Tri thức bản địa của người mạ lâm đồng trong lao động sản xuất


 

Tri thức bản địa (TTBĐ) là tổng hợp những kiến thức được thử thách và đúc rút qua nhiều thế hệ ở các cộng đồng cư dân qua thực tiễn sản xuất và đời sống. Trải qua nhiều thế kỷ, các cộng đồng dân cư đã tích cóp các thông tin, kỹ năng, tay nghề và công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, tổ chức cộng đồng làng bản… Những tri thức này là tài sản quốc gia vô giá, có thể giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển, ít tốn kém và có sự tham gia của người dân để đạt tới một hệ thống bền vững (1).

Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm TTBĐ. Liên hợp quốc đã đưa ra khái niệm: “Kiến thức truyền thống là một khối tích lũy các kiến thức, hiểu biết, các tập quán và các cách diễn đạt được duy trì và phát triển bởi những con người có lịch sử lâu dài trong tương tác (interaction) với môi trường tự nhiên. Những cách hiểu, lý giải và các ý nghĩa tinh vi này là một phần của một phức hệ văn hóa bao gồm ngôn ngữ, tên gọi và các hệ thống phân lọai, các thói quen sử dụng tài nguyên, lễ nghi, tín ngưỡng và thế giới quan…” (2).

Tác giả Roy Ellen và Holly Harris cho rằng: sự phân biệt giữa bản địa và phi bản địa phụ thuộc nhiều vào yếu tố lịch sử và vùng miền, không phải lúc nào cũng phù hợp trong những trường hợp dân tộc học. Điều này khiến cho việc khái quát hóa so sánh trở nên khó khăn (3). Do những liên quan đến vấn đề đạo đức, sự không rõ ràng và còn nhiều tranh cãi, thuật ngữ bản địa có vẻ không mấy hiệu quả khi dùng để mô tả một loại tri thức cụ thể, dân bản địa đồng nghĩa với thổ dân…(4).

Trong quá trình điền dã, nghiên cứu về tri thức bản địa của người Mạ trong lao động sản xuất, chúng tôi dựa trên quan điểm lý thuyết của hai nhà nhân học trên.

1. Vài nét về người Mạ ở Lâm Đồng

Người Mạ là một trong 54 dân tộc của Việt Nam, xếp thứ 28/54 dân tộc theo số lượng cư dân, thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme chi miền núi phía nam. Tộc danh Mạ có nghĩa là gì chưa rõ, song đa số người Mạ và phần nhiều cư dân những dân tộc láng giềng trong cùng nhóm ngôn ngữ như: Cơ ho, Xtiêng, Mnông, Chơ ro… đều quan niệm tộc danh Mạ đồng nhất với việc xác định một phương thức sinh hoạt kinh tế của những người làm rẫy và đối lập tộc danh Mạ với tên gọi của người Srê, một nhóm địa phương của người Cơ ho chuyên nghề làm ruộng nước đã từ lâu (5).

Người Mạ ở Việt Nam hiện nay có khoảng 41.405 người (6), sống tập trung ở Lâm Đồng, một phần ở Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Phước. Ở Lâm Đồng, người Mạ chủ yếu sinh sống ở huyện Bảo Lâm và rải rác ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên Lâm Hà, Di Linh. Người Mạ có nhiều tên gọi: Châu Mạ, Chê Mạ, Mạ. Mạ Tô, Mạ Ngan (Ngăn), Mạ Xốp… Trong đó, chính cộng đồng người Mạ tự nhận là Cau Mạ – đọc là Chau Mạ. Cau có ý nghĩa là người hoặc cộng đồng người, Mạ là tên tự gọi của dân tộc.

2. Tri thức trong phân loại và bảo vệ đất trồng trọt

Đối với cư dân nông nghiệp, đất là nguồn tài nguyên giá trị nhất để tồn tại và phát triển, là nơi ở, nơi xây dựng hạ tầng, nơi sản xuất nông nghiệp. Khu vực đất ở và đất canh tác đối với cộng đồng Mạ là vô cùng quan trọng, là nơi nuôi dưỡng con người, là sự sống của cả làng (bon). Vì vậy, từ xa xưa, người Mạ đã phân biệt khu vực cư trú và canh tác giữa bon này với bon khác, không để ai xâm phạm đến địa phận của bon mình. Ranh giới là những quả đồi, cánh rừng, mặc dù không rạch ròi về diện tích nhưng rất rõ ràng về địa vực. Ranh giới này nằm ở trong tiềm thức của cộng đồng, được cả cộng đồng giữa bon này với các bon khác quy định với nhau từ đời này sang đời khác. Trong địa phận bon, các thành viên đều có nghĩa vụ như nhau, họ bảo vệ địa phận của mình, nếu có ai muốn đến làm ăn, sinh sống phải được sự chấp thuận của chủ bon (già làng, trưởng làng) và cộng đồng. Nếu không được chấp thuận mà tự ý chặt phá cây rừng, sử dụng đất trái phép sẽ bị bon phạt, nặng thì trâu, bò, nhẹ thì heo, gà.

Tri thức về phân loại đất của người Mạ

Theo chất đất và mục đích sử dụng

Đất trắng, có thể dùng để trồng cây lương thực: lúa, chè, khoai (lang, mì), bắp; cây công nghiệp: điều, cao su, trồng rừng, phổ biến ở vùng Đạ Hoai, Cát Tiên, Đạ Tẻh.

Đất đỏ phổ biến ở khu vực huyện Bảo Lâm, thích hợp với các loại cây trồng: cà phê, hồ tiêu, cao su, chè… hoặc trồng lúa thì phải chọn nơi gần sông, suối, gần nguồn nước.

Đất sỏi cơm phổ biến ở vùng Đạ Hoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, là đất đen pha nhiều sỏi nhỏ, không tốt bằng đất đỏ, thích hợp với cây lương thực: lúa, bắp, mì, đậu; cây công nghiệp: điều, cao su, hồ tiêu; một số nơi trồng được cà phê nhưng sản lượng và chất lượng không bằng đất đỏ bazan.

Theo địa hình

Đất đồi, còn gọi là đất rẫy, dọc theo các đồi, núi đất thấp, trước đây người Mạ chỉ khai thác trồng hai đến ba vụ là bạc màu, họ phải chuyển đi khai phá, canh tác ở vùng kế cận.

Đất bằng, còn gọi là đất vườn, không nhiều, bố trí quanh khu vực cư trú của người Mạ, thường gần nguồn nước, dễ tưới tiêu, thích hợp với các loại cây ăn trái, hoa màu; nay người Mạ cũng trồng cà phê, chè và các cây lương thực khác.

Đất ruộng là loại đất thấp nhất, phân bố quanh khu vực thung lũng, có sông, suối chảy ngang, thích hợp cho lúa nước vào mùa mưa và các loại rau màu vào mùa khô.

Theo giá trị sử dụng

Khảo sát các loại đất đai của người Mạ, chúng tôi quy ước đất thổ cư là loại đất xây nhà ở, không tính vườn xung quanh nhà; đất vườn là loại đất xung quanh nhà; đất canh tác nông nghiệp là loại đất nằm ngoài khu vực nhà ở, vườn và để trồng các loại cây.

Trong 1210 hộ gia đình người Mạ được khảo sát, số hộ gia đình có đất thổ cư chiếm 99,7% (1209/1210 hộ); đất vườn 55,7% (722/1210 hộ); đất canh tác nông nghiệp 90,7% (1098/1210 hộ); đất trồng rừng 2,7% (33/1210 hộ). Những hộ có đất trồng rừng là do chính sách nhận khoán đất trồng rừng của nhà nước.

Các loại đất thực tế hiện nay qua khảo sát

Đất thổ cư

1209 hộ có đất thổ cư, phần lớn đều do ông, bà cha mẹ để lại. Lộc Bắc là xã có 76,1% đất thổ cư do ông bà, cha mẹ để lại, tiếp đó là Đồng Nai Thượng 51,4%, thị trấn Đạ Tẻh 43%, Phước Lộc 42,1%, Lộc Bảo 40,8%.

Phần đất thổ cư của các hộ gia đình do nhà nước cấp: Lộc Lâm là xã có số hộ được cấp đất nhiều nhất 51,5%. Số hộ được cấp đất ở xã Lộc Lâm chiếm đa số so với các trường hợp cha mẹ để lại hay tự mua, khai hoang. Sau xã Lộc Lâm là thị trấn Đạ Tẻh (40,8%), xã Lộc Bảo (35,5%).

Đất tự khai hoang

Xã Đồng Nai Thượng là nơi có số hộ tự khai hoang đất chiếm tỷ lệ cao nhất so với các xã còn lại 27,4%, tiếp đó là Lộc Bắc (14,7%), Lộc Bảo (14,0%).

Nhìn chung, đất thổ cư của người Mạ ở các địa bàn chủ yếu là do ông bà cha mẹ, để lại và do nhà nước cấp; đất tự mua, khai hoang chiếm số lượng không đáng kể.

Theo số liệu khảo sát, hầu như không có sự biến đổi đáng kể về diện tích đất đai của các hộ gia đình người Mạ ở các địa bàn. Quốc Oai, Mỹ Đức, Lộc Bảo 100% hộ gia đình không biến đổi về đất đai. Các xã còn lại có biến động rất ít.

Đất canh tác nông nghiệp

1098 hộ có đất canh tác nông nghiệp, chủ yếu là khai hoang 40,1%, từ năm 1995 đến 2005. Đất do ông bà cha mẹ để lại 35,5%, nhà nước cấp 19,7%, đất tự mua số lượng rất ít 4,6%.

Đất canh tác nông nghiệp do ông bà cha mẹ để lại: Lộc Bắc chiếm tỷ lệ nhiều nhất 61,8%, ít nhất là Phước Lộc 17,3%.

Đất do nhà nước cấp: Phước Lộc có số hộ được cấp đất nhiều nhất 38%, chiếm đa số so với các trường hợp cha mẹ để lại hay tự mua, khai hoang. Theo tài liệu điền dã, Phước Lộc là xã mới thành lập sau năm 2000. Nhà nước di chuyển người Mạ từ các xã khác của huyện Đạ Huoai vào xã Phước Lộc định cư. Có lẽ chính vì vậy mà đất canh tác nông nghiệp do nhà nước cấp ở đây cao hơn so với các địa bàn khác.

Đất tự khai hoang: Quốc Oai là xã có số hộ tự khai hoang đất chiếm tỷ lệ cao nhất 59,7%, tiếp đó là Đồng Nai Thượng 54,5%, Lộc Lâm 45,5%, Phước Lộc 43,3%, thị trấn Đạ Tẻh 37,7%.

Nhìn chung, đất canh tác nông nghiệp ở các địa bàn chủ yếu là tự khai hoang và do ông bà cha mẹ để lại.

Tương tự như đất thổ cư, diện tích đất canh tác nông nghiệp không có biến đổi đáng kể. Thị trấn Đạ Tẻh là nơi có biến đổi về đất canh tác nông nghiệp nhiều nhất 19,7%, Lộc Lâm 11,1%, Lộc Bắc 6,4%, Phước Lộc 2,8%, Lộc Bảo 1,8%, Đồng Nai Thượng 3,1%.

Đất trồng rừng

Chỉ có 33 hộ có đất trồng rừng: do nhà nước cấp 54,5%, ông bà cha mẹ để lại 21,2%, khai hoang 18,2%, tự mua 6,1%. Xã Mỹ Đức, thị trấn Đạ Tẻh, xã Đồng Nai Thượng là nơi không có hộ có đất trồng rừng.

Nguồn gốc đất trồng rừng của các hộ chủ yếu là do nhà nước câps: Lộc Lâm 4 hộ, Phước Lộc 5 hộ, Lộc Bắc 5 hộ, Lộc Bảo 3 hộ.

Như vậy, đất trồng rừng của người Mạ chiếm số lượng không đáng kể, chủ yếu do nhà nước cấp cho các hộ gia đình, trong vòng 10 năm qua không có biến đổi.

Tri thức trong sử dụng và quản lý tài nguyên đất

Chọn đất

Kinh tế truyền thống của người Mạ là kinh tế nương rẫy, hái lượm, săn bắt, khai thác nguồn lợi tự nhiên xung quanh khu vực cư trú. Phương thức canh tác phát rừng, đốt, chọc lỗ, trỉa hạt. Lối canh tác đất rẫy với hình thức xen canh các cây nông nghiệp khác nhau làm phong phú nguồn sản phẩm nông nghiệp cho cả cộng đồng. Rẫy người Mạ gọi là mir, được khai thác tự do trong rừng, thường là những khu rừng thứ sinh (lồ ô, tre, nứa) đất tốt, ẩm, dễ khai phá hơn các khu rừng nguyên sinh hoặc rừng thưa.

Tìm chọn và quyết định đất canh tác là công việc quan trọng nhất đối với nông nghiệp nương rẫy. Tìm chọn thường do nam giới đảm nhiệm và quyết định là của già làng và các chủ nhà. Khi chọn được một khu rừng nào thì già làng thông báo cho cả làng tập trung đến, tổ chức lễ cúng thần linh và chia đất. Những phần rẫy cùng một rừng thường được chia cho các gia đình theo khoảnh có đầy đủ phần đất từ cao xuống thấp. Như vậy, đất rẫy của các gia đình đều tương tự nhau không ai có quyền ưu tiên chọn đất cao hay thấp, xấu hay tốt. Các gia đình cùng dòng họ làm rẫy sát với nhau.

Khi chọn đất canh tác, người Mạ cũng có một số kiêng kỵ: trên đường đi nếu gặp chim sa trước mặt, rắn hay trăn bò ngang qua đường, cây cối ngã đổ hoặc nghe tiếng vượn hót, mễn kêu thì lập tức quay về. Sau đó, có thể chọn thời gian khác và hướng khác để đi. Trong quá trình chọn đất và chuẩn bị phát rẫy, họ không chỉ tin vào kinh nghiệm của bản thân mà còn kỳ vọng ở các thế lực siêu nhiên, đặc biệt là sự linh nghiệm của những giấc mơ. Đêm hôm đó, nếu không mơ thấy điều gì hoặc mơ thấy suối và núi có nghĩa là khu đất được chọn là nơi tốt, có thể làm rẫy được. Ngược lại, nếu mơ thấy cọp, cá trê thì khu đất đó khó canh tác, phải bỏ đi và tìm nơi khác. Còn nếu như không mơ thấy những hiện tượng trên thì đám đất đó được phát và chọn là nơi canh tác.

Chọn và bảo quản giống cây trồng

Lúa rẫy là cây lương thực chính của người Mạ, gồm hai loại, lúa tẻ và lúa nếp. Lúa tẻ thì có kòi lác, kòi il, kòi tiêu, kòi me, kòi vhèn, kòi prum, kòi yam, kòi lạch, kòi woài. Lúa nếp thì có: urar khẻa, urar ngan, urar đung. Các loại lúa này thích hợp với lối canh tác trên đất rẫy.

Đối với canh tác lúa ruộng, người Mạ có các giống lúa bạc tà bông, nàng rá, ba túc, lúa mùa. Ngày nay, các giống lúa này đã mai một (7), có thêm các loại giống được nhập về từ vùng đồng bằng như: lúa Omo 2000, lúa 541.

Trong lối canh tác truyền thống, người Mạ bảo quản giống bằng cách chọn những loại giống có hạt to, khỏe và chắc, đem phơi khô, sấy bằng nia cho sạch, đựng trong sóp treo lên gác bếp. Cách giữ hạt giống như vậy thì không bị mọt và có độ khô vừa phải cho đến vụ sau.

Kinh nghiệm gieo trồng, chăm bón và thu hoạch

Người Mạ canh tác theo vòng tròn xung quanh nơi ở, bán kính khoảng 2 – 3 km. Khi rẫy cũ hết màu mỡ (khoảng 2 – 3 vụ) họ bỏ đi khai thác vùng đất lân cận. Chu kỳ canh tác vòng tròn quanh khu vực cư trú, bỏ hóa để cho đất nghỉ thường từ 12 đến 15 năm – thời gian cho rừng tái sinh – rồi canh tác trở lại. Việc dòng tộc (bon) nào bỏ nơi ở cũ ra đi là rất hiếm nếu nơi đó không bị chiến tranh hay dịch bệnh. Người Mạ rất tôn trọng quyền sử dụng đất rẫy. Cho dù đã bỏ rừng đó hơn 10 năm, khi quay lại thì gia đình nào đã canh tác rẫy cũ sẽ tiếp tục sử dụng, không tranh giành của người khác. Việc canh tác vòng quanh nơi cư trú sẽ tạo cho đất có thời gian hồi phục, không có nguồn đất rẫy nào bị khai thác cạn kiệt, đồng thời rừng được bảo vệ tốt.

Với kỹ thuật canh tác phát, đốt, chọc lỗ, tra hạt, người Mạ có sự phân công lao động cụ thể. Khi phát rẫy, dọn cỏ, phụ nữ và trẻ em dùng chà gạt chặt những cây nhỏ và dây leo, cố tình chặt không đứt. Đàn ông dùng rìu đốn những cây gỗ lớn, cây đổ sẽ kéo theo dây leo và những cây nhỏ. Họ chờ cho khô chừng một tháng, rồi phối hợp các gia đình để cùng đốt một lần, xuống giống cùng một thời gian. Khi đốt, họ chờ cho đến trưa nắng, thời điểm gió lặng và củi khô nhất, đốt ngược chiều gió. Việc cả cộng đồng cùng thực hiện công đoạn đốt rừng và gieo trồng sẽ tránh việc đốt rẫy lẻ tẻ gây cháy các cánh rừng xung quanh.

Người Mạ rất chú trọng việc kiêng kỵ khi làm rẫy. Khi đốt rẫy, nếu phát hiện thấy con cù lần, hay trăn bị chết, họ sẽ bỏ đi và đi tìm đất rẫy khác. Họ quan niệm, cù lần là con vật giống như khỉ, rất khôn ngoan, đã dạy người Mạ làm lúa, nên khi gặp con vật chết, họ không sử dụng khu đất đó. Đối với trăn, người Mạ cho rằng khi chúng chết trên rẫy sẽ có chất độc gây nguy hại nên cần phải né tránh. Đối với rẫy đã trồng tỉa năm trước, năm sau tiếp tục làm thì cũng kiêng kỵ một số điều: trong rẫy cũ có con thú chết thì phải tổ chức lễ cúng trước khi tiếp tục làm, con thú chết để nguyên, không được dời đi hay đem chôn, khoảnh đất có con thú chết không trồng tỉa gì. Trong lễ cúng, phải cầu khấn thần linh và con thú chết đó không phá hoại rẫy, cầu cho mùa màng tốt tươi, thu hái được nhiều và điều không thể thiếu trong lễ cúng là lời hứa của chủ đất sẽ cúng lễ vật tạ ơn.

Khi trỉa hạt, đàn ông đi trước, hai tay cầm hai cây gậy, chọc lỗ theo hướng đi tới, thẳng hàng; phụ nữ đi sau tra lúa giống và dùng chân lấp đất lại. Một người chọc lỗ có thể cho 2-3 người tra hạt. Các hộ có thể vần công (đổi công) khi làm rẫy, tỉa lúa (tâm ôp luh). Khi trỉa lúa xong, người Mạ đến rẫy trông nom, chăm sóc chu đáo, nhất là lúc lúa trổ bông. Họ làm một cái chòi ngay tại rẫy để canh lúa và bẫy thú phá hoại. Cách chăm sóc lúa đơn giản và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Gắn liền với quá trình canh tác nương rẫy là những nghi lễ nông nghiệp cầu mong cho mùa màng tươi tốt. Trong năm, chu kỳ sinh trưởng của cây lúa sẽ tương ứng với các nghi lễ như: cúng thần rẫy (nhô yang mir), cúng đường vào rẫy (nhô gùng mìr), cúng hồn lúa (lơ yang tuýt koi), cúng trỉa lúa (nhô tăm koi), cúng mừng lúa trổ bông (nhô turơmul/ nhô đụnh), cúng chuẩn bị thu hoạch lúa (nhô tuyn kach/ nhô pas koi), cúng mừng lúa mới (nhô r’he), cúng thần lúa (lơ yang us).

Để đảm bảo lượng lương thực đủ dùng trong một năm, người Mạ canh tác theo phương thức xen canh. Lúa trồng xen với các loại hoa màu khác như: bắp, khoai, bầu bí… hoặc có thể trồng bông để lấy sợi dệt vải. Thường bắp sẽ trồng trước, sau đó mới trồng lúa và các loại rau màu khác. Khi thu hoạch, bắp sẽ thu hoạch trước để lấy cái ăn, sau đó mới đến lúa. Đất rẫy được phân chia vòng đai để trồng: vòng ngoài trồng thuốc hút, cây bông vải, bí bầu, mướp và các loại đậu; vòng tiếp theo trồng khoai mì (bùm plang), khoai lang (bùm plu), bắp (ta ngài).

Thời gian thu hoạch lúa rẫy kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch. Trước đây, người Mạ chỉ dùng tay để tuốt lúa. Họ cho rằng, lúa cũng có linh hồn nên dùng tay tuốt để hồn lúa không bị đau. Khi tuốt lúa họ để một gùi nhỏ ở trước bụng, hai tay cầm bông lúa tuốt vào gùi. Lúa đầy gùi, họ lại bỏ vào chiếc gùi lớn đã được chuẩn bị sẵn. Trong ngày gặt lúa, người Mạ cúng thần lúa tại rẫy. Lễ vật cúng có thể là gà, dê và ché rượu cần. Chủ rẫy đứng ra cúng cầu khấn và xin phép thần linh cho thu hoạch được nhiều lúa, gia đình no ấm. Lúa gặt xong được đem về kho lúa.

Mỗi gia đình người Mạ đều làm một kho lúa gần nhà ở. Họ không để lúa chung với con người vì sợ làm ô uế thần lúa. Kho được làm lớn hoặc nhỏ tùy theo lượng sản phẩm thu hoạch và số khẩu trong gia đình. Thông thường kho lúa có diện tích 2mx3m, được thiết kế theo dạng hình nhà sàn, có 4 – 6 cột, sàn cao khoảng 1,5m. Hướng của kho lúa ngược lại hoàn toàn so với hướng của ngôi nhà dài, cửa kho quay về hướng mặt trời mọc. Theo quan niệm của người Mạ, chiều dài của kho lúa phải được làm song song với hướng di chuyển của mặt trời để ánh nắng sưởi ấm cho lương thực của họ. Phía dưới sàn, nơi tiếp giáp giữa cột và sàn kho lúa, người ta cưa ngang thân các cây gỗ tròn, dày 10cm, đường kính 50cm – 70cm, tách làm đôi và khoét lỗ ở giữa sao cho khi lắp ghép, mảnh gỗ này vừa khít với thân cột nhằm ngăn cản các loại thú vật như chuột, sóc… leo lên kho ăn lúa.

Tri thức trong đoán định thời tiết

Cách tính giờ: người Mạ thường tính giờ dựa vào tiếng gà gáy và mặt trời. Khi gà gáy lần đầu tiên là báo hiệu lúc 12 giờ đến 1 giờ sáng, lần hai khoảng 2 giờ đến 3 giờ sáng và lần cuối cùng khoảng 5 giờ sáng; mặt trời mới mọc là 6 giờ sáng, đứng bóng là 12 giờ trưa và lặn khoảng 6 giờ chiều.

Cách tính tháng: là cư dân nông nghiệp, từ xa xưa việc trông trăng để biết thời gian trồng tỉa là rất quan trọng. Những tri thức đó đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người và được mọi người áp dụng trong đời sống hàng ngày. Người Mạ tính tháng dựa vào mốc thời gian từ rằm tháng này đến rằm tháng kia, là một tháng. Ngày rằm trăng rất tròn và sáng, họ thường gọi là trăng mẹ và trăng con. Hoặc họ tính trăng lên đến khi trăng lặn rồi trăng lên tiếp lần nữa là một tháng. Ngoài ra, người Mạ dùng một ống tre khắc lên đó, cứ mỗi mùa trăng đi qua họ lại khắc một vạch lên trên ống tre. Ống tre này không những chỉ tính tháng mà con giúp tính ngày sinh tháng đẻ của con cái họ (8).

Nông lịch

Người Mạ tính ngày tháng theo âm lịch. Lịch của họ trong một năm tính theo chu kỳ vòng cây trồng. Đồng thời, chu kỳ săn bắn, hái lượm, dựng vợ gả chồng, làm nhà cũng tính theo nông lịch. Theo truyền thống, người Mạ khi muốn làm việc gì đều tính toán kỹ lưỡng ngày này có nên làm hay không, nếu thuận thì mới làm, nếu không thuận thì gác lại đến khi làm được mới thôi.

Bảng 23: Lịch thời vụ trong một năm (theo âm lịch)

Tháng

Tên Mạ

Việc làm ngày xưa

Việc làm ngày nay

1

Dul

Mùa cưới xin, lễ kết bạn, chọn đất làm rẫy

Mùa cưới, ăn tết, dọn cỏ điều

2

Var

3

Pe

Chặt cây, phơi cho khô nỏ; lễ hội cúng thần lúa; dọn rẫy chuẩn bị gieo hạt

Cày, xới đất chuẩn bị làm lúa vụ đầu (lúa 3 vụ, mỗi vụ ba tháng); trồng các loại cây công nghiệp, thu hoạch điều, chè.

4

Puôn

Cúng hồn lúa, gieo hạt lúa sớm, trồng các loại cây lương thực đậu, mè, bắp, bầu bí…

Xạ lúa, tiếp tục thu hoạch điều, chè, cà phê, lột vỏ hạt điều

 

5

Pram

Gieo lúa vụ chính, làm cỏ, chăm sóc rẫy

Đan lát, chăm sóc làm cỏ mạ, mót điều, thu hoạch cà phê, lột vỏ hạt điều

6

Prau

Làm cỏ rẫy, thu hoạch bầu, bí, đậu

Đan lát, chăm sóc lúa ruộng, tỉa cành làm rẫy điều, đi hái măng rừng

7

Pỏ

Thu hoạch bắp và các loại hoa màu, đi hái củ rừng, đan lát, dệt vải

Thu hoạch lúa

8

Phàm

 Nông nhàn, khai thác nguồn lợi tự nhiên (săn bắn, đánh bắt cá, lấy dầu chai…), hoạt động tại nhà: đan lát, dệt vải.

Làm lúa vụ 2

 

9

Xỉn

10

Dật

Thu hoạch lúa rẫy và các cây lương thực xung quanh

Thu hoạch lúa vụ 2, chăm sóc xịt thuốc dưỡng cho rẫy điều

11

Dật dul

12

Dật var

Lễ hội đâm trâu, ăn mừng lúa mới

Cấy xong ruộng vụ nhất, ăn tết

 

Nguồn: Tư liệu điền dã của nhóm tác giả, năm 2012, 2013

Hiện nay, do điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, để nâng cao hiệu quả sản xuất, người Mạ cũng đã biết kết hợp hài hòa những tri thức bản địa với khoa học kỹ thuật, ứng dụng máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu vào sản xuất để cho năng suất cao. Tuy nhiên, số lượng người ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Hầu hết, họ vẫn còn thói quen dựa vào nước trời và phân trời, vì vậy năng suất của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao (9).

Thay lời kết

Ngày nay, TTBĐ của người Mạ trong ứng xử với tự nhiên, với canh tác nông nghiệp đã được lưu truyền ở trong cộng đồng, gia đình, dòng họ, bon làng dù không có ranh giới rõ ràng. Môi trường sinh sống ở các vùng có khác nhau, song người Mạ đều truyền dạy cho con cháu của mình phương thức canh tác nông nghiệp, để tồn tại và phát triển nhưng vẫn gìn giữ những luật tục, bảo vệ, duy trì môi trường sống, hệ sinh thái.

Có thể khẳng định rằng: TTBĐ trong canh tác nông nghiệp, trong ứng xử với môi trường tự nhiên của người Mạ thể hiện rõ nét bản sắc của cư dân nông nghiệp, rất cần tham khảo, học tập, nhất là dân di cư tự do lên trên vùng đất Lâm Đồng – địa bàn sinh sống của người Mạ và các tộc người bản địa khác.

_______________

1. Trần Văn Ánh – Lâm Nhân, Tri thức bản địa người Xtiêng tỉnh Bình Phước, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 321, tháng 3-2011, tr.21-27.

3, 4. Roy Ellen & Holly Harris, Tri thức bản địa về môi trường và những biến đổi, Các quan điểm nhân học phê phán, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010, tr.23, 24.

5. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984, tr.174.

6. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TW, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: kết quả toàn bộ, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2009, tr.173.

7. Trích nhật ký điền dã của Quỳnh Châm, thành viên đề tài tháng 7-2013.

8. Trích nhật ký điền dã của Phan Đình Dũng, thành viên đề tài, tháng 7-2012.

9. Theo báo cáo kết quả khảo sát: sản xuất cà phê vùng Lộc Bắc, Lộc Bảo, mỗi một héc ta cà phê do người Kinh trồng sẽ cho ra khoảng 6 tấn đến 10 tấn, người Mạ trồng chỉ dưới 3 tấn/héc ta (tr.82).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Đỗ Ngọc Anh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *