Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tại các doanh nghiệp ở Đồng Tháp trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

1. Mở đầu

Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, sau khi Nghị định 149/2018/NĐ-CP (NĐ149), ngày 7-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2012 về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Đảng bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp như: nội dung người sử dụng lao động phải công khai cho người lao động biết; nội dung người lao động được tham gia ý kiến và được quyết định trực tiếp; hoạt động đối thoại giữa giám đốc doanh nghiệp và công nhân viên, người lao động… Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong việc lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng bộ ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ ở các doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

2. Thực trạng

Đảng bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dành mối quan tâm đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt, làm cho cán bộ, đảng viên, người lao động thông suốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và nghĩa vụ được quy định trong NĐ149 của Chính phủ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện tốt niêm yết, công khai, minh bạch đến toàn thể cán bộ đảng viên, hội viên, đoàn viên và người lao động những nội dung được biết của người lao động đúng theo tinh thần NĐ149, gồm các nội dung: kế hoạch, chiến lược kinh doanh; tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy chế chi tiêu nội bộ; nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng lương, trả lương thưởng, trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ; chế độ, chính sách cho người lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kết quả các cuộc đối thoại; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; nghị quyết Hội nghị người lao động.

Thứ hai, nội dung người lao động được tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp theo NĐ149 được cấp ủy Đảng, giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của người lao động; tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh, quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bầu không khí dân chủ, cởi mở, từ đó tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao, trách nhiệm, sáng tạo, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, hoạt động đối thoại giữa ban giám đốc doanh nghiệp với công nhân viên và người lao động đã được chú trọng. Điển hình năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chế độ đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động để mọi người được thảo luận một cách dân chủ, cởi mở, bình đẳng, thiện chí, thể hiện tinh thần trách nhiệm, hợp tác. Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhân viên và người lao động tham gia nhiều ý kiến hay, sáng kiến có giá trị, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; hợp lực cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Thứ tư, vào quý I hằng năm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức Hội nghị người lao động với hình thức toàn thể. Thông qua hội nghị, người lao động được biết, bàn, thảo luận và được quyết định phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu kinh doanh, đào tạo, sắp xếp bố trí lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm…

Thứ năm, đối với quyền kiểm tra, giám sát, như việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, trợ cấp thôi việc, mất việc làm, thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, kết quả thực hiện Nghị quyết của hội nghị người lao động; kết luận của thanh tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Đảng bộ lãnh đạo phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Nhiều tấm gương lao động tận tụy, đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, trung thực đã góp phần nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp. Đồng thời, tác động tích cực đến việc ngăn ngừa tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong đảng viên, người lao động, tạo được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí với quyết tâm cao của đảng viên, nhân viên và người lao động trong Đảng bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế nhất định:

Một là, nhận thức về quyền dân chủ và trách nhiệm của một số nhân viên và người lao động còn hạn chế, nhất là trong thực hiện quyền tham gia bàn bạc ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Người lao động vẫn còn tâm lý e ngại tham gia góp ý với lãnh đạo vì ngại va chạm, do đó không được bày tỏ tâm tư nguyện vọng cũng như những kiến nghị, bức xúc của bản thân trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.

Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đôi khi còn chưa kịp thời, còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người lao động tiếp cận thông tin.

Ba là, việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở chưa đồng đều, còn thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phối hợp trong thực hiện, thiếu tính chủ động, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp và cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Bốn là, việc tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động vẫn còn hình thức, nội dung chưa thực hiện đầy đủ, chưa phát huy được quyền tham gia ý kiến, quyết định trực tiếp của người lao động dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn, chưa đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người lao động

Năm là, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chưa được phát huy hết, chưa thật sự được coi trọng. Vai trò của Công đoàn và Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, chưa thể hiện hết trách nhiệm trong việc phối hợp, kiểm tra, giám sát thực quy chế dân chủ tại nơi làm việc.

3. Một số giải pháp chủ yếu

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TW; Kết luận số 120-KL/TW; Pháp lệnh 34; Nghị định 04; NĐ 149 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Gắn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Tăng cường vai trò lãnh đạo cấp ủy Đảng đối với chi bộ, công đoàn cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 04-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phải tạo được sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và toàn doanh nghiệp. Cấp ủy Đảng, đảng viên, người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện dân chủ cơ sở, đặc biệt coi trọng vai trò lãnh đạo của cấp ủy. Đưa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thành một tiêu chuẩn để xét chi bộ trong sạch vững mạnh, đánh giá tiêu chuẩn đảng viên, xét nâng lương, coi đây là chìa khóa để thực hiện thành công nhiệm vụ này.

Đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện NĐ 149 của Chính phủ, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở để người lao động nhận thức rõ về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia ý kiến, bàn bạc và quyết định kế hoạch kinh doanh, công tác quản lý điều hành, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự phù hợp với nhu cầu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân để sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, thực hiện công tác an sinh xã hội và tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, Đảng bộ tập trung lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức của người đứng đầu, Công đoàn cơ sở, Ban chỉ đạo về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với việc tạo dựng thương hiệu, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp. Phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện dân chủ cơ sở nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, tăng cường khối đoàn kết nội bộ, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí thời gian, tiền và công sức của doanh nghiệp. Giám đốc tăng cường phối hợp Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc tạo niềm tin của người lao động đối với doanh nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu hằng năm, cần phải đưa phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên và người lao động, góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, như: phong trào “Lao động giỏi – lao động sáng tạo” gắn với thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh”; “Xanh – sạch – đẹp – bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Sáng tạo để phát triển” trong nhân viên, người lao động; “Tiết kiệm chi tiêu” nhưng phải đảm bảo chất lượng hoạt động; thi đua nêu cao tính trung thực, đoàn kết, trách nhiệm; phong trào thi đua đề xuất ý tưởng, giải pháp mới, hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, giải pháp giữ vững thị phần, khảo sát thị trường, công tác trong quản lý, điều hành; ý tưởng, sáng kiến, cải tiến trong thực hiện nhiệm vụ; những ý tưởng sáng tạo trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng, công tác chăm lo người lao động…

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chế và nghị quyết Hội nghị người lao động. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống các biểu hiện tiêu cực, gây mất đoàn kết nội bộ, để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh hoặc xử lý các hành vi vi phạm quy chế dân chủ cơ sở.

Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia đóng góp xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.293, 409, 410.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.276.

7. Quốc hội, Hiến pháp, Hà Nội, 2013.

8. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.394.

TS NGUYỄN VIỆT THANH – Ths LƯU THÚY HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *