Tiếp cận kịch cổ điển theo xu hướng bản địa hóa giá trị toàn cầu


 

Qua hàng ngàn năm lịch sử, sân khấu thế giới đã để lại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm kịch. Sức sống của những tác phẩm này đã vượt qua thời gian, qua nhiều mô hình cấu trúc xã hội với những tập tục, văn hóa tín ngưỡng, quan điểm chính trị, đạo đức và lối sống khác nhau. Kịch cđiển hầu hết đều có nguồn gốc từ các nước châu Âu, phản ánh những mâu thuẫn, xung đột, tính cách ở nhiều thời đại lịch sử, xã hội, văn hóa khác nhau, nhưng lại hàm chứa những giá trị cốt lõi mang tính toàn nhân loại. Để có thđưa những kiệt tác nghệ thuật đỉnh cao đó đến với mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thì cần tìm ra cách tiếp cận riêng. Ngày nay, xu hướng tiếp cận chđạo kịch cđiển là bản địa hóa những giá trị toàn cầu.

Tiếp cận kịch cổ điển không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức, chiêm ngưỡng những thành tựu của quá khứ với chuẩn mực về giá trị triết lý nhân sinh, nghệ thuật. Kịch cổ điển còn cần được khám phá, sáng tạo, để chuyển hóa những giá trị xuyên thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, phù hợp với tâm lý, văn hóa, sở thích của người tiếp nhận.

Một vở diễn sân khấu hiện đại, trước hết phải là tác phẩm nghệ thuật phản ánh sinh động và sâu sắc đời sống con người. Kịch cổ điển khai thác và phản ánh bi kịch của sự mù lòa như trong Ơđip vua của Sôphôcl, về tham vọng quyền lực, sự đổ vỡ các mối quan hệ cha con, anh em, vợ chồng như trong Vua Lia, Mắcbet, Hămlét của Sêcspia và cả những vấn đề về nhà nước, pháp quyền từ thời trung cổ… Kịch cổ điển cũng phản ánh không ít thói hư, tật xấu của con người dưới góc nhìn hài hước như trong Lão hà tiện, Tactuyf của Môlie, Quan thanh tra của Gogol… Tiếng cười của hài kịch cổ điển vẫn vang vọng đến ngày nay.

Một vở kịch hiện đại còn mang những giá trị tư tưởng đương đại và được biểu hiện bằng hình thức hiện đại. Phát hiện ra những yếu tố mới mang những dòng tư tưởng hiện đại trong giá trị tác phẩm sẽ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống ngày nay. Đây là nguồn cảm hứng thúc đẩy sức sáng tạo, là động lực, mục tiêu mà tác phẩm sân khấu cần đạt tới.

Tiếp cận kịch cổ điển, nếu chỉ tập trung vào nội dung thì chưa đủ để tạo nên tác phẩm sân khấu hiện đại. Đi tìm cho kịch cổ điển hình thức biểu hiện hiện đại mới thực sự là yêu cầu mang tính cấp thiết. Hình thức đó vừa chuyển tải được nội dung mang tính hiện đại, vừa phù hợp với tâm lý, văn hóa người tiếp nhận.

Có một thực tế là người Việt thường xúc động và bị cuốn hút khi đọc kịch bản cổ điển nước ngoài. Sự cảm nhận đó hình thành trên cơ sở văn hóa, tư duy, tình cảm của mỗi người. Điều đó cho thấy giữa người Việt và người nước ngoài có nhiều điểm tương đồng trong đời sống sinh hoạt, lao động và đấu tranh sinh tồn. Điểm khác nhau ở đây là người Việt dùng văn hóa, tâm lý bản địa để lý giải, thể hiện cảm xúc của mình. Do đó cần chuyển dịch cốt truyện kịch vào một thời điểm lịch sử cụ thể, phù hợp với bối cảnh diễn biến của hành động và xung đột kịch. Đồng thời kết hợp sử dụng các phương pháp sân khấu dân tộc với những nguyên tắc sáng tạo, thủ pháp nghệ thuật mang tính đặc thù của sân khấu hiện đại để chuyển tải nội dung cốt lõi của tác phẩm cổ điển. Đây là biện pháp tích cực, phù hợp với quy luật phát triển và nhu cầu thưởng thức của cuộc sống hiện đại.

Sử dụng hình thức sân khấu dân tộc trước hết phải chọn lọc, sáng tạo phương thức thể hiện mang tính hiện đại, tìm được sự tương đồng từ phong cách thể tài đến tính cách nhân vật, sau đó mới đến trang trí, phục trang, âm nhạc, vũ đạo… Để đạt tới hiệu quả như mong muốn, cần đặt kịch cổ điển vào không gian văn hóa dân tộc để lý giải và vận dụng các biện pháp xử lý thích hợp. Thực tế, việc chuyển dịch bối cảnh lịch sử xã hội của kịch bản cổ điển vào xã hội Việt Nam cũng như sử dụng hình thức sân khấu dân tộc trong dàn dựng biểu diễn đã gặt hái được nhiều thành công, như năm 2003 có vở Tactuyf của Môlie (1), năm 2008 vở Quan thanh tra của Gogol (2), gần đây nhất là vở Cầu hôn của Chekhov (3).

Trong vở Cầu hôn, hình thức sân khấu dân gian truyền thống Việt Nam đã được vận dụng tối đa, từ việc sử dụng không gian ước lệ đến diễn xuất, từ âm nhạc đến phục trang đạo cụ. Sự thử nghiệm này đã mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị. Khán giả trong nước không thấy xa lạ về một vấn đề của dân tộc khác, khán giả nước ngoài thì thấy hấp dẫn. Điểm đáng ghi nhận là vở diễn ấn tượng, không xảy ra sự đối nghịch giữa hình thức với nội dung. Xu hướng này hiện nay đã được một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc ứng dụng khá hiệu quả.

Biện pháp thứ hai là lấy bối cảnh của cuộc sống đương đại, khai thác tính hiện đại trong tư tưởng, xử lý hành động với diễn biến tâm lý mang dấu ấn thời đại. Tuy nhiên khi sử dụng biện pháp này, người sáng tạo cần tính toán rất kỹ để tìm thấy những yếu tố tương thích, hài hòa khi chuyển dịch một câu chuyện từ xa xưa đến hiện tại.

Để có một vở diễn mang tính hiện đại, trước hết phải có phương pháp tiếp cận hiện đại trên nguyên tắc thống nhất giữa hình thức với nội dung trong xử lý không gian vở diễn. Nhìn chung, không gian trong kịch cổ điển diễn ra trên diện rộng, rất đa rạng và phức tạp. Trong một vở cũng có thể có nhiều địa điểm khác nhau về địa lý, kiến trúc…, có thể từ triều đình Đan Mạch đến Na Uy, rồi sang tới nước Anh, từ đất liền ra biển, từ cung điện đến ngục tối, từ giường ngủ đến nghĩa địa… Bất cứ không gian nào trong cuộc sống do con người tưởng tượng đều có thể trở thành không gian diễn ra hành động kịch. Tiếp cận không gian theo hướng dịch chuyển từ không gian vật lý sang thời gian và không gian tâm lý, nhưng vẫn phản ánh được bản chất của hành động kịch là biện pháp thích hợp. Biện pháp đó vừa đảm bảo tính hợp lý của hành động, vừa tham gia tích cực vào quá trình làm nên hình tượng vở diễn. Tiếp cận không gian trong kịch là vấn đề quan trọng nhất, liên quan đến hình thức biểu hiện.

Một điểm quan trọng khi tiếp cận kịch bản cổ điển theo hướng hiện đại là sử dụng phương pháp biểu diễn phù hợp với phong cách thể tài, mang tính hiện đại. Vì có sự khác biệt trong đời sống tinh thần của con người hiện đại với những diễn biến tâm lý của nhân vật, người sáng tác cần phân tích đặc tính mang yếu tố thời đại của tác phẩm kịch và tìm ra điểm tương đồng trong diễn biến tâm lý nhân vật.

Với luận điểm cơ bản khi sáng tạo vai kịch là tôi hành động, hành động làm nảy sinh cảm xúc, cảm xúc kích thích hành động nên khi phân tích hành động cần xác định rõ tính chất hành vi của nhân vật. Điểm đáng quan tâm nhất là những phản ứng thích hợp trong cách thức biểu đạt. Hành động kịch phát triển trong các mối quan hệ với những tình huống, mâu thuẫn, xung đột đan xen, tạo nên trạng thái tiết tấu sôi động. Do đó, tiết tấu luôn là yếu tố quan trọng tạo nên sự cuốn hút của vở kịch.

Sự phong phú của ngôn ngữ kịch cổ điển cũng đòi hỏi người tiếp cận có một góc nhìn tỉnh táo. Nhiều kịch bản quy tụ các hình thức ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ bi kịch đan cài với ngôn ngữ hài kịch, ngôn ngữ thơ lồng trong văn xuôi, ngôn ngữ bình dân xen lẫn ngôn ngữ bác học, độc thoại chen trong đối thoại, lời người chết hòa trong lời người sống… Hình thức ngôn ngữ của kịch cổ điển so với ngày nay có nhiều nét khác biệt, nhưng tính triết lý của ngôn ngữ ấy vẫn sống mãi cùng nhân loại.

Kịch cổ điển là những tác phẩm được chắt lọc qua các thời đại với nhiều trào lưu, trường phái, phương pháp sáng tác khác nhau, nên hình thức biểu hiện của tác phẩm cũng mang nhiều nét riêng biệt. Trong đó có điểm riêng về phong cách thể tài, ngôn ngữ đối thoại, cấu trúc tác phẩm cũng như biện pháp xây dựng nhân vât. Nếu như Môlie xây dựng nhân vật theo hướng tập trung vào bản chất của một thói hư tật xấu nào đó, thì Sếchxpia lại xây dựng nhân vật theo hướng con người sinh động với tính cách đa dạng. Do vậy, không thể áp dụng một cách tiếp cận duy nhất cho tất cả các tác phẩm. Mỗi kịch bản cần tìm một góc nhìn riêng từ sự cảm nhận, sự rung động trong thế giới quan của người đương thời. Khi tìm hình thức hiện đại cho vở diễn cần khai thác tối đa ứng dụng công nghệ hiện đại và kết hợp hiệu quả với các loại hình nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, múa, ánh sáng…

Tiếp cận kịch cổ điển theo hướng tuân thủ những quy định mang tính lịch sử, với bối cảnh xã hội như trong kịch bản là quy luật tất yếu. Nhưng đặt kịch bản cổ điển vào không gian văn hóa của dân tộc khác, thời đại khác luôn luôn là sự thách đố. Đã từng xảy ra hiện tượng một kịch bản hiện đại được biểu hiện dưới một hình thức cổ lỗ sĩ. Ngược lại, một kịch bản cổ điển được lý giải từ góc nhìn hiện đại, với ngôn ngữ biểu hiện phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người đương thời. Lý giải không chỉ là sự phân tích kịch bản, phân tích những gì có trên bề mặt, hay chìm sâu bên dưới câu chữ của lời thoại, mà còn phải bao hàm cả sự chuyển hóa nội dung từ văn học kịch sang hình thức biểu hiện của sân khấu. Lý giải kịch bản văn học bằng ngôn ngữ sân khấu, thực chất là sự chuyển hóa những ý tưởng từ nghệ thuật của ngôn từ sang nghệ thuật hành động. Sự hiện đại của vở kịch không chỉ dừng ở thể tài của kịch bản, tính cách nhân vật, địa điểm xảy ra hành động kịch, các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, mà còn ở phong cách biểu hiện.

Tiếp cận kịch cổ điển theo xu hướng bản địa hóa những giá trị toàn cầu bằng phương pháp hiện đại là con đường luôn chuyển động với những tìm tòi thử nghiệm. Khám phá kịch cổ điển không bao giờ có điểm dừng, vì cái mới chính là giá trị làm nên sức sống bền lâu cho kịch cổ điển. Tính hiện đại của một vở kịch cũng đòi hỏi phải xem xét một cách khách quan từ nhiều phương diện. Do đó, phương pháp tiếp cận hiện đại chính là sự không ngừng tìm tòi, khám phá và sáng tạo.

_______________

1. Khoa Sân khấu, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội dàn dựng năm 2004, đạo diễn Sarkis.

2. Khoa Sân khấu, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội dàn dựng năm 2008, đạo diễn Lê Mạnh Hùng.

3. Khoa Sân khấu, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội dàn dựng năm 2012, đạo diễn Lê Mạnh Hùng. Vở diễn đã tham gia liên hoan các trường đào tạo sân khấu châu Á về kịch Chekhov tại Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013

Tác giả : Lê Mạnh Hùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *