Tuổi thơ của tôi đã gắn với chiếc cần câu, con cá rô đồng cùng với đầm, ao, ruộng, mương, máng nơi có những đàn cá bơi lội tung tăng hút hồn con trẻ tự bao giờ tôi cũng không còn nhớ chính xác nữa. Kỷ niệm ấy là cả thời gian đầy ắp niềm vui khôn tả khi câu được những con rô “ cụ” và sự tiếc nuối có khi ngẩn ngơ cả người khi “sểnh” mất cá. Cái cảm giác ấy đến không chỉ ở những buổi đi câu mà còn len vào giấc ngủ của tôi. Tôi cũng không thể ngờ rằng cái thú đam mê câu cá từ lúc còn rất nhỏ qua nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm đã trở thành “nghề” giúp tôi rất nhiều trong việc cải thiện bữa ăn gia đình thời bao cấp, thậm chí có lúc còn bán sản phẩm đi câu để chi dùng vào việc khác.
Cá rô đồng là loài cá nước ngọt dễ sống, dễ sinh sản ở đầm, ao, hồ, ruộng, mương, rãnh, cống. Cá có mang phụ có thể hấp thụ ô xy trong điều kiện ở trên cạn. Đây là ưu điểm lớn giúp cá rô đồng dễ dàng di chuyển từ nơi cư trú cũ đến môi trường mới thuận lợi hơn. Sau những trận mưa rào đầu mùa, cá rô vượt cạn cả đàn lớn. Cá rô cũng là loài cá ăn tạp, thức ăn của chúng rất đa dạng từ cào cào, châu chấu, nhện nước, sâu bọ đến tôm tép nhỏ, xác động vật thối rữa, thậm chí cả thực vật rau, củ, quả. Tuy nhiên, món “khoái khẩu” của chúng là nhộng ong, trứng kiến, tôm đồng đã bóc vỏ, người đi câu cá rô muốn được nhiều phải nắm chắc đặc tính sinh học của nó, ngoài việc chuẩn bị tốt các khâu như mồi câu, cần câu, cước câu, phao câu… lưỡi câu phải sắc bén và vừa miệng cá rô. Một điều cần lưu ý nữa mà không phải người đi câu nào cũng biết và dự đoán đúng đó là địa hình cá rô hay tụ lại kiếm ăn, thời tiết lúc mình đi câu để điều chỉnh vị trí đặt cần câu; chỗ đó nước chảy hoặc nước “đứng”. Đối với mương có dòng nước chảy, cá rô rất hay áp sát bờ, nhất là chỗ “hàm ếch”, tức là chỗ dòng chảy ăn sâu vào bờ, vì ở đó có nhiều tôm, tép, động vật phù du khác trú ngụ để kiếm mồi. Cần câu, cước, phao câu cá rô không quá cầu kỳ như bộ cần câu cá chép, trắm, trôi song nó phải bảo đảm một số yếu tố kỹ thuật ví dụ độ dài của cần câu từ 2,5 – 3,5m là phù hợp, có độ dẻo ở đầu cần trong khoảng từ 25 -30cm. Nếu cần cứng quá dễ làm rách mép cá khi ta giật câu còn dẻo quá thì khó điều khiển khi đưa cá lên bờ, nó dễ mắc vào bèo, cỏ, chà rào… Cước câu cá rô tốt nhất là cước câu của Nhật, loại cước 1 có màu xanh nhạt, màu mai rùa hoặc màu trắng nhạt vừa mềm, vừa dai dễ hòa lẫn với màu nước, cá rô khó phát hiện, nếu may mắn gặp cá to cũng không sợ đứt cước. Phao câu cá rô được làm bằng xốp, kích thước bằng đầu đũa loại nhỏ, bảo đảm khi thả mồi xuống chạm mặt bùn phao câu nổi nhẹ một phần trên mặt nước. Khi cá mới chớm ăn mồi, phao câu đã nhấp nháy giúp ta dễ nhận biết để chủ động giật cần câu ở thời điểm thích hợp. Những con rô to thường rất tinh khôn, trước khi ăn mồi, chúng có những động tác để thử, nếu gặp phao cứng, cùng với sợi cước to nó sợ và nhả luôn mồi. Trong bộ đồ câu cá rô thì lưỡi câu là chi tiết cực kỳ quan trọng. Tốt nhất lưỡi câu được uốn thủ công bằng cáp lụa hoặc thép không rỉ, sau khi hoàn thành phần ngạnh, phần nhọn của đầu lưỡi thì dùng kìm nhỏ uốn vênh sang một phía. Điều này giúp cho lưỡi câu lúc nào cũng có một điểm vướng vào miệng cá khi ta giật tỷ lệ cá mắc lưỡi câu hầu như là tối đa. Một điều phải kể đến nữa là kỹ thuật giật câu mà giới câu chuyên nghiệp gọi là giật búng, khi cá cắn câu chỉ cần giật nhẹ với động tác dứt khoát đủ để lưỡi câu đóng vào miệng cá, thực hiện tốt kỹ thuật này, người câu sẽ từ từ đưa con cá từ mặt nước lên rất nhẹ nhàng không làm cho con khác giật mình hoảng sợ chạy khỏi chỗ mà ta đã dụ cá đến. Hơn nữa, người đi câu còn được tận hưởng cảm giác sướng tay, lan truyền từ đầu cần trước khi gỡ cá mắc câu cho nó vào giỏ. Gặp những con rô đói mồi chúng thường kéo phao đi rất nhanh, thông thường người câu theo phản xạ sẽ giật mạnh, điều này thật tệ hại: thứ nhất sẽ rách miệng cá, thứ hai có thể mới ngậm mồi chưa kịp nuốt. Kết quả là người câu không thu được gì, nếu biết kỹ thuật giật búng, lưỡi câu có độ bén cao thì với động tác nhẹ nhàng, chuẩn xác cá sẽ mắc câu. Một kỹ thuật nữa không thể bỏ qua là kỹ thuật thả thính tạo vùng dụ cá đến ăn mồi. Khi thả thính xong, chờ chừng 5 -7 phút, người câu cần quan sát nếu có dấu hiệu đàn cá rô kéo đến thì màu nước có sự chuyển động bên dưới, có tăm cá nổi lên, thậm chí có cá rô quẫy. Thông thường, mỗi vùng có thể câu được từ 5 – 7 con, cá biệt có chỗ trúng đàn lớn có thể được trên 30 con. Mồi câu cá rô mà tôi hay dùng có hai loại đó là tôm gạo để ươn, nếu là tôm to thì phải bóc vỏ, sau đó xé nhỏ mồi bằng hạt đậu xanh và mồi được luyện bằng cám gạo, bột mì có trộn thêm trứng gà ung, mai cua đồng ngâm có mùi để thu hút cá rô. Trong ao, cá rô thường tụ thành đàn, nó liên tục quẫy để đớp không khí. Ở đầm lớn, cá rô cũng tụ lại song mật độ thưa thớt ta phải chú ý đến những chỗ có bụi cây mọc dưới nước, bụi rong, bèo tây, bèo ta… nếu cá rô quẫy thành vòng tròn thì sẽ có nhiều con tụ lại ở chính giữa, nếu quẫy đơn lẻ thì cá sẽ di chuyển đến chỗ khác để kiếm ăn. Nếu chỉ câu theo chỗ cá quẫy mà không biết phân biệt điểm cá tụ thì hiệu quả rất thấp. Muốn cá tụ lại ta phải dùng đến thính. Những chỗ nước chảy không nên dùng thính vì nó sẽ bị dòng nước cuốn đi. Nếu muốn câu đạt hiệu quả thì tốt nhất là cách câu đón đầu cá ở chiều ngược dòng nước chảy, tôi đã nhiều lần dùng cách này, có cảm giác khi mồi vừa xuống đã rơi trúng miệng cá rô lập tức cá cắn câu ngay. Muốn được nhiều cá, người câu cần biết rõ thời gian cá rô đi ăn mồi nhiều từ trong khoảng từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, buổi chiều tầm từ 16 giờ đến 18 giờ. Còn buổi trưa, cá rô hay ăn nổi, chúng kiếm mồi dưới lớp bèo tấm hoặc bèo hoa dâu vì trời nắng gắt tôm tép dựa vào bèo để tránh nắng còn cá rô theo chân đám bèo mà kiếm mồi. Người câu cứ theo đặc tính đó mà nhử cá, tay rung cần nhẹ nhàng trên mặt bèo với động tác giống như con mồi đang di chuyển, chắc chắn sẽ câu được nhiều, thậm chí được những con rô cụ.
Mùa hè đang đến cũng là mùa câu cá rô đồng, cái thú đi câu không chỉ là thư giãn sau thời gian lao động, học tập, làm việc vất vả mà còn là niềm đam mê, là kỷ niệm đáng nhớ của rất nhiều người. Câu cá rô là thường xuyên di chuyển chỗ, ít khi ngồi lì theo kiểu “ngâm trê”, ở mỗi chỗ câu, người ta như được thay đổi không khí, cảnh quan , cảm thấy thích thú khi nhìn cá quẫy, hồi hộp khi đặt tay vào cần lúc chiếc phao câu bắt đầu khẽ đung đưa và cảm giác trĩu tay khi cá mắc câu. Nói không ngoa, đi câu cá rô, người ta quên hết mọi muộn phiền, bức bối của cuộc sống thường ngày… thay vào đó là tâm trạng phấn khởi, hồi hộp thu được thành quả của mình và không chỉ có vậy, đi câu còn rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai của cơ thể, tính kiên trì của con người. Đây vừa là thú chơi vừa là môn thể thao hấp dẫn mà hiệu quả. Tôi dám chắc rằng bà vợ và những đứa con ở nhà sẽ có nồi canh cá thơm phức hay chảo cá rô rán sau buổi đi câu về. Mùa hè không có ăn món tuyệt bằng món canh cá rô đồng nấu rau cải. Thịt cá rô cụ vừa thơm vừa béo, đầu cá, xương cá đem giã nhuyễn lọc lấy nước cùng với mấy lát gừng vàng ruộm tạo nên nồi canh hấp dẫn không cần cho mì chính cũng đã ngọt lừ; hoặc canh bánh đa cá rô, món ăn nhiều người ưa thích hay như loại cá rô ron rán ăn cả con từ đầu đến đuôi rồi cùng bạn bè nhâm nhi chén rượu hàn huyên những câu chuyện dài dài, hỏi còn gì thú hơn?
Trước đây, tôi hay đi câu ở đầm Láng, Bụ (Minh Nông), đầm sen nhà máy Đường Việt Trì, cống hai cửa Hạ Giáp (xã Trưng Vương), một số đầm, ao, hố lấy đất làm gạch ngoài đê xã Thuỵ Vân… cá vừa nhiều, vừa béo lại dễ câu. Mùa nước lên tháng 7 âm lịch nhiều đầm, ao ngoài đê xã Sông Lô, Trưng Vương ngập nước cá rô từ sông, lạch, ngòi vào nhiều vô kể. Đây là những địa bàn lý tưởng của tôi để thực hiện thú đam mê. Có những buổi không còn chỗ đựng cá, tôi đành lấy chiếc quần dài dùng dây chuối buộc túm hai ống làm ba lô chứa cá, có lẽ vì lý do đó một số cụ ở Minh Nông đặt biệt danh cho tôi là “ông Quang Rô”.
Hiện tại, địa bàn câu cá rô ở Việt Trì bị thu hẹp, khá nhiều đầm , hồ, ao phải nhường chỗ cho các đô thị, khu công nghiệp, công viên. Đó cũng là sự phát triển đương nhiên của thành phố đô thị loại I. Một điều đáng nói ở đây việc bón phân hóa học, thuốc trừ sâu cho cây trồng, nhất là cây lúa ở nhiều cánh đồng diễn ra thường xuyên, cá rô đồng cũng như nhiều loại tôm, tép, cua,ốc… không có điều kiện thuận lợi để phát triển như thời bao cấp. Song tôi tin rằng, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng tất yếu trong tương lai gần, điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt bón phân hóa học, tăng cường bón những loại phân không gây hại cho môi trường, thủy sản và đặc biệt là cá rô đồng lại phát triển như ngày xưa để thú đam mê của tôi cũng như nhiều người khác tiếp tục được nối dài, cuộc sống có thêm nhiều trải nghiệm với dư vị ngọt ngào.
Tác giả: Trần Văn Quang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)