Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội) được xem là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của đất nước. Diện mạo ngôi chùa ngày nay là kết quả của cuộc đại trùng tu trong năm 1794, mang phong cách nghệ thuật thời Tây Sơn, TK XVIII. Từ lâu, chùa Tây Phương đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu cũng như người yêu mến danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước
Về tổng thể kiến trúc chùa Tây Phương
Ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn núi có hình lưỡi câu, gọi là “Câu Lậu sơn”, thuộc địa phận xã Thạch Xá. Có khoảng 250 bậc đá ong từ chân núi dẫn đến khu vực trung tâm với 3 tòa Thượng, Trung, Hạ.
Kiến trúc của ngôi chùa là điểm nhấn thẩm mỹ cho không gian làng quê này:
Tây Phương hữu Phật tín tư sơn
Thạch Thất truyền kinh nghi thử địa
(Tin ở núi này – Tây phương có Phật
Ngờ đâu đất ấy – Thạch Thất truyền kinh) (1).
Núi Câu Lậu thuộc dãy chín quả núi của vùng Thạch Thất: núi Dền, núi Nồng, núi Đỏ, núi Câu Lậu, núi Lôi Âm, núi Gai, núi Nứa, núi Đống Cao và núi Miễu; trong số đó, núi Câu Lậu là ngọn núi cao nhất. Cũng theo tư liệu điền dã (2), từ quan niệm phong thủy này mà nhân dân địa phương đã liên tưởng quần thể các ngọn núi ấy là một đàn trâu và ngọn cao nhất là núi Câu Lậu, đồng nghĩa với việc coi núi này là con trâu đầu đàn, lựa chọn là nơi để xây dựng chùa… Tọa lạc trên đỉnh ngọn núi cao nhất, ngôi chùa làm người ta liên tưởng tới sự tụ hội của của ánh sáng Phật giáo giữa không gian bao la.
Mái chùa Tây Phương được dựng theo kết cấu mái “chồng diêm”, tức là 2 tầng và 8 lá mái; tầng mái trên nhỏ hơn tầng mái dưới nhưng vẫn đảm bảo đủ cả bờ dải, bờ nóc và bờ guột. Với đặc điểm kết cấu cả hai mái trên và mái dưới theo dạng “tàu đao lá mái”, thanh thoát, nhẹ nhàng mà vững chãi. Các tàu đao cong vút hướng lên trên. Khoảng cách từ phần mái dưới đến phần mái trên được gọi là phần cổ diêm, có các tấm ván đố được lắp ghép bằng mộng để có thể tháo lắp dễ dàng. Cấu trúc mái như vậy tạo ra khoảng trống tiếp nhận ánh sáng thiên nhiên rọi vào không gian bên trong chùa. Kiểu kiến trúc này được sử dụng phổ biến ở các giai đoạn sau như ở gác chuông chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), gác chuông chùa Trăm gian (Hà Nội), gác chuông chùa Keo (Thái Bình), gác chuông chùa Bối Khê (Hà Nội) và các kiến trúc lăng tẩm thời kỳ nhà Nguyễn, TK XIX.
Dấu ấn của thời gian, rêu phong đã làm tăng thêm sự cổ kính cho ngôi chùa này. Đỉnh của mái trên bờ nóc được đắp bằng vôi vữa. Ở hai đầu nóc chùa được trang trí bằng đôi rồng đắp nổi cùng hệ thống đuôi theo kiểu vân xoắn cuộn ngược lên phía trên. Lối trang trí này được thấy khá phổ biến ở các ngôi đình, chùa khác. Bờ nóc, bờ dải cũng được đắp bằng vôi vữa, thân bờ dải được trổ thủng các hình tròn dẹt, xếp xen kẽ nhau thành hai hàng, chúng được làm bằng đất nung hình các viên gạch vuông. Phần mái dưới của hệ thống kiến trúc cũng được làm lặp lại một phần của mái trên, nhưng to bè, rộng ra hai bên.
Trang trí rồng và mây trên cấu kiện kiến trúc chùa Tây Phương – Nguồn ảnh: Nguyễn Minh Tân
Kết cấu các bộ vì kèo ở chùa Tây Phương có sự thống nhất giữa các vì và các tòa. Chính vì vậy, kết cấu này đã tạo ra đặc điểm là các vì thường có sự liên kết theo hai chiều ngang và dọc: bẩy, kẻ, xà, cột, con rường thường liên kết một cách hữu cơ với nhau. Toàn bộ lực hay sức nặng sẽ được tính để rơi trọng tâm vào hệ thống các cột cùng tường bao. Như vậy, với kết cấu liên hoàn và chặt chẽ, ở cả ba tòa của chùa đều thống nhất về kiến trúc.
Khi nhắc đến chùa Tây Phương, người ta thường có sự liên tưởng đến tính thống nhất về xây dựng giữa các tòa chính và hệ thống tường bao. Tường được xây bằng gạch Bát Tràng đỏ thẫm và để trần, không trát vữa, mạch giữa các hàng gạch được miết mịn. Trên tường còn trổ những ô cửa nối nhau theo những vòng tròn đồng tâm, còn được gọi là cửa âm – dương hay sắc – không, mang ý nghĩa triết lý Phật giáo sâu sắc.
Ngoài kiến trúc tòa chùa chính với ba nếp nhà (bái đường, chính điện, hậu cung), chùa còn có khu vực kiến trúc tháp khác đặc biệt (vườn tháp). Do đặc điểm lịch sử mà tháp chùa Tây Phương là những cây tháp đơn lẻ, tập trung ở phía trái tòa thượng điện. Về cơ bản, tháp ở đây là sản phẩm kiến trúc của TK XX. Tháp được xây bằng gạch ba tầng, nhỏ dần lên phía trên, bệ tháp có mặt bằng vuông bốn mặt, hai tầng trên có cửa gió, mặt trước và hai bên của tầng dưới có trổ cửa tò vò. Lòng tháp thường được để rỗng, là nơi đặt bát hương thờ. Mỗi tầng được ngăn cách bởi một lớp mái giả, đắp bằng vôi vữa. Đỉnh tháp được làm theo kiểu lá lật, từ đó có bốn con hồi long chạy ra các góc. Trong chừng mực nhất định, khu vườn tháp góp phần tạo ra một dáng vẻ hoàn chỉnh cho ngôi chùa.
Đặc điểm về nghệ thuật trang trí
Các đồ án trang trí trên kiến trúc gỗ tại chùa Tây Phương tập trung chủ yếu ở ba tòa được gọi là khu Tam Bảo. Trang trí phần rường bụng lợn đỡ xà thượng lương là hình hai hoa sen nở, phía trên và dưới con sơn, có hai con đệm cũng chạm khắc hình hoa sen nở. Có khi là một chiếc lá chẽ ra làm ba, phía dưới chiếc lá là con đệm khắc hoa sen nở, ở hai bên con đệm, lại có hình một chiếc lá uốn hai bên như ôm lấy chiếc lá ba chẽ, hoặc đơn giản hơn là một dãy lá cuốn như hình ngọn lửa. Trên tất cả các vì, xà ở tòa tiền đường và thượng điện, đều có chạm khắc hình lá chẽ ba như trên, lặp đi lặp lại từng đôi một ở thế cân đối, trông rất thoáng và đẹp mắt. Nhưng hình ảnh chiếc lá ba chẽ có hoa cũng là một họa tiết được trang trí ở nhiều xà ngang và xà nách. Trên vì kèo ở tòa hậu cung, phần rường bụng lợn được chạm một bố cục rồng hổ phù: trên đỉnh đầu hình rồng này là một cột đệm kê xà thượng lương, được khắc xung quanh như hình hoa sen nở, hình râu rồng, hình mây tỏa ra hai bên và được uốn cong lên, ôm lấy hai xà ở hai bên thượng lương.
Trang trí diềm mái ngói với hình lá đề, chùa Tây Phương – Nguồn ảnh: Nguyễn Minh Tân
Cũng với kỹ thuật chạm nông, chia các họa tiết rời nhau và tổ hợp lại thành các đồ án trang trí trên các thành phần kiến trúc, là hình hổ phù trên bề mặt của con rường thứ nhất và con rường thứ hai. Hình tượng hổ phù trang trí trong nội thất chùa rất thống nhất với hình hổ phù ở đầu hồi của tòa trung. Hình mặt hổ phù ở chùa Tây Phương được thể hiện với kích thước to, hai mắt tròn và nổi thành khối, mũi giống như mũi người, lông mày như hai chiếc lá, ở hai bên có gân nổi, dáng khỏe, dứt khoát, miệng hổ phù mở rộng để lộ hàm răng được miêu tả rất kỹ và có ngậm dải vân xoắn, hai tay có móng nhọn, dáng thanh thoát. Trên đầu của hổ phù còn được chạm hai cái sừng, xen kẽ là những hình vân xoắn, tạo ra những chi tiết cho khuôn mặt của hổ phù thêm sinh động. Hình tượng rồng, mây được thể hiện dưới hình thức chỉ có đầu rồng hay mặt, mũi, râu dài và cuốn lên, xen vào những đám mây hình đao lửa, vì vậy còn được gọi là hoa văn hình rồng lửa. Hình ảnh rồng và mây được sử dụng để trang trí ở đầu các xà dọc và trên xà ngang của các gian chái ở hai đầu hồi với kỹ thuật chạm nông, thường ở vị trí hai đầu của các thanh xà theo một thể cân đối.
Hình phượng ở chùa Tây Phương được trang trí trên ván gió, đứng ở giữa hai bên con sơn giả đấu. Hình phượng được diễn tả trong dáng như đang chuyển động (phượng vũ), hai cánh xòe rộng sang hai bên, đầu ngẩng cao, từng chiếc lông được tả khá tỉ mỉ, mắt hình giọt lệ, trên đầu có mào, đuôi dài vuốt ra cả phía sau và trước khiến cho nó có dáng như sắp sửa bay lên. Những đôi phượng này được chạm theo một tinh thần thoải mái, bố cục gọn gàng, đơn giản nhưng sinh động, những chiếc lông đuôi được thể hiện rất dài, uyển chuyển như đang vờn bay, đầu, thân và chân phượng được chạm nổi.
Nhìn chung, các môtip trang trí trên kiến trúc chùa Tây Phương được thể hiện khá chau chuốt tại vì nóc, cốn, đầu hồi, diềm mái trên, xà, bẩy, ván gió… Chủ đề trang trí tập trung ở các hình rồng, phượng, hoa sen, lá cây ngô đồng/ đu đủ với cấu trúc của chiếc lá có gân nổi nhiều thùy. Hình mặt hổ phù cũng được chạm khắc khá nhiều ở ngôi chùa này. Đặc biệt, trên diềm mái của chùa, có chạm khá nhiều hình hổ phù như ở dải trang trí đường diềm, có thể còn gọi đây là các diềm lá sòi được trang trí dàn trải chạy khắp xung quanh diềm mái, dưới mũi ngói giọt nước xuống tàu đao. Trong mỗi lá sòi là một chiếc lá thùy (như nhắc lại nhưng thu nhỏ hình lá ngô đồng được chạm trên cốn, xà, bẩy).
Thay lời kết
Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc ở chùa Tây Phương cho thấy tổng thể chùa là một di tích nghệ thuật độc đáo, mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị, thâm trầm. Những đồ án trang trí phù hợp với kết cấu kiến trúc của các bộ vì, được xây dựng theo lối đơn giản mà vẫn đảm bảo vững chãi và bền chắc.
Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc giúp chúng ta thấy rõ sự tuân thủ theo nguyên tắc đăng đối hay đối xứng từ các thành phần kiến trúc tại các tòa: Thượng, Trung, Hạ. Đặc biệt, người thờ xưa thường sử dụng lối chạm nông, nhấn mạnh các đường cong, để tạo ra tính thống nhất giữa kỹ thuật thể hiện với đề tài. Phong cách chung của kiến trúc và chạm khắc là giản dị, hiện thực, đánh dấu sự tiếp thu kiến trúc truyền thống và lối kiến trúc mới của giai đoạn đương thời. Bên cạnh kiến trúc của ba tòa chính, trong khuôn viên chùa còn có nhiều công trình khác như: tháp chuông, vườn tháp mộ, miếu Sơn thần…, tạo ra nét độc đáo về kiến trúc cũng như đáp ứng tín ngưỡng thờ cúng của người dân địa phương và khách tham quan.
__________________
1. Chu Quang Trứ, Chùa Tây Phương, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1988, tr.22.
2. Tư liệu điền dã tại chùa Tây Phương của tác giả, tháng 10-2019.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Bảy, Tìm hiểu di tích chùa Tây Phương, Luận văn tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội, 1990.
2. Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.
3. Nguyễn Du Chi, Kiến trúc cổ – vị trí và môi trường thẩm mỹ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, 1985.
4. Trịnh Minh Đức, Xác định niên đại xây dựng chùa Tây Phương, Thông báo khoa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1995.
5. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1989
Tác giả: TS Phạm Minh Phong
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn