Thực trạng trại sáng tác điêu khắc ở việt nam

Mô hình trại sáng tác điêu khắc quốc tế và trong nước ở Việt Nam được hình thành tròn 20 năm (1997-2017) với hơn 30 trại ở khắp các tỉnh thành, tuy đã có những lợi ích tích cực cho chuyên ngành và nhận thức của cộng đồng song vẫn còn nhiều hạn chế làm trăn trở giới chuyên môn và xã hội. Chỉ ra các vấn đề và tìm giải pháp tháo gỡ là việc làm cần thiết, nhằm tìm kiếm các giải pháp hữu ích, giúp cho các mô hình này được phát triển mang tính chuyên nghiệp hơn

Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, xuất hiện lần đầu tiên ở Áo vào năm 1959, do nhà điêu khắc Karl Prantl khởi xướng tại một mỏ đá bỏ hoang ở Sankt Margarethen im Burgenland. Kể từ đó, mô hình trại sáng tác điêu khắc quốc tế đã được tổ chức tại nhiều thị trấn và thành phố trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Carrara (Ý), Israel, Ai Cập, Nhật Bản, và gần đây là Abu Dhabi & Dubai, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Nga, Canada, Australia, Việt Nam…

Trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Việt Nam được hình thành vào cuối những năm 90 TK XX, khi đất nước đổi mới thành công, kinh tế phát triển, mở cửa hội nhập, giao lưu văn hóa nghệ thuật thế giới. Chỉ với một thời gian ngắn từ 1997-2017, Việt Nam đã tổ chức hơn 30 trại mang tính quốc gia và quốc tế. Bắt đầu từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế Hà Nội (1997), tiếp đến là Huế, An Giang, Nha Trang, TP.HCM, Phú Thọ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Tây Nguyên, Hải Phòng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Quảng Trị, Bình Dương…

Thực trạng mô hình trại điêu khắc ở Việt Nam

Những đóng góp tích cực

Trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều có một mục đích cơ bản là tạo cơ hội để kết nối các nghệ sĩ cùng làm việc đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc ra nơi công cộng, tiếp cận gần gũi với công chúng hơn… Các trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế rõ ràng đã tạo điều kiện mới cho các nhà điêu khắc Việt Nam giao lưu, hội nhập với nền điêu khắc hiện đại thế giới, có tác động tích cực đến phát triển nhận thức thẩm mỹ trong giới sáng tác điêu khắc nói riêng và công chúng thưởng thức nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế chưa được giải quyết và còn đọng lại nhiều nỗi buồn, trăn trở cho giới chuyên môn và dư luận xã hội.

Năm 2006, Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức hội thảo có tiêu đề Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại, trong đó có đề cập đến thực trạng mô hình tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở thời kỳ đầu. Hơn 10 năm sau, một hội thảo tiếp theo dành riêng đề cập đến mô hình trại sáng tác điêu khắc, tiêu đề Trại sáng tác điêu khắc – thực trạng và giải pháp (1), do Đại học Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, tiếp tục nghiên cứu đánh giá lại các thành tựu, hạn chế và tìm kiếm giải pháp khả thi cho mô hình tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế và trong nước. Hoạt động này được xem là cần thiết, đáp ứng nhu cầu nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn của giới chức quản lý mỹ thuật và nhu cầu thẩm mỹ của xã hội.

Trong hội thảo này, Ban tổ chức đã nhận được 21 bài viết tham luận và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, nhà điêu khắc. Các ý kiến trong hội thảo đều một lần nữa khẳng định đóng góp tích cực của mô hình các trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế, thể hiện ở ba điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, trại điêu khắc giúp các nhà điêu khắc trong nước có điều kiện giao lưu, học hỏi được cách nghĩ, cách làm việc của đồng nghiệp nước ngoài, nhất là những người đến từ các quốc gia có nền nghệ thuật tạo hình phát triển mạnh mẽ, có dịp tiếp cận với các thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện tác phẩm kích thước lớn với chất liệu bền vững như đồng, đá, kim loại trắng…

Thứ hai, học hỏi phương thức tiếp cận, nhìn nhận thực tế một cách nhanh nhạy để đưa ra ý tưởng, hoàn thành phác thảo phù hợp với nội dung, không gian điểm đặt; sáng tác nhiều tác phẩm điêu khắc ngoài trời độc đáo, ấn tượng, mang phong cách riêng, đa dạng, trưng bày ở một số không gian công cộng của các tỉnh thành góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị và nâng tầm nhận thức về thẩm mỹ cho công chúng.

Thứ ba, thông qua việc tổ chức các trại sáng tác điêu khắc, các nhà điêu khắc Việt Nam đã dần làm chủ được ngôn ngữ tượng trong không gian công cộng ngoài trời, làm chủ được kỹ thuật chất liệu… tự tin, hòa nhập và tham gia nhiều trại sáng tác điêu khắc quốc tế trên thế giới…

Những tồn tại hạn chế

Bên cạnh đó, thông qua việc đánh giá thực trạng của các trại sáng tác điêu khắc ở Việt Nam trong thời gian qua, các ý kiến tham luận cũng đã vạch ra khá nhiều mặt hạn chế còn tồn đọng và đang là mối trăn trở chung của chuyên ngành và của xã hội.

Trước tiên, cách thức tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế và trong nước hiện nay còn mang nặng tính phong trào, chạy theo sự kiện, lễ hội, thương mại hóa, chưa mang tính chuyên nghiệp, thiếu định hướng, tầm nhìn. Đa phần thành viên Hội đồng nghệ thuật vẫn là các nhà quản lý và họa sĩ, thậm chí một số hội đồng còn không có một thành viên nào là nhà điêu khắc, như ở hai trại sáng tác điêu khắc Chiến khu D (2015) và Văn Miếu Trấn Biên (2016), tỉnh Đồng Nai.

Không những vậy, thời gian tham gia trại của các trại viên cũng chưa hợp lý. Chủ đầu tư sử dụng đơn vị thi công chất liệu chưa chuyên nghiệp, thiếu kiến thức tạo hình, thiếu tâm huyết… dẫn đến chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm chưa cao.

Bên cạnh đó, việc chọn tác giả, tác phẩm của các nhà điêu khắc trong, ngoài nước chưa chuyên nghiệp, còn mang tính chất mặt trận, thân quen, chưa coi trọng chất lượng nghề nghiệp. “Nhiều nhà điêu khắc chưa có kinh nghiệm hoặc chưa bao giờ làm việc với các chất liệu đá, kim loại” (2) nhưng vẫn được mời tham gia trại. Không ít nhà điêu khắc Việt Nam còn yếu về tư duy sáng tạo và kỹ thuật chất liệu, chưa làm chủ được chất liệu khi thể hiện tác phẩm ở kích thước lớn.

Đơn vị thi công hỗ trợ thực hiện chất liệu chủ yếu làm vì lợi nhuận, chưa quan tâm đến chất lượng nghệ thuật. Có một số trại diễn ra dưới dạng mua bán phác thảo: các tác giả gửi tác phẩm, chủ đầu tư thuê một đơn vị thi công thực hiện hoàn thiện, đặt lên bục bệ… các tác giả chỉ tới khoảng một tuần để nhận kinh phí, coi lại tác phẩm và tổ chức bế mạc trại…

Nhiều trại sáng tác điêu khắc ở Việt Nam chưa quan tâm đến không gian điểm đặt, “không gian tượng không được coi trọng hoặc chưa được quan tâm đúng mức” (3). Hầu hết các trại đều hoàn thành sáng tác xong mới tìm điểm đặt; một số trại còn để tượng ngay tại công xưởng do chưa hoặc không biết sử dụng thế nào, làm cho tượng xuống cấp hư hại, điển hình như hai trại sáng tác điêu khắc ở An Giang và TP.HCM.

Một số trại được cho là có không gian trưng bày khá ổn như Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Trị, Chiến khu D Đồng Nai… thì các khối bệ và tượng vẫn chưa được quan tâm đồng bộ, phần nào làm mất đi tính thẩm mỹ chung, đồng thời không gian cảnh quan xung quanh vẫn chưa được cải tạo, chăm sóc một cách khoa học và phù hợp.

Có thể nói, thực trạng nêu trên của các trại điêu khắc ở Việt Nam có nguyên nhân một phần do cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan chức năng chưa rõ ràng, còn thả nổi cho các địa phương, hành chính hóa trong tổ chức trại, vai trò của chuyên môn chưa được coi trọng, “vai trò của các nhà điêu khắc, những chủ thể tạo nên cái đẹp, ngày càng bị Ban tổ chức trại và giới thầu thi công, vì lợi nhuận, đã xem nhẹ và gây ức chế…” (4). Ý thức tư duy nhiệm kỳ, thiếu trách nhiệm, không xác định rõ mục đích sử dụng tác phẩm ở “hậu trại sáng tác” vẫn còn phổ biến. Ban tổ chức ngày càng xa rời hai tiêu chí quan trọng của trại sáng tác điêu khắc quốc tế là: giao lưu nghề nghiệp và tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật trưng bày ở các không gian công cộng, để nghệ thuật gần gũi với công chúng thưởng lãm hơn… Trong thực tế, nhiều trại sáng tác điêu khắc không có phần giao lưu giữa các nhà điêu khắc, các nhà điêu khắc với công chúng và giới mỹ thuật địa phương: “nhiều trại thiếu vắng những chương trình mang tính văn hóa và học thuật cần phải có… nên ý nghĩa của một trại sáng tác điêu khắc không còn giá trị”(5). Một số trại không đưa tác phẩm ra không gian công cộng một cách hợp lý. Việc truyền thông, quảng bá, chế độ bảo trì, bảo dưỡng chưa được quan tâm dẫn đến tình trạng nhiều vườn tượng xuống cấp nghiêm trọng,   như: vườn tượng ở Bách Thảo (Hà Nội), các vườn tượng ở Huế, An Giang, Phú Thọ, TP.HCM… gây bức xúc dư luận xã hội về sự lãng phí ngân sách cũng như các tài trợ xã hội khác dành cho nghệ thuật điêu khắc.

Giải pháp nâng cao chất lượng trại sáng tác điêu khắc ở Việt Nam

Để giải quyết những tồn đọng hiện nay của các trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế ở Việt Nam, nhiều ý kiến trong hội thảo cũng đã đề cập đến giải pháp, xoay quanh một số điểm chính sau:

Trước hết, chủ đầu tư, ban chỉnh đạo, tổ chức, điều hành cần bám vào hai tiêu chí chính của trại sáng tác điêu khắc là giao lưu nghề nghiệp và đưa tác phẩm ra nơi công cộng để làm đẹp cảnh quan và tiếp cận gần gũi với công chúng hơn, nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ chung của xã hội. Các cơ quan chức năng, cần có tư duy khoa học về nghệ thuật đồng thời tham khảo những trại sáng tác điêu khắc quốc tế thành công trên thế giới để đưa ra các tiêu chí phù hợp về số người tham dự, thời gian, phương thức thực hiện, không gian trưng bày, giải pháp bảo quản… để từng bước nâng cao chất lượng trại sáng tác.

Cần mời tác giả tham gia trại sáng tác điêu khắc một cách chọn lọc, không dàn trải về số lượng mà quên chất lượng. Thành phần Hội đồng nghệ thuật phải là người có uy tín về chuyên môn, công minh, phải có trên 2/3 là các nhà chuyên môn, trong đó có trên 50% là các nhà điêu khắc, vì “chất lượng tác phẩm ở các trại sáng tác điêu khắc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng Hội đồng nghệ thuật”. Cần chọn lựa tác phẩm đa dạng về ngôn ngữ, chất liệu, có sự kết hợp hài hòa về nội dung và phong cách thể hiện, tiếp cận với điêu khắc hiện đại thế giới nhưng vẫn thể hiện và phù hợp với bản sắc, tâm hồn của người Việt Nam.

Trách nhiệm và lòng tự trọng của tất cả thành phần tham gia trại: tác giả, đơn vị thợ hỗ trợ thực hiện chất liệu, chủ đầu tư, ban tổ chức và điều hành, hội đồng nghệ thuật… phải được đặt ra trong quá trình thực hiện, đồng thời có chế độ khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, minh bạch, kiên quyết.

Các trại sáng tác điêu khắc cần thực hiện đúng tiêu chí quy hoạch, thiết kế mặt bằng tổng thể nơi trưng bày trước khi tổ chức trại, theo Quy chế về tổ chức trại sáng tác điêu khắc (6).

Chủ đầu tư cần lượng trước khoảng thời gian để lắp đặt, trưng bày tác phẩm vào không gian cảnh quan hoàn chỉnh trước khi bế mạc trại sáng tác. Mặt khác, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư, hội đồng nghệ thuật, các nhàđiêu khắc, quy hoạch kiến trúc khi trưng bày tượng trong không gian công cộng.

Một số tham luận cũng đưa ra các so sánh giữa trại sáng tác điêu khắc của Việt Nam với các trại tương tự ở Trung Quốc, Nga, Hàn quốc… hay giữa trại điêu khắc sử dụng phần lớn ngân sách nhà nước và trại hoàn toàn do tư nhân đầu tư để tìm ra mô hình, hướng đi trong tương lai một cách hợp lý, chuyên nghiệp hơn, mang tính xã hội hóa nhiều hơn… Mặt khác, cần gắn kết các trại sáng tác điêu khắc với không gian thẩm mỹ đô thị, hoạt động du lịch, hay thành lập các bảo tàng hiện đại ở ba trung tâm là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…

Cũng có nhiều tham luận, ý kiến quan tâm đến kế hoạch, lộ trình để hoàn thiện chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước, đào tạo điêu khắc trong các trường mỹ thuật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức thẩm mỹ đối với trại sáng tác điêu khắc nói riêng và nghệ thuật nói chung cho các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ…

Mô hình trại sáng tác điêu khắc ở Việt Nam trong 20 năm qua đã gặt hái được những thành công nhất định. Tuy còn không ít những hạn chế, làm đau đầu và trăn trở giới chuyên môn cũng như dư luận xã hội nhưng cũng cần khẳng định rằng, mô hình đầu tư nghệ thuật này đang là một nhu cầu khách quan cần thiết, đáp ứng sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quá trình mở rộng, làm đẹp các khu đô thị, nông thôn mới hiện nay; đồng thời từng bước mang tính chuyên nghiệp hơn trong tiến trình tiếp cận, hòa nhập với xu hướng phát triển chung của nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến thế giới.

Để nâng cao được chất lượng nghệ thuật của các trại sáng tác điêu khắc quốc tế và trong nước, chúng ta cần phải có sự kết hợp chặt chẽ đồng bộ của các ngành, các cấp, có tầm nhìn, ý thức trách nhiệm cao để xây dựng tiêu chí, cơ chế quản lý, phương thức tổ chức thực hiện.

Với sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, các ngành các cấp, sự nỗ lực, tâm huyết của bản thân mỗi nhà điêu khắc cùng sự tiếp biến không ngừng của nguồn lực nội – ngoại sinh, chúng ta tin rằng, trong tương lai, chất lượng các trại sáng tác điêu khắc của Việt Nam sẽ tốt hơn và sẽ có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được bài trí trong không gian văn hóa công cộng, xứng với tầm vóc dân tộc và hòa nhập chung vào dòng nghệ thuật hiện đại của khu vực, thế giới.

_____________

1. Hội thảo diễn ra tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, ngày 21- 4 – 2017.

2, 3, 4, 5.Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Kỷ yếu Hội thảo Trại sáng tác điêu khắc – thực trạng và giải pháp, 2017, tr.39, 30, 50, 42.

6. Theo Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 – 12 – 2008 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Nghị định số 113/2013/NĐ-CP, ngày 02 – 10 – 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN XUÂN TIÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *