểu lộ sự thủy chung sâu nặng. Những người phụ nữ Việt Nam mềm mại như cây lau nhưng lại chính là những cây lau bằng thép, giàu tình yêu thương. Trong sưu tập, mỗi một hiện vật là một câu chuyện cảm động, chứa đựng tâm tư, tình cảm, ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm của các nữ chiến sĩ.

Những dòng thư cuối cùng của chị Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng của tiểu đội TNXP, ngã ba Đồng Lộc viết ngày 19-7-1968 gửi về thăm mẹ trước 5 ngày hy sinh đã lay động con tim của hàng triệu khách tham quan khi đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. “Mẹ kính yêu của con… Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sĩ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn cho để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con. Mẹ ạ! Thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này…”.

Hay như chiếc quạt tự làm trong tù của bà Nguyên Thị Dung, cán bộ cách mạng đơn tuyến hai lần bị địch bắt giam và đầy ra Côn Đảo. Trong nhà giam, nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ với công lao sinh thành và dưỡng dục, được bà Dung gửi gắm vào chiếc quạt với hai câu thơ được thêu bằng tấm lòng của người con đối với cha mình. Chiếc quạt này bà làm trong thời gian một năm vì phải giấu bọn cai ngục, với mục đích mang về tặng cha khi bà được ra tù (mẹ bà đã qua đời).

Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng, những hiện vật trong sưu tập hiện vật tự tạo cũng kể những câu chuyện về tình anh em, máu mủ thật sâu đậm. Tình cảm ấy vẫn sáng mãi dù trong chiến tranh ác liệt hay nơi tù ngục tối tăm.

Câu chuyện về cặp gối của bà Nguyễn Thị Lượng, một đảng viên, một thành viên quan trọng của đội du kích địa phương ở Phú Yên. Trong thời gian bị giam cầm, bà luôn nhớ về người em trai của mình, bà muốn có một kỷ vật để lại sau này làm quà cưới cho em khi lớn lên (lúc đó em trai bà mới hơn mười tuổi). Được người bạn tù giúp chỉ thêu, vẽ hình hai con chim phượng và viết hai câu thơ. Để thêu cặp gối này bà đã gặp không ít khó khăn. Trong tù, cai ngục kiểm soát rất chặt chẽ, chúng cấm không cho thêu vì sợ tù nhân liên lạc với cơ sở cách mạng bên ngoài. Bà Lượng đã phải tranh thủ thêu vào buổi tối và phải thêu trên một mảnh vải nhỏ đủ làm mặt gối. Vài tháng sau, hai chiếc mặt gối được thêu hoàn thành. Bà Lượng thấy lòng mình thanh thản vì đã có một chút kỷ vật để lại cho em trai.

Hay như độn tóc của bà Lê Đoan, tổng biên tập báo Phụ nữ Giải phóng, đã thể hiện tình cảm đồng đội, đồng chí thật sâu nặng, nghĩa tình. Năm 1965, trong một chuyến công tác cơ sở tại Hậu Mỹ, Cái Bè, Tiền Giang bà Đoan đang dự một cuộc họp quan trọng thì địch càn và đổ bộ bằng trực thăng. Trước cuộc tấn công bất ngờ của kẻ thù, những cán bộ tham dự cuộc họp được lệnh rút khỏi khu vực nguy hiểm. Bà Đoàn Thị Đấu (Sáu Đấu), một người đồng chí đã nhanh chóng chèo thuyền đưa bà Lê Đoan vượt qua nhiều kênh, rạch, khôn khéo tránh được những luồng đạn bắn trượt của kẻ thù. Hai chị em chạy bộ khoảng hai cây số, do căng thẳng mệt mỏi nên cách hầm 50 mét, bà Lê Đoan bị ngất. Trước tình thế cấp bách, bà Sáu Đấu lúc đó có bầu 7 tháng đã cõng bà về hầm an toàn. Bà Lê Đoan vô cùng cảm động trước hành động dũng cảm, sự tận tình, chu đáo của bà Sáu Đấu. Trong thời gian ở đây, bà Lê Đoan đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo kỹ năng nghiệp vụ trong công tác cho bà Sáu Đấu. Tình cảm của họ chân thành, thương yêu nhau như chị em gái. Kết thúc đợt công tác, trước khi chia tay bà Lê Đoan đã lấy độn tóc của mình đưa cho Sáu Đấu và nói: “Chị về trên rừng, không biết có gặp lại Sáu không, nhưng tình nghĩa của Sáu làm chị cảm động. Chị để lại cho em đầu tóc mượt để làm kỷ niệm. Hồi trước tóc chị nhiều lắm, nhưng bị rụng hết, đầu tóc mượt này là những sợi tóc rụng để tích lại lâu ngày, sau vuốt ra làm thành tóc mượt. Chị tặng lại để làm đẹp cho Sáu”.

Chiếc bếp dầu của bà Lê Thu Phân, cán bộ binh vận xã Tân Thạnh, Long Phú, Hậu Giang được bà làm năm 1960 khi bị bắt và bị cầm tù tại khám Chí Hòa. Trong khám cuộc sống của chị em vô cùng khổ cực, thiếu thốn đủ thứ. Để khắc phục, bà đã tận dụng vỏ sữa guigô bằng nhôm xin được để gò lại thành chiếc bếp dầu dùng đun nước uống phục vụ cho bản thân và chị em cùng bị giam. Nhờ chiếc bếp này, nhiều chị em có nước đun sôi để uống từ năm 1960 – 1963.

Sưu tập hiện vật tự tạo của phụ nữ Việt Nam chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, thông qua câu chuyện hiện vật, ta thấy trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, dù chịu cực hình tra tấn nhưng tình yêu hòa bình, yêu đời, yêu tự do, tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng, tình anh em, đồng chí, đồng đội vẫn được toát lên một cách chân thực nhất. Những khát vọng được gửi gắm vào từng đường kim, mũi chỉ, nét vẽ… càng chứng tỏ phụ nữ Việt Nam có một tâm hồn thật đẹp, trong sáng nhưng thật giản dị và đáng trận trọng. Những hiện vật tự tạo của phụ nữ Việt Nam sẽ là những di sản văn hóa quý giá mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày.

____________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập III, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr.171.

2. Nhiều tác giả, Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo, Nxb Phụ nữ, 2010, tr.11-12.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *