Trên thế giới, tranh khắc đá, khắc gỗ, khắc đồng, khắc kẽm… có lịch sử phát triển từ lâu đời, có thể tới hàng nghìn năm. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tranh khắc đá, khắc gỗ dân gian cũng đã tồn tại từ cách đây nhiều thế kỷ. Những dòng tranh đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc và mang dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của nhân dân ta như: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế) và các loại tranh thờ của đồng bào dân tộc thiểu số… Nhưng có một loại hình tranh khắc đồ họa khá độc đáo của mỹ thuật hiện đại Việt Nam mới xuất hiện khoảng vài thập niên, đó là tranh khắc thạch cao.
Đầu TK XX, cùng với việc thành lập nhiều trường mỹ nghệ ở Việt Nam mà tiên phong là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ đó tư duy và phương pháp của nghệ thuật tạo hình phương Tây tiếp biến với nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt. Các họa sĩ Việt Nam cũng bắt đầu được biết đến các thể loại tranh đồ họa mới du nhập như khắc đồng, khắc kẽm và cách bố cục tranh theo luật viễn cận (3D). Kế thừa lối tư duy tạo hình truyền thống của tranh khắc dân gian và tiếp thu những ưu điểm kỹ thuật, chất liệu và phương pháp tạo hình của tranh khắc đồ họa phương Tây, các họa sĩ Việt Nam đã tạo nên những bức tranh hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều tác phẩm nổi tiếng ở thể loại tranh khắc như Bến thuyền Hà Nội của An Sơn Đỗ Đức Thuận, Gội đầu của Trần Văn Cẩn, Làng quê Sài Sơn của Nguyễn Tiến Chung và còn nhiều tác phẩm tranh khắc màu có giá trị được giới mỹ thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao của các họa sĩ như Trần Khánh Chương, Nguyễn Nghĩa Duyện, Vũ Duy Nghĩa, Đinh Lực…
Tranh khắc thạch cao là một thể loại mới, góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Thể loại tranh này đã gắn với tên tuổi của Đường Ngọc Cảnh. Người thày giáo, người họa sĩ này đã dày công tìm tòi, gắn bó và đưa nghệ thuật tranh đồ họa trên chất liệu thạch cao lên đỉnh cao bên cạnh những loại tranh có chất liệu quen thuộc. Ông đã say sưa sáng tạo với một chất liệu mà trước đó chưa có ai dùng làm khuôn in, bản in. Bằng sự đam mê sáng tạo cộng với kinh nghiệm kỹ thuật tạo hình từ chất liệu mới này, ông đã tạo cho mình một hướng sáng tác độc đáo, một phong cách riêng, thật đúng như nhận xét của họa sĩ Văn Giáo: “…tranh của Đường Ngọc Cảnh có sắc thái riêng, không cần đọc tên cũng biết…”. Tranh khắc thạch cao của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh đã gây được ấn tượng thẩm mỹ tốt trong giới mỹ thuật cũng như trong đời sống văn hóa của đông đảo công chúng.
Lúc khởi nguyên, có ý kiến cho rằng tranh khắc thạch cao chỉ là một biến thể của cách làm tranh khắc gỗ. Việc bắt đầu thử nghiệm chất liệu thạch cao làm khuôn in là của một số họa sĩ Trường Mỹ thuật công nghiệp mà họa sĩ Đường Ngọc Cảnh là người có công lớn trong khởi xướng và phát triển. Lúc đó việc sử dụng bản in bằng thạch cao cũng chỉ nhằm tìm cách khắc phục sự thiếu thốn về nguyên vật liệu trong giảng dạy và sáng tác. Bởi lúc đó nước ta đang trong thời chiến tranh chống Mỹ, thày trò đều phải dạy và học tại nơi sơ tán ở các vùng quê xa thành phố. Sau khi hòa bình lập lại thì bị cấm vận nên mọi thứ nguyên liệu đồng, kẽm, gỗ… chỉ dành cho công nghiệp và xây dựng, ưu tiên cho việc kiến thiết lại đất nước. Họa phẩm dành cho giảng đường đều rất khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, dần dần kỹ thuật khắc và in bằng ván thạch cao được hoàn thiện hơn. Sự lớn mạnh và phát triển vượt bậc của tranh khắc thạch cao đã làm thay đổi quan niệm ban đầu. Tranh khắc thạch cao đã có vị trí trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam và duy danh định nghĩa thành một dòng tranh riêng biệt, có những đặc điểm về kỹ thuật thể hiện và hiệu quả nghệ thuật độc đáo, khác với tranh khắc gỗ và càng không giống tranh khắc đồng hay khắc kẽm, mặc dù về nguyên lý ấn loát của chúng giống nhau.
Nhiều chất liệu có thể dùng để in tranh khắc thạch cao như : bột màu, acrylic, cá biệt còn dùng cả sơn dầu…, nhưng bột màu hòa nhuyễn với hồ nếp được sử dụng phổ biến nhất vì nó thể hiện được nhiều sắc thái khác nhau. Hiệu quả bề mặt của tranh thạch cao xốp mịn, hòa sắc trong trẻo gần giống như tranh bột màu. Nhiều tác phẩm có lớp màu in dày nổi lên trên mặt tranh thì nó lại như mang âm hưởng của tranh sơn dầu hoặc tranh sơn mài
Để tạo nên tác phẩm có hòa sắc tự nhiên trong mắt người thưởng ngoạn, phối sắc trong tranh khắc thạch cao có bảng màu đa dạng, trong trẻo và cũng rất đằm thắm. Giấy để sử dụng in tranh thạch cao thường là màu đen, bởi vậy trong quá trình in ấn, hiệu quả của hòa sắc màu đều chịu tác động của màu nền, màu đen của nền sẽ trung hòa trên võng mạc của người xem tranh, vì vậy, cho dù có in các màu sắc mạnh mẽ, màu nguyên chất như: lam, đỏ, vàng thì hòa sắc vẫn đằm thắm, sâu lắng chứ không gây cảm giác đối chọi, tức mắt. Cũng những màu bột đó, nếu ta vẽ trực tiếp lên giấy thì có thể gây cảm giác lòe loẹt, sặc sỡ, nhưng khi in tranh thì lại tạo nên hòa sắc rất đằm, rất quyện. Đây chính là thế mạnh của chất liệu bản khắc bằng thạch cao.
Kỹ thuật làm tranh khắc thạch cao không phức tạp nhưng tinh tế, việc khắc và in tranh thạch cao khác nhiều với loại tranh khắc khác vì chất liệu này bở, xốp và dễ gãy vỡ, không tạo được những nét mảnh, nhỏ và dễ bong hỏng. Nhưng từ thực tế sáng tác, nhiều kinh nghiệm được các họa sĩ đúc rút đã được truyền lại cho nhiều các thế hệ học trò, những kỹ thuật đó được duy trì cho đến ngày nay.
Ngôn ngữ biểu đạt trong tranh như mảng, khối, nét vẽ trong tranh khắc thạch cao thường lớn, dày và mềm xốp chứ không đanh, sắc và khúc chiết như khắc gỗ, khắc kim loại. Ví dụ như với tranh khắc gỗ, khi khắc phần nét trên gỗ, do gỗ cứng nên có thể khắc nét nổi. Tới lúc in, người ta thường in các mảng màu trước rồi cuối cùng mới in nét, bởi vậy nét thường đanh và sắc. Tranh thạch cao thì khác, chất liệu thạch cao vốn mềm nên khi khắc mềm mại hơn và thường khắc mảng và nét viền chính là hở từ nền đen và lối in âm bản này đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho bức tranh. Trong quá trình in các mảng màu có thể phủ kín các nét khắc, lớp bột màu dày có thể làm nhòa hay biến mất một số nét hoặc một đoạn nét. Nét chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ rõ ràng rành mạch chỗ lẩn vào mảng màu, hư ảo biến huyễn như cách vẽ bằng bột màu, những yếu tố vô tình lại tạo hiệu quả rung động thẩm mỹ bất ngờ cho sự thành công của bức tranh thạch cao.
Ngoài cách tạo chất trên khuôn in như các loại tranh khắc khác, tranh khắc thạch cao còn có nét riêng độc đáo và những hiệu ứng đột ngột được tạo ra do sự nhanh chậm, mạnh nhẹ hoặc sự dày mỏng của màu khi in, điều đó tạo ra hiệu quả và ấn tượng thẩm mỹ riêng cho mỗi bức tranh. Hiệu ứng của màu in thường tạo nên những nét chấm và nổi hạt trên mặt tranh, các mảng màu xốp ẩn hiện chứ không lì màu như tranh khắc gỗ. Điều đó có thể nói là tính cách của mỗi họa sĩ với cá tính riêng đã tạo nên những hiệu quả khác nhau của giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm.
Từ những tìm tòi và khám phá ban đầu của người tiên phong là họa sĩ Đường Ngọc Cảnh, đã có đông đảo các họa sĩ tiếp bước trong dòng tranh này và đã tạo dựng tên tuổi của mình trong làng mỹ thuật qua những tác phẩm bằng chất liệu thạch cao đặc sắc, đa dạng ở các đề tài, nhưng đều có hòa sắc dịu dàng, dung dị và đầy chất lãng mạn được tạo nên từ chất liệu độc đáo. Nhiều tác phẩm của thể loại này đã đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc triển lãm mỹ thuật quốc gia và quốc tế. Cho tới nay thì tranh khắc bằng chất liệu thạch cao đã khẳng định được giá trị nghệ thuật của mình, trở thành một sáng tạo mới lạ và độc đáo của tranh đồ họa Việt Nam.
Để làm tranh khắc thạch cao cũng không mấy khó khăn phức tạp, phương tiện và dụng cụ thật đơn giản, bảng màu lại phong phú, những cảm xúc sáng tạo và hiệu quả thẩm mỹ mang lại cho người họa sĩ lại rất mênh mang. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều họa sĩ trẻ quan tâm đến tranh khắc thạch cao bởi sự dung dị, nét quyến rũ riêng biệt, sự hấp dẫn của thể loại tranh khắc rất độc đáo và rất Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012
Tác giả : Triệu Thế Hùng
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn