Theo những dòng sông về bến Lục Đầu


Nếu như bạn có thể mở một cuộc hành trình xuôi theo các dòng sông về tới Lục Đầu giang – một vùng mênh mông sông nước, bạn sẽ thấy những dòng sông chở nặng huyền thoại và sử thi tụ hội về đây để thăng hoa cùng trời đất trước khi hóa ra biển lớn.

Rạng danh vùng đất sử thi

Nằm về phía Đông Bắc Tổ quốc, nơi trấn giữ đặc biệt của kinh thành Thăng Long xưa, Kinh Bắc xưa từng hứng chịu nhiều phong ba, bão táp nhưng cũng rất oai hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đã biết bao lần gót chân, vó ngựa của kẻ thù giày xéo, chà đạp lên giang sơn gấm vóc của các bậc tiên đế Đại Việt ta, song mảnh đất ấy vẫn vững vàng, kiên cường và không hổ danh là một vùng phên giậu. Dấu tích các cuộc chiến chống giặc Tống, Nguyên – Mông, Thanh hay tàn quân Thái Bình thiên quốc còn in đậm trên các di tích, làng mạc, ngọn núi, dòng sông ở miền thượng xứ Bắc này.

Nơi đây còn đó một chiến tuyến Như Nguyệt từ chân núi Tam Đảo đến Lục Đầu giang khi quân dân Đại Việt với sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã chặn đứng đường tiến quân về Thăng Long của giặc Tống do tướng Quách Quỳ chỉ huy (1077). Truyền thuyết kể rằng, vào thời kỳ kháng chiến chống giặc Tống, dân làng ven sông Cầu đã bí mật liên lạc với quân của nhà Lý. Nhờ khả năng sông nước điêu luyện, họ đã dùng thuyền vận chuyển quân lính của Lý Thường Kiệt qua sông đánh tan quân Tống, lập nên chiến thắng oanh liệt vào ngày 17/2/1077. Từ đó mới có những địa danh như ngã ba sông Xà, gò Xác, núi Đồn và đây cũng chính là nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ  nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Sau này, dân làng Tiếu Mai, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) lấy ngày 10/3 (âm lịch) – ngày Giỗ tổ Vua Hùng để ăn mừng chiến thắng, mở hội đua thuyền trên sông Như Nguyệt.

Cuộc kháng chiến chống Tống cũng gắn liền với tên tuổi các phò mã, tù trưởng Động Giáp là Thân Cảnh Phúc ở miền núi Lục Ngạn và ngôi đền thờ ông – di tích lịch sử quốc gia đền Từ Hả vẫn uy nghi trầm mặc đến ngày nay. Theo Đại Việt sử lược Đại Việt sử ký toàn thư, vùng đất Lạng Châu xưa rất gần gũi với triều đình nhà Lý. Vua Lý gả công chúa cho các chúa Động Giáp. Các chúa động trở thành phò mã và gắn bó với triều đình. Vùng đất này được nhà Lý quan tâm nhằm duy trì chính sách ràng buộc chặt chẽ vùng biên giới với triều đình để củng cố an ninh quốc gia.

Nơi đây vẫn còn hào khí của trận chiến chống bước tiến của giặc Nguyên -Mông trên miền thượng sông Lục Nam. Ba lần giặc sang xâm lược nước ta thì hai lần chúng theo đường Lạng Sơn, dọc sông Lục Nam để tiến vào kinh thành. Cả hai lần vua quan nhà Trần đều đưa quân đến miền đất này ngăn chặn mũi tiến công của giặc. Những trận chiến ở Sa Lý, Nội Bàng (Lục Ngạn), sông Lục Nam gắn với tên tuổi của Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu và những người hùng là tù trưởng dân tộc thiểu số vùng Động Giáp như Vi Hùng Thắng… Trận quyết chiến tiêu diệt và bắt sống gần 10 vạn viện binh nhà Minh trên chiến tuyến Chi Lăng – Cần Trạm – Hố Cát – Xương Giang với những địa danh như Mả Ngô, đền Càn… góp phần quan trọng lật đổ ách thống trị của nhà Minh, khôi phục nền độc lập cho dân tộc. Lê Quý Đôn từng đánh giá về chiến thắng này: “Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy” (Đại Việt thông sử).

Thành Xương Giang cách sông Thương 3 km. Một nhà thơ từng viết: Đã sông Thương lại bến Than/Cội nguồn xưa chắc trái oan điều gì? Tên dòng sông có sức gợi mạnh mẽ và thực tế trong quá khứ khi quan, quân Đại Việt trên con đường thiên lý đi xứ phương Bắc hay trấn ải biên thùy sứ Lạng thì gia đình họ thường tiễn đưa đến con sông này. Nơi đây, diễn ra cảnh người đi xa, người ở lại, những cuộc chia tay bịn rịn thật là thương cảm nên từ đó, người đời gọi là sông Thương. Sông Thương có bến Chia Ly, cũng vì khi đến đây người thân đưa tiễn phải dừng lại, phút chia ly tiễn biệt ngay trên bến sông. Bến Chia Ly ở ngay khúc sông nước chảy đôi dòng (bên đục bên trong) càng gợi nỗi thương cảm biết bao nhiêu thế hệ… Dòng sông Thương chiến thắng oai hùng nhưng cũng là dòng sông đậm chất nhân văn trữ tình, đã nuôi dưỡng khí phách con người Phủ Lạng Thương. Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) từng viết về con sông ấy: Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài/Lặn với sao trời, ráng đỏ soi/… Sông xa bát ngát buồm trăng xế/Tiếng giặt đâu đây não ruột ai…  Nhà bác học Lê Quý Đôn trên con đường đi sứ qua, có đề rằng: Khói tạnh đồng xanh, nương rẫy tốt/Vườn hoang sương lạnh, luỹ thành trơ… (Độ Xương Giang). Nguyễn Trãi trong Đại cáo Bình Ngô thật hào sảng:  “Gió mây vì thế mà biến sắc/Trời trăng ảm đạm đến lu mờ… Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước/Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi, Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ…”.

Một dòng sử thi và huyền thoại

Xuyên suốt hai triều đại Lý – Trần đến tận thời Lê – Nguyễn, Kinh Bắc vẫn được các bậc đế vương, các vị thức giả đương thời coi như miền đất linh thiêng, nơi hội tụ khí thiêng trời đất mà sinh lắm anh tài văn chương, võ lược. Vì linh thiêng, vì có nhiều non cao cảnh đẹp, nhiều địa thế phong thủy giao hòa nên người xưa khéo chọn thế hiểm yếu, tú khí tụ dồn để dựng chùa am tu thiền truyền đạo. Nếu chính sử có một chiến tuyến sông Cầu chống quân xâm lược Tống của Lý Thường Kiệt – thì ở Lục Đầu còn bao câu chuyện tô đẹp cho trang sử ngoại xâm này. Ở đâu cũng vậy, ta đều gặp những anh hùng lịch sử và anh hùng văn hóa, luôn luôn âm phù cho người anh hùng đang đánh giặc. Phải chăng, những người đã khuất đã làm tăng âm hưởng cho bài thơ thần:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành kha thủ bại thư”.

 Lục Đầu Giang – chỗ gặp gỡ của 6 con sông chở nặng phù sa cho một vùng châu thổ rồi hợp lại về biển (sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, nhập vào hai con sông Kinh Thầy, Thái Bình chảy ra biển Đông). Lục Đầu Giang, nơi hiển hách chiến công, còn là chặng nghỉ chân của những bước đi vấp váp trong lịch sử. Chuyện kể, sau các bi kịch kẻ tòng phạm của tội ác – Thục Phán đã về Lục Đầu cưỡi ngựa rẽ sóng xuống thuỷ cung. Lối thoát của một người lầm lỡ được giải quyết như vậy quả là tuyệt vời. Từ trong đó, ngời sáng bản chất của người Việt nhân hậu, bao dung, công minh với người lầm lỡ nhận ra tội lỗi của mình.

Đến Lục Đầu, ta còn nghe chuyện về các vị tướng của Hai Bà Trưng đánh quân Nam Hán. Mùa xuân năm Kiến Vũ (43), cuộc khởi nghĩa của Hai Bà bùng nổ ở Mê Linh, rồi như triều dâng thác đổ đám quân tràn về cai thành trị giặc. Cả Kinh Bắc mở rộng ứng nghĩa. Quân địch tràn về Luy Lâu – vượt sông Cầu, sông Thương rồi cũng lại về đánh đòn quyết định ở Nham Biền, Ngọc Lâm trong vùng địa vực huyện Phượng Nhỡn xưa. Cả vùng chiến địa năm ấy, nay còn ghi nhiều chiến tích ở chỗ cửa vũ trụ, nơi rặng Huyền Đinh đâm ngang sông Lục Nam, gần chỗ gặp nhau của sông Thương, sông Lục nay là địa phận của xã Đan Hội, Trí Yên, Vũ Xá  mà huyền sử nói rằng nơi biên thùy hút gió ngàn rặng óc, sông Lục Đầu nổi giận cuộn sóng quanh năm.

Hội nghị Bình Than quyết định đường lối của cuộc chiến tranh đã diễn ra ở đây. Những cuộc chiến dìm thuyền giặc xuống đáy sông Lục Đầu còn vang mãi trên sóng nước. Sử cũ đã từng ngợi ca các đạo quân của huyện Phượng Nhỡn can trường, không bao giờ chịu lùi bước, không bao giờ chịu khuất phục. Khi đất nước lâm nguy, chỉ cần một lần gọi, trai Phượng Nhỡn không còn một ai ở nhà. Và có lẽ trở thành một quy luật, bên cạnh chính sử lại vẫn có huyền sử. Người ta chỉ các vết lõm trên dãy Nham Biền và bảo đó là dấu chân của Trần Thủ Độ, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lên núi điểm quân. Những sự tích cánh đồng kéo thuyền của quân dân sát cánh đã thành ký ức truyền đời. Có địa danh Đồng Đổ Quân, Đấu Đong Quân, ngược dòng sông Lục còn bắt gặp bãi voi thụt – sự tích gắn liền với các đội tượng binh thiện chiến gây khiếp sợ cho quân giặc…

Với một đất nước muôn năm có giặc ngoại xâm, con người đã huy động cả thần linh đi đánh giặc. Con người cũng ứng xử kịp thời với cái đẹp của chính họ tạo ra. Hình tượng người anh hùng Trương Hống – Trương Hát được người dân xứ Bắc gìn giữ chính là thế kiêu hùng của những người giữ nước. Người dân đôi bờ sông Cầu hay bất kể người dân xứ Bắc ai mà không biết những người anh hùng thần thoại Trương Hống – Trương Hát? Hơn 300 làng lưỡng biên giang cai quản từ ngã ba Xà trên sông Cầu tới ngã ba Phượng Nhỡn hay từ Thượng chí Đu Đuổm, Hạ chí Lục Đầu đã lập đền thờ phụng.

Rẽ sóng sông Lục Nam để được nghe về những trận đánh huyền thoại của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn hồi kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai (thế kỷ XIII) và câu chuyện Yết Kiêu chống thuyền đợi chủ tướng cũng ở trên sông này. Bến Bình Than với câu chuyện kể về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam bên ngoài hội nghị… Ở Lục Đầu giang, nhìn về bên kia sông là địa phận Hải Dương, trông rất rõ đền Kiếp Bạc. Nơi đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy sân gạch và nền nhà phủ đệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Dãy núi xanh lơ sau dãy đồi đất đỏ phía Đông ấy là nơi nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi chán ghét cảnh đời đi ở ẩn, vui vầy với cỏ cây mây nước mấy trăm năm trước. Xa hơn chút nữa phía chân trời là dãy Yên Tử – đất thánh của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và tạo dựng.  

Sử chép, các vua  Lý từng nhiều lần ngự thuyền rồng ngược dòng sông Lục đi săn bắn, khích lệ tâm trung của các phò mã, công chúa nhà Lý ở miền đất này. Thế kỷ X – XII, để tạo sức mạnh chống thù trong giặc ngoài, vương triều Lý. Nhà Lý đã gả các công chúa cho các tù trưởng miền biên ải, trong đó có một số tù trưởng Lạng Châu (vùng núi Lục Ngạn, Sơn Động và miền hạ đất Lạng Sơn ngày nay). Các công chúa khi sống cùng các tù trưởng đã đem văn hóa miền kinh kỳ giao thoa cùng văn hóa bản địa. Chính vì thế, trên vùng đất ven bờ sông Lục (Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng ngày nay), còn nhiều dấu tích các ngôi chùa cổ thời Lý như: Chùa  Bạch Vân (Phượng Sơn – Lục Ngạn), chùa Nhạn Tháp, chùa Cao, chùa Tòng Lệnh (Lục Nam), chùa Đức La hay còn gọi là Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). Sự xuất hiện các đại danh lam cổ tự ở đôi bờ sông Lục do nhà Lý xây dựng đã thu hút nhiều vị cao tăng đến trụ trì. Họ là những người thầy đảm nhận việc dạy chữ Hán kết hợp với việc tuyên truyền giáo lý, kinh điển nhà Phật và tư tưởng Nho giáo cho sĩ tử đương thời.

Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên một quả đồi thấp, đó là bậc thềm cổ của sông Thiên Đức (sông Lục Nam thuộc xã Đức La, vì vậy còn có tên là Đức La, nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng). Chốn này, gần ngã ba Phượng Nhỡn, cách Lục Đầu giang không xa – chỗ người xưa đã biết gửi mơ ước của mình vào từng cột gỗ, đường vân thớ đá mang dáng dấp Phật đường; nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại. Chùa được hai con sông Thương và Lục Nam ôm bọc lấy. Vĩnh Nghiêm được coi là một trong những chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời gắn với công lao của 3 vị sư tổ đã có công khai sáng thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Phật tử, tăng ni và dân quanh vùng đều kể: Sau chiến thắng chống quân Nguyên Mông, Trần Nhân Tông, một ông vua anh hùng của cuộc kháng chiến này đã đi du ngoạn khắp nơi, ngắm nhìn giang san gấm vóc của tiên tổ. Một hôm, người tới Đức La, con ngựa chiến từng xông pha tên đạn bỗng nhiên lồng lên dẫm nát cả hoa màu, nhà vua đã dùng đủ mọi cách để bắt nó dừng lại nhưng không được. Thấy vậy, dân làng kéo ra sụp lạy nó mới chịu dừng. Người bèn hỏi dân làng, được mọi người cho biết: Đây là đất “con quy ẩm thực” (thần Kim Quy), biết là đất thiêng, người bèn cho dựng lên một ngôi chùa lớn, đặt là chùa Vĩnh Nghiêm. Từ đó, Vĩnh Nghiêm tự đã trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần ở Kinh Bắc. Vị trí này khiến cho Vĩnh Nghiêm tự trở thành một trạm dừng chân cho khách hành hương trước khi vượt sông, leo núi về đất thánh của thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử. Tầm quan trọng của chùa Vĩnh Nghiêm đời Trần đã phần nào được thể hiện trong câu ca người xưa để lại:

Ai đi Yên Tử, Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa đến thiền tâm chưa đành

Sách Thiền uyển tập anh cho hay: Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313), đại sư Pháp Loa đã về Vĩnh Nghiêm trụ trì để định các tăng đồ trong toàn quốc. Như vậy là từ đây đánh dấu việc thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo. Từ đó, vẫn theo thư tịch, cứ 3 năm, nhà Trần lại định chức các tăng đồ một lần. Vậy thì vai trò quan yếu đầu tiên của ngôi chùa này chính là trung tâm đào luyện các tăng ni và ban hành các pháp chế của Phật đạo trong toàn quốc. Chính vì là nơi đào luyện tăng đồ nên Vĩnh Nghiêm tự còn là nơi tàng trữ nhiều bộ ván kinh quý giá như: Hoa Nghiêm sớ, Di đà sớ tạo, Đại thừa chỉ quán, Giới Kinh ni, Sa Di kinh… Mộc bản độc đáo được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Vĩnh Nghiêm được xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam, chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: Hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc… 

Lục Đầu giang thế đó, như dòng sông từ muôn ngả đổ về đây. Nơi hội tụ biết bao trầm tích văn hóa đồ sộ và cả những dòng tư duy Việt – những dòng sử thi và huyền thoại Việt cũng hội tụ lại để trở thành một dòng lớn. 

Tác giả: Đông Khánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *