Trang phục của phụ nữ Thái ở Việt Nam có cốt cách chung, nhưng vẫn mang dáng vẻ riêng của mỗi nhóm người, mỗi địa phương. Tên gọi của các nhóm Thái, nhất là các nhóm địa phương, thường phân biệt một phần dựa theo kiểu cách hay màu sắc của trang phục, như Thái trắng, Thái đen (ở Tây Bắc); Tày Mường (còn gọi là Tày Chiềng, Hàng Tổng), Tày Thanh (ở Nghệ An); Tày Dọ, Tày Mươi (ở Thanh Hóa).
1. Trang phục của phụ nữ Thái ở Tây Bắc
Trang phục của phụ nữ Thái đen
Áo ngắn (xửa cỏm) là chiếc áo chủ yếu của phụ nữ Thái đen. Theo quan niệm của người Thái, xửa cỏm là chỗ linh hồn con người trú ngụ ở đó. Khi ốm đau, họ lấy áo đi bói tìm hồn đi đâu, ốm như thế nào. Khi chồng chết, người vợ gửi theo chiếc áo, để chồng mang lên trời, khi người vợ chết đi lên trời có áo hồn mình ở đấy thì mới gặp nhau để ở thành vợ chồng. Ngày nay, tục này ít dùng, thay vào đó người ta lấy cái lược bẻ đôi, một nửa cho người đang sống, còn một nửa cho vào quan tài.
Trước đây, phụ nữ Thái tự trồng bông, dệt vải, cắt may váy áo. Vải làm áo chủ yếu nhuộm chàm, ngâm bùn cho đen nháy, hoặc vải kẻ dọc, kẻ ô vuông sợi dọc ngang đen, trắng, nâu, không bao giờ mặc áo bằng vải trắng. Vải tự dệt chỉ có khổ rộng 40 – 50cm, nên khi cắt may áo phải lấy bốn khổ cắt thành bốn thân may vào nhau. Tay áo được nối thêm chiều dài cho vừa mặc. Cổ áo có kiểu dáng đứng, tròn ôm vừa khít, chỉ khâu cổ áo phải xanh, đỏ để trang trí. Thân áo phía trước dài đến eo bụng, viền bằng vải đen từ cổ đến eo, khâu chỉ xanh đỏ, hoặc tím xen kẽ để trang trí cho đẹp. Cúc cài áo có nhiều loại, đơn giản là hạt y dĩ, cúc vải đầu ruồi, móc bằng bạc, nhôm, hoặc cài cúc bướm bằng bạc. Cúc bướm cũng có nhiều loại: hình con bướm, hình con ve sầu,… Hai nách có đệm thêm miếng vải hình chữ nhật để tay dễ hoạt động. Phía trong nẹp áo có lót một miếng vải rộng khoảng 5 phân để che trước ngực, vì ngày xưa chưa có yếm, hoặc áo lót mặc kèm. Khi may phải may sát bó chặt người để thể hiện dáng hình thon thả của người con gái Thái.
Váy (xỉn) của phụ nữ Thái đen rộng, dài tùy khổ người dùng. Phía trên được cạp thêm miếng vải trắng, rộng chừng 15 phân làm hua xỉn (đầu váy). Chân váy cạp miếng vải đỏ, rộng 3 phân, khâu viền xung quanh. Trong lớp váy đen có lớp váy trắng mặc kèm gọi là lõng xỉn (lót váy)
Thắt lưng (xay ẻo) được làm bằng một dải vải mềm bằng tơ tằm hoặc dệt từ sợi bông, có màu phổ biến nhất là xanh, dài khoảng khoảng 1,5m, rộng khoảng 25cm, được quấn chặt ở phần thắt lưng.
Khăn piêu là vật bất ly thân của các cô gái Thái, là quà tặng người yêu, bố mẹ, anh chị em chồng khi về nhà chồng. Người đàn bà Thái đen khi chết có hai khăn piêu, một đội đầu, một che mặt. Ngày nay khăn piêu trở thành quà tặng, biếu khách đến thăm. Khăn piêu có mấy loại: loại màu đen, dài khoảng 1m, gọi là khăn tụ (khăn tù); loại có họa tiết đơn giản, thêu thẳng đứng hình cột một đường chỉ thêu đôi, màu đỏ, tím, vàng, xanh, gọi là xâu (cột), có loại một, hai, ba, bốn, nhiều nhất là năm cột, không có cút đỏ viền mép, gọi là piêu xâu, thường dùng để đội đi làm việc và cho ấm đầu; loại có xâu nhưng làm thêm cút, làm bằng dây sợi chỉ trắng, dài tùy thích, cắt vải đỏ rộng hai phân khâu bọc thành dây đỏ, giữa dây cuốn thành hình hoa riềng thắt nút, đầu dây mỗi bên cuốn lại thành ba vòng tròn khâu lại, sau đó gắn thêm từ một đến bốn cái vòng tròn nữa thành cút piêu. Tùy từng cái gọi là cút nưng, cút xong, cút xam, cút xí, cút hả (một, hai, ba, bốn, năm hoa), khâu vào bốn góc khăn piêu, mỗi cái cút được thêu các loại chỉ màu đỏ, xanh, vàng, tím, trắng theo vòng tròn, tâm ở giữa; xâu được thêu thêm hình cành cây ra mỗi bên ba chạc, ba cành, theo đường thẳng.thẳng.
Trang phục phụ nữ Thái trắng
Áo ngắn cũng chủ yếu được làm bằng chất liệu tự dệt, vải trắng hoặc hồng. Áo dài đến eo bụng, tay dài đến cổ tay và chỉ mặc đồng bộ với váy. Cổ liền với nẹp áo theo đường thẳng, làm bằng vải đen, để hở cổ họng. Nẹp áo không thêu chỉ màu, chỉ cài bằng cúc bướm bạc và thường là 12 đôi.
Váy có màu đen, may ống tròn, trên dưới bằng nhau, mép dưới viền xung quang bằng vải đỏ, hoặc hoa rộng 2cm; đầu trên nối bằng vải hoa hoặc vải đỏ rộng chừng 10cm, dây thắt lưng có màu phổ biến là màu xanh bằng tơ nhuộm, dài một sải một khuỷu tay.
Thắt lưng là một dải vải dài khoảng khoảng 1,5 m, chiều rộng khoảng 25cm, chất liệu mềm bằng tơ tằm hoặc vải dệt từ sợi bông, có màu ưa dùng phổ biến nhất là xanh.
Khăn chủ yếu là khăn vuông
2. Trang phục của phụ nữ Thái ở Thanh Hóa
Người Thái ở Thanh Hóa có hai nhóm tự gọi là Tày Dọ, Tày Mươi. Nhóm Tày Dọ tập trung đông nhất ở huyện Thường Xuân. Nhóm Tày Mươi có số lượng đông ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước. Trang phục của phụ nữ là một hiện tượng có sự giao thoa mạnh mẽ, góp phần tạo nên nét đặc trưng của các nhóm Thái địa phương ở Thanh Hóa.
Trang phục của phụ nữ Tày Dọ
Áo ngắn được người phụ nữ tự dệt vải, tự cắt may theo kiểu xẻ ngực với màu sắc ưa dùng là sáng như trắng, hồng, xanh da trời, xanh nõn chuối,… nhưng không bao giờ dùng màu đen. Cổ áo tròn, thân áo ngắn đến ngang bụng vừa chấm với đầu váy, ống tay được chắp nối ở khuỷu tay để vừa dài đến cổ tay, hai túi áo nhỏ ở tà, cúc áo bằng nhựa.
Kiểu váy truyền thống được gọi là xỉn xeo, loại váy thêu chân, có đầu váy cao khoảng 30cm, giữa eo (cáng xín) dệt hoa văn cao khoảng 10 -15cm là chỗ thắt dây lưng (xai eo). Thân váy không có hoa văn, cao khoảng 60 – 70cm, chân váy thêu hoa văn nhiều hình màu săc rực rỡ.
Đầu váy màu trắng, eo váy có hoa văn nhưng đơn giản, thân váy chủ yếu là màu đen không có hoa văn… vải dệt khổ rộng khoảng 60- 70cm cắt dài rồi khâu 2 đầu lại với nhau thành ống váy tròn có đường kính 70-80cm tùy người dùng có thể hình to hay nhỏ. Sau đó khâu nối với đầu váy, cang váy, chân váy vào thành một chiếc váy hoàn chỉnh. Phần trang trí hoa văn chủ yếu là chân váy.
Dựa theo hoa văn trên chân váy, có các loại váy sau: váy rồng (xín ngước, xín tin hồng), chân váy thêu nhiều hình rồng làm chủ đạo kết hợp một số hoa văn khác; váy hươu (xỉn quáng), chân váy thêu hoặc dệt nhiều hình con nai, con hươu làm chủ đạo kết hợp các hình khác; váy voi (xỉn chạng), chân váy thêu hoặc dệt nhiều hình con voi làm chủ đạo kết hợp các hình phù trợ khác; váy mặt trời (xỉn nả phà), chân váy thêu hoặc dệt nhiều hình mặt trời có tia vàng làm chủ đạo kết hợp các hình khác làm hoa văn.
Thắt lưng được làm bằng một dải vải mềm bằng tơ tằm hoặc dệt từ sợi bông, có màu phổ biến nhất là đỏ, dài khoảng 1,5m, rộng khoảng 25cm, được quấn chặt ở phần thắt lưng, vừa giữ chặt đầu váy vừa tạo dáng eo thon thả.
Khăn đội đầu truyền thống có mấy loại cơ bản: khăn xeo ứa, có hình chữ nhật rộng khoảng 25-30 cm, dài khoảng 1,2-1,5m nhuộm đen thêu hoa văn hai đầu khoảng từ 20-25cm với nhiều hình khác nhau như ta leo (mắt cá) sáu cạnh, cây, chim, hoa,… với nhiều màu đỏ, xanh, tím, vàng, trắng, hồng…nổi bật trên nền đen tạo màu sắc phần thêu nổi lên sặc sỡ rất đẹp; khăn xeo bươn lao, kích thước như khăn xeo ứa, nhưng có thêu hình sao năm cánh và một số họa tiết khác như hoa hay quả trám ở hai đầu, khi đội lên đầu vắt cả hai đuôi khăn thêu về phía trước trán, tạo nét đẹp duyên dáng…
Trang phục của phụ nữ Tày Mươi
Áo có nhiều loại, như: áo khóm cổ chui (xứa còng khén dào), áo xẻ ngực dài tay (xứa pha áng khén dào), áo xẻ ngực ngắn tay (xứa pha áng khén tến). Áo xẻ ngực có may nẹp đen vòng qua cổ áo xuống đến vạt áo, cúc áo bằng vải hoặc bằng bạc hay nhôm hình con bướm, con ve. Áo nhiều màu, nhưng phổ biến là màu trắng, xanh nõn chuối, xanh da trời
Áo khóm cổ chui được tự dệt vải, tự cắt may theo kiểu áo ngắn chui đầu (không xẻ ngực) phổ biến là màu trầm như đen, xanh,… Cổ áo tròn viền vải đỏ, áo được xẻ ở hai vai, mỗi bên chừng 8-9 cm, mỗi đường xẻ vai có khuy tròn, khi mặc mở khuy ra chui đầu vào rồi cài khuy lại. Hai bên mép chỗ xẻ vai viền một đường vải đỏ để tua dài. Tay áo bó sát tay người mặc, dài đến cổ tay. Áo khóm cổ chui của phụ nữ Tày Mươi có nét giống áo của phụ nữ Mường ở Thanh Hóa, nhưng áo khóm Mường xẻ vai không có dây tua đỏ, cổ áo không viền đỏ.
Váy có nhiều loại, phân biệt theo trang trí hoa văn thân váy:
Xín tha lán: váy dệt thêu hoa đơn giản, có 3 loại sau: xín tha lán mí lay, thân váy được dệt pha trộn giữa màu đen với các màu đỏ, xanh, sét, tạo thành tấm vải có 4 màu rải đều, trong đó màu đen là chủ đạo, màu đỏ ít hơn; xín tha lán mi lồng chừa, thân váy được dệt pha trộn giữa các màu đen, sét, đỏ thành vết sọc đỏ nhạt hơn mi lay thêm đường hoa văn nốt trắng thành đường dọc theo tấm vải.
Xín ta lé, thân váy dệt pha trộn giữa màu đen, đỏ, xanh. Màu xanh tạo thành đường rõ nét trên tấm vải gọi là mắt xanh (ta lé).
Xín mục, váy hoa có 7 loại từ 1 đến 7, trong đó xín mục chệt (váy hoa 7) là khó dệt nhất. Khổ rộng thân váy thường từ 60 -70cm. Khi dệt xín mục chệt (váy hoa bảy màu) có hai tầng nền (xong chừa), một tầng sợi trắng, một tầng nhiều loại sợi màu được bố trí theo mô típ định sẵn. Khi dệt sẽ cài giữa tầng trắng và tầng màu vào nhau, đan với nhau bởi chỉ bảy màu (chệt líu). Đồng thời khi đưa thoi sợi ngang sẽ cài thêm những màu chỉ để tạo hoa văn theo ý muốn gọi là cọc. Do vậy, váy Xín mục 7 còn gọi là váy Xín mục cọc. Do phải làm nhiều động tác khó như vậy nên phụ nữ nào dệt được xín mục chệt hay xín mục cọc là người khéo tay và thuộc diện tài năng.
Đầu váy (húa xín) có 4 loại chính: húa hồng (đầu váy hình rồng, hình cầu vồng) là loại đẹp và khó làm nhất, húa vuôn (đầu váy nhiều hoa văn), húa én (đầu váy ít hoa văn), húa dói (đầu váy có các đường sọc màu vàng).
Eo váy (cang xín) là nối giữa đầu váy với thân váy, chỗ thắt dây lưng (xai eo, xai ánh) được dệt theo hoa văn dệt phá (vỏ chăn, diềm màu đen). Cang xín cũng có nhiều màu sắc hoa văn rực rỡ, trong đó màu đỏ, màu vàng là màu chủ đạo. Khổ rộng từ 6-10cm, cang xín có nhiều loại như: mi nác (hình con rái cá), mi ngước (hình con rồng), mi cán cọ (hình bẹ cây cọ), mi kho neo (hình móc câu), mi xặng (hình cột dây leo), mi khồm (hình hoa văn sọc răng cưa).
Chân váy (tin xín) thường có hoa văn rực rỡ, trong đó không thể thiếu màu đỏ, gồm nhiều loại khác nhau: tin ngước tấp (chân váy hình rồng lớn) gồm hình rồng làm chủ đạo và các hình khác phụ họa; tín ngược nọi (chân váy hình rồng nhỏ), hình rồng mảnh hơn cùng các loại hình khác; tin khồm (chân váy nhiều hoa văn) có răng cưa; tin hồng (chân váy hình cầu vồng nhiều hoa văn 7 màu).
Ngoài việc dệt chân váy để khâu nối vào thân váy, phụ nữ Tày Mươi còn thêu trực tiếp vào chân váy. Các loại váy thường thêu vào chân là xín tha lán, xín ta lé, cũng có người thêu vào cả chân xín mục. Riêng xín mục chệt không cần thêu chân váy vì khi dệt váy đã thiết kế hoa văn chân luôn.
Thêu chân váy có 4 loại chính: xeo ứa (thêu các màu theo các hình không gian khác nhau), xeo ho (thêu hình các loại thú), xeo nộc (thêu hình các loại chim).
Thắt lưng phần lớn dệt thành tấm vải rộng 15-20cm, nhưng ở vùng Mường Đanh lại thắt ánh sến (chưa dệt thành vải) chỉ là cuộn sợi thô thắt vào eo làm dây thắt lưng (xái éo, xái ánh) được quấn chặt ở phần thắt lưng, vừa giữ chặt đầu váy vừa tạo dáng eo thon thả.
Khăn rộng khoảng 60cm, dài từ 1-1,2m, màu đen, thêu nhiều hoa văn rực rỡ, khoảng 20-25 cm ở mỗi đầu. Khi đội khăn một đầu vắt về phía trước, một đầu vắt về phía sau gáy; cũng có người đưa hai đầu về phía sau gáy. Tùy theo sở thích của từng người mà thêu hoa văn khác nhau, đặt tên khăn theo hình chủ đạo ở phần giữa đám thêu: khăn hồng (rồng chủ đạo) có phối hợp các hình khác, khăn lông vướn (mặt trăng chủ đạo), khăn bóc mạy (hoa chủ đạo), khăn tố quáng (nai chủ đạo), khăn tố chạng (voi chủ đạo), khăn tố ví (bướm chủ đạo), khăn xeo ứa (không có hình chính, có nhiều hình tương đối đều nhau trên khăn), khăn tô nộc (chim chủ đạo)…
3. Một số nhận xét
Y phục của phụ nữ Thái ở Việt Nam có cốt cách chung mang tính thống nhất tộc người, nhưng lại thể hiện nét khác biệt giữa các vùng, các nhóm địa phương…
Ở vùng Tây Bắc, áo, váy và thắt lưng của phụ nữ Thái đen và Thái trắng cơ bản giống nhau. Điểm khác nhau cơ bản là áo của phụ nữ Thái đen có cổ cao, tròn bó khít lấy cổ, màu áo chủ yếu là đen, nâu. Áo của phụ nữ Thái trắng có cổ liền với nẹp áo, để hở cổ, nẹp áo viền đen, màu áo chủ yếu là trắng, hồng, xanh lơ. Phụ nữ Thái trắng đội khăn vuông, không thêu; phụ nữ Thái đen đội khăn piêu.
Ở vùng miền núi Thanh Hóa, áo, váy, thắt lưng và khăn của phụ nữ Tày Mươi và Tày Dọ vùa có nét tương đồng vừa có nét riêng. Phụ nữ Tày Dọ mặc áo xẻ ngực không có nẹp đen. Đầu váy thường có màu trắng, thắt lưng ưa dùng màu đỏ, thân váy màu đen không thêu, chân váy có hoa văn. Khăn đen hai đầu thêu hoa, khi đội khăn đưa hai đầu thêu về phía trước trán… Phụ nữ Tày Mươi mặc áo cổ chui, xẻ vai. Đầu váy có hoa, thắt lưng ưa dùng màu xanh, tím, đen, thân váy màu đen có nhiều loại hoa văn. Khăn đen hai đầu thêu hoa, khi đội khăn đưa một đầu về phía trước, một đầu về phía sau. Nhìn tổng thể, trang phục của phụ nữ Tày Mươi có nhiều nét giống trang phục của phụ nữ Mường Trong ở Thanh Hóa (người Mường ở Thanh Hóa gọi người Mường ở Hòa Bình di cư vào là người Mường Ngoài), mặc áo khóm xẻ ngực, khăn đội đầu màu trắng.
Như vậy, nét khác biệt trong y phục của phụ nữ Thái ở Việt Nam không chỉ thể hiện giữa các vùng, mà còn giữa các nhóm địa phương trong cùng một vùng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012
Tác giả : Nguyễn Thu Trang
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn