Tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc trong bối cảnh hiện nay


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh vật chất, kinh tế, việc tăng cường sức mạnh chính trị, củng cố sự đồng thuận xã hội, phát triển khối đoàn kết toàn dân tộc được coi là một trong những nhân tố mang tính quyết định nhất đối với việc tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của quá trình hội nhập quốc tế ở nước ta (1).

      Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của đại đoàn kết dân tộc. Người nói đại đoàn kết cũng chính là sự quy tụ lòng dân, đồng thuận xã hội. Di sản tư tưởng của Người cho thấy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với bất kỳ đối tượng nào cũng luôn tìm ra điểm tương đồng để kêu gọi, đoàn kết toàn dân vì mục tiêu chung. Với các tầng lớp nhân dân, Người kêu gọi đoàn kết tất cả những người yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái, tôn giáo, tầng lớp nào. Trước lúc đi xa, Người có mong muốn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (2).

      Có thể nhận thấy rất rõ, cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những kỳ tích trong cách mạng dân tộc dân chủ. Từ 1986 đến nay, sức mạnh đoàn kết, tương trợ đó đã trở thành sức mạnh nội lực căn bản, bảo đảm cho quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập liên tục giành thắng lợi, ghi dấu ấn của dân tộc ta trên bản đồ thế giới. Tuy vậy, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trình độ phát triển không đồng đều nên lợi ích thu được là không giống nhau. Đặc biệt là các dân tộc thiểu số thường cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi hiểm trở, khả năng phát triển kinh tế, văn hóa gặp nhiều khó khăn. Các lực lượng thù địch, chống đối Việt Nam đã lợi dụng tình hình này để làm lung lạc, mua chuộc một số người trong đồng bào các dân tộc thiểu số, gây bạo loạn chính trị, mất trật tự an ninh ở nhiều nơi. Do đó, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng 54 dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta.

      Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, nhưng không có bất đồng và xung đột tôn giáo; họ đều yêu nước, đoàn kết và sống theo phương châm tốt đời, đẹp đạo. Trong cách mạng dân tộc dân chủ và hiện tại, đồng bào tôn giáo đi theo Đảng và đã có nhiều đóng góp đáng kể cho cách mạng. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, đời sống của đồng bào các tôn giáo cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm nên trong bất cứ thời kỳ nào, các thế lực phản động cũng tìm mọi cách mua chuộc các tín đồ trong một số tôn giáo lớn, nhằm gây mất ổn định an ninh, chính trị. Mặc dù vậy, với chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng với sự đoàn kết, đấu tranh của cả hệ thống chính trị những năm qua, ta đã ngăn chặn và đập tan nhiều âm mưu của những thế lực thù địch. Đẩy mạnh xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất giữa các tôn giáo, giữa người có đạo và không có đạo vẫn là phương hướng cho hiện tại và tương lai của đất nước để góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội, đưa hội nhập quốc tế của Việt Nam tới thành công.

      Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, những thành tựu thu được là hết sức to lớn. Tuy vậy, vẫn còn những yếu tố gây nên sự bất ổn, đang là rào cản của quá trình xây dựng sự đồng thuận xã hội như: nạn tham ô, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sự yếu kém trong công tác điều hành, quản lý của một số cán bộ chính quyền các cấp đã gây nên những tổn thất về kinh tế – xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân và tiềm ẩn một sự bất ổn trong xã hội. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những kẽ hở đó để chống phá, ra sức công kích Đảng, Nhà nước ta, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về chính trị tư tưởng, hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta.

      Nhằm giải quyết vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách và pháp luật đem lại những thắng lợi lớn, song cũng còn nhiều nội dung phải tiếp tục nghiên cứu, tiến hành triệt để trong thời gian dài sắp tới.

      Để góp phần tạo được sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân tộc nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó chú trọng vào một số vấn đề chủ yếu sau:

      Không ngừng phát huy dân chủ XHCN           

      Nền dân chủ XHCN là bản chất của chế độ tốt đẹp mà nhân dân ta đang dày công xây dựng; đồng thời, đó cũng vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân sẽ phát huy vai trò, khả năng sáng tạo của mỗi người, tăng cường đồng thuận xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi lẽ, suy cho cùng, bản chất của đồng thuận xã hội là đồng thuận về lợi ích giữa các thành viên. Sự đồng thuận không phải ngẫu nhiên mà có, mà là quá trình thể hiện nền dân chủ XHCN một cách rộng rãi. Đảng và Nhà nước cần luôn lắng nghe, tiếp thu, lĩnh hội và điều chỉnh kịp thời các quyết sách để khi đưa vào cuộc sống, thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân, thống nhất nhận thức và hành động, trở thành sự tự giác, tự nguyện của mỗi người dân, đồng sức đồng lòng trong mọi hoạt động. Tuy nhiên cũng cần phân biệt, có những người vì bất mãn, tiêu cực hoặc mượn danh “phản biện xã hội”, “xây dựng, góp ý” để hạ thấp những giá trị đích thực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang dày công vun đắp. Những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan công quyền bị họ bóp méo, xuyên tạc, đã ít nhiều gây hồ nghi trong xã hội. Vì vậy, các biểu hiện gây nhiễu loạn thông tin, nhất là trên các trang web, blog… phải có sự kiểm soát và xử lý kịp thời để không gây ra những ảnh hưởng xấu đến sự đồng thuận xã hội.

      Việc phát huy dân chủ cần gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Dân chủ và kỷ cương không hạn chế hay loại trừ nhau, trái lại còn bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau mạnh mẽ. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đảm bảo quyền tự do của mỗi người, không xâm phạm hay ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Ở nước ta, quyền đó không chỉ được thực hiện thông qua Nhà nước mà còn qua các tổ chức, đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị. Bởi vậy, các tổ chức đoàn thể ở mỗi cấp cần tăng cường giáo dục làm cho các hội viên, đoàn viên nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp để người dân thống nhất về tư tưởng, hành động, tạo ra sự đồng thuận cao, tham gia quá trình hội nhập quốc tế một cách tích cực, chủ động theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã vạch ra.

      Giải quyết hài hòa lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân

      Sự đồng thuận trong xã hội không được hình thành một cách chủ quan, nhất thời. Mọi sự đồng thuận chỉ thực sự hình thành và phát triển bền vững trên cơ sở sự thống nhất về lợi ích; bảo đảm công bằng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân. Việc kết hợp đúng đắn các lợi ích của các cá nhân; các giai cấp, tầng lớp và toàn xã hội là quá trình thường xuyên phát hiện và giải quyết đúng đắn mâu thuẫn giữa các nhu cầu, lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế,… thông qua đổi mới cơ chế, chính sách; đổi mới phương thức tổ chức, quản lý của nhà nước. Vì vậy, với vai trò quản lý xã hội, nhà nước phải bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng dân tộc, đồng thời đáp ứng lợi ích riêng chính đáng của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; thực hiện sự bình đẳng của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và các bộ phận khác cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

      Thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt trong hơn 30 năm kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm, chăm lo đến quyền lợi chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế xã hội; thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng trước đây…; khuyến khích sự phát triển của mọi thành phần kinh tế; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể. Có thể nói, việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân trong quá trình lãnh đạo, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

      Đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung quan trọng của quá trình hội nhập quốc tế

      Nhà nước cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng để quần chúng nhân dân hiểu rõ, nắm chắc những cơ hội, thách thức mà hội nhập quốc tế mang lại, nhằm tạo dựng sự đồng lòng, thống nhất cả trong ý chí và hành động. Công tác này cũng cần có sự đổi mới cả nội dung, hình thức để cán bộ, đảng viên và người dân có nhận thức đúng về hội nhập quốc tế. Đó là chủ trương phù hợp với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội; là bước hội nhập sâu hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn; phản ánh vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; chứng minh cho bạn bè quốc tế sự nhất quán của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng ta, với mong muốn Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.

      Công tác tuyên truyền, giáo dục cần phát huy tối đa hiệu lực của các lực lượng, phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tạo dư luận xã hội rộng rãi, tích cực ủng hộ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế. Đối tượng cần quan tâm trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các cơ quan tham mưu chiến lược. Tuyên truyền, giáo dục không chỉ tạo ra được chuyển biến và nhận thức mà còn phải định hướng được thái độ hành vi, tổ chức, huy động sự tham gia của mọi người dân, của từng địa phương, cơ sở, cả cộng đồng tham gia; đồng thời, củng cố, tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư, tăng sự độc lập, tự chủ về kinh tế, tăng sức mạnh của khối doanh nghiệp trong nước bằng những chính sách ưu tiên hợp lý, hỗ trợ, để họ có cơ hội cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp nước ngoài. Phải chú ý ngăn ngừa tư tưởng chủ quan, lạc quan tếu khi coi việc hội nhập quốc tế toàn diện sẽ như là một liều thuốc thần, là cơ hội đổi đời nhanh chóng cho xã hội hoặc ngược lại, là tư tưởng hoài nghi, bi quan dẫn đến tâm lý thụ động, mất tỉnh táo. Cần làm cho mọi người nhận thức rõ trong hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, tác động qua lại, thậm chí bài trừ, chuyển hóa lẫn nhau.

      Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội

      Trên cơ sở lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò to lớn trong xây dựng, giữ vững sự đồng thuận xã hội để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần sớm cụ thể hóa, thể chế hóa và bảo đảm những điều kiện cần thiết để tổ chức này thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phát huy hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hai cuộc vận động lớn Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóaNgày vì người nghèo, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về đại đoàn kết toàn dân tộc, về các giai cấp, tầng lớp nhân dân như: công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh, doanh nhân, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài… Chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.

      Là tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát quần chúng, cơ sở, quan tâm hơn nữa đến quyền lợi chính đáng của người dân và là cầu nối giữa Đảng với dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng khăng khít, đảm bảo ý Đảng luôn hợp với lòng dân.

      Tóm lại, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải là con đường đồng thuận và đại đoàn kết dân tộc, động viên tối đa mọi tiềm năng sáng tạo, phát huy tối đa vai trò làm chủ của nhân dân. Muốn vậy, phải đoàn kết các giai tầng, các dân tộc, các tôn giáo, mọi người, mọi lứa tuổi, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, lấy mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; đồng thời tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ mặc cảm, định kiến, hận thù, hướng tới tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở tin cậy lẫn nhau, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung và đồng thuận xã hội. Có thể nói, tạo sự đồng thuận xã hội chính là một trong những phương thức hữu hiệu để thực hiện thắng lợi những chủ trương, quyết sách, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10-5-1969, lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

Tác giả: Đinh Nguyễn An

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *