Lịch sử hình thành và phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại chưa phải là dài (khoảng hơn nửa thế kỷ, bắt đầu từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945). Dòng mạch này liên tục được khơi nguồn, đến nay đã có một đội ngũ sáng tác tương đối hùng mạnh với những thành tựu đáng kể, góp phần khẳng định vị trí vững chắc trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong đội ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Vi Hồng thuộc lớp thế hệ nhà văn đầu tiên. Đóng góp ở rất nhiều lĩnh vực sáng tác: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình, nghiên cứu văn học, kịch…mỗi trang viết của ông đã góp phần làm giàu thêm cảm xúc và kinh nghiệm thẩm mỹ cho mỗi độc giả.
Truyện ngắn vốn là một thể loại đặc biệt thu hút nhiều sự quan tâm của các cây bút văn xuôi, bởi đến với thể loại truyện ngắn cũng là đến với những thử thách vô cùng khắc nghiệt mà thông qua đó mỗi phong cách cá nhân sẽ được định hình và khẳng định vị trí của mình trong nền văn học.
Truyện ngắn của đồng bào dân tộc thiểu số hình thành và phát triển vào đầu TK XX, với những đặc điểm của truyện ngắn nói chung và những nét độc đáo riêng biệt của vùng miền nói riêng. Cũng được xây dựng bằng những cốt truyện gay cấn, tình tiết phong phú, hình ảnh sinh động, nhưng chất liệu làm nên đặc sắc trong truyện ngắn dân tộc thiểu số chính là phong tục, tập quán, thiên nhiên… nơi những con người miền núi đang sinh sống với nhiều vất vả, gian nan nhưng vô cùng thân ái, giàu lòng vị tha. Ngôn từ trong các sáng tác vẫn mang nét đặc trưng riêng của mỗi phong cách cá nhân, nhưng đồng thời lại là sự tiếp thu có chọn lọc của chất liệu văn học dân gian với những điệu hát sli, hát lượn hay giọng điệu sử thi hào sảng đậm chất anh hùng ca. Có thể khẳng định, văn học dân tộc thiểu số nói chung và truyện ngắn nói riêng đã, đang và mãi vươn lên khẳng định mình một cách mạnh mẽ về cả nội dung và phương thức biểu hiện.
Làm giàu cho kho tàng truyện ngắn các dân tộc thiểu số không thể không nhắc đến Vi Hồng – người con của dân tộc Tày – nhà văn đậm chất miền núi đã để lại một khối lượng tác phẩm sâu sắc, hấp dẫn về cách cảm, cách nghĩ của con người vùng cao chân chất, thật thà, giàu đời sống nội tâm vàvô cùng hồn hậu. Với tâm niệm: “Hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra trừ diệt cái ác, kẻ ác. Tôi cho rằng đây là sứ mệnh cao cả muôn đời cho mọi nhà văn trên thế giới” (1). Vi Hồng dành trọn tình yêu cho văn chương, cống hiến cả cuộc đời mình cho công việc lao động nghệ thuật, và hàng loạt truyện ngắn của ông đã, đang, sẽ được độc giả đón nhận với một tình cảm trân quý. Cho dù có phải “một mình một ngựa” trên con đường chông gai của văn chương, nhưng ông không ngừng kiếm tìm những giá trị vĩnh cửu của đời sống, mang đến cho người đọc một sức sống mới, một nguồn cảm hứng mới, một nghệ thuật thể hiện mới về mảng đề tài vừa quen vừa lạ của dân tộc mình.
Trong các truyện ngắn, Vi Hồng đặc biệt quan tâm đến đề tài miền núi, đặc biệt là những nét văn hóa của dân tộc Tày. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép của cuộc sống, mỗi nhân vật là một con người giàu sức sống, bộc trực, thật thà, họ không chỉ sống tốt mà còn biết truyền một niềm tin mãnh liệt về tình yêu thương, lòng chung thủy và khát vọng sống.
Một trong những yếu tố làm nên thành công trong truyện ngắn của Vi Hồng chính là cách xây dựng thế giới nhân vật độc đáo. Truyện ngắn Pặm (1983) kể về nhân vật Pặm – một cô bé có những nét bộc trực của tuổi trẻ, nhưng lại thiếu niềm tin vào cuộc sống – luôn bị mọi người trong gia đình khinh thường, hàng xóm trọc ghẹo. Lắm hôm bị cha mắng mỏ, Pặm chỉ biết bỏ cơm đi chăn trâu với cái bụng đói meo. Nhưng rồi Pặm đã gặp Ngà – người con gái cần cù chăm chỉ đã biết truyền ngọn lửa niềm tin cho Pặm, khi được Ngà phân tích, động viên thì cô gái Pặm lại trỗi dậy bao ước mơ, hoài bão. Từ một cô gái tự ti, nhút nhát, Pặm đã chăm chỉ lao động, tự tin vươn lên để khẳng định mình.
Đó là những nhân vật có khát vọng yêu thương, chung thủy như Đuông Thang và người chồng Tăng Ló trong truyện ngắn Đuông Thang: “Tôi không muốn nhìn thấy Đuông Thang chết! Ôi con người như một bông hoa trên vách núi mà… chết!… Đuông Thang! Đi thôi! Bởi còn đứa con! Một hạt máu của chúng ta… Đừng cho nó cùng chết! Nó mới biết cái sống mới vài ngày thôi mà! Trời!…”. Và sau tất cả những trở ngại, Đuông Thang được Tăng Ló đón trở về với tấm lòng bao dung, chở che của một người chồng. Đó chính là sự yêu thương, là tình cảm vợ chồng gắn bó và khát vọng hạnh phúc thủy chung.
Trong truyện ngắn Đường về với mẹ chữ (1994) thì câu chuyện lại kể về 7 học sinh Cao Bằng vượt hơn 200km để đến trường Lương Ngọc Quyến Thái Nguyên học cái chữ: “Chúng tôi học lớp 7, có 28 học sinh… con đường đi học thật vất vả, xa xôi. Mấy anh em, con cháu Cao Bằng chúng tôi phần lớn đều ở huyện Hòa An đi về Thái phải mất 250 cây số… gió mùa đông Bắc lùa đủ cả bốn chiều, như muốn vùi dập những người học sinh xa xứ chúng tôi…”. Trước những khó khăn, thiếu thốn, gian khổ như vậy nhưng trên hết vẫn là nghị lực phi thường, một lòng hướng tới mẹ chữ.
Hay cái sức sống tiềm tàng, nghị lực phi thường của những người con miền núi còn được thể hiện qua tác phẩm Đi theo đường mặt trời (1983). Họ đã biết đứng dậy đấu tranh chống lại những hủ tục lạc hậu vốn đã ăn mòn trong nhận thức cổ hủ từ bao đời nay để cải tạo cuộc sống của chính mình.
Mỗi số phận, mỗi nhân vật trong các tác phẩm của Vi Hồng là một hình tượng độc đáo thể hiện sức sống của họ không phải ở đâu xa mà ngay trước mắt chúng ta. Những ý chí trong học tập của thế hệ trẻ, những tư tưởng tiến bộ…, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người miền núi: vẻ đẹp về ý chí, nghị lực, về niềm tin vào cuộc sống.
Vi Hồng không đẩy các nhân vật của mình vào bước đường cùng, vào những tình cảnh éo le không lối thoát mà thông qua số phận các nhân vật, đã giúp cho người đọc nhận ra những cung bậc cảm xúc, những đặc điểm tính cách, hành động của nhân vật để từ đó thấy được giá trị bền vững của vẻ đẹp chân, thiện, mỹ. Mỗi câu chuyện là một gam màu khác nhau về cuộc sống núi rừng Tây Bắc. Bên cạnh những con người đầy niềm tin, khát vọng, thật thà, muốn được yêu thương và khẳng định sự chung thủy, Vi Hồng còn khắc họa một bộ phận những con người giả dối, nịnh hót. Đó cũng chính là sản phẩm của hiện thực xã hội miền núi lạc hậu, nghèo nàn, đang dần thích nghi với cuộc sống xã hội hiện đại, đó là suy nghĩ thiển cận của những con người ích kỷ, cá nhân nhưng lại muốn thống trị cuộc sống bằng nhiều thủ đoạn. Ví như truyện Béc Kha Cải phê phán những kẻ quyền chức tham lam, chỉ ưa những lời nịnh hót, đằng sau ý đồ thâm hiểm của Béc, chủ tịch Kha đã phải chuốc lấy cái chết. Hay truyện Ké Ỳnh, ké Àng phản ánh những tâm lý xấu xa của những kẻ tư lợi cá nhân, không hết lòng vì tập thể “việc chung khênh lá mo, việc riêng làm bằng bò”. Qua đó, ta thấy thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Vi Hồng hiện lên phong phú, đa dạng, có khi họ là những người dân tộc khoác lên mình bộ áo chàm của sự thật thà, chất phác, đầy ắp lòng yêu thương và niềm tin vào cuộc sống… nhưng cũng có khi, đó lại là những con thú độ lốt người độc ác, tàn nhẫn, sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để tranh giành lợi ích cho bản thân. Nhưng dù đó là những nhân vật phản diện hay chính diện, thì cái tài của nhà văn Vi Hồng chính là con mắt quan sát tinh tế để phản ánh thẳng thắn sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác đang ngày ngày diễn ra trên khắp bản làng núi rừng Tây Bắc.
Tìm hiểu truyện ngắn Vi Hồng, chúng ta cũng không thể bỏ qua cách nhà văn xây dựng tình huống truyện độc đáo, đầy hấp dẫn.
Theo tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, “quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra tình huống nào đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng” (2). Như vậy, tình huống truyện là những sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn đưa vào tác phẩm mang tính lạ hóa, nó là yếu tố sống còn và là hạt nhân làm nên cấu trúc của truyện ngắn.
Với Vi Hồng, bên cạnh việc xây dựng tình huống truyện tâm trạng, nhà văn còn chú trọng đến tình huống truyện nhận thức. Chuyện xảy ra giữa mùa cá vật là câu chuyện như vậy. Cuộc sống núi rừng bản Lùng Kít đầy ắp tài nguyên thiên nhiên “cứ từ tháng chạp đến hết tháng ba ta là mùa cá chép ở dòng Nặm Thoong vật đẻ. Người Lùng Kít gọi những tháng đó là mùa cá vật, hay mùa cá đẻ”, vào mùa này cá chép đẻ đông đúc nhất, “chẳng mấy chốc, những con cá chép to, vật đẻ ầm ầm vào cái vòn của ông như người ta tung từng tảng đá xuống trước mặt”… Giữa khung cảnh thiên nhiên đẹp hoang sơ, hình ảnh con người miền sơn cước hiện lên mộc mạc giản dị. Vơn và Lìn yêu nhau, tình yêu của họ cũng tự nhiên như mùa cá vật, nhưng rồi họ không thể tổ chức đám cưới chỉ vì cha của Vơn thách cưới quá cao. Đến mùa cá đẻ, trong lúc bố của Lìn là ké Keng ra thác để bẫy cá thì vớt được Vơn bị ngã xuống vực do đi tìm bọc tiền của ông Trường mà cô làm thủ quỹ vô tình đánh rơi. Chứng kiến tình huống con được cứu sống và nhận lại số tiền đã bị đánh rơi, trong lòng ké Toong – bố Vơn – đầy ắp sự xấu hổ và ân hận. Thông qua tác phẩm, nhà văn Vi Hồng muốn chia sẻ: “Hãy coi tiền bạc như cỏ rác, chỉ có mặt mũi mới đáng giá ngàn vàng”.
Hay qua truyện Béc Kha Cải nhà văn cũng gửi gắm đến chúng ta một thông điệp: hãy sống và làm việc một cách nghiêm túc, không nịnh hót, giả dối, không mua quan bán chức để phải ân hận, trả giá như chủ tịch Kha. Các tình huống trong truyện ngắn của Vi Hồng không gay cấn, sôi sục mà nó nhẹ nhàng, chất phác nhưng cũng rất mặn nồng, sâu sắc như chính tính cách của những con người núi rừng nơi đây.
Có một điều đặc biệt, truyện ngắn của Vi Hồng là sự khám phá của kiểu cốt truyện liền mạch. Tiêu biểu như truyện ngắn Người làm mồi bẫy hổ, kể về những đứa trẻ trong mường Cốc Nặm “bị bọn người xấu bắt nhốt vào cũi để trong rừng sâu làm mồi bẫy hổ”. Nhưng nhờ trí thông minh của chúng và sự giúp đỡ của người tốt bụng xung quanh mà các em đã được giải cứu, đồng thời thằng Thỉ – kẻ ác độc đã bị trừng trị: “Từ nay, thằng Thỉ chắc không dám về mường nữa. Từ nay, có anh Thàn ở bên mẹ con Nen, cuộc đời sẽ khác…”. Truyện dài 14 chương, nhưng có sự liên kết chặt chẽ từ lúc bọn trẻ bị bắt cho đến khi có cuộc hội ngộ kỳ diệu, đó chính là sự minh chứng cho truyện mang tính liền mạch của Vi Hồng.
Kiểu kết cấu liền mạch, các sự kiện trong truyện được triển khai liên tục, diễn ra theo quan hệ nhân quả còn được thể hiện qua Sự tích Hang cứu tôi với. Hang là nơi sinh sống của loài khỉ, nhưng cuộc sống của chúng không được yên bình khi có tên nghiện bào thai khỉ xuất hiện. Hắn rình rập cả ngày để bắn tên tẩm thuốc độc vào khỉ mẹ đang mang thai. Có ngày hắn bắn chết cả chục con khỉ đang chuẩn bị làm mẹ… Tuy được khỉ chúa (con khỉ biết nói tiếng người) van xin nhưng không thành thì bầy khỉ đã nghĩ ra mưu kế khiến tên thợ săn phải rơi vào tầng đáy địa ngục của họ nhà khỉ và van xin thảm thiết: “Cứu tôi với! Lần sau tôi chừa săn khỉ! Cứu tôi với!… Cứu tôi với!…”. Truyện ngắn Vi Hồng còn mang đặc điểm của cốt truyện tuyến tính, truyện gì có trước kể trước, mối quan hệ nhân quả được duy trì, nhân vật phản diện luôn bị trừng trị và nhân vật chính diện sẽ được đền đáp. Chính cốt truyện gần gũi với văn học dân gian đã khiến truyện ngắn Vi Hồng thêm phần hấp dẫn.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Vi Hồng mang tính dân gian đậm đặc. Với quan niệm viết văn cũng là để phục vụ chính dân tộc mình, Vi Hồng đã khéo léo khi đưa cả những câu hát vui vẻ khi thấy mưa cứu nước cho mùa màng, câu hát lượn mang đặc điểm văn hóa dân tộc Tày vào trong các sáng tác… Để các nhân vật dùng lời ăn tiếng nói dân tộc, Vi Hồng càng khắc họa đầy đủ hơn văn hóa, tập quán, quan điểm sống của người miền núi vốn xa lạ, riêng biệt ngày càng được hòa nhập, gần gũi hơn trong tâm trí độc giả.
Qua truyện ngắn của Vi Hồng, chúng ta nhận thấy sự tài tình của tác giả khi khai thác đề tài dân tộc thiểu số, không tách rời khỏi đặc điểm và yêu cầu của truyện ngắn nói chung, nhưng vẫn đọng lại những dấu ấn riêng biệt trong cách cảm cách nghĩ của con người miền núi. Với nội dung phong phú, phản ánh tập quán sinh hoạt, nghi lễ của con người vùng cao; cách xây dựng nhân vật, tình huống, cốt truyện đa dạng cùng với sự tiếp thu chất liệu dân gian, ngôn ngữ trong sáng, giản dị… sáng tác của Vi Hồng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Vi Hồng, nhà văn luôn lưu giữ vẻ đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc qua những trang viết của mình sẽ còn sống mãi với thời gian, không gian của núi rừng Tây Bắc…
______________
1. Các trích dẫn truyện của Vi Hồng từ nguồn: Khoa Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên, Vi Hồng – tác phẩm và dư luận, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2015.
2. Nguyễn Đăng Mạnh, Truyện ngắn hôm nay, báo Văn nghệ, số 48, 30-11-1991.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017
Tác giả : HOÀNG ĐIỆP
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài