Thực trạng sử dụng poster cổ động về đề tài môi trường ở tp.hcm


Có thể nói rằng chưa một nhà khoa học nào khẳng định chắc chắn trái đất sẽ bị hủy diệt vào thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, ngày tận thế có thể sẽ xảy ra nếu môi trường sinh sống trên trái đất bị hủy hoại nghiêm trọng do tác động quá mức của đủ loại ô nhiễm môi trường, sự bùng nổ dân số và những biến đổi đột ngột của khí hậu. Việt Nam là một trong số các quốc gia đang phải đối đầu khốc liệt với những thách thức to lớn của môi trường

Trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, tuyên truyền là biện pháp đầu tiên có ý nghĩa quyết định quan trọng. Các phương thức tuyên truyền và phương tiện truyền thông hiện nay rất đa dạng, từ truyền hình, báo in, đài phát thanh, internet, video, triển lãm, hội thảo, đến tranh, ảnh, poster,.. Trong đó, phải nói poster là phương tiện đem lại kết quả cao. Đó là một trong những hình thức giao tiếp thị giác trực quan sinh động và uy lực nhất, là cầu nối ngắn nhất giữa chủ trương về bảo vệ môi trường của Nhà nước với người dân.

Poster (tiếng Pháp: affiché, tiếng Hán Việt: bích chương) cổ động môi trường thuộc thể loại đồ họa trong nghệ thuật tạo hình, phi thương mại, mang tính khái quát cao, tượng trưng hoặc điển hình hóa. Poster cổ động có mặt khắp nơi, lặp đi lặp lại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các dạng truyền thông khác, nhằm tuyên truyền thông điệp tái tạo, giáo dục bảo vệ môi trường,… hướng ý thức, thói quen tốt đến với công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Poster cổ động đã từng phát triển rực rỡ nhất trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, bảo vệ đất nước. Giờ đây, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung, poster tiếp tục là một công cụ tuyên truyền hiệu quả, góp phần đắc lực trong việc nâng cao nhận thức của dân chúng về những vấn đề xã hội riêng của đất nước cũng như nhiều vấn đề chung của nhân loại. Bảo vệ môi trường sống của con người luôn là một mảng đề tài rất hấp dẫn, nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các họa sĩ thể hiện poster cổ động có thể khai thác và thả sức sáng tạo. Tuy nhiên với thực trạng và định vị của poster cổ động hiện nay, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề bất cập, cần được xem xét thấu đáo để phát huy hết sức mạnh tuyên truyền tiềm năng của loại hình này. Tính công năng, thẩm mỹ của poster cổ động về môi trường nói chung chưa biểu đạt hết đặc tính mà nó vốn có, không phù hợp với thị hiếu, bắt kịp với thời đại. Cuộc sống càng phát triển, trình độ nhận thức thẩm mỹ của người dân được nâng cao, do đó, ngôn ngữ biểu đạt trên poster cần phải được chọn lọc, thể hiện ý tưởng nội dung sâu rộng mà mới mẻ cùng hình thức thể hiện sáng tạo hơn. Về phương thức thể hiện, nguyên lý bố cục kết hợp với nguyên lý thị giác đảm bảo được tính chặt chẽ và hài hòa, ngôn từ thích hợp. Cách thức thể hiện vấn đề phải được đa dạng hơn, bên cạnh những hình ảnh hiện thực có thể là hình ảnh sinh động hoặc ẩn dụ ý nhị và tinh tế, cảm xúc hơn.

Một số quan sát và tìm hiểu thực trạng sử dụng poster cổ động về đề tài môi trường ở TP. HCM thời gian gần đây sẽ cho thấy rõ hơn những bất cập vừa nêu.

Trong kết quả báo cáo của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới: “Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu là thành phố văn minh, hiện đại thân thiện với môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân;…”. Thực hiện các chỉ tiêu trên, TP.HCM luôn rộn rã tưng bừng với đủ loại poster cổ động môi trường, như Tắt đèn 60 phút – Hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu; Ngày môi trường Thế giới 5/6; Năm quốc tế về rừng 2011,… đi kèm với nhiều họat động khác, tạo nên không khí đoàn kết, nhiệt huyết chung của một đô thị văn minh phát triển, hòa cùng nhịp đập với cả nước nói riêng và thế giới nói chung, góp phần gìn giữ ngôi nhà “ xanh” của nhân loại. Vào những địp dó, poster cổ động đóng vai trò nổi bật trong tuyên truyền, hiện diện như một phần của gương mặt văn hóa thành phố.

Poster cổ động môi trường không chỉ yêu cầu phải đạt những yếu tố về ý tưởng, nội dung, hình thức mà còn về vị trí trưng bày, một trong những yếu tố quan trọng thể hiện giá trị, tính chuyên nghiệp, sự trang trọng đối với poster, vị trí xứng tầm phù hợp với nội dung mà poster đang đề cập. Thực tế cho thấy, tại TP.HCM, poster cổ động có mặt khắp mọi nơi, trở thành hình ảnh quen thuộc, luôn đồng hành với quần chúng, vị trí đặt ở những nơi dễ thấy nhất như ngã tư, quảng trường, cơ sở ban ngành trực thuộc, trường học, bãi chợ, bến xe,…

Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề nổi cộm trong việc sử dụng dạng poster này như sau:

Thứ nhất, sự không nhất quán về vị trí, địa điểm một số nơi dàn dựng poster làm ảnh hưởng đến uy tín vẻ đẹp văn minh đô thị. Poster cổ động môi trường được trưng ngay dưới những cây trụ diện chằng chịt đủ loại dây kết thành từng búi rối mù, vừa mất mỹ quan đô thị vừa dễ gây cháy nổ. Hình ảnh những trụ điện ấy đối nghịch phản cảm với lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước về giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp. Cho dù poster đó có đạt về nội dung, xuất sắc về hình thức thì nơi đặt để chúng như vậy vô hình chung làm mất giá trị của poster cũng như sự tôn trọng dành cho các khẩu hiệu trên đó.

Thứ hai, khoảng cách trưng poster cách mặt đất bao nhiêu mét đã được quy định cụ thể trong văn bản Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16-7-2003 của Bộ VHTT nay là Bộ VHTTDL, tùy mỗi kích thước poster mà được đặt với chiều cao phù hợp với quy hoạch, tạo sức hút gây ấn tượng thị giác cho người dân. Nhưng hiện nay, poster được sắp xếp và bài trí một cách cẩu thả, làm giảm uy tín cũng như chức năng của nó. Có những chỗ poster cổ động về đề tài môi trường bị chen lấn bởi đủ loại poster quảng cáo thương mại, hoặc bị khuất tầm nhìn do cây cối, xe gánh hàng rong, xe ôm tụ tập, có chỗ được treo trên những dãy tường cũ kỹ, dơ bẩn, vẽ hình viết chữ quảng cáo Khoan cắt bê tông, dán những tờ rơi quảng cáo chữa bệnh, giới thiệu việc làm, mua bán nhà đất… một cách vô ý thức,…, gây nhức mắt cho người dân qua lại.

Thứ ba, với việc đi lại trên đường phố chủ yếu bằng ô tô và xe gắn máy như hiện nay, để quan sát được poster trong vòng 3 giây thì khó ai có thể kịp hiểu poster đó đề cập nội dung gì. Có nên chăng sử dụng giải pháp phân bổ thật nhiều poster giống nhau ở các ngã tư để người dân chưa kịp đọc poster chỗ này sẽ đọc nó ở chỗ khác, lấy số lượng để che lấp khiếm khuyết? Poster ít mà chất lượng và được đặt ở nơi trang trọng nghiêm túc thì cho dù người dân chỉ nhìn thấy một lần cũng nhớ sâu sắc, bản thân họ tự giác ý thức quyết tâm làm theo.

Việc quy hoạch chung những cụm poster cổ động ở TP. HCM tuy đã có sự thống nhất về hình thức, màu sắc, chất liệu, kích thước nhưng do ý thức trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn hóa chưa chặt chẽ dẫn đến việc trưng bày poster cổ động ngoài trời bị sai lệch, không đồng đều, không tạo được mỹ quan đô thị như mục đích đề ra ban đầu. Quy hoạch không tính tới những phát sinh nhu cầu kinh doanh trong hoạt động quảng cáo ngày càng nhiều, vì những lợi nhuận tài chính mà vị trí poster cổ động của Nhà nước đôi khi bị lấn lướt bởi các poster, tờ rơi, bandroll quảng cáo thương mại, một trong những nguyên nhân làm giảm đi chức năng giáo dục của poster cổ động nói chung và cổ động về môi trường nói riêng.

Có thể coi không gian công cộng ngoài trời là một không gian trưng bày nghệ thuật khổng lồ, gắn liền với cảnh quan, một phần cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy cần phải quy hoạch mạng lưới tuyên truyền poster cổ động môi trường có tính hệ thống khoa học, kết hợp người có chuyên môn thiết kế trưng bày với cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời người dân cũng phải nêu cao ý thức trách nhiệm, trân trọng thì mới có thể tạo ra một diện mạo đô thị xanh – sạch – đẹp văn minh và hiện đại mà bản sắc.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua poster đồng thời giải quyết những mâu thuẫn tồn tại, chúng ta cần đặt ra những vấn đề sau:

Đưa ra những biện pháp khả thi nhằm phát huy tối đa các đặc tính cơ bản của poster cổ động môi trường là tính thời sự, tính thẩm mỹ, tính đại chúng và tính văn hóa.

Đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn trong hoạt động thực tiễn của cơ chế hoạt động và người thiết kế đối mặt tại môi trường. Làm rõ vai trò của công nghệ kỹ thuật hiện đại đối với quá trình chế tác poster, giúp nâng cao tác dụng của nó trong quá trình tác động đến nhận thức cũng như cảm xúc của công chúng

        Triển khai mô hình phát động sáng tác poster cổ động môi trường để chọn lọc ngôn ngữ biểu đạt phù hợp với thị hiếu của thời đại và thế giới, tạo ra cộng đồng trí thức, nhất là thế hệ trẻ hưởng ứng tham gia vào công cuộc bảo vệ giữ gìn môi trường văn hóa – xã hội – sinh thái một cách tích cực nhất.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011

Tác giả : Phan Thị Hương Liên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *