1. Trang phục truyền thống của người Thái ở Thanh Hóa
Đặc điểm trang phục theo giới trong sinh hoạt thường ngày
Trang phục nam của người Thái đơn giản, ít chứa đựng sắc thái riêng. Đây cũng là đặc trưng nổi bật góp phần quan trọng tạo nên đặc điểm giới tính của trang phục nam. Theo truyền thống, áo nam thường do các mẹ, vợ cắt may. Muốn cắt may áo nam, người phụ nữ trong gia đình lấy 2 mảnh vải gập đôi lại thành chiều dài của áo, sau đó họ can nẹp trước, lượn đường nách, ghép tay áo khâu đường nách, sau cùng khoét, ghép cổ vai áo. Quanh cổ áo được lót một miếng vải hình tròn bên trong cho phẳng, bền, đẹp. Nẹp áo, cổ áo được khâu đột cho cứng. Các chỗ khác như ống tay, sườn, nách áo được khâu vắt cho mềm. Quần là một kết cấu gồm 2 ống vải tách ra ở phần dưới, chung nhau ở phần trên có tác dụng che phần nửa dưới cơ thể từ bụng xuống 2 chân. Muốn cắt quần thì người phụ nữ Thái xếp các miếng vải lên nhau rồi cắt lượn ống, đũng, cạp quần. Sau đó tiến hành khâu nối ống, đũng (khâu vắt), cạp (khâu đột) lại. Quần cơ bản thường chỉ có màu chàm. Khăn của nam giới chỉ đơn giản là một miếng vải được nhuộm chàm đen.
Trong sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ Thái thường mặc những chiếc váy đơn giản, gọn gàng, bạc màu, thậm chí đã cũ để lao động. Váy mặc trong lao động được may ngắn hơn, hoặc vận lên cạp nhiều lần cho gọn gàng, tránh bị ướt khi vấy bùn hoặc vướng vào cây cỏ trên nương. Phụ nữ nhóm Tày Dọ thường mặc váy kín, hình ống được làm bằng 4 mảnh vải ghép lại. Váy chia làm 3 phần là cạp váy, thân váy, chân váy có màu chàm đen, hoa văn thêu đơn giản hoặc không thêu ở chân váy. Còn với phụ nữ nhóm Tày Mươi về hình dáng, cấu tạo váy giống váy của phụ nữ nhóm Tày Dọ, nhưng được chia làm 2 phần là cạp váy, thân váy màu đen, hoa văn rải khắp váy, đậm ở chân váy. Những hoa văn này cũng được thêu đơn giản.
Khăn đội đầu cũng được thêu đơn giản, thường thêu ở 2 đầu khăn, được đội theo cách là quàng qua trước trán rồi vắt chéo hai đầu khăn ra phía sau, thắt 2 đầu khăn lại ở phía sau gáy cho gọn gàng, chắc chắn để tránh bị tuột hoặc rơi ra.
Áo xẻ vai chui đầu, tay áo dài chắp ở khuỷu, cúc áo ở giữa thường được làm bằng nhựa, may bằng vải sợi bông, được nhuộm chủ yếu là màu xanh hoặc đen.
Thắt lưng thường dài 1,5m, rộng 25cm làm bằng vải bông, có màu xanh, đỏ hoặc trắng.
Đặc điểm trang phục theo giới vào những dịp đặc biệt
Cũng như trang phục thường ngày, trong những dịp đặc biệt của dân tộc, cũng có sự khác nhau trong ăn vận giữa nam, nữ. Cụ thể như sau:
Vào những dịp đặc biệt như lễ hội, cưới xin thì trang phục của nam cũng được ăn vận đẹp hơn với những tấm áo cánh ngắn mới, lấp ló đôi quả chì ở đầu đường xẻ tà hai bên hông áo. Khi nhà có tang, y phục được mặc có màu trắng, con trai phải chịu trách nhiệm tất cả các công việc chính, chi phí chủ yếu. Trong thời gian quan tài được đặt ở trên nhà, các con trai đều phải mặc quần áo tang quỳ bên cạnh quan tài theo thứ tự anh trước, em sau, từ trên xuống dưới. Khi chôn xong, con trai chịu trách nhiệm sắm cột nhà mồ, đá chôn ở phía đầu, con rể ở phía chân. Đây cũng là nét văn hóa rất đặc sắc của đồng bào Thái ở Thanh Hóa.
Vào dịp lễ hội, trang phục nữ được thêu cầu kỳ hơn với những hoa văn đầy màu sắc. Vào dịp này họ thường mặc quần áo mới. Phụ nữ thường mặc áo dài. Khăn đội đầu cũng được thêu nhiều họa tiết hơn. Y phục trong đám tang, tương tự như tang phục của nam, phụ nữ ăn vận cả khăn, áo đều dùng màu trắng; do đó, đây cũng là y phục kiêng kỵ trong ngày thường. Khi quan tài còn được đặt ở trong nhà thì con dâu đứng cạnh quan tài để quạt. Khi chôn cất thì người Thái ở Thanh Hóa không hỏa táng mà đổ lên trên mộ một lớp than đen đốt bằng thân tre, xung quanh chôn các cột đá đánh dấu nơi mộ, không có tục cải táng.
Đặc điểm về trang sức
Trong lao động hàng ngày, phụ nữ Thái ở Thanh Hóa đeo những trang sức đơn giản, không cầu kỳ để dễ làm việc nhà, nương rẫy. Họ chủ yếu đeo hoa tai, xà tích. Hoa tai của phụ nữ nhóm Tày Dọ thường hình lõi ống chỉ, dập nổi hoa văn 6 cánh, thường bằng bạc. Trong khi đó, phụ nữ nhóm Tày Mươi thường đeo hình con đỉa, uốn tròn phình ở giữa, ở hai đầu được uốn cong lại, chất liệu cũng bằng bạc. Xà tích thường được làm bằng bạc. Với phụ nữ nhóm Tày Dọ, xà tích gồm nhiều các mắt xích nối lại với nhau, các mắt xích bạc hình chữ S, hình số 8, hình tròn hoặc bầu dục. Còn phụ nữ nhóm Tày Mươi thì đeo xà tích có thân tròn, nhẵn tạo thành vòng tròn khép kín móc vào nhau, không chạm khắc hoa văn.
2. Trang phục truyền thống của người Thái ở Tây Bắc
Đặc điểm trang phục theo giới trong sinh hoạt thường ngày
Trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, người Thái đã có những xử lý trang phục phù hợp với nếp sống truyền thống của mình. Trang phục hàng ngày thường nhiều hơn trang phục lễ hội bởi lẽ qua lao động quần áo chóng hỏng do dãi dầu mưa nắng, cọ sát khi làm việc. Trang phục dùng trong sinh hoạt hàng ngày cũng đơn giản hơn so với trang phục mặc trong dịp lễ hội.
Trang phục của thiếu nữ Thái, Sơn La Ảnh Minh Giang
Trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, nam giới thường mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, quần xẻ đũng. Áo là loại cổ tròn, không cầu vai, có hai túi phía dưới, đằng trước cài cúc vải hoặc xương. Đặc điểm của áo cánh nam giới không phải là lối cắt may mà là ở màu sắc đa dạng của loại vải cổ truyền do cộng đồng sáng tạo nên: không chỉ có màu chàm, trắng mà còn có màu cà phê sữa. Tuy nhiên, mấy chục năm gần đây, nam giới người Thái thường mặc quần áo giống người Kinh. Loại khăn thông dụng mà nam giới hay dùng được làm bằng vải chàm. Khăn này được quấn quanh đầu khi đi làm hàng ngày, cũng có khi họ dùng trong lễ hội hay đi dự đám cưới. Bên cạnh, còn có loại khăn ngắn hơn, có hình chữ nhật. Loại này được dùng phổ biến hơn, đặc biệt ở người lớn tuổi, thường được quấn trên đầu khi đi làm nương, làm ruộng.
Trang phục nữ không đơn giản như trang phục của nam giới, bên cạnh trang phục thì việc mặc của nữ giới còn có các loại trang sức đi kèm. Cơ bản, một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái gồm có áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng, khăn (piêu), nón, các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Trang phục của phụ nữ Thái ở Tây Bắc mang những nét rất riêng, chia thành 2 nhóm là Thái Trắng (Táy khao), Thái Đen (Táy đăm).
Áo ngắn: Phụ nữ Thái đen ngày thường hay mặc áo ngắn (người Thái gọi là áo cóm), được cắt may theo cách lấy 4 khổ cắt thành 4 thân may vào nhau. Tay được nối thêm, dài cho vừa đủ tay người mặc. Cổ đứng, tròn (cổ Tàu ngày nay), cắt 2 lớp miếng vải 5 cm khâu vào làm cổ, chỉ khâu cổ áo phải là chỉ xanh, đỏ để trang trí. Phía trước dài đến eo bụng, để hở để mặc có viền bằng vải đen từ cổ đến eo bụng, khâu chỉ xanh đỏ, hoặc tím xen kẽ để trang trí cho đẹp. Cúc cài áo có nhiều loại, đơn giản là hạt y dỹ, cúc vải đầu ruồi, móc bằng bạc hoặc nhôm, cao hơn là cài cúc bướm bằng bạc. Cúc bướm có nhiều loại: loại hình con bướm to, loại hình con ve sầu, loại hình con bướm nhỏ đuôi bằng. Phía trong nẹp áo có lót một miếng vải rộng khoảng 5cm, để che trước ngực vì ngày xưa chưa có yếm, hoặc áo lót mặc kèm. Vải làm áo chủ yếu là vải người Thái dệt, mang nhuộm chàm, ngâm bùn cho đen hoặc vải kẻ dọc, kẻ ô vuông sợi dọc ngang đen, trắng, nâu, không bao giờ mặc áo bằng vải trắng.
Phụ nữ Thái trắng cũng mặc áo cóm với chất liệu vải trắng hoặc hồng (phin hay lụa) được may bó người, chân, áo dài đến eo bụng, tay dài đến cổ tay. Cổ liền với nẹp áo thẳng tuột, làm bằng vải đen, để hở cổ. Khổ vải hẹp thì cắt một miếng hình chữ nhật nối vào chỗ nách. Nẹp áo không thêu chỉ đỏ, xanh, vàng, chỉ cài cúc bằng cúc bướm bạc, thường gắn 12 đôi cúc bướm. Hàng cúc bướm trên ngực áo cóm Thái đã tạo cho bộ trang phục Thái sự độc đáo mà không một tộc người nào khác có. 2 bên gáy cuộn thắt 2 nút. Áo cóm may theo 2 kiểu: dài tay, ngắn tay. Chỉ mặc đồng bộ với váy. Áo cũ mặc đi làm việc, áo mới mặc ở nhà, mặc diện đi thăm bạn bè, ngày hội, lễ, tết. Bên cạnh đó, phụ nữ Thái trắng còn có áo sơ mi với chất liệu bằng vải trắng hoặc màu, được may dài tay như áo sơ mi thông thường, nhưng hai vai, ngực có nhiều nếp gấp tạo cho thân áo rộng, thoải mái.
Váy: Người Thái đen ngày xưa may bằng vải Thái tự dệt, nhuộm chàm, ngâm bùn đen. Vải khổ rộng chỉ 40 – 50cm, nên phải cắt 4 khổ, khâu vào nhau, rộng, dài tùy khổ người dùng. Phía trên được cặp thêm miếng vải trắng, rộng 15cm làm đầu váy, chân váy có cặp miếng vải đỏ, rộng 3cm, khâu viền xung quanh. Trong váy đen có váy trắng mặc kèm theo, gọi là lót váy. Ngày nay, váy vẫn được cắt may như vậy, chỉ có khác là có nhiều loại vải: phin đen, láng, lụa, nhung, nhung hoa…, còn có váy cải tiến để xẻ phía trước khoảng 40cm ở dưới để dễ bước đi. Buộc váy phải có thắt lưng dệt bằng tơ khổ rộng 20cm, dài một sải, một khuỷu tay. Thắt lưng thường là màu xanh rêu nhạt, người già thì hay thắt dây màu tím. Thắt eo lưng qua 2 vòng thì thắt lại cho chặt, găm vào trong dây vòng qua eo lưng. Ngày nay, dây thắt lưng được cải tiến có cài khóa để tránh bị tuột, không gấp nếp như trước.
Đối với người Thái trắng, váy của họ được làm với chất liệu là vải láng, lụa đen, 2 mét cắt đôi, may ống tròn, trên dưới bằng nhau, nép dưới viền xung quanh bằng vải đỏhoặc hoa rộng 2cm. Đầu trên nối bằng vải hoa hoặc vải đỏ rộng 10cm. Khi mặc chú ý để phía trước dài hơn phía sau. Dây thắt lưng màu xanh bằng tơ nhuộm, dài một sải một khuỷu tay. Hai đầu thắt lưng nối vải hoa hoặc vải đỏ rộng 10cm cho đẹp.
Khăn là vật bất ly thân của các cô gái Thái đen, là quà tặng người yêu, tặng bố mẹ, anh chị em chồng khi về nhà chồng. Người đàn bà chết có 2 khăn piêu, 1 đội đầu, 1 che mặt. Ngày nay, khăn piêu trở thành quà tặng, biếu khách đến thăm nhau.
Khăn của phụ nữ Thái trắng chủ yếu là khăn vuông, không có thêu hoa văn. Hiện nay, khăn thường được mua của người Kinh, gồm những loại khăn len, khăn lụa được bán tại chợ.
Đặc điểm trang phục theo giới vào các dịp đặc biệt
Trong các ngày lễ, tết, nam giới mặc loại áo dài xẻ nách màu chàm, đầu quấn khăn, chân đi guốc. Trong tang lễ, họ mặc nhiều loại áo sặc sỡ, tương phản màu sắc với ngày thường với lối cắt may dài, thụng, không lượn nách với các loại: xẻ ngực, xẻ nách, chui đầu.
Khi gia đình có tang, nam giới người Thái đen để tang bằng vải trắng Thái tự dệt lấy, không dùng vải xô. áo được cắt bằng 2 miếng vải dài vừa thân, khâu gập đôi, ở giữa để chui đầu vào khi mặc, 2 bên nách để thò tay ra, còn lại khâu bịt hết. Khi mặc vào thì lấy dây vải trắng làm thắt lưng buộc eo, dây thắt lưng bằng vải trắng rộng 5cm, dài hơn 1m. Sau lễ tang thì giặt rũ, tháo ra để dùng vào việc khác tiếp, không được làm quần áo mặc, khăn đội đầu. Áo này dành cho vợ hoặc chồng, em trai mặc.
Với phụ nữ Thái đen, vào các dịp lễ hội, vui tết, đám cưới, lên nhà mới, hoặc để tiếp khách sang trọng thì họ thường mặc áo dài. Áo dài được làm bằng vải trắng đem nhuộm chàm; sau đó, vải được cắt bằng 4 khổ vải như áo cóm, nhưng dài đến đầu gối, để hở cài cúc bên sườn bên phải, cánh áo phía dưới phải xòe ra đủ hết 2 khổ vải. Cổ đứng, tròn, làm như cổ áo cóm. Cài bên nách bằng cúc vải hoặc cúc đồng. Vạt áo bên phải bên trái từ eo lưng xuống được viền bằng vải thổ cẩm rộng 5cm, viền cả 4 cánh áo, 2 chân áo.
Với phụ nữ Thái trắng, vào các dịp lễ hội họ mặc áo dài với chất liệu bằng vải lụa đen hoặc vải màu in hoa được may dài, thắt eo lưng, cài cổ. Hai bên ngực dính hai miếng vải thêu kim tuyến hình thang cân dài 20cm. Khi gia đình có tang, áo tang lễ được làm bằng chất liệu vải Thái màu trắng, may thụng, chui đầu, tay. Áo của con, cháu dâu thì nẹp vải đen dọc trước ngực, các con, cháu gái thì nẹp bằng vải trắng. Người cao tuổi thường mặc áo dài với chất liệu chủ yếu là vải lụa màu có in hoa được may thụng, dài tay, chấm gót chân, không cài cúc, mặc chui đầu, chui tay. 2 bên ngực dính 2 miếng thêu.
Đặc điểm về trang sức
Trang sức của người phụ nữ Thái đen có xà tích làm bằng bạc trắng. Người Thái thường dùng loại xà tích 5 dây, có loại vòng qua bụng được 1 vòng, có loại vòng qua bụng 2 vòng. Có loại chỉ để treo vào thắt lưng, chỉ dài 20cm, nhưng chân phía dưới có gắn móng chân tay gấu, hổ, có nẹp bạc giữ. Hoa văn trang trí trên xà tích thường đơn giản, dùng một đến 2 mô tip hoa văn hình học như hình răng cưa, đường hồi văn gấp khúc. vạch thẳng song song. Ngoài ra họ còn dùng các đồ trang sức là các loại vòng: vòng tay, vòng cổ, nhẫn, hoa tai được làm bằng bạc, đồng, ngà voi, sừng trâu, vẩy tê tê, răng nanh lợn rừng…Đồ trang sức của các cô gái Thái xưa kia thường được các bà mẹ để lại cho nhưng cũng có người được người yêu hay chồng tặng.
3. Một số điểm tương đồng, khác biệt của trang phục người Thái ở Thanh Hóa và Tây Bắc
Trang phục nam: Về cơ bản, quần áo của đàn ông là giống nhau. Họ mặc quần vải thô, ống rộng, dải rút. Áo có 2 loại, xẻ ngực hoặc vắt chéo dưới nách, khuy bằng nút vải. Chỉ khác là, người Thái đen ở Tây Bắc nhuộm áo màu đen, còn người Thái ở Thanh Hóa hay nhuộm màu nâu non, nâu đậm hoặc màu đen nhạt, xanh lơ. Ít có sự khác biệt giữa quần áo lao động, sinh hoạt hàng ngày với quần áo trong các dịp lễ tết giữa người Thái ở Thanh Hóa, người Thái ở Tây Bắc. Có khác chăng đó chỉ là quần áo cũ, mới hoặc vải ghép từ những mảnh vải nhỏ để cắt quần áo lao động với loại vải tốt, đẹp để cắt may quần áo mặc trong các dịp đặc biệt.
Trang phục nữ: Váy áo của phụ nữ có nhiều điểm khác biệt giữa Thái ở Thanh Hóa, ở Tây Bắc. Phụ nữ Thái ở Thanh Hóa mặc áo cóm, chui đầu, thân ngắn ngang lưng, xẻ một bên vai, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, nền vải có thể màu đen, xanh chàm, nâu nhạt, nhưng kỵ màu trắng.
Phụ nữ Thái đen ở Tây Bắc mặc áo xẻ ngực, có hàng khuy bướm bằng vải hoặc bằng bạc trắng, nền vải màu đen. Ở Tây Bắc, áo của phụ nữ Thái đen có cổ cao, tròn, bó khít lấy cổ, màu áo chủ yếu là đen, nâu. Áo của phụ nữ Thái trắng có cổ liền với nẹp áo, để hở cổ, nẹp áo viền đen, màu áo chủ yếu là màu trắng, màu hồng, xanh lơ. Trong khi đó, ở vùng miền núi Thanh Hóa, phụ nữ nhóm Tày Dọ mặc áo cóm xẻ ngực không có nẹp đen, đầu váy thường có màu trắng, thắt lưng ưa dùng màu đỏ, thân váy màu đen không thêu, chân váy có thêu, dệt hoa văn, khăn đen, 2 đầu thêu hoa, khi đội khăn đưa 2 đầu thêu về phía trước trán. Còn phụ nữnhóm Tày Mươi mặc áo cóm cổ chui, xẻ vai, đầu váy có hoa văn, thắt lưng ưa dùng màu xanh, tím, đen (không dùng màu đỏ), thân váy màu đen có nhiều loại hoa văn phong phú, khăn đen hai đầu thêu hoa, khi đội khăn đưa một đầu thêu về phía trước, một đầu thêu về phía sau.
Váy của người Thái nói chung là loại váy thân dài đến sát gót chân. Váy của phụ nữ Thái Tây Bắc chỉ có chân váy, đầu váy, đầu váy ngắn, quấn ngang lưng. Váy của phụ nữ Thái Thanh Hóa có thêm phần cạp váy, đầu váy cao ngang nách, ôm lấy bộ ngực. Váy cũng được phân thành 2 loại: váy mặc khi lao động, váy mặc đi chơi. Váy mặc khi lao động không có hoa văn hoặc váy cũ, còn váy đi chơi được thêu hoa văn đẹp mắt. Thắt lưng của cả hai vùng đều làm bằng chất liệu tơ tằm hoặc vải dệt, trang điểm thêm bằng chùm dây xà tích bạc trắng, đeo quả đào, nhưng đuôi thắt lưng người Thái Thanh Hóa để vuông, dài hơn. Nền váy của phụ nữ Thái đen chỉ có một màu đen duy nhất, không có hoa văn. Váy người Thái Thanh Hóa phong phú về màu sắc, hoa văn. Có loại thân váy màu đen, chất liệu vải tự dệt hoặc vải láng, lụa, gấm vóc mua dưới xuôi, nối thêm một đoạn chân váy dài khoảng 25cm, thêu hoa văn rồng phượng, hoa lá rất tinh tế. Thân váy có các loại hoa văn sọc ngang, xen kẽ hình hoa lá, động vật. Cạp váy, đầu váy của người Thái Thanh Hóa có dệt hoa văn.
Thắt lưng của phụ nữ Thái cả 2 vùng Thanh Hóa, Tây Bắc đều làm bằng chất liệu tơ tằm hoặc vải dệt, trang điểm thêm bằng chùm dây xà tích bạc trắng, đeo quả đào, nhưng đuôi thắt lưng người Thái ở Thanh Hóa để vuông, dài hơn.
Khăn, áo tang của cả 2 hai nhóm Thái đều dùng màu trắng, sau một thời gian mặc, bị lấm có thể nhuộm màu chàm nhạt. Ngày thường kiêng kỵ mặc quần áo trắng, chít khăn trắng. Trong nghi lễ tôn nghiêm, liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên, phụ nữ phải mặc áo dài màu đỏ.
Những quy định ăn mặc như trên hiện nay không còn ràng buộc nhiều, nhưng vẫn còn giữ lại những nét cơ bản, được bổ sung cải tiến nhiều theo xu hướng hòa nhập, hiện đại.
Về trang sức: Phụ nữ Thái cả hai vùng Thanh Hóa, Tây Bắc, đến tuổi trưởng thành đều búi tóc, cài trâm. Phụ nữ Thái ở Thanh Hóa chỉ búi tóc về sau gáy, còn phụ nữ Thái đen ở Tây Bắc khi đã có chồng thì búi ngược lên đỉnh đầu, gọi là tẳng cẩu. Phụ nữ Thái ở Tây Bắc đội khăn piêu, phụ nữ Thái ở Thanh Hóa thắt khăn vải hoặc đội khăn thêu, khăn thêu có hình thức giống như khăn piêu nhưng ngắn hơn khăn piêu.
Phụ nữ Thái Tây Bắc, Thanh Hóa thường đeo vòng tay, vòng cổ, hoa tai. Tuy nhiên, có sự khác nhau về đặc điểm, cấu tạo trong các loại trang sức này.
Với phụ nữ Thái ở Thanh Hóa, vòng tay được làm theo kiểu vòng tròn khép kín, thân tròn nhẵn như chiếc đũa uốn, thường không được trang trí hoa văn. Có loại to bản thân dẹt thì được trang trí hoa văn đơn giản như hình ống, hình tam giác… chạy dọc thân vòng. Đường viền cho thân vòng là các hình gấp khúc kép hay vạch thẳng chạy song song. Có loại vòng có hai sợi kim loại thân tròn thường làm bằng đồng, được vặn xoắn lại với nhau gọi là vòng tay vặn. Loại này không trang trí hoa văn. Với phụ nữ Thái ở Tây Bắc, họ cũng đeo các loại vòng như trên nhưng có sự khác biệt về hoa văn. Đó là những loại vòng thân dẹt, hoa văn được đúc nổi với những hình hạt lúa châu đầu vào nhau.
Vòng cổ của phụ nữ Thái thường trang trí hoa văn ở 2 đầu vòng, ở đó đầu vòng được đánh dẹt ra chạm khắc hoa văn lên đó. Hoa văn thường uốn lượn hình đầu rắn. Có khi là những loại vòng hình chữ S được móc vào nhau.
Phụ nữ Thái ở Thanh Hóa thường đeo hoa tai loại hình ống chỉ làm bằng bạc. Mặt hoa tai to như đồng xu, được trang trí hình hoa đào cánh kép với những vạch kép chạy song song nhau tạo thành cánh hoa.
Do sự khác nhau về môi trường sống, quan điểm thẩm mỹ, phong tục, tập quán…, nên dù có một số điểm tương đồng nhất định, trang phục của người Thái ở Thanh Hóa và Tây Bắc vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt. Điều này được thấy rõ, mặc dù sau này, với tác động của nhiều vấn đề xã hội, trang phục của họ đã có những biến đổi. Mặc dù vậy, cả 2 loại trang phục này vẫn có những điểm chung, cùng tạo nên sắc thái đậm nét của đồng bào Thái.
Trang phục, trang sức của cả nam, nữ, trong cuộc sống lao động hàng ngày cũng như dịp lễ hội đã làm nên nét đặc sắc của đồng bào Thái. Đó còn là một đóng góp lớn cho việc phục vụ quá trình nghiên cứu về lối sống tộc người ở Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : MAI THỊ HỒNG HẢI
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám