Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại


          Từ khi ra đời đến nay, báo chí luôn luôn khẳng định vị trí tiên phong của mình trong các cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của con người. Báo chí mang tính xã hội sâu rộng và thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội khi được sự ủng hộ, đón nhận của dân chúng. Để cho một nền báo chí có sức sống thực sự, gắn chặt với những vận động tích cực của đời sống xã hội và con người, báo chí phải có tính chuyên nghiệp cao.

Báo chí hiện đại bao gồm nhiều thể loại hơn báo chí truyền thống. Ở đầu TK XX, báo in vẫn là loại hình chủ đạo. Nhưng đến nay, khái niệm báo chí được mở rộng hơn và được thể hiện thông qua cả các thể loại mới: phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình), internet (báo mạng điện tử), báo ảnh.

Báo chí là sản phẩm mang tính xã hội cao và hoạt động báo chí là hoạt động có tính xã hội rộng lớn. Từ khi ra đời đến nay, báo chí ngày càng khẳng định sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi tầng lớp dân chúng và trở thành công cụ hữu hiệu cho các đảng phái, các tổ chức chính trị, xã hội, các quốc gia thực hiện tuyên truyền tư tưởng, đường lối, định hướng xã hội, cổ động dân chúng… làm theo ý chí và nguyện vọng của mình.

Để đạt được những mục tiêu chính trị đề ra trong các giai đoạn lịch sử, trải qua trên 80 năm phát triển, báo chí cách mạng nước ta luôn luôn giữ vững tính đảng, tính giai cấp, tính dân tộc, tính khoa học và tính chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại là một đề tài hấp dẫn, được nhiều nhà báo, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, nhưng tùy theo quan niệm khác nhau và tùy theo cách tiếp cận khác nhau mà người ta có thể đưa ra những cách hiểu khác nhau. Hiện nay, trong một số tự điển đã được xuất bản ở nước ta như: Tự điển Bách khoa Việt Nam, Tự điển Triết học… không thấy đề cập đến tính chuyên nghiệp của báo chí.

Theo nhà báo Hữu Thọ: “Tính chuyên nghiệp thể hiện ở những người hết lòng vì công việc, và hết sức vì công việc đó. Đồng thời cũng phải đạt tới trình độ kỹ thuật nhất định, có một tổ chức kỹ lưỡng chặt chẽ để có thể sống sung túc bằng cái nghiệp đó”(1). Như vậy, tính chuyên nghiệp được thể hiện ở bốn nội dung: tận tụy với nghề, trình độ kỹ thuật, tổ chức chặt chẽ và thu nhập đủ sống khá giả.

Theo cách hiểu thông thường và phổ biến thì tính chuyên nghiệp của báo chí bao gồm hai nội dung là trình độ chuyên môn và khả năng nghiệp vụ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp để làm nên một tác phẩm báo chí. Chuyên môn và nghiệp vụ được hiểu là một tổ hợp các tri thức và kỹ năng, kỹ xảo thực hành mà con người tiếp thu được trong quá trình đào tạo để có đủ năng lực thực hiện được những công việc mà nghề làm báo đòi hỏi theo sự phân công lao động xã hội.

Trong một vài cuộc hội thảo báo chí trước đây, có ý kiến cho rằng: tính chuyên nghiệp của báo chí được thể hiện ở tính chuyên nghiệp của nhà báo, được hình thành trong quá trình đào tạo một cách bài bản ở các trường đào tạo báo chí chuyên nghiệp.

Theo chúng tôi, cách tiếp cận như trên là đúng nhưng chưa đủ. Chúng tôi cho rằng tính chuyên nghiệp của báo chí cần được hiểu là một tổng thể hệ thống những tiêu chuẩn, những giá trị, những vấn đề có liên quan đến hoạt động của nhà báo, của hệ thống luật pháp, hệ thống tổ chức, quản lý báo chí và của công chúng để tạo nên những bài báo xuất sắc, những tờ báo chuẩn mực, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của đất nước và thời đại.

 

Tính chuyên nghiệp của báo chí

 

Như vậy, tính chuyên nghiệp của báo chí không phải là một cái gì đó có sẵn, bất biến mà là những tiêu chuẩn, quy trình, nguyên tắc, giá trị đòi hỏi các nhà báo cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động báo chí phải phấn đấu liên tục và hướng tới thường xuyên trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Tính chuyên nghiệp đó được hình thành bởi sự tác động và quan hệ của bốn yếu tố sau đây: nhà báo, hệ thống tổ chức – quản lý báo chí, hệ thống luật pháp, công chúng.

Bốn yếu tố nêu trên đều quan trọng và có quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó mỗi yếu tố có những tiêu chí khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội cụ thể.

Hệ thống luật pháp đầy đủ, chi tiết, cụ thể sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho nhà báo, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng hoạt động hiệu quả, phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời đó cũng là cơ sở pháp lý để đánh giá tài năng của nhà báo và chất lượng của báo chí. Nếu hệ thống luật pháp lạc hậu, thiếu chính xác, không phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội sẽ hạn chế khả năng tiếp cận và chia sẻ thông tin của các nhà báo với công chúng, dẫn đến hạn chế khả năng hoạt động của báo chí nói chung, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm hoặc những vấn đề tế nhị liên quan đến cuộc sống riêng tư của con người ở thời hiện đại.

Cơ quan tổ chức, quản lý hoạt động báo chí là những bộ phận có mối liên hệ trực tiếp, thường xuyên với nhà báo và với các phòng ban chức năng để định hướng cho sự hoạt động của báo chí, để kịp thời phát hiện ra những bài báo xuất sắc, những nhà báo tài năng và kịp thời điều chỉnh những quy trình, nguyên tắc cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Tòa soạn là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động của nhà báo về các mặt chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Lãnh đạo các tòa báo là người trực tiếp định hướng cho các phóng viên cần phải đi sâu giải quyết những vấn đề gì mà công chúng và xã hội yêu cầu. Người đứng đầu các tòa báo luôn luôn phải chịu nhiều sức ép từ mọi phía. Nhưng tài năng, bản lĩnh nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp cao của một tờ báo thường bộc lộ ra khi tờ báo giải quyết hài hòa và thỏa đáng các quan hệ và các vấn đề xã hội đặt ra. Một tờ báo có tính chuyên nghiệp cao là tờ báo dám phanh phui những sai phạm, dám đấu tranh chống lại cá nhân tiêu cực tham nhũng dù ở vị trí nào trong xã hội để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Một tờ báo có tính chuyên nghiệp là tờ báo có cơ cấu giữa các trang, các bài hợp lý, chú trọng nội dung và không ngừng nâng cao chất lượng bài viết ở mọi lĩnh vực. Cách trình bày khoa học, đẹp mắt, kỹ thuật in ấn đạt đến trình độ thẩm mỹ cao cũng là những yếu tố góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của một tờ báo. Trên thực tế có nhiều tờ báo đạt trình độ chuyên nghiệp cao, nhưng cũng có những số báo chưa đạt trình độ chuyên nghiệp và thậm chí là phản chuyên nghiệp khi trên trang báo đưa những tin tức giật gân, sai sự thật, những bức ảnh trái với thuần phong mỹ tục nhằm mục đích câu khách, hoặc cũng có một số tờ báo đưa tin, bài một cách thiếu chính xác, thiếu khách quan, không trung thực theo đơn đặt hàng để vụ lợi. Người đứng đầu các đơn vị hoạt động báo chí hoặc các chuyên viên làm việc ở các cơ quan quản lý báo chí không chỉ quản lý báo chí theo luật, mà còn phải làm việc với tất cả đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của mình thì báo chí mới có thể đạt được và giữ vững tính chuyên nghiệp.

Công chúng là một lực lượng xã hội đông đảo có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành tính chuyên nghiệp của báo chí. Công chúng không phải chỉ là đối tượng được phục vụ mà báo chí hướng tới, mà còn là nơi cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà báo. Họ tạo ra dư luận xã hội trực tiếp mạnh mẽ góp phần cùng với báo chí giám sát xã hội, thẩm định chất lượng các thông tin được đăng tải trên báo chí và trên các cơ quan truyền thông, qua đó có tác dụng điều chỉnh xã hội kịp thời.

Các tác phẩm báo chí chủ yếu là do các phóng viên báo chí sáng tạo ra, do đó tính chuyên nghiệp của phóng viên báo chí góp phần rất quan trọng để hình thành nên tính chuyên nghiệp của báo chí.

Nghề làm báo là nghề hội tụ nhân tài từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Có những người được đào tạo bài bản, chính quy từ những trường đại học báo chí, nhưng cũng có rất nhiều người đến với nghề làm báo là do nhu cầu cuộc sống, do hoàn cảnh lịch sử hoặc do số phận. Mặc dù ban đầu họ không được đào tạo ở một trung tâm đào tạo báo chí chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn có khả năng trở thành nhà báo chuyên nghiệp hoặc nhà báo xuất sắc nhờ quá trình tự học, tự đào tạo, quá trình tích lũy, tiếp thu kiến thức, nghiệp vụ nghề nghiệp từ các bạn đồng nghiệp và từ thực tiễn.

Tính chuyên nghiệp của phóng viên báo chí là sự tổng hợp của tài năng, đạo đức, sự say mê và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cao để tạo nên những tác phẩm báo chí tiêu biểu, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

 

Tính chuyên nghiệp của nhà báo

 

Tài năng của phóng viên báo chí được hình thành trong một quá trình lâu dài, là sự kế thừa từ gen di truyền kết hợp với quá trình đào tạo hoặc tự đào tạo để đạt trình độ chuyên môn cao và phông văn hóa sâu rộng. Tài năng cũng có thể phát triển, tỏa sáng nếu phóng viên luôn luôn khiêm tốn học tập nâng cao trình độ nhận thức, lý luận và chuyên môn nghiệp vụ của mình. Tài năng cũng có thể bị lu mờ nếu ai đó chủ quan thỏa mãn, không tích cực học tập, rèn luyện. Tài năng của phóng viên báo chí thể hiện ở khả năng phát hiện vấn đề kịp thời, giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý, dựa vào các nguồn tin chính xác, khách quan, công bằng, đầy đủ.

Chương trình đào tạo ở các nhà trường, học viện là vô cùng cần thiết và quan trọng đối với các phóng viên báo chí, bởi vì ở đó cung cấp cho các phóng viên những kiến thức cơ bản nhất về chuyên môn và nghiệp vụ. Một sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí sẽ được nhận bằng cử nhân báo chí, nhưng để con người đó trở thành nhà báo đích thực, có tính chuyên nghiệp cao đòi hỏi họ phải tiếp tục phấn đấu rất nhiều. Họ phải tiếp tục học từ thực tiễn, từ sách vở và từ các bạn đồng nghiệp thì mới có thể tiến xa trên con đường sự nghiệp.

Đạo đức nhà báo là một nhân tố hết sức quan trọng để tạo nên tính chuyên nghiệp của phóng viên báo chí. Đạo đức nhà báo thể hiện ở trách nhiệm công dân và lương tâm nghề nghiệp. Nhà báo phải sống và làm việc theo luật pháp, phải suy nghĩ và viết với tất cả trách nhiệm công dân để tác phẩm báo chí vừa phục vụ nhân dân, vừa định hướng dư luận. Bài báo hay và có sức lan tỏa rộng rãi, có tác dụng thu hút sự chú ý, lưu tâm của xã hội, và tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực là những bài báo thể hiện sâu sắc lương tâm nghề nghiệp của người làm báo. Với những tư liệu khách quan, khoa học được trình bày một cách chặt chẽ, lôgic, sinh động mà nhiều nhà báo đã được công chúng yêu mến, tin tưởng. Đó là phần thưởng cao quý nhất dành cho những nhà báo có động cơ, thái độ đúng đắn, thực hiện mục tiêu làm báo là vì con người, luôn luôn đề cao tính nhân văn.

Sự say mê yêu nghề làm báo cũng là một động lực tạo nên tính chuyên nghiệp của nhà báo. Thực tế cho thấy: chỉ những ai yêu nghề, dám dấn thân vượt qua mọi khó khăn, thử thách mới có thể trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Niềm say mê giúp cho con người có nghị lực phi thường để học hành, phấn đấu trong suốt cả cuộc đời làm báo của mình. Chỉ có sự say mê nghề nghiệp, nhà báo mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí làm lay động lòng người, mới vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường để vươn tới những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả. Tinh thần yêu nghề của nhà báo luôn gắn với tình cảm yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu nhân dân. Nhà báo không yêu nghề, không say mê với nghề dễ bị dao động trong quá trình tác nghiệp, dễ lâm vào cách làm việc dễ dãi, giản đơn, đưa ra những hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục để vụ lợi.

Tính chuyên nghiệp của nhà báo còn được khẳng định ở trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Những sự kiện báo chí luôn luôn mang tính thời sự, do đó nhà báo phải có đủ trình độ và mối quan hệ để tiếp cận được nguồn tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Quá trình tiếp cận, điều tra, thu thập và xử lý nguồn tin của nhà báo là một trong những khâu hết sức cần thiết để có thể tạo nên tác phẩm báo chí có chất lượng.

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các nhà báo cần phải được trang bị những phương tiện hiện đại để có thể thao tác nghiệp vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhà báo ngày nay có thể phải tiếp cận trực tiếp với nguồn tin từ những nơi xa tòa soạn, thậm chí phải tác nghiệp trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: trong những cơn bão, lũ hoặc trong khu vực có động đất, sóng thần, núi lửa hoạt động. Khi đó, nhà báo rất cần có những trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình và đảm bảo an toàn cho các trang thiết bị.

Tính chuyên nghiệp bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời là cái đích phía trước đòi hỏi mỗi nhà báo phải hướng tới trên cơ sở tự học, tự đào tạo, tự rèn luyện theo những chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tính chuyên nghiệp của nhà báo là hạt nhân để xây dựng nên tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại. Không có những nhà báo tài năng xuất chúng, có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp thì không thể có một nền báo chí chuyên nghiệp hiện đại.

Mặc dù nền báo chí ở mỗi quốc gia còn có những quan niệm và tiêu chí khác nhau về tính chuyên nghiệp của báo chí và nhà báo, nhưng có thể nói rằng hầu hết các nhà báo trên hành tinh này đều hướng ngòi bút và trí tuệ của mình vào những cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, hạnh phúc và bình đẳng của con người.

Muốn đạt được mục tiêu đó, rất cần phải có nhiều nhà báo chuyên nghiệp và nhiều nền báo chí chuyên nghiệp.

_______________

               1. Hữu Thọ, Ô, dù, lọng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.65.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Phạm Ngọc Trung

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *