Tiếp nhận tác phẩm nhiếp ảnh từ nền tảng văn hóa


Đứng trước một tác phẩm nhiếp ảnh, người ta thường tự đặt cho mình câu hỏi: “Bức ảnh nói về cái gì?”; nhưng để khám phá chiều sâu của bức ảnh thì cần thêm câu hỏi: “Làm thế nào để có thể hiểu được một cách sâu sắc về một bức ảnh?”. Câu hỏi thứ nhất hướng tới nội dung của bức ảnh (khoảnh khắc nào đó của sự vật, hiện tượng, con người, hay cuộc sống… được nhiếp ảnh gia ghi lại). Câu hỏi thứ hai đề cập đến 2 đối tượng: một là bản thân tác phẩm nhiếp ảnh chứa đựng nhiều lớp nghĩa, thông tin; hai là người tiếp nhận cần có nền tảng kiến thức nhất định để có thể hiểu sâu được tác phẩm. Trong bài viết này, chúng tôi muốn hướng tới một nền tảng vừa có tính định hướng, vừa như một công cụ hữu hiệu trên hành trình khám phá chiều sâu của tác phẩm nhiếp ảnh, đó là nền tảng văn hóa.

Có nhiều quan điểm khác nhau để xác định giá trị của một tác phẩm nhiếp ảnh, nhưng nếu chỉ dựa trên tiêu chí “đẹp” là chưa đủ. Cũng giống các loại hình nghệ thuật khác như văn học, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh chịu sự chi phối của những nguyên tắc nghệ thuật nhất định, đặc biệt là các yếu tố văn hóa, bởi dù có những nét đặc trưng riêng, nhiếp ảnh cũng là một bộ phận, thành tố của văn hóa. Vì vậy, để tiếp nhận chiều sâu tác phẩm nhiếp ảnh, không thể không có nền tảng văn hóa.

Người Bru – Vân Kiều – Ảnh: Réhahn

Hãy thử cùng khám phá một bức ảnh Người Bru – Vân Kiều của tác giả Réhahn (nhiếp ảnh gia người Pháp) trong bộ sưu tập “Di sản vô giá”. Bức ảnh chụp một người phụ nữ Vân Kiều đang hút tẩu với ánh mắt nhìn xa xăm và khuôn mặt đầy suy tư. Bên cạnh cái thần thái của nhân vật được chụp, sự hài hòa của ánh sáng và bóng tối, thì hai vấn đề cần được quan tâm là: Vì sao phụ nữ Bru – Vân Kiều hút thuốc? Vì sao họ lại chủ yếu hút bằng tẩu? Trả lời những câu hỏi này, ta sẽ lí giải được vì sao bức ảnh này được Réhahn xếp vào bộ sưu tập “Di sản vô giá”. Theo các tư liệu có được, chúng tôi nhận thấy, trong tín ngưỡng của người Vân Kiều, thần Đất (Ku Tẻ) và thần Lửa (Ku Đéc) là hai vị thần rất gần gũi trong đời sống của họ. Thần Đất giúp con người có nơi ăn chốn ở, sinh ra các loại cây trái, giống vật nuôi…; thần Lửa giúp nấu chín thức ăn, tạo ra hơi ấm, là nguồn năng lượng giúp họ sinh tồn. Chính vì sự gần gũi và thiết thực ấy, tổ tiên của người Vân Kiều đã giao sứ mệnh chăm sóc hai vị thần này cho người phụ nữ. Để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó, người phụ nữ Vân Kiều đã nghĩ ra và làm nên chiếc tẩu thuốc bằng đất nung, đồng thời tiện cho việc chăm sóc thần Đất và thần Lửa. Họ dùng đất sét vừa dẻo, vừa tinh khiết để nặn nên những chiếc tẩu với nhiều hình dáng, rồi trang trí các hoa văn khác nhau, sau đó dùng lửa nung chín. Theo lời kể của PGS, TS Đỗ Lai Thúy, những tộc người sinh sống chủ yếu ở khu vực rừng núi Quảng Bình, Quảng Trị thường hút thuốc, một mặt để khử các sơn lam chướng khí (khí độc ở vùng rừng núi gây ra bệnh tật); mặt khác, nó thể hiện một nét tín ngưỡng đặc thù của các tộc người ở rừng: tín ngưỡng thờ đất, đá và lửa. Với người Vân Kiều, hút thuốc bằng tẩu đất nung là đặc quyền của người phụ nữ, nhưng đặc quyền này chỉ dành cho người phụ nữ đã có chồng (phụ nữ chưa chồng và đàn ông chưa vợ cũng có thể hút thuốc nhưng không được hút bằng tẩu). Chiếc tẩu thuốc bằng đất nung ấy phải do chính tay người phụ nữ làm ra. Vì thế, bên cạnh khả năng dệt vải truyền thống, việc làm tẩu cũng là một yêu cầu tối thượng của người phụ nữ trước khi về nhà chồng. Chiếc tẩu ấy luôn luôn được người phụ nữ sử dụng, dù vào rừng hái lượm hay đang ở nhà, mỗi lúc nhóm bếp, họ đều lấy lửa từ ống tẩu như cách tri ân hai vị thần mà mình có sứ mệnh chăm sóc.

Những phân tích trên cho thấy, giá trị của một bức ảnh trước tiên ở cái khoảnh khắc mà người nghệ sĩ ghi lại với sự kết hợp giữa ánh sáng, màu sắc, đường nét, thần thái nhân vật, cảnh vật… những yếu tố này được xác định là yếu tố bên ngoài (hình thức). Còn yếu tố bên trong (nội dung) chắc hẳn phải là một hàm lượng văn hóa nhất định. Sự kết hợp biện chứng giữa hình thức – nội dung tạo nên tính chỉnh thể của tác phẩm; trong đó, yếu tố nội dung luôn có vai trò quyết định. Cũng chính vì vậy, tiếp nhận tác phẩm nhiếp ảnh không thể chỉ dừng lại ở cái bên ngoài, mà cần len lỏi vào các vỉa tầng, hé mở các cánh cửa nghệ thuật để đi sâu vào thế giới sâu thẳm của các bức ảnh, của cảnh vật, cuộc sống và tâm hồn con người.

Nền tảng văn hóa là yêu cầu quan trọng để tiếp nhận sâu một tác phẩm nhiếp ảnh; tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng có sự chỉ dẫn thuận lợi cho hướng tiếp cận này. Hãy cùng quan sát bức ảnh nổi tiếng của Văn Bảo, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam những năm chống Mỹ. Bức ảnh mang tên Từ thần sấm xuống xe trâu. Bức ảnh ghi lại sự kiện Gideon Willard Selleck, tên phi công Mỹ bị dân quân Hà Bắc bắt sống ngày 7-8-1966 khi ném bom để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Bức ảnh của Văn Bảo là cái nhìn hóm hỉnh về sự thất bại thảm hại của không lực Hoa Kỳ ở Việt Nam. Trong ảnh, người xem cảm nhận được, tên phi công lái chiếc “Thần sấm” (máy bay phản lực) trước đó chưa lâu còn tung hoành trên bầu trời, nay ngồi trên chiếc xe trâu lạ hoắc mặt tái xám, tay lập cập giữ chặt hai bên thành xe vì sợ ngã để con trâu kéo đi theo sự điều khiển của một dân quân. Chắc hẳn những ai trực tiếp được xem cảnh tượng này sẽ rất hả hê, sảng khoái.

Đằng sau bức ảnh trên là cả một câu chuyện, một kì tích của dân quân Việt Nam, một cuộc đổi ngôi đặc biệt giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, giữa vũ khí hiện đại với các phương tiện thô sơ, giữa kẻ xâm lược và những người chiến binh vệ quốc. Những lớp nghĩa sâu trong bức ảnh này lại đề cập đến tính tư tưởng rất sâu sắc của chiến tranh Việt Nam: Tư tưởng nhân nghĩa. Đối lập hoàn toàn với hình ảnh những người lính Việt bị bắt bớ, đàn áp, tù đày với hình ảnh phổ biến như “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” (chữ của Nguyễn Tuân) đầy đau đớn. Ở đây, tên phi công bị bắt sống được – ngồi – trên – xe – trâu, dù hắn run lẩy bẩy vì sợ ngã. Nhưng chỉ thế thôi, tính nhân văn của dân quân Việt Nam đã được thể hiện vô cùng cùng sinh động trong tấm ảnh này. Do đó, đứng trước một bức ảnh mà ta không có thông tin lịch sử liên quan đến bức ảnh đó, thì mọi sự tiếp nhận, đánh giá chỉ là cảm tính mà thôi.

Thiên nga – Ảnh: Trần Tuấn Việt

Lại có một thực tế nữa là có những bức ảnh thoạt nhìn chỉ thấy rõ yếu tố kĩ thuật hơn là nội dung thì sẽ tiếp nhận như thế nào, nhất là từ nền tảng văn hóa? Chúng tôi lựa chọn Trần Tuấn Việt – gương mặt nhiếp ảnh trẻ gây tiếng vang với rất nhiều tác phẩm giới thiệu giá trị văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới. Trong quá trình giảng dạy và học tập, chúng tôi nhận thấy Trần Tuấn Việt là nhiếp ảnh gia được nhiều bạn học sinh yêu thích (qua số lượng học sinh đăng kí tìm hiểu và làm video giới thiệu về nhiếp ảnh gia này). Quả thực, tên tuổi Trần Tuấn Việt đã rất quen thuộc trong giới nhiếp ảnh cũng như những bạn trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Có nhiều danh xưng cho nhiếp ảnh gia này như: người có duyên với Phật giáo, người theo trọn đam mê, người kể chuyện Việt Nam bằng ảnh… Trần Tuấn Việt cũng là nhiếp ảnh gia có nhiều ảnh trên National Geographic với những bức ảnh nổi tiếng như: Làm hương, Phật tử cầu nguyện, Thiên Nga… Trong đó, có thể nói Thiên Nga (The Swan) là tác phẩm khó tiếp nhận hơn cả. Bức ảnh này đã đạt huy chương Vàng cuộc thi ảnh Nghệ thuật quốc tế lần 9 tại Việt Nam; giải A giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc cấp quốc gia 2017. Bức ảnh được thực hiện trong sân khấu của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam – Vietnam National Opera & Ballet. Bức ảnh lấy cảm hứng từ vở diễn Swan Lake – Hồ Thiên Nga, một trong những kiệt tác của ballet cổ điển kết hợp với âm nhạc tinh hoa của nhà soạn nhạc vĩ đại Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Bằng kĩ thuật ánh sáng và thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh, Trần Tuấn Việt mong muốn khắc họa một trong những khung hình đẹp, uyển chuyển như động tác của một con thiên nga giữa hồ nước trong một đêm trăng sáng. Tác phẩm cũng là sự trân trọng và tôn vinh đối với những vũ công ballet, đặc biệt là vũ công nữ, những người phải khổ luyện từ nhỏ, chịu nhiều đau đớn cho những đôi chân của mình để có được màn biểu diễn thành công. Như thế, thoạt nhìn Thiên Nga không ít người cho rằng tác giả sử dụng quá nhiều yếu tố kĩ thuật. Nhưng để có một “siêu phẩm” ấy, Trần Tuấn Việt đã phải chuẩn bị trong hai tháng, chụp trong khoảng hai tiếng với khoảng 100 bức ảnh (bức ảnh trên là loạt ảnh cuối). Chỉ bấy nhiêu thông tin cũng đủ thấy tâm huyết của người nghệ sĩ với cái đẹp, hơn nữa là sự “giao cảm giữa nghệ thuật nhiếp ảnh với nghệ thuật múa ballet cổ điển”.

Sự đan xen giữa các loại hình nghệ thuật, sự hòa quyện giữa tính kĩ thuật và tính nghệ thuật, đặc biệt, sự dấn thân hết mình của người nghệ sĩ cũng là những biểu hiện sâu sắc cần nền tảng văn hóa để tiếp nhận được tác phẩm. Ở trường hợp thứ ba này, yếu tố văn hóa được thể hiện ở chính tâm thế và khát vọng đuổi bắt cái đẹp của người nghệ sĩ.

Sẽ không thể nói hết các trường hợp nhiếp ảnh gia, lại càng không thể phân tích hết các tác phẩm điển hình, bởi nhiếp ảnh với tư cách nghệ thuật có vô vàn khoảnh khắc để đời cần trân trọng. Tuy nhiên, những khía cạnh chúng tôi đề cập trong bài viết phần nào định hình hướng tiếp nhận tác phẩm nhiếp ảnh từ nền tảng văn hóa. Bài viết chỉ mang tính gợi mở, vì vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về lí thuyết cũng như hệ thống hóa nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Biết đâu, trong hành trình đó, chúng ta sẽ góp phần tạo dựng một mô hình nghiên cứu nhiếp ảnh Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Nam, Người nặn tẩu cuối cùng trên đỉnh Trường Sơn, tinhuyquangtri.vn

2. Chu Chí Thành, Cái nôi của nhiều tài năng nhiếp ảnh, dhtn.ttxvn.org.vn

3. Trần Mạnh Thường, Nhiếp ảnh và cuộc sống, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003

4. Trần Mạnh Thường, Vai trò của nhiếp ảnh trong văn hóa, vapa.org.vn

Tác giả: Nguyễn Văn Ba – Trần Hà Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *