Tập trung nghiên cứu khoa học ứng dụng để giải quyết điểm nghẽn trong lĩnh vực VHTTDL


Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị – Hội thảo Tổng kết phong trào thi đua đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 – 2020, diễn ra sáng ngày 3-12-2021, tại Hà Nội. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu một số địa phương khác.

 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng đã trình bày Báo cáo tóm tắt Phong trào thi đua nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Quyết định số 3212/QĐ-BVHTTDL ngày 25-9-2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt nội dung phong trào thi đua “Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ VHTTDL” đến cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của đơn vị thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề, hoặc trang thông tin điện tử. Qua đó, đã có tác dụng khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học trong cán bộ, công chức, viên chức, nhà khoa học, nghiên cứu viên thuộc đơn vị. Nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, hoạt động sự nghiệp đã có sự chuyển biến nhất định; đã có thêm những đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài mới và cùng với đó là nội dung nghiên cứu ngày càng phong phú, đa dạng.

Chất lượng nghiên cứu khoa học được chú trọng và từng bước được nâng cao, kết quả nghiên cứu góp phần vào giải quyết được một số vấn đề mang tính cấp bách về quản lý được đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; nhiều nội dung nghiên cứu được bổ sung vào giáo trình giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN giai đoạn 2016 – 2020 cụ thể: Tổng số 5 đề tài độc lập cấp quốc gia; 4 Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ; 120 đề tài độc lập cấp Bộ. Nhiệm vụ cấp quốc gia tăng 3 đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ tăng 2 chương trình.

Báo cáo tại Hội nghị cũng đã nêu một số hạn chế và nguyên nhân cũng như giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, còn có các báo cáo tham luận và phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận từ đại biểu các Bộ, ngành, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, bao gồm cả điểm cầu chính Hà Nội và các địa phương khác.

Một số đại biểu đóng góp ý kiến

Một đại biểu từ điểm cầu TP.HCM đóng góp ý kiến qua phần mềm trực tuyến

Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: có 4 nhóm ý kiến thuộc về những người trực tiếp nghiên cứu khoa học, 2 nhóm ý kiến thuộc về đơn vị thụ hưởng và 1 đơn vị vừa nghiên cứu vừa thụ hưởng. Lãnh đạo Bộ đồng tình rất cao những nhận định được ghi trong báo cáo và bổ sung một số ý kiến  và chia sẻ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học, từ đó thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học của Bộ mình và trong công tác quản lý nhà nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trước hết, chúng ta phải khẳng định: Năm 2015, lãnh đạo Bộ đã phát động phong trào thi đua đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đó là một hướng đi đúng, nó thể hiện quan điểm: đặt khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quốc sách trong chương trình nghị quyết của Đảng, là điều kiện mang tính chất tiên quyết cần thiết để tiến hành các hoạt động khác, đây cũng là động lực phát triển của toàn ngành. Từ đó, lãnh đạo Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chủ lực, để cố gắng lựa chọn những đề tài có tính chuyên sâu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, để đưa khoa học vào trong lĩnh vực VHTTDL, từ đó với sự nỗ lực và quyết tâm cao, đặc biệt là phát huy vai trò của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các hội đồng, chúng ta đã làm được về cơ bản các chỉ tiêu mà trong đợt phát động thi đua đã đề ra.

Thứ hai, chúng ta cũng đã có sản phẩm cụ thể. Có nhiều những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động thực tiễn từng ngành, từng lĩnh vực. 

Thứ ba, trong quá trình nghiên cứu, chúng ta cũng bắt đầu tiếp cận dần với những nhu cầu, mong muốn của các đơn vị, hay nói cách khác, thực tiễn đặt ra cho các nhà khoa học phải có những lời giải căn bản và làm sáng tỏ thực tiễn để đóng góp vào sự phát triển chung.

Thứ tư, trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học đã có sự trưởng thành.

Bộ trưởng cũng khẳng định, còn có nhiều khó khăn vất vả trong công tác nghiên cứu khoa học nhưng những kết quả chúng ta đạt được là rất xứng đáng.

Bên cạnh những đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng còn nhận thấy nhiều vấn đề cần đặt ra. Cụ thể, việc nghiên cứu còn phải khắc phục nhiều thì mới giữ được vị trí quốc sách, là điều kiện tiên quyết cần thiết, còn nếu không, công tác nghiên cứu chỉ dừng lại ở nghiên cứu trong giới, sau đó cất vào tủ, không đưa ra thực tiễn được. Có thể nói, nghiên cứu khoa học khó từ cách lựa chọn và nắm bắt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ giai đoạn 2016-2020

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng còn cho biết, trước hết, tập trung cho nghiên cứu khoa học ứng dụng là một trong những lĩnh vực rất cần thiết trong công tác quản lý nhà nước để cân đối với nghiên cứu khoa học cơ bản, trong thời gian dài chưa được chú trọng.

Thứ hai, khi xác định đề tài lại chưa thực sự dành nguồn nhân lực để có sản phẩm chất lượng cao nhất, đúng với mong đợi.

Thứ ba, khoa học không có biên giới, việc tiếp cận các thành tựu các khoa học hiện đại các quốc gia, thế giới bên ngoài, các viện khác trong nước rất rộng mở nhưng khả năng khai thác, khả năng tiếp biến, khả năng kế thừa, khả năng vận dụng dường như còn khập khiễng.

Thứ tư, chúng ta tự hào về đội ngũ cán bộ làm nghiên cứu khoa học lớn, nhưng phải chăng “đông nhưng không mạnh”. Ở một chừng mực nào đó, giữa học hàm học vị với năng lực thực tiễn khi nghiên cứu chưa cân xứng. Những nhà nghiên cứu phải luôn luôn học hỏi, học trong sách vở, từ thực tiễn hay học từ bạn bè… mới là nhà khoa học của VHTTDL, còn không chỉ là những nghiên cứu viên trong viện mà thôi.

Thứ năm, trong điều kiện ngân sách có hạn, chúng ta phải chọn việc, chọn điểm, chọn đề tài nghiên cứu. Quan điểm kế thừa trong khoa học phải chăng trong thời gian vừa qua cũng đang khập khiễng…

Qua đó, Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học, những người nghiên cứu khoa học, cán bộ công chức viên chức toàn ngành nghiên cứu lại toàn bộ quan điểm đường lối của Đảng về khoa học và công nghệ. Nhất là nghiên cứu để thấy được điểm mới trong khoa học công nghiệp tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bởi văn kiện của Đại hội Đảng là công trình khoa học đồ sộ được tổng kết, đúc rút, được kế thừa, phát triển, đó là trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Bộ trưởng cũng đề nghị những người làm khoa học trong Bộ tiếp cận theo hướng tập trung cho nghiên cứu khoa học ứng dụng để giải quyết những bài toán, điểm nghẽn trong lĩnh vực phát triển VHTTDL. Những vấn đề cần phải có sự luận giải một cách thấu đáo, định hướng, chỉ đường của khoa học.

Bộ trưởng tin tưởng công tác nghiên cứu khoa học của Bộ VHTTDL tới đây sẽ có bước tiến tốt hơn, xa hơn, dài hơn để đáp ứng được nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, phát triển thể thao và đưa du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ cũng đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ giai đoạn 2016 – 2020.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *