Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p3)


      Hơn 10 năm trở lại đây, tín ngưỡng tứ phủ được một bộ phận giới chuyên môn nâng tầm, tôn vinh như một tôn giáo lớn, có tính chất đại diện đời sống văn hóa tâm linh dân tộc – gọi là đạo Mẫu. Có thể nói, chuyện đó đã tác động không nhỏ đến thái độ ứng xử của xã hội, khiến việc gia nhập tín ngưỡng ngày càng trở nên sôi nổi, tấp nập. Từ già đến trẻ, từ sang tới hèn, từ quan chí dân…, giờ đây sinh hoạt hầu đồng đã phục hưng và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ. Thậm chí, có trường hợp những cháu bé còn ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng cũng được gia đình cho làm lễ mở phủ trình đồng hầu thánh. Xưa, chuyện tiền phật hẫu mẫu trong chùa Việt không mấy phổ biến. Nhưng nay, việc nhà sư cho xây điện thờ mẫu trong khuôn viên chùa, kèm theo đó chấp nhận dung nạp sinh hoạt đồng bóng đã trở nên một hiện tượng quá ư bình thường. Thậm chí bây giờ, sẽ không hiếm gặp những nhà sư cùng tham dự lễ lên đồng, thậm chí cũng mở phủ trình đồng, gia nhập tín ngưỡng như các con nhang đệ tử chính hiệu. Trong bầu không khí đó, nhiều ngôi đình cũng nhanh chóng thức thời với việc xây thêm gian mẫu phối thờ để thu hút khách thập phương. Hay thậm chí có ngôi đền vốn thờ một đào nương lừng danh đã có công giúp vua Lê chống giặc Minh xâm lược, nay cũng được tứ phủ hóa để làm nơi hầu đồng. Theo đó, ngôi đền được đổi tên thành đền mẫu đào nương. Hiện nay, vị đào nương nghiễm nhiên được coi như một thánh mẫu phát sinh. Nói thế để thấy được tín ngưỡng tứ phủ thời nay có sức phát triển mãnh liệt như thế nào.

Xưa, người ta lên đồng chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tự thân. Nay, nhiều ông đồng bà đồng còn kiêm thêm vai trò thày cúng, thày bói. Điều này lý giải tại sao trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, dạng lên đồng dưới hình thức hầu chứng ngày càng phổ biến hơn. Trong sinh hoạt dạng này, các gia đình có nhu cầu tâm linh sẽ phải cùng nhau góp tiền sắm sanh đồ lễ và chi trả toàn bộ thù lao cho các bên liên quan. Một quan thày đồng cựu có uy tín được mời sẽ đứng ra nhận trách nhiệm hầu đồng đại diện, thay mặt các gia chủ mà thông thiên với thần linh để cầu tài cầu lộc, giải trừ tai ách, tà ma… Với nhà có người bệnh, chân đồng còn ban cho tàn nhang nước thải để uống, chén nước quết trầu để xoa chỗ đau hay đôi ba lá bùa trấn yểm… Khi xong việc, các gia chủ còn phải sửa lễ tạ, nhiều khi khá tốn kém. Có thể thấy, chính sự cấy ghép chức năng thày cúng, thày phù thủy… ở hình thức hầu chứng là một cách mở lối thu nhập cho các chân đồng, bởi xưa nay, họ vốn chỉ đóng vai trò chi trả các khoản thù lao cho cung văn và thủ nhang đồng đền mà thôi. Âu đó cũng là một biểu hiện sống động về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người Việt. Cũng trong sự pha trộn đó, trong các vấn hầu, một số chân đồng còn lai cấy hành vi tín ngưỡng của các thanh đồng bên tín ngưỡng thờ đức thánh Trần. Trong một số giá đồng, họ cũng xiên lình, thắt đai thượng, nuốt lửa hay rạch lưỡi lấy dấu mặn nhằm gây ấn tượng mạnh với đám đông tham dự. Đây có thể là hệ quả của việc lai cấy đức thánh Trần vào điện thần tứ phủ, một xu hướng mới phát sinh ở một bộ phận chân đồng thời nay. Vì thế mà rất nhiều ông đồng bà đồng bị ngộ nhận, thường tự gọi mình là thanh đồng. Ngoài ra, việc tự nhận thanh đồng cũng rất có thể xuất phát từ ý muốn sang trọng hóa danh từ, bởi những chân đồng xưa nay thường vốn chỉ được dân gian gọi là đồng bóng hay đồng cốt.

Thời nay, không phải vô cớ mà giới đồng bóng định danh khái niệm đồng đua nhằm chỉ hiện tượng đua đòi háo danh trong tín ngưỡng tứ phủ, cốt để khoe mẽ. Những vấn hầu tốn kém bạc tỉ linh đình là một trong những biểu hiện sống động của những chân đồng dạng này. Gần đây, không hiếm những chân đồng vì mục đích quảng bá nhân thân trong giới bản hội, sẵn lòng bỏ tiền thuê cả một nhóm làm phim lên tận những danh thắng thiên nhiên vùng núi cao. Ở đó, họ tổ chức ghi hình trong phục trang hầu đồng, thể hiện cảnh các cô, cậu, các chầu thượng ngàn hay các quan, ông hoàng rong chơi, du ngoạn vãn cảnh sao cho giống với chuyện thần tiên trong huyền tích các vị thánh. Mỗi đợt như vậy, bầu đoàn thê tử các chân đồng dắt díu nhau trình diễn không khác gì một đoàn làm phim chuyên nghiệp. Sau đó, những trích đoạn được đem về lồng ghép vào trường đoạn phim quay toàn bộ vấn hầu với mong muốn các DVD lên đồng sẽ tăng thêm phần hấp dẫn, bắt mắt. Xem ra, mối quan hệ cung cầu mang tính thương mại giữa thủ nhang đồng đền, cung văn và chân đồng ngày càng trở nên phức tạp. Thị trường các dịch vụ đi kèm cũng vận hành khá sôi động. Thôi thì đủ mọi hiện tượng tốt xấu phát sinh tha hồ nở rộ, như dịch vụ cho thuê quần áo hầu, người hầu dâng, múa phụ họa, làm đồ mã, viết sớ, quay phim, chụp ảnh… Thời xưa, bắc ghế hầu thánh vốn là sinh hoạt tín ngưỡng chủ yếu dành cho giới tiểu thương hay những người giàu. Còn thời nay, thành phần các chân đồng ngày càng mở rộng với đủ mọi đối tượng. Bởi vậy, hiện tượng khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà… vì đua nhau hầu đồng là hệ quả tất yếu. Nhớ lại thời kỳ đầu TK XX, ở Hà Nội cũng có những chân đồng phải lần lượt bán sạch gia sản để lo việc hầu thánh. Câu chuyện khá bi thảm với việc chân đồng tự tử, kết thúc cuộc đời tín ngưỡng mê đắm. Có người lý giải rằng chân đồng tìm đến cái chết do phá sản. Nhưng với trường tự kỷ của một tín đồ tâm linh cực đoan, cũng có người coi đó là sự tự giải thoát để về miền vĩnh hằng theo hầu mẫu tứ phủ! Nhưng dù bằng cách nào thì đó vẫn thực sự là một bài học đắt giá, đáng cho người đời nay phải suy ngẫm.

Với bản chất tín ngưỡng đa thần mang đậm tính thương mại, thực dụng, hệ thống các đền phủ thời nay đua nhau trùng tu, sửa sang đắp điếm, sơn son thếp vàng, trang hoàng lộng lẫy…, cốt sao bắt mắt giới con nhang đệ tử cũng như thu hút khách thập phương về hành lễ. Có thể chính điều này phần nào khởi nguồn cho phong trào trùng tu bừa bãi, phô trương quá mức, đến độ thay đổi toàn bộ cảnh quan di tích. Điều đáng nói là ở các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo, phong trào tân trang chùa chiền trong nhiều năm gần đây cũng trở nên xô bồ. Cái tâm lý to, mới, đẹp, cầu kỳ hơn… của phong trào xây cất đắp điếm bên ngoài cũng lan cả vào nơi cửa thiền. Nào là những chùa cao tầng với những vật liệu mới lạ, đắt tiền, nào là tượng phật lớn nhất, vườn tượng lớn nhất, bảo tháp cao nhất, những sư tử Tàu, Pháp, đèn đá Nhật Bản, đèn lồng đủ loại… thi nhau nở rộ khiến những nhà quản lý di tích trở nên bất lực. Những hiện tượng diêm dúa hóa di tích đó thực sự được xem như một vấn nạn với giới bảo tồn văn hóa, như một thách thức mới mang tính… thời đại. Đáng chú ý, bên cạnh việc phối thờ mẫu trong đình, chùa, cũng có ngôi đình đã làm thêm những chỗ thờ phật ngoài sân, cổng đình hay gốc đa đầu làng, bất chấp nghịch lý thánh hơn phật. Có lẽ ban quản lý mong muốn tạo được diện mạo hoành tráng tối đa với nhiều ban bệ đặt lễ hơn cho khách thập phương? Âu cũng là sự biểu hiện bản chất hỗn dung tín ngưỡng của người Việt. Có điều thời nay, xem ra sự hỗn dung đã trở nên một nồi lẩu tâm linh pha trộn, phát sinh, biến tướng đủ mọi kiểu dạng, ngày càng đi theo chiều hướng không mấy tốt đẹp.

3. Đôi điều kiến giải…

Nhìn suốt chiều dài lịch sử, từ tín ngưỡng đa thần bản địa, người Việt dần chuyển sang đa nguyên tôn giáo tín ngưỡng, thể hiện rõ trong sự tích hợp đa tâm linh, truyền thống hỗn dung được xem như một đặc điểm cơ bản. Sự pha trộn đan xen có lẽ chủ yếu dựa trên nguyên tắc dung hợp thực dụng, bất luận các hệ thống giáo lý, triết thuyết, quan niệm của những tôn giáo, tín ngưỡng có mâu thuẫn với nhau như thế nào. Tạm thời, hãy coi đó là sự hồn nhiên tín ngưỡng của họ, một sự tiếp nối từ truyền thống xa xưa của ông cha. Trải theo thời gian với quá trình hỗn dung tiếp biến, pha trộn và lai tạp, thế giới tín ngưỡng người Việt giờ đây đã trở nên như một mớ bòng bong hỗn độn, chằng chịt các mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa cõi dương gian và thế giới âm ty địa phủ…

Trong lịch sử loài người, tôn giáo tín ngưỡng trước hết là những sáng tạo tinh thần, xác định những hệ tư tưởng, đạo đức trong sự tưởng tượng về một thế giới siêu hình chi phối đời sống trần gian. Chúng ta sẽ thấy, bất cứ hình thái tín ngưỡng nào tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam, vì là sáng tạo của con người nên tất yếu chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử xã hội, không gian văn hóa và đặc biệt mặt bằng tri thức cộng đồng đã sinh ra nó. Ví như hệ thống thiên đình – cõi trời, sự tưởng tượng mà tín ngưỡng người Việt ngưỡng vọng, trên thực tế là sự mô phỏng nguyên mẫu bộ máy hành chính triều đình phong kiến, gắn bó hữu cơ với hệ tôn giáo du nhập từ Trung Quốc. Nói cách khác, đó cũng chính là sự giới hạn trí tưởng tượng của con người khi sáng tạo ra thế giới siêu hình nói chung. Ở thời kỳ khoa học chưa phát triển, mọi kiến giải về vũ trụ, về thế giới của các tôn giáo tín ngưỡng như cõi trời, thiên đình, thiên đàng, Tây phương cực lạc, cõi âm ty, địa phủ, địa ngục, hỏa ngục, thủy cung… đều tỏ ra hợp lý với niềm tin tâm linh duy ý chí. Những câu chuyện lịch sử về việc tòa án giáo hội Thiên chúa xử tử các nhà khoa học dám chứng minh ngược với học thuyết của mình là những ví dụ điển hình. Dường như khoa học càng phát triển, mọi giá trị siêu hình cổ xưa sẽ càng bị triệt tiêu bởi sự lỗi thời của nó. Thời nay, khi khoa học đã xác định ngôi nhà chung cho loài người trong trái đất tròn xoay quanh mặt trời…, có lẽ các tôn giáo tín ngưỡng cũng buộc phải xét lại vũ trụ quan, thế giới quan của mình, vốn ra đời trong trí tưởng tượng từ thời xa xưa.

Trong sự sáng tạo các thánh thần của thế giới siêu hình, không hiếm những trường hợp mà nhân vật thờ phụng trên thực tế vốn là những sáng tạo văn học, nhưng về sau được hiển thánh hóa trong sự lan tỏa của tâm thức dân gian. Chuyện biến hư thành thực, siêu hình thành hữu hình, âu cũng là bản chất của thế giới tâm linh. Ví dụ tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân, trải theo thời gian, những Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… trong tác phẩm rút cục đã được hiện thực hóa một phần trong đời sống tâm linh người Việt. Cụ thể, có những lưu phái đạo phù thủy ở miền Trung đã mặc nhiên đưa Tôn Ngộ Không trở thành một trong những vị thánh trên hệ thống điện thần để thờ phụng. Ngày nay, không hiếm ngôi chùa Việt đưa những hình ảnh của Tây du ký vào các bức chạm khắc mới, như một sự tiếp tục thừa nhận tính thiêng các nhân vật của Ngô Thừa Ân. Đứng trên góc độ sáng tạo tâm linh, sẽ còn vô vàn những ví dụ phản ánh sự hồn nhiên của loài người trong việc xây dựng, bồi đắp hệ thống tôn giáo tín ngưỡng nói chung.

Một chuyện khác, nếu như ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc, Quan Thế Âm bồ tát được xác định là vị phật bà thì ở Tây Tạng, ngài lại là… phật ông, được tôn vinh như quốc tổ của người Tây Tạng. Cho đến ngày nay, nhiều cao tăng Tây Tạng vẫn được xem là hiện thân của Quan Thế Âm, trong đó có vị Gyalwang Drukpa vừa sang thăm Việt Nam năm 2011. Không biết giới chư tăng Phật tử Việt Nam lúc chắp tay vái ngài Gyalwang Drukpa sẽ nghĩ gì so với việc hành lễ trước tượng Quan Thế Âm bồ tát trong tam bảo, ngoài sân chùa? Rồi không biết sự hiện thân của đức phật (ông, bà) ở đây liệu có giống với sự hóa thân tưởng tượng kiểu các chân đồng tứ phủ? Tham vấn một số tín đồ phật tử, được giải thích rằng đức Quan Thế Âm bồ tát là một cái gì đó rất to lớn, có thể hóa thân thiên hình vạn trạng, không có gì mâu thuẫn(!) Có lẽ trong tín ngưỡng tôn giáo nói chung, niềm tin là một động lực mạnh mẽ đủ để biến hư thành thực, không thành có, phi lý thành có lý. Thế nên mọi sự đều có thể dễ dàng chấp nhận nếu như thuận với ý thức chủ quan của niềm tin tâm linh. Xin được nhắc lại, một thế giới ảo được hiện thực hóa bởi niềm tin hồn nhiên của con người vốn là căn cốt của tôn giáo tín ngưỡng. Cuộc vật lộn giữa tin, không tin cùng cái tâm lý bán tín bán nghi dường như luôn đồng hành suốt chiều dài lịch sử loài người. Tôn giáo, tín ngưỡng dù có mâu thuẫn và đối kháng như thế nào nhưng vẫn song song tồn tại với đầy đủ vẻ hợp lý và bất hợp lý của chính nó. Anh tin điều anh chọn, tôi tin điều tôi biết, cuộc sống tự do tín ngưỡng cũng giống như nghệ thuật vậy, sao cũng được, miễn là thỏa mãn được nhu cầu thụ hưởng tinh thần. Tín ngưỡng tôn giáo suy cho cùng cũng giống như phong tục, mọi hành vi thường lặp lại trở thành thói quen lâu đời, bất luận sự hợp lý đến đâu.

Từ bao đời nay, các giá trị tâm linh không chỉ mê hoặc người nghèo, người mù chữ, thất học mà còn xâm nhập mạnh mẽ các tầng lớp thượng lưu, trí thức, quan chức… Điều đó là một minh chứng về sức mạnh nghìn đời của tôn giáo, tín ngưỡng. Từ góc độ tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo rõ ràng đem lại một sức mạnh niềm tin lớn lao cho con người. Xét cho cùng, chỗ dựa tinh thần là một chân lý vững chắc đủ để các hình thái tín ngưỡng tôn giáo có thể trường tồn cùng với lịch sử nhân loại. Dù đối tượng của niềm tin là những giá trị ảo nhưng trên thực tế đã mang lại cho con người nhiều giá trị tinh thần không thể phủ nhận. Đó là chưa kể về bản chất, mỗi tôn giáo lớn trên thế giới đều có giá trị như một hệ triết thuyết, đạo đức lớn, hướng con người tới niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Sự xoa dịu nỗi đau trần thế, niềm tin vào sự chở che của đấng tối cao… rõ ràng tạo nên một tiềm thức dạng trường ám thị, kích thích con người gia tăng sức mạnh tinh thần, từ đó có thể phát huy tối đa sức mạnh nội tại trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn ở một thế giới hỗn độn với biết bao sự bấp bênh, trắc trở. Bởi vậy, lịch sử tôn giáo tín ngưỡng phần nào như tấm gương phản ánh tâm thế con người trong mọi thời đại. Thế sự thăng trầm lúc thịnh lúc suy, niềm tin con người dường như không thoát khỏi những ràng buộc tâm linh, vốn đã có từ ngàn xưa. Nó giống như một nỗi sợ hãi nguyên thủy trường tồn ám ảnh, khiến con người dễ mất khả năng tự tin, buộc phải tìm chỗ bấu víu ở tôn giáo tín ngưỡng.

Cũng cần phải thấy rằng, trong niềm tin tôn giáo tín ngưỡng, sự sùng bái cá nhân thánh thần (hoặc con người được thần thánh hóa), suy tôn ngưỡng vọng những điều siêu thực, tưởng tượng… khiến con người dễ bị rơi vào tình trạng thái quá, cực đoan, duy ý chí với thế giới siêu hình. Theo đó, họ dễ bất chấp những quy luật tự nhiên hay xã hội, khó chấp nhận những ý kiến trái chiều mang tính phản biện, thường quy cho là sự báng bổ thánh thần. Hiểu điều đó, mới thông cảm được cho mọi hiện tượng bất bình thường ở đời sống tâm linh. Khoảng cách giữa đức tin cao cả vào thế giới vô hình cũng như sự mê muội, cuồng tín ở những điều dị đoan không tưởng có lẽ cũng chỉ trong gang tấc, dễ bị đánh lận con đen. Đây chính là tính hai mặt của tôn giáo tín ngưỡng nói chung, khiến cho nó trở nên rất dễ bị lợi dụng. Trong lịch sử, việc các thế lực tăng lữ mượn tôn giáo tín ngưỡng như một phương tiện để thỏa mãn lợi ích riêng, từ những tham vọng chính trị cho đến những dục vọng thấp hèn, là điều đã được minh chứng. Điều này lý giải cho mọi sự xung đột tôn giáo, tàn sát đẫm máu lẫn nhau trên thế giới. Đáng chú ý, cuộc chiến không chỉ xảy ra giữa các tôn giáo với nhau mà còn ngay ở nội bộ một tôn giáo, khi có sự chia tách thành các giáo phái khác nhau. Thử hỏi với bản chất cao đẹp của hệ đức tin, tại sao người ta có thể hành xử mâu thuẫn với chính giáo lý, đạo đức của tôn giáo mà họ phụng thờ? Tại sao có những kẻ tu hành lại có thể ngang nhiên buôn thần bán thánh để mưu cầu vật chất, trục lợi cá nhân hay thậm chí kích động nổi loạn gây hấn chính trị trong xã hội? Thiết tưởng, sẽ không mấy khó khăn để tìm câu trả lời.

       Vài kiến giải như vậy để có thể thấu hiểu thêm truyền thống hỗn dung tôn giáo tín ngưỡng của người Việt. Một mặt, sự tích hợp pha trộn, dung hòa tâm linh phần nào giảm thiểu những xung đột tôn giáo tín ngưỡng không đáng có. Mặt khác, sẽ thấy trong bản chất thuốc phiện tinh thần, nồi lẩu tôn giáo tín ngưỡng thời nay tựa hồ như một dạng ma túy tổng hợp bất công thức, in đậm tính thực dụng nguyên thủy từ ngàn xưa, tất sẽ gây nên những hệ lụy tương ứng. Hiện nay khắp nơi đua nhau phục dựng lễ hội, kể cả những hành vi mà đa số người thời nay khó chấp nhận. Ví như việc hiến sinh động vật (chém lợn), rồi tranh nhau lấy máu bôi vào tiền, dẫm đạp tranh giành vật phẩm lộc thánh… hay những cổ tục cho phép, tôn vinh hành vi đả thương mang tính thiêng như sự đề cao tinh thần thượng võ, bất luận gây đổ máu… Trong hội Gióng năm 2011, khi hành lễ đã có người bị chấn thương sọ não phải đưa đi cấp cứu. Vấn đề đặt ra là nếu tước bỏ tập tục này, hẳn những chủ thể văn hóa sẽ khó chấp nhận vì bị coi là… mất thiêng! Hiện nay, cái cảm giác kinh hoàng sẽ là điều không thể tránh khỏi khi quan sát toàn cảnh đời sống tâm linh tín ngưỡng mỗi mùa lễ hội. Đây là bài toán quá khó cho các nhà quản lý. Lâu nay chúng ta thường kêu gọi hãy trả lại lễ hội về cho người dân – tức những chủ thể văn hóa. Thế nhưng cũng đến lúc cần xác định rõ, với hiện trạng tín ngưỡng trí như hiện nay, dù người dân địa phương hay chính quyền đứng ra tổ chức thì cũng đến vậy mà thôi. Chả nhẽ người dân tổ chức thì các lễ hội sẽ trở nên tốt đẹp, nhân văn và không còn hiện tượng tiêu cực nữa hay sao? Thật khó mà tin vào điều đó. Chưa kể đến việc khái niệm chủ thể văn hóa ở đây nhiều khi còn không phân biệt nổi. Như hành vi bày bán thịt chó giả nai… ngồn ngộn công khai ở chùa Hương, đó là ý đồ của chủ thể tín ngưỡng nơi cửa thiền hay là của người dân Hương Sơn? Cũng như việc thu tiền cúng sao giải hạn, bán phiếu công đức, bán sớ… cùng nhiều dịch vụ tâm linh khác ở các ngôi chùa lớn, liệu có phải do chính quyền địa phương quy định hay là chủ đích của những nhà sư trụ trì? Vấn đề này bàn đến nhạy cảm lắm bởi sự đòi hỏi một cuộc chấn hưng có tính toàn bộ ở hệ thống các cơ sở tín ngưỡng công cộng. Về mặt quản lý nhà nước, có khá nhiều việc nan giải để lập lại công bằng xã hội. Ví như việc kiểm soát các nguồn thu siêu lợi nhuận ở các cơ sở tín ngưỡng như chùa chiền, đền phủ cũng như việc xử lý nguồn thu nhập cá nhân của các loại thủ nhang, thày cúng, thày bói, thày phù thủy, thày địa lý, cô hồn, đồng cốt… Đây là bài toán mà chắc hẳn các nhà quản lý còn phải bó tay lâu dài. Bởi có một thời chúng ta đã cấm mà không xong. Nhưng giờ đây nếu quy hoạch, đánh thuế thu nhập thì có nghĩa Nhà nước mặc nhiên công nhận buôn thần bán thánh cùng các dịch vụ tâm linh như một ngành nghề chính thức trong danh mục. Còn nếu không kiểm soát nổi, coi như chúng ta tiếp tục chấp nhận thả nổi hàng loạt nghề thu nhập bất hợp pháp, làm giàu trên sự mê hoặc, lợi dụng niềm tin, thuộc tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Xem ra, trước mắt cần nhanh chóng xây dựng một chương trình giáo dục văn hóa tâm linh có hệ thống trên các phương tiện truyền thông với sự góp mặt của các nhà chuyên môn, mới mong tìm được lối thoát…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

Tác giả : Bùi Trọng Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *