Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống trên dải đất Trường Sơn -Tây Nguyên, tộc người Xê Đăng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) yêu thích ca hát và họ sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống phục vụ cho nhu cầu này. Các nhạc cụ dân gian như: đàn, sáo dọc, ống vỗ kloongbút, cồng chiêng nói chung và trống Bo đô nói riêng không chỉ gắn bó với người Xê Đăng, trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa tinh thần, mà còn gắn với nghi lễ, tín ngưỡng riêng…
Trong sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống cồng chiêng và trống Bo đô của đồng bào dân tộc Xê Đăng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), luôn hòa quyện với cồng chiêng, mang lại âm thanh đặc sắc
Trống Bo đô là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người Xê Đăng, nó không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường mà còn là nhạc khí thiêng, gắn kết con người với thế giới thần linh. Chế tác loại trống này phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu, phức tạp đồng thời phải tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt. Do vậy, nghi lễ làm trống Bo đô của người Xê Đăng được lưu truyền từ đời này qua đời khác với nhiều nét độc đáo, mang nghi thức luật tục, cúng thần linh. Già làng Hồ Văn Ruổi (75 tuổi), người Xê Đăng, hiện sống tại nóc Đắk Ta (thôn 4), xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Chiếc trống Bo đô được làm từ cây gỗ dổi tự nhiên trong rừng nơi người Xê Đăng sinh sống. Sau khi chọn được một cây to, thẳng, không bị dị tật, gia đình phải tổ chức một lễ cúng để báo cáo tổ tiên, ông, bà, xin phép các thần linh cho được đi rừng chặt cây, làm trống. Lễ vật là một con gà, ít rượu, trầu cau, cúng trong một ngày. Nhóm thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây, mang theo rìu và chiêng. Họ đến bên cây gỗ dổi lớn đã chọn trước, sau lễ cúng thì theo điệu chiêng múa rìu xung quanh cây gỗ. Theo quan niệm của người Xê Đăng, nghi thức này có ý nghĩa xua đuổi tà ma khỏi cây mà mình đã chọn. Kết thúc nghi thức, chàng trai tài giỏi nhất trong đoàn đứng từ xa phóng rìu cắm phập vào thân cây, sau đó cả đoàn người ra về.
Trống Bo đô của người Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My
Sáng hôm sau, mọi người vào lại rừng, nếu lưỡi rìu bám chắc trên thân cây có nghĩa là thần linh đã đồng ý, lúc đó mới tổ chức hạ cây, đẽo tang trống. Còn nếu bất cứ vì lý do gì mà lưỡi rìu rơi xuống đất, tức là thần linh không cho, phải bỏ cây đó và tổ chức làm lễ xin cây khác. Tang trống được đẽo ngay tại rừng, rồi mới đưa về nhà. Khi tang trống về nhà, phải làm lễ cúng thần linh với lễ vật là một con gà, ít rượu, trầu cau. Sau lễ cúng thì tổ chức đục tai trống và tiến hành bịt da cho trống.
Trống Bo đô có hai mặt bịt bằng da sơn dương. Tang trống được chế tác từ một khúc gỗ dổi liền, có chiều dài 50cm, đường kính khoảng 22cm. Dọc theo tang trống, người Xê Đăng chằng các sợi dây mây để làm căng hai mặt da. Da được thuộc một cách thủ công bằng muối, lá cây và vỏ cây rừng giã ra lấy nước ngâm khoảng 3 ngày. Để bịt da vào tang trống, người Xê Đăng kê tang trống lên gỗ, xung quanh đóng cọc. Tấm da sơn dương còn ướt được trùm lên tang trống, xung quanh dùi buộc dây mây hoặc dây bện từ da trâu. Các sợi dây được xoắn lại. Trước mỗi lần xoắn dây, tấm da sơn dương lại được vuốt nước cho mềm và được bịt xuống một nửa tang trống, chỉ chừa ra một đoạn khoảng 2 đến 3 cm đúng vào vị trí đã được đục lỗ, tạo móc để treo trống khi di chuyển. Sau khi mặt trống đã có độ căng đạt yêu cầu, người Xê Đăng dùi lỗ quanh tang trống để đóng chốt tre thành một hàng hoặc hai hàng, cách mặt trống khoảng 10 cm. Khoảng cách này dùng để chèn các nêm tre làm căng lại mặt trống đã bị chùng. Khi diễn tấu, nghệ nhân ôm hoặc đeo, hai bàn tay vỗ trên mặt trống.
Trống Bo đô luôn theo người Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng
Từ lâu, trong sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc Xê Đăng huyện Nam Trà My (Quảng Nam), cồng chiêng và trống Bo đô luôn hòa quyện tạo nên âm thanh đặc sắc. Người Xê Đăng nơi đây rất tự hào về tài sản âm nhạc dân gian của dân tộc mình. Họ luôn lưu giữ và truyền dạy rất kỹ lưỡng các công đoạn làm trống, cách đánh trống Bo đô cho lớp trẻ nên những thanh niên Xê Đăng lớn lên hầu như đều biết chế tác và làm được trống Bo đô. Chính nhờ vậy, trống luôn có mặt ở tất cả các sinh hoạt văn nghệ dân gian từ gia đình đến cộng đồng. Với người Xê Đăng, trống Bo đô rất mộc mạc, chân thành, khoáng đạt và là nơi gửi gắm về một cuộc sống thanh bình, no đủ và hạnh phúc.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng trống Bo đô không còn nhiều như trước, một phần do nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Đây cũng chính là thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của chiếc trống Bo đô độc đáo của dân tộc Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam).
Tác giả: Nguyễn Văn Sơn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)