THÀNH PHỐ TIỀN TIÊU BÊN BỜ BIỂN ĐÔNG


Từ một làng chài ven biển là trang An Biên bên bờ sông Cấm vào những năm 40 sau công nguyên dưới thời trấn nhậm của Lê Chân – nữ tướng Hai Bà Trưng, Hải Phòng khi đó đã giữ vị trí tiền tiêu khu vực đông bắc của tổ quốc với tên gọi Hải Tần phòng thủ.

 
Hải Phòng được hình thành trên miền đất cổ, với nền tảng lịch sử văn hóa xã hội lâu đời. Trên đất Hải Phòng các nhà khảo cổ học đã phát hiện 4 di chỉ tiêu biểu xuyên suốt thời tiền sử, chứng minh sự có mặt liên tục của người Việt cổ. Trước hết là di chỉ Cái Bèo (huyện Cát Hải) thuộc văn hóa tiền Hạ Long, cách nay khoảng 6.475 năm. Di chỉ Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên) thuộc văn hóa Phùng Nguyên, cách nay khoảng 3.405 năm. Di chỉ Việt Khê (Thủy Nguyên) và Núi Voi (An Lão) thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng 2.415 năm
Khi nhà nước Văn Lang ra đời, vùng đất Hải Phòng ngày nay lúc đó thuộc bộ Thang Tuyền – một trong 15 bộ của nước Văn Lang, cư dân đã khá đông đúc. Trong quá trình hình thành cộng đồng dân cư, Hải Phòng nổi lên hai cuộc hội cư lớn: một thuộc TK X (sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938) và một đầu TK XX (thời kỳ đô thị hóa).
Hải Phòng là vùng đất có con người sinh sống từ thủa xa xưa nhưng cũng là nơi luôn được bổ sung bằng những lớp cư dân từ nhiều địa phương kéo đến từ các miền trung du, đồng bằng, hải đảo. Ngoài ra còn có những cư dân trên sông biển, những vạn chài từ nơi khác bằng đường biển đã kéo về lập nghiệp, sinh sống nơi đây. Nhiều người phương Bắc và vùng đảo đã thiên di đến vùng này bằng một số con đường và thời gian khác nhau suốt thời Bắc thuộc tới những năm trước giải phóng Hải Phòng (năm 1955).
Phần lớn vùng đất Hải Phòng ngày nay thuộc trấn Hải Dương. Quá trình hình thành lãnh thổ Hải Phòng là quá trình vươn ra biển cả, đắp đê sông, đê biển, khai phá thiên nhiên, cải tạo đất đai chua mặn để canh tác.
Những lớp cư dân hội tụ ở đây hầu hết là những người nghèo khổ phải dời bỏ quê hương đến đây tìm đất sống, vật lộn với đồng chua nước mặn, với sóng gió biển khơi và đấu tranh chống cướp biển, bất công để tồn tại nên ở họ đã hình thành tính cách, bản lĩnh riêng: cởi mở, phóng khoáng, kiên nhẫn, quả cảm và cũng ngang tàng, chuộng nghĩa khí.
Sự hòa hợp dân cư nhiều vùng, miền đã tạo nên nét văn hóa đan xen đa dạng, sinh động của Hải Phòng. Hải Phòng có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xưa như làng tạc tượng, làm con rối Đồng Minh (Vĩnh Bảo) mà ông tổ nghề Tô Phú Vượng tiêu biểu cho tài năng điêu khắc được vua Lê ban nghệ danh kỳ tài hầu, làm chiếu cói, thảm cói Nam Am, Cổ Am, tạo hình tứ linh và các con vật… từ cây, quả ở Cao Nhân (Vĩnh Bảo), làm đá ở Núi Voi (An Lão), làm chum, vại, nồi đất Tiên Hội, trồng hoa Đằng Hải, đúc đồng, gang ở Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), dệt thảm, len Hàng Kênh…
Hải Phòng có nhiều công trình kiến trúc điêu khắc nổi tiếng tiêu biểu cho tài hoa nghệ thuật của ông cha ta như tháp Tường Long (đang phục dựng), đình Hàng Kênh, Kiền Bái, Cung Chúc, Đôn Lương, Gia Lộc, đền Nghè, miếu Cựu Điện, chùa Dư Hàng, Vân Bản, Mỹ Cụ…
Hải Phòng cũng là địa phương bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian phi vật thể. Xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo) là quê hương của môn nghệ thuật múa rối: rối nước, rối cạn, rối đèn (đèn kéo quân), thả đèn trời, thi pháo đất. Xã Phục Lễ, Phả Lễ (Thủy Nguyên) có hội xuân hát đúm. Đồ Sơn có hội chọi trâu. Kiến Thụy có hội vật cầu, rước lợn ông Bồ, hội minh thề. Tiên Lãng, Cát Hải, An Dương có hội vật, đua thuyền…
Về khoa bảng, tính đến đầu TK XX, vùng đất Hải Phòng có gần 100 vị đỗ đại khoa. Tiêu biểu là Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên) đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (1502), Trần Tất Văn (An Lão) đỗ Trạng nguyên khoa Bính Tuất (1526), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo) đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535). Trong đó Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là danh nhân văn hóa nổi tiếng cả nước, nhà tiên tri có tài, nhà thơ kiệt xuất TK XVI, người thầy đào tạo nên nhiều học trò xuất sắc như Lương Hữu Giáp, Đinh Thời Trung (Tiến sĩ), Giáp Hải (quan Tể tướng nhà Mạc), Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), Nguyễn Dữ (nhà văn)…
Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 – 13-5-2010), Sở VHTTDL Hải Phòng, với sự trợ giúp đắc lực của Thư viện Khoa học Tổng hợp Hải Phòng đã tổ chức trưng bày triển lãm tư liệu địa chí Hải Phòng lần thứ nhất (từ ngày 28-4-2010 đến 01-6-2010). Triển lãm nhằm giới thiệu những nét lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Hải Phòng và thành tựu xây dựng, phát triển của thành phố trên nhiều lĩnh vực trong 55 năm sau ngày giải phóng
Nhờ sự vận động tích cực và công tác tổ chức chu đáo của ban tổ chức, triển lãm đã quy tụ được sự tham gia của 14 đơn vị quận, huyện và nhiều ban, ngành, đơn vị, trường đại học trên địa bàn Thành phố. 15 gian triển lãm của Thư viện KHTH thành phố và các quận, huyện đã khái quát được lịch sử hình thành và phát triển của Hải Phòng, nét đặc trưng của từng địa phương, thành tựu xây dựng và trưởng thành của các đơn vị, cơ quan tham gia triển lãm . Trong các gian trưng bày tập hợp 1283 tài liệu in ấn được chọn lọc từ 14 quận, huyện, từ Thư viện KHTH thành phố và một số sở, ban, ngành, đơn vị của Hải Phòng cùng 127 bức ảnh màu, một số bản đồ, sơ đồ, hiện vật, luận văn tốt nghiệp, luận án khoa học nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Hải Phòng. Có những tài liệu cổ có giá trị thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu như các văn bản Hán Nôm: Hải Dương toàn hạt dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Quảng Hòa địa bạ, Gia Long điền bạ
Cuộc triển lãm tài liệu địa chí Hải Phòng không những giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về mảnh đất, con người nơi đây mà còn góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và khơi gợi sự quan tâm của các ban, ngành, cơ quan, đơn vị tới việc thu thập, giới thiệu tài liệu địa phương chí.
Triển lãm tài liệu địa chí được tổ chức tại Thư viện KHTH Hải Phòng góp chung vào hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa của các tỉnh, thành trên cả nước hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
 
 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010

Tác giả : Phạm Văn Thi

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *