Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là nền tảng tinh thần góp phần hình thành nên những con người mới có tri thức, đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh của văn hóa, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc kiến tạo nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) và lần thứ hai (1948) diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra tại hội nghị, đặc biệt là những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ảnh: tư liệu
Những thông điệp mang tính thời đại
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945), tình thế đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thử thách với sự đe dọa của ba loại giặc: “giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm”. Để thanh toán “giặc dốt”, các phong trào như Bình dân học vụ, những hoạt động tích cực của Hội Văn hóa cứu quốc đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong học tập, nâng cao trình độ văn hóa và ý thức làm chủ của người dân, thu hút sự tham gia đông đảo của văn nghệ sĩ, trí thức. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực với đại đa số văn nghệ sĩ, trí thức tin tưởng đi theo cách mạng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng thì cũng có không ít người hoang mang, dao động, chưa thực sự nhập cuộc, lên đường đi theo kháng chiến; một số văn nghệ sĩ nhẹ dạ, cả tin bị kẻ địch dụ dỗ, lợi dụng đã bẻ cong ngòi bút, phục vụ cho những mưu đồ chính trị của thực dân, đế quốc.
Trước tình hình cấp bách đặt ra trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 24-11-1946 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các trí thức, văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hội nghị dự kiến diễn ra trong 3 ngày nhưng do tình hình chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội lúc bấy giờ, Hội nghị đã kết thúc ngay sau một ngày khai mạc. Dù bận nhiều công việc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sắp xếp thời gian đến dự và có bài phát biểu quan trọng trong khoảng 40 phút. Đến nay, bài phát biểu Người đọc tại Hội nghị không còn lưu được bản gốc nhưng những tư tưởng, quan điểm Người trình bày tại Hội nghị đã được tường thuật chi tiết trên Báo Cứu quốc, số 416, ra ngày 25-11-1946.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của văn hóa, văn nghệ cũng như sứ mệnh, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Theo Người, văn hóa có mối liên hệ mật thiết với chính trị, đó là một “mặt trận” quan trọng trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Sự ra đời kịp thời của các tác phẩm nghệ thuật đã cổ vũ, động viên, tiếp thêm động lực, niềm tin, sức mạnh để toàn dân chung sức, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế, Người mong muốn: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ… Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình… Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Nói tới văn hóa là nói đến quá trình sáng tạo không ngừng của cá nhân, cộng đồng, được biểu hiện qua hành vi ứng xử, qua lối sống, phong tục, tập quán với những giá trị nhân văn, nhân bản; những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Vì thế, khi văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân nó sẽ khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, ý thức làm chủ của người dân nước độc lập, tự do. Đồng thời, với khả năng đánh thức cái đẹp, cái thiện trong mỗi người, văn hóa góp phần bài trừ những thói hư, tật xấu, sự ích kỷ, nhỏ nhen của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, sự tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người theo hướng tích cực, tiến bộ, nhân văn.
Tiếp nối tinh thần Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 với phương châm, nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới là dân tộc, khoa học, đại chúng, trong bài phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ của nền văn hoá mới là phải “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, tức là văn hóa phải gắn bó mật thiết với quần chúng, hướng về quần chúng, do quần chúng sáng tạo ra, đó là nền văn hóa lấy hạnh phúc của dân tộc, đồng bào làm mục tiêu hướng đến. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền văn hóa Việt Nam mới là nền văn hóa thấm đẫm tinh thần nhân văn, dân chủ, vì lợi ích và hạnh phúc của quốc dân, đồng bào.
Bàn về vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng của văn hóa trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng cuộc đời mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tính chất “soi đường” của văn hóa thể hiện ở tinh thần nêu gương, tiên phong, mở đường của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức – những người nặng tình, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Họ là những người đem tri thức để “khai sáng” cho đồng bào. Vì thế, mỗi việc làm, hành động, lời nói, sáng tác của họ đều có sức cảm hóa, tác động mạnh mẽ đến tư duy, nhận thức, hành động của nhân dân, dẫn dắt nhân dân tin tưởng đi theo cách mạng, kháng chiến, theo Đảng và Bác Hồ. Một trong những chức năng quan trọng của văn hóa, nghệ thuật là khả năng dự báo những biến chuyển của thời đại, gieo vào vào tâm tưởng của quần chúng tình yêu quê hương đất nước, niềm tin và khát vọng về tương lai tất thắng, về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Sau này trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Mặt trận văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận đặc biệt, nơi người nghệ sĩ dùng ngòi bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén để lên án, phê phán, đập tan luận điệu, âm mưu và dã tâm xâm lược của bọn thực dân, đế quốc, đồng thời đem đến cho quần chúng những “món ăn tinh thần” bổ ích, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để toàn dân đồng lòng, quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh, khả năng to lớn của văn hóa, nghệ thuật trong việc khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, giúp con người vượt qua những khó khăn trở ngại để cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng. Vì thế, với thiên chức cao cả, khả năng đặc biệt trong phản ánh hiện thực cuộc sống, con người, sức mạnh của “vũ khí tinh thần” từ những tác phẩm nghệ thuật phải soi đường, dẫn lối cho quốc dân, đồng bào, hướng họ đến với những giá trị của chân, thiện, mỹ.
Bàn về quy luật vận động, phát triển của nền văn hóa mới cũng như quá trình kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý đối với những người làm văn hóa phải không ngừng học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu vốn văn hóa dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa mở, luôn rộng đường đón nhận những thành quả của văn hóa, văn minh nhân loại đến từ nhiều quốc gia, dân tộc. Vì thế, tránh tâm lí bảo thủ, kép kín, bài ngoại. Tuy nhiên, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải trên tinh thần chủ động, sáng tạo, có chọn lọc, kế thừa, bổ sung và cải biến sao cho phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Nói về quá trình kiến tạo bản sắc văn hoá dân tộc, với cái nhìn biện chứng khách quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Như vậy, văn hóa là kết quả của quá trình sáng tạo của người dân Việt Nam, đồng thời đó là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc không ngừng phong phú, lớn mạnh.
Sau 2 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã được tổ chức tại Đào Giã (Thanh Ba, Phú Thọ), diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20-7-1948. Đây là hội nghị có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều đại biểu là các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong toàn quốc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang ra sức thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 11-6-1948). Trong 5 ngày làm việc, có 21 báo cáo được trình bày, bàn thảo về nhiều vấn đề như: Giáo dục và ngôn ngữ văn tự, khoa học tự nhiên và xã hội, văn hóa, văn nghệ.
Do bận công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể đến dự, Người đã gửi thư tới Hội nghị thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với sự nghiệp phát triển nền văn hóa dân tộc, nhất là trong bối cảnh đất nước đang bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp. Bức thư ngắn nhưng chứa đựng những tư tưởng, quan điểm sâu sắc, mang tinh thần thời đại đã được đọc trang trọng vào sáng ngày khai mạc Hội nghị (ngày 16-7-1948).
Trong thư Người khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích”. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, đòi hỏi mỗi nhà văn phải tích cực, chủ động đi sâu vào quần chúng để miêu tả, phản ánh cuộc sống của nhân dân, chiến sĩ cho chân thực, cho hùng hồn, đoàn kết cùng các giai tầng khác để tạo sức mạnh tổng hợp, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây nền độc lập, tự do. Cũng trong thư, Người mong muốn các văn nghệ sĩ, trí thức cần “xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”, muốn vậy các nhà văn hóa cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng.
Bàn về vai trò, nhiệm vụ của nền văn hóa mới, Người nhắn gửi: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới”. Người cũng đặt niềm tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ viết lên được những tác phẩm lớn, nói lên truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc để “biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Trong không khí cả nước ra sức thi đua lao động sản xuất, Người mong muốn Hội nghị cũng sẽ có một chương trình thi đua ái quốc trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ cùng đứng dưới lá cờ Đảng, cùng hoạt động trong mặt trận văn hóa thống nhất, góp sức mình xây dựng nền văn hóa ngày càng phát triển, tiến bộ.
Cũng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, trong đó đi sâu bàn luận về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa văn hóa và xã hội; lập trường văn hóa Mác-xít; văn hóa Việt Nam xưa và nay; tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam; Mặt trận văn hóa thống nhất trong mặt trận dân tộc thống nhất; văn hóa Việt Nam trong mặt trận văn hóa dân chủ thế giới; mấy vấn đề cụ thể trong văn học và nghệ thuật nước ta hiện nay. Những lập luận, kiến giải sắc bén, mang tính lí luận, thực tiễn, giàu sức thuyết phục đã làm thay đổi nhận thức của người nghệ sĩ trong việc xác định lập trường tư tưởng, giải quyết những mâu thuẫn, băn khoăn, củng cố niềm tin để vững tâm đi theo cách mạng, kháng chiến, đem ngòi bút phụng sự sự nghiệp đấu tranh cách mạng.
Có thể nói, trong vòng 2 năm, hai hội nghị văn hóa toàn quốc đã được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt của tình hình đất nước, điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Đồng thời đề cao vai trò, sứ mệnh, thiên chức cao cả của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong việc kiến tạo nền tảng tinh thần để động viên, cổ vũ nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến, giữ vững nền độc lập, tự do.
Những tư tưởng, quan điểm và tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi hội nghị văn hóa đã truyền đi những thông điệp tích cực, giải đáp những băn khoăn, khúc mắc của người nghệ sĩ trong quá trình “nhận đường, tìm đường”, đồng thời tiếp thêm động lực, niềm tin để người nghệ sĩ vững tin vào cuộc đời mới, gạt bỏ những tư tưởng ích kỷ, nhỏ nhen, những suy nghĩ chật hẹp, đi sâu vào thực tiễn, thâm nhập vào đời sống nhân dân để sáng tác, góp một phần công sức vào thành công của cách mạng.
Sau Hội nghị, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã “lên đường, nhập cuộc”, sẵn sàng ra tiền tuyến, “ba cùng” với nhân dân. Nhiều nghệ sĩ trở thành chiến sĩ, hy sinh anh dũng trên chiến trường để bảo vệ nền độc lập, tự do. Những tác phẩm văn hóa, văn nghệ được viết trong bối cảnh khốc liệt của cuộc chiến đã trở thành “vũ khí tinh thần” lợi hại, tố cáo tội ác của thực dân, ngợi ca hòa bình, chính nghĩa, tô thắm truyền thống yêu nước, vẻ đẹp tâm hồn và sức mạnh con người Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền văn hóa Việt Nam mới là nền văn hóa dân chủ nhân dân, do nhân dân sáng tạo, vì nhân dân phục vụ. Đó là nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng. Văn hóa là một bộ phận, một “mặt trận” không thể tách rời với đời sống chính trị, xã hội, với vận mệnh, tương lai đất nước mà đội ngũ văn nghệ sĩ là những chiến sĩ tiên phong đem tri thức, ánh sáng với những giá trị nhân văn, nhân bản, “soi đường”, dẫn lối dân tộc đến bến bờ của thành công và hạnh phúc.
Những kỳ vọng ở Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021
Sau 75 năm từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, văn hóa luôn song hành cùng những bước đường lịch sử của dân tộc, trở thành một “mặt trận” quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi chung của đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc cũng như trong thời kỳ độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kế thừa và phát huy những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa dân tộc phong phú, giàu bản sắc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm này được thể hiện nhất quán qua nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Kể từ đổi mới (1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng về văn hóa, văn nghệ, như: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Trong Nghị quyết này, Đảng ta khẳng định: Văn hóa Việt Nam kết tinh tâm hồn, trí tuệ, tài năng và đạo lý làm người của nhân dân ta, là sức mạnh tinh thần của dân tộc ta trong lịch sử hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung Đảng khóa VII, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 14-01-1993 về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt, trong đó xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Bước vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, trước những vận hội và thách thức của bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh trong đời sống văn hóa, văn nghệ, tại Hội nghị Trung ương năm khóa VIII, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó xác định: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc… Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
Là một bộ phận đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa, văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, tâm hồn con người mới. Nhằm tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển xứng tầm với truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc cũng như sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng đa dạng của công chúng, ngày 16-6-2008, BCH Trung Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, với nhiều quan điểm chỉ đạo mới được đưa ra, như: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 76 – KL/TW ngày 4/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó Kết luận nhấn mạnh: Trong những năm qua, lĩnh vực phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền văn hóa dân tộc cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với những bất cập đang đặt ra, đó là: Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác. Một số chủ trương, quan điểm nêu trong Nghị quyết chậm được thể chế; chưa có những chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa. Chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.
Ngày 24-11-2021, Ban Bí thư Trung Đảng chủ trì, chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc. Đây có thể xem là Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba sau nhiều thập kỷ được tổ chức lại từ dấu mốc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, lần thứ hai. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt với những người hoạt động văn hóa, văn nghệ. Họ kỳ vọng vào những quyết sách, chương trình hành động mới của Đảng, Nhà nước sẽ được ban hành sau khi lắng nghe những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế mà nền văn hóa đang đối diện, đồng thời mở ra những vận hội lớn để văn hóa phát triển xứng tầm, phù hợp với xu thế của thời đại, tiến kịp với trình độ văn hóa, văn minh của những nước tiên tiến nhưng phải giữ được tinh thần, truyền thống và những giá trị tiêu biểu kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc.
Sự phát triển của mỗi nền văn hóa sẽ kết tinh ở hệ giá trị, tạo nền tảng tinh thần để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này sẽ nối tiếp mạch nguồn tư tưởng của những Hội nghị văn hóa đi trước, nhất là những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời có những bổ sung, phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để văn hóa không ngừng phát triển, ngày càng giàu đẹp, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.
TS NGUYỄN HUY PHÒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)