Thuyết nhân quả của đạo Phật mang tính khoa học, quy luật tự nhiên và chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Cảm hứng, nhận thức về nhân – quả đã được thể hiện sâu sắc trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi của nhà văn Hồ Anh Thái. Qua cuộc đời của một số nhân vật trong cuốn tiểu thuyết hơn bốn trăm trang, và qua một phương diện của nghiệp với ba điều thuộc về ý (tham, sân, si), Hồ Anh Thái đưa đến một giác ngộ về nhân quả báo ứng của con người trong đời sống với thông điệp nhân văn cao cả.
Phật giáo là một tôn giáo lớn đã xuất hiện cách đây hơn 20 thế kỷ, bắt nguồn từ Ấn Độ cổ đại. Tư tưởng triết lý của Phật giáo thấm nhuần trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt, đặc biệt là giáo lý nhân quả nghiệp báo. Giáo lý này không chỉ là những bài thuyết giảng, kinh kệ nơi chùa chiền mà được đúc rút từ đời sống. Văn học là cầu nối chuyển tiếp những vấn đề của đời sống tới con người và ngược lại. Cảm hứng và nhận thức về nhân – quả đã được thể hiện rất nhiều trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là trong mỗi câu chuyện cổ tích. Trong thơ văn trung đại, giáo lý này được thể hiện nhiều trong sáng tác của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu… hay trong các tác phẩm đương đại của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái…
Nhà văn Hồ Anh Thái có nhiều năm học tập, làm việc ở Ấn Độ. Văn hóa xứ Ấn và Phật giáo là nguồn cảm hứng lớn của ông. Để viết những tác phẩm về Phật giáo, nhà văn đã phải khảo sát hầu khắp các lãnh địa có đời sống Phật giáo, cả miền Bắc và Trung Ấn. Suốt 6 năm trên mảnh đất Phật, ông tìm tòi mọi kiến thức, các tư liệu cổ và kinh điển trong Phật Giáo để chuyển hóa vào tác phẩm văn chương. Hơn 20 năm nung nấu, ấp ủ, năm 2007 cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi đã ra mắt độc giả. Xuyên xuốt tác phẩm là hành trình tìm con đường giác ngộ và hành trình truyền bá những giáo lý Phật giáo.
1. Nhân quả nghiệp báo trong Phật giáo
Mỗi tôn giáo, học thuyết đều có những khái niệm khác nhau về nhân quả. Tuy nhiên, theo quan niệm nhà Phật, nhân tức là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân quả là quy luật tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, nhân và quả có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Từ nhân đến quả là một hành trình dài, không ai có thể đoán định được nhân gieo khi nào và gặt quả ra sao. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống đều có thể vừa là nhân, vừa là quả. Tương quan nhân quả đó gọi là tương quan duyên sinh, được Đức Phật nói đến qua giáo lý duyên khởi. Trong Kinh Pháp cú, Đức Phật nói rằng không nơi nào trên đời này dù trên trời, dưới biển hay trong hang đá mà người ác có thể tránh được hậu quả của hành động bất thiện. Nhân là yếu tố chính, trực tiếp tạo ra quả, còn nhân duyên là yếu tố gián tiếp, là điều kiện hỗ trợ, duyên cớ để sinh ra quả.
Nghiệp báo luân hồi liên tục, nhân nào quả nấy, nhân lành quả lành, nhân ác quả ác. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp nằm trong mắt xích thứ hai trong vòng quay luân hồi sau yếu tố vô minh. Chữ nghiệp dịch từ chữ Karma (Sanskrit) hay Kamma (Pàli) có nghĩa là hành động có tác ý (volitional action) của thân, khẩu và ý. Các hành động không có tác ý chỉ là hành động mà không được gọi là nghiệp. Tác ý ấy chính là hoạt động của hành uẩn hay tư tâm sở (cetànà). Tác ý có thể là thiện, ác, hoặc phi thiện phi ác. Nghiệp báo là nhân quả trong con đường luân hồi bao gồm: thiện nghiệp, ác nghiệp và bất định nghiệp. Thiện nghiệp là những việc lành có lợi cho người và tốt cho mình. Bất định nghiệp là hành động tu luyện tự tâm là cho, không lay động ngũ dục, những cảnh khổ vui. Tu tâm như vậy còn được gọi là thiền định. Trong nghiệp đặc biệt phải nói sâu hơn về ác nghiệp vì đây là yếu tố gây nên những đau buồn, khổ não trong đời sống của con người. Nhà Phật nêu ra mười điều trong ác nghiệp trong đó có:
Ba điều ác do thân làm ra. Thứ nhất là sát hại, nghĩa là giết, đánh đập tàn phá mọi sinh linh và con người một cách cố ý. Thứ hai là thâu đạo, trộm cắp hoặc lấy của người không chính đáng. Thứ ba là dâm dục, điều này chủ yếu nói đến tà dâm, những người dâm dật quá độ, say đắm ngũ dục.
Bốn điều ác thuộc về lời nói. Thứ nhất là vọng ngôn, nói dối, ăn không nói có, đơm dặt những gì không có thật gây hại cho người khác. Thứ hai là lời nói quanh co, dua nịnh, ngụy biện, nói điều không đúng đắn. Thứ ba là ác khẩu, những lời nói tàn độc, chửi mắng, hung dữ, nguyền rủa, dọa nạt. Thứ tư là lưỡng thiệt, chỉ những người khi nói thế này, khi nói thế khác gây bất hòa, chia rẽ mọi người.
Ba điều thuộc về ý. Đầu tiên là tham, là ham muốn những điều mình ưa thích hoặc làm cho tâm hồn bị buộc với ngũ dục. Tiếp theo là sân, dùng để chỉ những người nóng giận, thù ghét khi không đoạt được ý nguyện, ghét bỏ những gì gây sự khó chịu cho mình. Cuối cùng là si, si mê không biết nhân quả, si mê không biết chánh pháp.
Ứng với mười điều trong ác nghiệp mà đạo Phật nêu thì ba điều thuộc về ý thể hiện rõ trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của nhà văn Hồ Anh Thái ở góc độ nhân quả nghiệp báo.
Nhân là nguyên nhân, nhân gây nên quả. Quả có thể xảy ra luôn trong một vòng đời gọi là hiện nghiệp. Nhưng quả cũng có thể xuất hiện ở kiếp kế tiếp. Có một loại quả thứ ba là hậu báo nghiệp dùng để chỉ những quả xảy đến trong kiếp sống thứ hai trở đi. Nhân vật Đức Phật trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi trong giây phút giác ngộ đã thấy rằng cuộc sống vô thường này đều quan hệ chặt chẽ với nhau, từ hạt bụi nhỏ nhất đến vì sao lớn nhất đều có mối liên quan. Tất cả đều không ngừng thay đổi: phát triển, tan rã, rồi lại phát triển. Chẳng điều gì không có nguyên nhân, nhân nào thì quả nấy.
2. Nhân quả nghiệp báo trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi
Từ triết lý của giáo lý nhân quả nghiệp báo trong Phật giáo, nhà văn Hồ Anh Thái đã vận dụng xây dựng các hình tượng nhân vật như: nàng Savitri xinh đẹp, hai vị vua Bimbimsara và Pesanadi, tên cướp Aguli Mala, Avaddtha, Tế sư và nhiều nhân vật khác. Sở dĩ quả báo của họ phải nhận đều xuất phát từ ác nghiệp họ gây ra là tham, sân, si.
Tham – ác nghiệp trong đam mê dục lạc
Nhân vật nổi bật cho triết lý nhân quả của ác nghiệp trong đam mê dục lạc trong tác phẩm Đức Phật, nàng Savitri và tôi là nàng Savitri. Savitri sinh ra trong vương quốc Ấn Độ cổ đại, là công chúa thuộc đẳng cấp cao quý. Xét theo đạo Bà la môn, nàng thuộc đẳng cấp vũ sĩ – kshatrya, đẳng cấp tướng lĩnh cầm quyền và binh sĩ. Nàng có ngoại hình xinh đẹp, trí tuệ sắc xảo, thông minh, luôn ao ước được băng qua ranh giới của một nàng công chúa để được tự do làm điều mình thích. Nàng sớm được giáo dục về dục lạc kinh từ nhỏ, không những nàng thuộc những kiến thức trong sách vở mà còn được người thày là chị hầu gái Juhi truyền dạy nhiều bài học sinh động, bổ ích với lòng ham dục lạc của nàng. Nàng sống phóng túng với hầu khắp những nam giới nàng gặp. Những người đàn ông đi qua đời nàng là vị vua già – chồng nàng, các hoàng tử trong cung điện, chàng Yasa, chàng Raja, chàng trai bán sữa, chàng thương nhân trẻ… Savitri triền miên trong những cuộc mây mưa. Nàng làm cho vị vua già không rời khỏi giường trong suốt một thời gian dài. Có chồng nhưng nàng vẫn qua lại với Yasa, chàng công tử điển trai của kinh thành Varanasi và mấy chục chàng trai khác. Nàng hưởng thụ dục lạc táo bạo, vô độ. Nàng tận hưởng ái ân với nhiều người khác nhau nhưng trong lòng nàng vẫn khao khát chiếm giữ trái tim Siddhatha – đấng giác ngộ, nàng tham vọng chiếm đoạt thân xác Phật. Vì theo đuổi ước vọng đó mà nàng không ngừng tìm kiếm cơ hội tiếp xúc với Siddhatha. Trong nỗi khát thèm Siddhatha, nàng tự thỏa mãn mình với những người đàn ông khác. Nàng say mê dục vọng đến mê muội, tìm mọi cách để níu chân những người đàn ông kia thuộc về mình nhưng càng siết chặt, càng ao ước, nàng càng nhận lấy những cô đơn khi tuổi già đến. Quả báo đến với nàng. Trước tiên là cái chết của vị tiểu vương quốc khi nàng vừa trở thành hoàng hậu trong vài tháng. Từ cái chết của chồng, nàng suýt bị thiêu sống khi hỏa táng chồng. Thoát chết, nàng phải sống cuộc đời nay đây mai đó, sống chui lủi, trốn tránh. Trở thành tội nhân bị truy nã suốt bốn mươi năm trên mọi tiểu vương quốc. Nàng quay trở lại với Yasa – người tình yêu thích của nàng. Tuy nhiên thời gian ái ân chẳng được bao lâu, đột ngột chàng công tử đa tình Yasa quy y cửa Phật, nàng trở nên chênh vênh cô đơn. Kế đó là chàng Ahimsaka hay còn là tên cướp Aguli Mala. Cuối cùng là Đức Phật – người nàng theo đuổi từ khi là một cô nhóc bốn tuổi đến khi trở thành một người đàn bà ngoài sáu mươi mà chưa bao giờ Siddhatha thuộc về nàng, chưa bao giờ hướng đến nàng. Trong hiện kiếp, Savitri là một Kumari – nữ thần đồng trinh, luôn sống trong sự cô độc và suốt cuộc đời không biết đến niềm hoan lạc xác thịt như tiền kiếp nữa. Bởi ở kiếp này, mỗi khi bước vào cuộc giao hoan với đàn ông, nàng không nén được mà luôn bật cười khanh khách vì khả năng nhìn xuyên qua bóng tối, thấy rõ cái trần trụi, lố bịch của bạn tình. Cảm nhận và cảm giác ấy phá tan mọi cuộc giao hoan. Đó chính là quả mà nàng công chúa này phải gánh chịu cho những nhân mà nàng gây ra.
Sân – ác nghiệp trong cơn thịnh nộ, ghen ghét
Trong toàn bộ tác phẩm, nhân vật biểu lộ rõ nhất cho ác nghiệp này và gây ra quả báo chính là tên cướp Aguli Mala. Tên thật của chàng là Ahimsaka, nghĩa là không sát sinh, không bạo lực. Ngay từ nhỏ, chàng rất thông minh, tốt bụng, được vua cha yêu quý, khi trưởng thành, chàng được gửi lên học đại học Takkasila. Chàng thông minh, rất có chí, nhưng điều này đã làm nảy sinh lòng đố kị, ghen ghét của đám môn sinh, rồi chàng bị vu oan. Vì lòng đố kị nhỏ nhen mà chàng bị đuổi học, chàng bị vua cha từ mặt, mọi người trong kinh thành kinh hãi chàng. Ngay cả nàng Amrita – ý trung nhân của chàng cũng sợ hãi, bỏ chạy. Tất cả dẫn đến quả là từ chàng Ahimska hiền lành trở thành tên cướp Aguli Mala khát máu, lạnh lùng khét tiếng cả kinh thành sợ hãi. Lòng sân hận của chàng chất ngút ngàn trong lòng, chàng căm ghét những đạo sĩ, đặc biệt là những đạo sĩ giả dối đến tột độ. Chàng quay trở lại giết cả sư môn Gugu Chandra chỉ trừ bà vợ ông ta. Những lời bàn tán về tràng hạt một nghìn đốt ngón tay cũng khiến chàng thịnh nộ, càng hăng tiết giết người không thương xót. Ngay cả người đàn ông có đứa con trai vừa chào đời cầu xin Agulimala chặt một ngón tay của mình đi và cho mình được sống, chàng cũng không tha. Chàng trở thành con thú hoang say mê uống máu của chính đồng loại. Vì sự tức giận muốn báo thù, cái tên Ahimsaka dần trôi vào quên lãng, người ta chỉ nhớ đến tên cướp giết người lạnh lùng, ra tay tàn độc. Khi gặp Savitri, chàng cùng nàng chung sống một thời gian trước khi quy y cửa Phật. Cố gắng để trở thành một phật tử lương thiện, chàng cũng đi khất thực như bao khất sĩ khác, tuy nhiên chàng ta đã gieo nhân nên ắt gặt quả, điều gì đến cũng đến. Quá khứ gieo nhân nào, hiện tại gặt quả ấy, con người phải chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra. Việc Aguli Mala trở thành cướp vừa là quả nhưng cũng vừa là nhân. Những hành động tàn độc của chàng trở thành vòng nhân quả luân hồi tiếp theo. Quả đầu tiên chàng gặp phải là gặp cậu bé – con trai người đàn ông đã cầu xin chàng tha mạng năm nào giờ khiến Ahimsaka trở nên buồn bã, ân hận, day dứt. Nhưng ác nghiệp Ahimsaka gieo quá nhiều nên quả không chỉ dừng lại ở việc cho chàng sám hối. Trong một lần đi khất thực, khi chàng đứng đợi đứa trẻ kia cúng dường, bất ngờ bị một người góa phụ nhận ra. “Biết bao nhiêu gia đình trong kinh thành có người thân bị tên cướp giết hại. Hận thù cũ vẫn chưa xóa được. Chỉ một lời hô mà trăm lời ứng. Người gậy gộc, người gạch đá ào ào xông tới. Trút căm hờn lên đầu khất sĩ. Ahimsaka ngồi xuống trong thế tọa thiền hứng chịu tất cả. Chỉ thoáng chốc khất sĩ không chịu được nữa mà đổ vật xuống, lăn lộn tơi tả trên đường. Đám người căm hờn vứt cái thân hình đầy máu sang bên đường rồi bỏ đi” (1). Chỉ qua một đoạn văn ngắn, nhưng Hồ Anh Thái đã cho thấy quả mà tên cướp Aguli Mala, hiện tại là khất sĩ Ahimsaka phải nhận vô cùng đau đớn, nhục nhã. Để trả hết ác nghiệp, chàng Ahimsaka phải từ giã cõi đời này. Nhưng ám ảnh đáng sợ với chàng không phải cái chết mà là hình ảnh người góa phụ phang gậy tới tấp vào mặt, cổ, thân thể chàng. Người đó chính là nàng Amrita – người yêu trước đây của Ahimsaka.
Si – ác nghiệp cố chấp theo đuổi những gì không thuộc về mình
Si là những mông muội, u mê, cố chấp, cũng chính là vô minh trong mười hai nhân duyên. Si trong tác phẩm này được Hồ Anh Thái lựa chọn, khắc họa qua hình tượng vua Bimbimsara, vua Pesanadi và cả nàng công chúa Savitri.
Trước hết, nói về si của nàng công chúa xinh đẹp mà kiêu hãnh, bướng bỉnh Savitri. Ngay từ khi còn là một cô bé bốn tuổi, nàng đã ấn tượng với hình ảnh chàng Siddhatha khôi ngô, tuấn tú, tài giỏi. Trong hội kén vợ của chàng hoàng tử, nàng công chúa nhỏ tuổi cũng đòi chị mình cho tham dự, dù còn rất nhỏ nhưng lòng ham muốn chiếm đoạt, lòng yêu thích đến mê muội khiến nàng cũng đòi quà của chàng hoàng tử. Nàng nhận được chiếc khăn xếp đội đầu có đính lông công. Đối với hoàng tử, chàng chỉ xem cô là một cô công chúa bé con, nhưng đối với nàng, đó là tình yêu của định mệnh. Chiếc khăn xếp – món quà hoàng tử trao chính là vật đính ước của hai người. Khi lớn khôn, nàng vẫn không ngừng theo đuổi chàng hoàng tử đã có vợ con. Ngay cả khi chàng trở thành đấng giác ngộ, Savitri vẫn không ngừng nuôi dưỡng ý muốn được có chàng. Nàng tìm mọi cách để được gặp chàng, chạm vào chàng. Dù Siddhatha đã thành Phật nhưng chưa bao giờ nàng thừa nhận và gọi chàng là Phật. Nàng yêu chàng Siddhatha đến mê muội, một tình yêu không có đáp trả, một tình cảm đơn phương. Tình yêu si dại của Savitri là nhân dẫn đến quả, là những cuộc ái ân đêm ngày. Để rồi tất cả những hoan lạc ấy khiến nàng sống trong cô độc ở kiếp sau.
Vua Bimbimsara, vua Pesanadi là hai vị vua tôn sùng đạo Phật, cũng nhờ hai vị vua này mà Phật giáo được mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn. Về vua Bimbimsara, người cha chặt một ngón tay út của mình để lấy máu dâng lên cho đứa con khát máu đang nằm trong bụng vợ dù ẩn sĩ trong cung đã tiên đoán rằng sau này hắn sẽ lại lấy máu của nhà vua. Lời tiên tri kinh hoàng ấy khiến bà hoàng hậu bàng hoàng định chối bỏ đứa con, giết đi giọt máu ác chưa chào đời nhưng đức vua Bimbimsara vì tấm lòng nhân hậu, thương một sinh linh tội lỗi nên để đứa trẻ sống sót. Khi khôn lớn, vì lòng ham muốn vương quyền, đứa trẻ ấy đã tìm cách ám sát cha nhưng ông vẫn tha thứ, thậm chí còn truyền ngôi trước sự ngạc nhiên của bao người. Đó chính là quả đắng, một cái giá quá đắt cho lòng si mê, thiếu tỉnh táo của vua Bimbimsara. Cái chết không phải là quả duy nhất vị vua này phải nhận mà cái giá đắt hơn là để cho con trai mình gây bất hòa xung đột, gây chiến với bác mình, tạo nghiệp mới cho cậu con trai Ajtasattu.
Vua Pesanadi là một vị vua tài giỏi, bi kịch của ông bắt nguồn từ chính ngai vàng của mình. Quyền lực, nịnh thần đã khiến ông trở nên đa nghi, ông luôn “ngờ vực xung quanh mình chỗ nào cũng đầy âm mưu” (2). Ông đã giết oan người bạn thân tài ba – đại tướng Bandhula. Vì si nên ông vội tin bọn nịnh thần, không nghe phân trần từ bạn mà tạo nghiệp ác cho chính mình. Vua Pesanadi muốn chuộc lại lỗi lầm bằng cách phong tướng cho cháu của bạn mình dù đã được đức Phật cảnh báo: “Mọi việc đều phải cẩn trọng. Ngay cả việc sám hối cũng phải cẩn trọng” (3). Nhưng đức vua không để tâm đến lời Phật dạy, thêm một lần vô minh dẫn đến quả báo phải nhận trong một thời gian quá ngắn. Đại tướng Karayama chớp thời cơ đem vương quyền trao cho con trai của vua Pesanadi, phế truất ông. Khi nhận ra thì đã muộn, ông nhận thêm một quả báo về sự si mê vô minh khi phải chịu cái chết cô độc, lạnh lẽo bên con mèo hoang già. “Hình ảnh cuối cùng ngài thấy là một con mèo hoang. Con mèo già không tìm được chỗ nào trú ngụ qua đêm thì gặp nhà vua nằm đây. Con mèo xơ xác rúc vào lòng ngài tìm hơi ấm. Ngài run lên bần bật. Nó cũng run bần bật. Cả hai cứ thế nương tựa vào nhau… Cho đến nửa đêm con mèo bỗng ngoao một tiếng nhảy vọt ra khỏi lòng ngài. Nó giật mình. Một luồng hơi lạnh buốt đột ngột phóng ra từ thi thể nhà vua. Sau đó đêm lạnh triền miên không tìm ra hơi ấm nữa” (4). Như vậy, cả hai vị vua tài ba, hùng dũng, cả cuộc đời oanh tạc, chiến đấu khắp mọi vương quốc, đều là những người nhân ái, vị tha nhưng vì si lại gieo nghiệp ác để rồi từ địa vị vương quyền phải nhận lấy cái chết trong tăm tối, lạnh lẽo, cô độc.
Cảm quan Phật giáo được phủ chiếu ở mọi góc độ, mọi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Đức phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái. Qua cuộc đời của một số nhân vật trong cuốn tiểu thuyết hơn bốn trăm trang, qua một phương diện của nghiệp với ba điều thuộc về ý (tham, sân, si), Hồ Anh Thái đưa đến một giác ngộ về nhân quả báo ứng của con người trong cuộc sống. Có lẽ bởi thế mà thông điệp nhân văn cao cả từ Đức phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái chưa bao giờ nguội vơi sức hấp dẫn đối với độc giả.
_____________
1, 2, 3, 4. Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2015, tr.336, 380, 381, 383-384.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017
Tác giả : LÊ HẢI ANH – TRẦN BÍCH VÂN
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài