Trăm năm làng nghề bên sông Tiền


Chợ Mới là một huyện cù lao của tỉnh An Giang, có vị trí địa lý khá đặc biệt khi nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Do đó, cù lao này không chỉ là vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng, mà còn có nhiều giá trị văn hóa đậm chất sông nước. Đặc biệt, huyện Chợ Mới có đến ba làng nghề truyền thống hết sức độc đáo, nằm trải dài dọc theo sông Tiền. Mỗi làng nghề đều có danh tiếng lan rộng khắp cả Nam Bộ.

Làng nghề mộc Chợ Thủ

Chợ Thủ là một ngôi chợ có từ rất lâu, thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới. Nơi đây, thời Nguyễn có đặt thủ Chiến Sai (thủ là đồn binh nhỏ) nên thành địa danh. Chợ Thủ xưa đã hình thành và phát triển nghề mộc, đến nay đã có hàng trăm năm tuổi. Làng nghề mộc Chợ Thủ được hình thành cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nghề chạm khắc mộc miền Trung mà các lưu dân đã đem theo trong quá trình Nam tiến. Từ đó đến nay, làng nghề luôn lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ với những người thợ có tay nghề khéo léo.

Các sản phẩm chủ yếu là đồ dùng gia đình như: tủ quần áo, bàn ghế, giường, trường kỷ… và các vật dụng trang trí trong thờ cúng như: tủ thờ, tượng, liễn đối, bao lam, thành vọng… được chạm khắc tài hoa, điêu luyện. Về kỹ thuật, chạm khắc mộc Chợ Thủ có bốn loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi, chạm âm. Các sản phẩm rất phong phú về đề tài thể hiện, mang đậm dấu ấn đạo lý truyền thống như: tứ quý, tứ linh, bát tiên, lưỡng long tranh châu, hoa lá, chim thú…

Mộc Chợ Thủ ngày nay là một thương hiệu nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Chất lượng của các sản phẩm đều tốt và ngày càng được nâng cao. Sản phẩm của làng nghề mộc Chợ Thủ không chỉ được bán ở khắp các tỉnh miền Nam mà còn ra đến tận nước ngoài.

Làng nghề tranh kiếng Chợ Mới

Tranh kiếng (kính) Chợ Mới ra đời từ thập niên 1940 – 1950. Dù muộn hơn các dòng tranh kiếng nổi tiếng như Lái Thiêu hay Chợ Lớn, nhưng tranh kiếng Chợ Mới vẫn được đông đảo người miền Tây ưa chuộng. Nơi sản xuất nổi tiếng nhất của dòng tranh này là chợ Bà Vệ, xã Long Điền B.

Điểm đặc biệt trong kỹ thuật vẽ tranh kiếng là phải “vẽ ngược” từ mặt kiếng phía sau, rồi lật tấm kiếng lại mới là mặt chính của tranh. Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải có bề dày kinh nghiệm và sự tỉ mỉ trong từng nét vẽ. Sau khi công đoạn vẽ tranh hoàn tất, tấm kiếng sẽ được lồng vào khung gỗ. Bức tranh thành phẩm thường có màu sắc sặc sỡ và độ bền cao, có tấm lên đến hàng chục năm.

Tranh kiếng có hai loại chính là tranh thờ và tranh trang trí. Tranh thờ gồm tranh Phật, Bồ Tát, thần thánh… nhưng phổ biến hơn cả là bức đại tự Cửu Huyền Thất Tổ dùng để treo ở bàn thờ gia tiên. Tranh trang trí đa dạng về đề tài như chim thú, hoa lá, cảnh thôn quê, truyện dân gian… Nhìn chung, nội dung các bức tranh thường chuyển tải những thông điệp chân – thiện – mỹ sâu sắc.

Trước đây, chỉ gia đình khá giả mới có khả năng mua tranh kiếng. Đặc biệt, người nông dân khi cất nhà mới thường cố gắng mua cho bằng được một vài tấm tranh kiếng để treo trong nhà. Cứ vào những ngày cận Tết hàng năm, thị trường tranh kiếng lại trở nên sôi động. Tranh kiếng Chợ Mới nói riêng và Nam Bộ nói chung đã đi vào ký ức của bao thế hệ và trở thành một nét văn hóa đặc sắc.

Làng nghề đóng xuồng Mỹ Hiệp

Mỹ Hiệp là một trong ba xã nằm trên cù lao Giêng – một cù lao đẹp nổi tiếng trên sông Tiền thuộc huyện Chợ Mới. Nơi đây, có làng nghề đóng xuồng ghe truyền thống, ra đời cách nay khoảng một thế kỷ. Làng nghề đóng đủ các loại ghe xuồng đa dạng như xuồng cui, xuồng ba lá, vỏ lãi, ghe lườn, ghe bầu, ghe chài, tắc ráng… Các hộ sản xuất ghe xuồng ở Mỹ Hiệp thường được cha truyền con nối qua nhiều thế hệ.

Đa phần ghe xuồng ở Mỹ Hiệp được chế tác từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương là gỗ cây sao. Để tạo ra một chiếc xuồng thành phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi phải thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Các sản phẩm xuồng ghe ở Mỹ Hiệp không chỉ phong phú mà còn bền chắc và đẹp mắt, nổi tiếng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Không những thế, nước bạn Campuchia từ lâu cũng đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn của làng nghề này.

Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng sôi động nhất vào mùa nước nổi, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Để chủ động trước tình hình, các hộ sản xuất xuồng ghe ở Mỹ Hiệp khởi động công việc từ khoảng tháng 5 âm lịch để có nguồn hàng dự trữ và kịp thời cung cấp cho thị trường. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mà còn bởi chất lượng cao và tính thẩm mỹ nên các sản phẩm xuồng ghe ở Mỹ Hiệp được tiêu thụ mạnh.

Tác giả: Thiện Phúc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *