Tết Trâu
Tết trâu là tục lệ cổ truyền ở nhiều vùng miền nông thôn của nước ta. Ở Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa); Vĩnh Linh (Quảng Trị)… trước Tết vài hôm, người ta tìm các thứ cỏ thật ngon, hoặc chọn mớ rơm được nắng để “thưởng” cho trâu ăn Tết. Sau đó, trâu được tắm rửa kỹ càng, chuồng trại được quét dọn sạch sẽ.
Sáng mồng 1 Tết, người chủ mang dán trước trán mỗi con trâu một lá bùa bằng giấy hồng điều để “trừ tà”, xua đuổi vận hạn xấu của năm cũ, cầu cho trâu sang năm mới được bình yên vô sự, ăn no, cày khỏe. Sau khi cúng “chuồng”, trâu được cho ăn cỗ, được thưởng thức món bánh chưng, bánh lá gai, xôi, chè, chuối… Người ta còn chọn ngày tốt dắt trâu đi dạo vài vòng để trâu “thưởng xuân”, đồng thời ướm vai cày cho trâu để cầu “lấy may”.
Ngày nay, Tết trâu vẫn được nông dân các vùng nói trên tổ chức vào những ngày đầu năm. Dù bận rộn nhưng ở nhiều địa phương như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương… bà con nông dân cũng tranh thủ đi cắt cỏ tươi về dự trữ, gọi là cỏ Tết trâu. Để trâu có thêm hương vị đậm đà, nhiều nơi còn nấu cơm, nấu cháo cho trâu ăn. Ngày 30 Tết, người ta thường cho trâu ăn nhiều thức ăn ngon như cám, cháo, đường mật … Trong những ngày Tết, thậm chí trâu được thưởng thức cả chè kho – loại chè thập cẩm gồm củ khoai lang băm nhỏ, nấu với cám gạo thật nhừ, thật sánh, thêm ít muối, đường cho đậm đà, ngon miệng. Sau mỗi bữa ăn, trâu còn được uống nước chè xanh hoặc nước ấm.
Có nhiều nơi, sáng mồng 2 Tết, người ta mở hội thi trâu. Con trâu nào béo khỏe, đẹp nhất sẽ được gắn lá cờ chuối màu đỏ trên sừng và được hưởng phần bánh chưng, cơm trắng, cỏ non… Với những con trâu thua cuộc, người chủ không để chúng thiệt thòi, cũng cho thức ăn ngon, nhưng phải mang trên cặp sừng lá cờ màu xanh đi về nhà.
Chọi trâu Đồ Sơn
Nhắc đến Đồ Sơn, người ta thường nhắc đến một bãi biển đẹp, một nơi nghỉ mát lý tưởng, nhưng Đồ Sơn còn có một ngày lễ hội độc đáo có một không hai trên đất nước ta đó là hội chọi trâu:
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng mười tháng tám nhớ về chọi trâu
Tương truyền, từ thuở xa xưa, khi lớp dân cư đầu tiên đến khai phá vùng đất này, vào một đêm tháng 8, trên mặt biển bỗng nổi lên một vùng hào quang rực rỡ. Giữa vầng hào quang ấy, một cặp trâu thần đang chọi nhau quyết liệt. Hình ảnh ấy hiện ra cho mọi người trên bờ trông thấy, sau đó cặp trâu biến mất. Lúc ấy trời quang mây tạnh, bỗng nhiên mây đen kéo đến rồi một cơn mưa ập xuống tưới đẫm mặt đất. Từ đó hàng năm, người dân Đồ Sơn tổ chức chọi trâu vào ngày 10 – 8 để cầu mong mưa thuận gió hòa. Đặc biệt, hằng năm vào ngày chọi trâu, thường mưa rất nhiều.
Giai thoại trâu thần chọi nhau phản ánh tín ngưỡng dân gian của một vùng đất ven sông biển, lấy vật tổ là con trâu thần trong lịch sử của dân tộc. Trâu là con vật gần gũi, thân thiết với con người. Đối với nhà nông, con trâu là đầu cơ nghiệp. Nếu so với các động vật vùng đồng bằng thì trâu là con vật to lớn nhất. Với sự hùng dũng pha chút hoang dã, trâu tượng trưng cho sức mạnh huyền bí, sức mạnh bản năng của loài vật.
Để có trâu chọi, ngay từ tháng Giêng, tháng Hai, các làng quê đã cử người đi vào Nghệ An, Thanh Hóa, hoặc đến Hà Nam, Thái Bình… để tìm mua trâu tốt. Tiêu chuẩn chọn trâu chọi được đúc rút kinh nghiệm từ xưa. Trước hết, nhìn tổng thể. Trâu phải có thân dài, ức rộng, dáng vẻ hùng dũng. Sau đó mới xem đến mi mắt trâu phải dày, mắt đen, tròng mắt ửng đỏ. Sừng trâu to bản, gốc sừng vuông, sừng nhọn. Khoảng cách giữa hai đầu sừng rộng vừa phải, cổ trâu tròn, khỏe, dài, khuôn nhỏ về phía đầu. Nếu cổ trâu to, ngắn là trâu chậm, ít hoạt bát, năng động, đầu trâu phải có 3 xoáy, một xoáy ở trên đỉnh, 2 xoáy ở hai bên trán (còn gọi là trâu tam tinh). Chân trâu phải ngắn và mập tròn, đầu gối có lông dài (tròng mắt đỏ, đầu gối có lông dài là đặc điểm của trâu rừng mà con trâu còn thừa hưởng được trong gien di truyền). Khi trâu nhai lại không được sùi bọt mép.
Khi chọn được con trâu đạt tiêu chuẩn, người ta mua về, giao cho một gia đình có uy tín chăn dắt, nuôi dưỡng. Việc chăm sóc trâu chọi rất công phu. Cỏ cho trâu ăn là loại cỏ non, có trộn cám gạo. Nước uống cho trâu phải sạch, tinh khiết. Không cho trâu tiếp xúc với trâu cày để làm tăng bản chất hoang dã cô độc vốn có ở trâu. Vừa chăm sóc, người ta vừa huấn luyện cho trâu quen chọi, quen tiếng trống mõ hò reo ngày hội. Vào tháng 5, tháng 6 hàng năm, sẽ có đợt thi đấu vòng loại để bỏ bớt những con trâu yếu, hoặc nhút nhát, chỉ để lại những con trâu dũng mãnh nhất.
Nhiều người đã xem chọi cá, chọi chim, chọi gà… nhưng không gì hấp dẫn và hồi hộp và đầy phấn khích như khi xem chọi trâu. Vào ngày hội chọi trâu, người ta chuẩn bị sới đấu. Đó là một bãi đất rộng, bằng phẳng, xung quanh có hàng rào ngăn cách để đảm bảo an toàn cho người xem. Theo hiệu lệnh, từng cặp trâu được đánh số sẵn được dắt vào sới. Hai con trâu chọi gườm nhau rồi bất ngờ lao vào địch thủ với một sức mạnh kinh khủng. Có con chịu không nổi cú húc đầu tiên này, bị nứt xương đầu, đau đớn phải bỏ chạy. Tuy nhiên, đa số các cặp trâu chọi đều giao đấu rất quyết liệt, chúng ghìm nhau, lừa miếng, con nào cũng cúi đầu thật sát đất, dùng sừng húc vào ức hoặc khóa vào cổ đối thủ mà xốc, mà xoáy. Có những cặp trâu chọi đến hàng tiếng đồng hồ không phân thắng bại.
Ngày hội chọi trâu hàng năm trời thường mưa lất phất. Khi có tiếng người hò reo và tiếng trống hối thúc, các cặp trâu càng say đòn, càng chọi hăng… Có một điều đặc biệt là các cặp trâu chọi nhau rất dũng mãnh nhưng ít khi lao vào khán giả để gây thương tích cho người. Rất hiếm khi ai đó xem chọi trâu mà bị trâu húc phải. Xem chọi trâu, còn được chứng kiến tài nhanh nhẹn của những người bắt giữ trâu. Khi con trâu thua cuộc bỏ chạy, con trâu thắng lồng lên đuổi theo. Người bắt trâu chạy theo con trâu thắng cuộc, phải làm sao dùng tay giữ được mũi của nó để tách 2 con trâu ra. Công việc này đòi hỏi phải hết sức nhanh nhẹn, khéo léo, gan dạ, dũng cảm. Trâu thắng cuộc được xếp loại nhất, nhì, ba, Các làng có trâu chiến thắng được nhận giải bằng tiền hoặc hiện vật. Dù trâu thắng hay thua, người ta đều đem làm thịt để tế thần, rồi chia cho mọi nhà. Đầu năm sau, người ta lại tìm mua lứa trâu khác, chuẩn bị cho ngày hội năm mới.
Trong một thời gian dài, hội chọi trâu Đồ Sơn bị bỏ. Gần đây, các lễ hội dân gian trong cả nước dần dần được khôi phục, hội chọi trâu Đồ Sơn cũng nằm trong số đó. Chọi trâu, một tục lệ cổ truyền trong lễ hội truyền thống ở Đồ Sơn, một nét độc đáo có một không hai trên đất nước ta. Ngày lễ hội, người người nô nức như có chất men say. Được sống những giây phút sảng khoái, thoải mái, hồi hộp và hấp dẫn, trong không khí hội hè, mọi người như thấy gắn bó hơn với cộng đồng. Và khi xong hội trở về với công việc thường ngày, người ta cảm thấy tinh thần dường như phấn chấn hơn, vui vẻ hơn và yêu đời hơn.
Trâu là “cái nền nhà”
Con trâu đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất và đời sống kinh tế của người Thái vùng Tây Bắc nước ta. Nếu như ở người nông dân vùng đồng bằng, tầm quan trọng của con trâu được đúc kết qua câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” thì ở người Thái cũng có một câu tương tự: “Con trâu là cái nền nhà”…
Cũng như ở nhiều dân tộc khác, việc nuôi trâu của người Thái chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc cày bừa, trâu còn được sử dụng để kéo gỗ, tre, nứa phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Đối với người Thái, con trâu còn là một tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu – nghèo trong xã hội. Con trâu là sản phẩm hàng hóa để mua bán, trao đổi giữa các vùng. Người Thái cho rằng, nếu một gia đình nào mà phải bán đến cả con trâu cuối cùng thì có nghĩa là báo hiệu sự kiệt quệ, tán gia bại sản. Vì vậy, họ quyết giữ cho được con trâu. Một câu tục ngữ khác của người Thái cũng rất hay khi nói về tầm quan trọng và tính hiệu quả của con trâu: “Đi buôn 3 năm không bằng nuôi 3 trâu nái”.
Từ tầm quan trọng của con trâu, người Thái đã mang nó vào trong các nghi lễ, tín ngưỡng trong cộng đồng và gia đình. Hàng năm, khi đến Tết, đồng bào thường cho trâu ăn bánh chưng, lá dong… Con trâu còn được sử dụng vào mục đích tôn giáo, làm lễ vật cúng tế trong các đám tiệc hiếu hỷ nhà giàu, chức dịch hoặc các bậc cao niên và nhất là trong các dịp cúng bản, cúng mường để tạ lễ với trời đất cầu yên lành cho dân trong bản trong mường.
Đối với người dân tộc Mông, đám tiệc hiếu hỷ luôn có thịt lợn, trâu hoặc bò để cúng giỗ. Trong đời người đàn ông, ít nhất phải cúng báo hiếu cha mẹ một lần, với vật hiến tế là đầu trâu hoặc bò. Lễ này gọi là đám ma trâu, kéo dài 1 ngày và 2 đêm. Còn người dân tộc Dao cúng tổ tiên mỗi nhà mỗi khác. Trong khi dòng họ Bàn cúng bò, dòng họ Phùng cúng dê thì họ Triệu lại dùng trâu để cúng.
Người La Chí trong tang lễ phải thịt trâu để cúng và đem đầu con trâu treo bên lăng mộ. Lễ vật cúng ngoài các loại thịt lợn (heo), chuột, chim, cá, còn có tấm da trâu, thịt trâu luộc và thịt trâu chua (thịt trâu ủ từ 7 – 10 ngày cho lên men). Mỗi bản làng có một nhà sàn dùng để cúng bái chung. Ttại đó, khoảng 3 năm sẽ tế trâu một lần, đầu trâu cúng tế sẽ được treo dưới mái nhà. Hàng năm, khi ăn Tết cơm mới (tháng 8 âm lịch), người La Chí gói cơm gạo mới vào lá và cuộn trong cỏ tươi rồi cho trâu ăn trước. Sáng mồng 1 Tết Nguyên đán, trâu được gia chủ cho ăn bánh chưng.
Phụ nữ người dân tộc Dao, Tống (thuộc dân tộc Pà Thẻn) vùng Tây Bắc và người dân tộc Tây Nguyên khi có thai đều kiêng cữ bước qua dây buộc trâu vì lo sợ bị đẻ khó như lời đồn đại. Còn người Mnâm (thuộc dân tộc Xơ Đăng) vào tháng 2 dương lịch thường mở lễ cúng trâu. Trâu được dùng để dẫm ruộng trước khi đi cày. Cả làng nhốt trâu vào chung một chuồng lớn. Cửa chuồng được trang trí đẹp, giữa chuồng có trồng cây nêu cao vút, trang trí theo tập tục. Mỗi năm, chuồng được thay một lần và lễ cúng trâu được tổ chức trong dịp này. Mọi người dự lễ cúng trâu đều cầu mong những điều tốt lành cho làng, bản, cầu thần linh cho đàn trâu được khỏe mạnh, sinh con đàn cháu đống. Sau lễ, người ta cử 5, 7 hoặc 9 người cùng mở của chuồng thả đàn trâu ra ngoài đi kiếm cỏ.
Đối với dân tộc Khơ-Mú theo tục lệ nữ quyền, khi cậu chết, cháu rể thường đứng ra tổ chức tang lễ và được hưởng một chiếc đùi trâu sau lễ cúng. Người Thổ trong cưới xin, đồ dẫn cưới của nhà trai thường phải có một con trâu. Còn đồng bào Lự có tục gái bỏ chồng sẽ bị phạt một con trâu, trai bỏ vợ bị phạt một con bò cho làng xẻ thịt ăn. Người dân tộc Sán Chay, Cao Lan, Sán Chỉ thường cất nhà nhà có hình dạng con trâu. Thiết kế nhà gồm 4 cột ở giữa giống 4 chân trâu, rui mè là xương sườn trâu, đòn nóc là sống lưng trâu, thùng cám đặt cạnh chân cột chính là dạ dày trâu… Người Bru dân tộc Vân Kiều (Quảng Trị) làm nhà sàn thường ở phía đầu đốc nhà có một chiếc sừng trâu để trang trí, trừ ma quỷ. Còn người Cơ Tu xây nhà rông thường tạc hình đầu trâu trên mặt ván be quanh ngôi nhà sàn vừa để trang trí, vừa làm bậc lên xuống, cứ mỗi cặp sừng trâu là một bậc thang.
Tác giả: Nguyễn Tấn Tuấn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)