TRUYỆN NÔM TỪ THỨC DƯỚI GÓC NHÌN LIÊN VĂN BẢN

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 4 trong 10 thế kỷ văn học trung đại để hình thành, phát triển đến đỉnh cao, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử, song truyện Nôm đã để lại di sản vô cùng phong phú cho văn học dân tộc. Đến nay các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được hơn 100 truyện Nôm thuộc nhiều nhóm đề tài khác nhau; trong tổng tập văn học Việt Nam cũng như tổng tập tác phẩm Nôm Việt Nam, thể loại này luôn được sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu với dung lượng tương đối lớn. Với nội dung đầy chất nhân văn, phản ánh sinh động những khát vọng, ước mơ cao đẹp của con người, hình thức nghệ thuật dung dị, gần gũi với lời nói thường ngày mà vẫn sáng tạo, truyện Nôm đã chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Từ lâu truyện Nôm đã có nhiều công trình mang tính khoa học, thực tiễn cao; trong đó, có hướng nghiên cứu theo đặc trưng thể loại, loại hình, so sánh văn học…

Những năm gần đây, hướng nghiên cứu liên văn bản đã được đề xuất, đạt được những thành tựu đáng kể. Mặc dù hướng nghiên cứu này đã có dấu ấn trong các công trình sử dụng phương pháp so sánh, truy nguyên nguồn gốc như nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du trong tương quan với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hoặc các công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa truyện Nôm bình dân với văn học dân gian… Song nếu nghiên cứu truyện Nôm dưới góc nhìn liên văn bản với đầy đủ đặc điểm của nó, ít nhiều sẽ phát hiện được các hiện tượng lý thú, khơi gợi nhiều liên tưởng, gọi dậy nhiều kinh nghiệm đọc của độc giả khi tiếp cận một văn bản, đặc biệt với những truyện Nôm có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam.

Trong kho tàng vô cùng phong phú của truyện Nôm, Từ Thức là một tác phẩm độc đáo, cốt truyện đã có mặt trong nhiều tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại, từ dân gian đến văn học viết như Từ Thức tiên hôn lục của Nguyễn Dữ, Từ Thức tiên hôn của Lê Khắc Khuyến, truyện Nôm khuyết danh Từ Thức, chèo Từ Thức. Điều đó có nghĩa là truyện Nôm Từ Thức có mối liên hệ khá phong phú với nhiều văn bản khác, vì vậy chúng tôi mạnh dạn đề xuất hướng tìm hiểu truyện Nôm này dưới góc nhìn liên văn bản.

Tính liên văn bản là khái niệm bắt đầu xuất hiện vào nửa sau TK XX ở phương Tây, sau một thời gian ngắn tiếp nhận dè dặt, lý thuyết này đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu văn bản, văn học trên thế giới, trong nước quan tâm, nhiều người đã vận dụng lý thuyết này để nghiên cứu các văn bản cụ thể.

Lý thuyết về tính liên văn bản lần đầu được khởi xướng bởi Julia Kristeva, một nhà phân tâm học, phê bình văn học, triết học người Pháp. Tuy nhiên, cũng cần nhắc tới vai trò của các nhà hình thức luận Nga, như V.Shklovski,   R.Jacobson, J.Tynianov…, cùng những nhà nghiên cứu tiếp sức cho khái niệm này như P.Sollers, R.Barthes, H.Bloom…

Nhìn chung, đến nay quan niệm về tính liên văn đều có ít nhiều sự khác biệt giữa các nhà nghiên cứu, song về cơ bản có thể hiểu tính liên văn bản là một khái niệm nhằm chỉ tất cả các mối quan hệ văn học. Với Bakhtin là tính đối thoại, với Kristeva là sự chuyển vị, với Barther là tính đa bội, với Bloom là mối lo ảnh hưởng, đọc nhầm… Nó nảy sinh trong bối cảnh tất cả những gì biệt lập, cô lập, đơn nhất đều bắt đầu bị tan rã; ý thức về tính liên hệ, quan hệ, đa nguyên hình thành.

Với quan điểm như vậy, có thể hiểu rằng một văn bản văn học không phải là một cấu trúc đóng kín, một thế giới biệt lập, càng không phải là một vũ trụ với hệ thống các quy luật, nguyên tắc riêng biệt mà ngược lại mỗi văn bản luôn trong trạng thái gắn kết với các văn bản văn học khác, các loại hình khác, với đời sống… Tác giả Lại Thị Xuân cho rằng: “Hiểu liên văn bản là thuộc tính bản thể của mọi văn bản, các nhà nghiên cứu xem văn bản được viết ra là giao điểm của vô vàn văn bản” (1). Ngay cả một yếu tố ngôn ngữ, ký hiệu, hình ảnh, cốt truyện, nhân vật, tư tưởng… đều không phải tự hình thành, đứng đơn độc. Sự kết nối các yếu tố của văn bản có thể do chủ định của tác giả, do sự chi phối của những nguyên tắc sáng tạo trong một giai đoạn lịch sử văn học nhất định, do ngữ cảnh văn hóa, do đặc điểm lịch sử xã hội hay nhiều căn nguyên khác, trong đó có cả sự ngẫu nhiên, là ký ức văn hóa, ngôn ngữ của người viết.

Văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật theo kiểu mẫu có sẵn đã thành công thức, ảnh hưởng của quan niệm thẩm mỹ hướng về quá khứ, thiên về cái tao nhã, ưa sử dụng điển tích, điển cố, thi văn liệu Hán học với bút pháp ước lệ, tượng trưng; đồng thời tác giả, độc giả của nền văn học trung đại thường có hiểu biết khá phong phú về điển tích, điển cố, các thi văn liệu Hán học… Do đó, vận dụng những chất liệu trên trong sáng tác, tiếp nhận đã trở thành ý thức trong đời sống văn học trung đại. Các hiện tượng mượn cốt truyện, tập cổ, dụng điển, ước lệ, sự ảnh hưởng của tôn giáo, hội họa, âm nhạc, đời sống xã hội… là dạng thức quen thuộc của hiện tượng liên văn bản trong văn học trung đại.

Truyện Nôm Từ Thức phải mượn cốt truyện của các văn bản thuộc thể loại khác ra đời trước, căn cứ lịch sử phát triển của các thể loại văn học (cả dân gian, văn học viết) thì đó chính là truyện cổ tích, truyện truyền kỳ, mượn các sự kiện trung tâm, diễn biến cốt truyện, các yếu tố về con người, địa danh từ cổ tích đến truyện truyền kỳ. Đến lượt mình, cốt truyện này lại là chất liệu được hiện diện trong các văn bản Từ Thức tiên hôn của tác giả Lê Khắc Khuyến, chèo cổ Từ Thức cùng một số bài thơ, có sự dịch chuyển, tiếp nhận, chuyển hóa qua lại cốt truyện Từ Thức ở các văn bản thuộc các thể loại khác nhau, trong đó có truyện Nôm Từ Thức.

Hiện tượng mượn cốt truyện vốn không xa lạ với văn học trung đại, song ở đây, cốt truyện Từ Thức được tái hiện nhiều nhất về thể loại, số lượng văn bản với 5 thể loại (cổ tích, truyện truyền kỳ, truyện Nôm, kịch bản chèo, thơ) cùng hàng chục văn bản. Trong số đó, riêng cốt truyện trong truyện Nôm Từ Thức đã được sáng tạo thêm đoạn cuối, có giá trị là một sự kiện mới, quan trọng, ngang hàng với chuỗi các sự kiện trung tâm, tạo kết thúc khác, khiến cho ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm có bước chuyển mới. Hầu hết các văn bản có cốt truyện này đều kết thúc ở sự kiện Từ Thức sau khi trở lại trần gian, ngỡ ngàng bởi cảnh, bởi người đã trôi xa hàng trăm năm, tuyệt đường trở lại tiên cảnh, bơ vơ giữa trần thế, đã đi vào trong núi rồi mãi về sau không thấy trở về. Còn trong truyện Nôm, có lẽ để trọn vẹn kết cấu gặp gỡ – tai biến – đoàn tụ, cũng để thỏa lý tưởng tài tử sánh với giai nhân nên đã thêm vào đoạn cuối diễn biến tâm trạng nhớ nhung của Giáng Hương khiến nàng phải cầu xin Kim Tiên cho Từ Thức trở lại tiên giới. Động lòng, Kim Tiên đã đồng ý cho Từ Thức, Giáng Hương đoàn tụ. Đây chính là điểm độc đáo trong sự kế thừa, chuyển hóa đồng thời là sự sáng tạo mới về cốt truyện của truyện Nôm Từ Thức. Sự sáng tạo đó tất yếu phải xuất phát từ những triết lý nhân sinh, từ lý tưởng, hoài bão của tác giả.

Không chỉ có sự liên văn bản về cốt truyện với các văn bản khác trong văn học Việt Nam, cốt truyện Từ Thức ở một góc độ nào đó rất gần với môtip tiên nữ hạ phàm, phàm nam lên tiên, đã từng xuất hiện nhiều trong văn học, văn hóa Trung Quốc. Tác giả Trần Đình Sử trong bài Nguyễn Dữ và tiên thoại Trung Quốc đã khẳng định rằng: “Trong Từ Thức lấy vợ tiên có dấu ấn của 2 môtip, môtip tiên nữ giáng trần trong Truyện Huyền Siêu (kể truyện ngọc nữ Trí Quỳnh xuống trần làm vợ Huyền Siêu), lại thấy có cả dấu ấn của môtip nam phàm lên tiên khi khảo sát truyện Hàn Tử trong Liệt tiên truyện của Lưu Hướng đời Hán, Lưu Nguyễn nhập thiên thai trong Sưu thần ký của Can Bảo, trong U Minh Lục của Lưu Nghĩa Khánh” (2).

Tính liên văn bản của truyện Nôm Từ Thức còn có thể thấy ở sự gặp gỡ của các câu thơ trong truyện Nôm với nhiều văn bản khác như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, tạo nên sự liên hệ qua lại khá lý thú giữa các văn bản.

Khi thể hiện nỗi lòng nhớ nhung, tơ tưởng của Từ Thức với Giáng Hương, có lúc đến mức quên cả thú vui tao nhã với câu thơ, tiếng đàn, truyện Nôm có viết:

Sầu dường bể, khắc dường năm

Câu thơ biếng nghĩ, khúc cầm biếng thêu

Đến đây, người đọc không thể không nghĩ đến tâm trạng nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ nhớ chồng trong Chinh phụ ngâm với câu thơ nguyên tác sầu tựa hải, khắc như niên, được diễn Nôm:

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa

Khi nói về bước đi của thời gian, nếu trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Sen tàn cúc lại nở hoa, thì truyện Từ Thức cũng mượn hình ảnh tương tự: Sen tàn thôi lại cúc xanh theo màu.

Nói về sự quấn quýt, gắn bó của lứa đôi, chồng vợ giữa Từ Thức với Giáng Hương, có câu: Tuy rằng chắp cánh liền cành hay Ba sinh phận đẹp cưỡi rồng, để hiểu hơn ý thơ, người đọc có thể liên tưởng đến câu thơ trong Chinh phụ ngâm:

Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh

Nọ loài chim chắp cánh cùng bay

Hay ở Truyện KiềuPhỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

Khi Từ Thức chạnh lòng nhớ quê hương, truyện Nôm khắc họa tâm trạng như sau:

Buồn trông cửa bể mịt mùng

Lá buồm thương khách vẫn dòng Nam Minh

Tâm trạng đó ở phương diện nào đó rất gần với tâm trạng Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích mà trông ngóng về quê cũ:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Cũng trong truyện Nôm Từ Thức, ta lại thấy quy luật tình cảm, mối quan hệ tình – cảnh trong thơ ca trung đại được láy lại trong những câu như:

Người buồn gặp cảnh thêm phiền

Tiếc người nhớ cảnh đòi phen chạnh lòng

Câu thơ trên rất gần gũi với câu thơ trong Truyện Kiều: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ hay trong Chinh phụ ngâmCảnh buồn người thiết tha lòng.

Ngay cả những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt thì đâu đó vẫn chứa đựng dấu vết của những văn bản khác. Từ Thức, một huyện quan đi xem hội, có người hầu cận đi theo, vậy mà không có tiền để chuộc người. Huyện quan không có tiền thật hay đây lại là bóng dáng của câu hát quan họ yêu nhau cởi áo cho nhau khi chiếc áo trở thành tín vật của đính ước, của tình duyên. Suy luận này rất có lý, bởi không gian nghệ thuật nơi Từ Thức trị nhậm là huyện Tiên Du, một trung tâm của quan họ xứ Kinh Bắc. Nếu liên hệ như vậy, người đọc truyện Nôm Từ Thức đến đây cảm nhận được sự tinh tế, khéo léo khi nói một tình yêu chớm nảy nở mà say đắm trong lòng Từ Thức, rất gần với cách tỏ bày vừa đằm thắm, ý nhị vừa da diết của những câu hát giao duyên của quan họ.

Truyện Nôm Từ Thức còn sử dụng điển tích, điển cố một cách phổ biến trong văn bản. Việc dụng điển ở đây một mặt thể hiện sự uyên bác, tài hoa của tác giả, mặt khác tạo sự phong phú, sinh động trong cảm nhận thế giới nghệ thuật của văn bản. Việc dụng điển với số lượng lớn buộc người đọc vận dụng vốn văn hóa, văn học tương đối rộng, phải từ trong kho kinh nghiệm đọc của mình mà cảm nhận hay suy luận những tầng bậc ý nghĩa trong lớp vỏ ngôn từ của văn bản. Cũng từ đó mà người đọc sinh thành những lớp nghĩa mới cho văn bản hoặc cho các tiểu tiết của văn bản.

Như vậy, có thể thấy một hiện tượng phổ biến trong truyện Nôm Từ Thức là để diễn đạt một ý tình, một tâm trạng, hay sự kiện, tình tiết nào đó thì tác giả đã tạo ra mối quan hệ liên văn bản, sự liên văn bản này có thể là chủ động hoặc ngẫu nhiên, có thể tác giả đã trích dẫn từ các văn bản khác hoặc ngược lại, cũng có thể là sự gặp gỡ giữa các tác giả trên cơ sở đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ của thời đại. Dù thế nào chăng nữa, điều đó đã tạo nên quan hệ liên tưởng thú vị khi đọc truyện Nôm này trong mối quan hệ với các văn bản khác.

Biểu hiện của liên văn bản trong truyện Nôm Từ Thức như đã nói ở trên mới chỉ là biểu hiện trên bề mặt, ở các phương diện mà người đọc có thể suy nguyên, truy tìm nguồn gốc. Liên văn bản ở đây không chỉ ở mối liên hệ giữa văn bản văn học với nhau mà còn thể hiện trong chiều sâu văn hóa, tư tưởng, nhiều khi mang tính ngẫu nhiên, vô thức, nhiều khi lại chịu sự chi phối của ý thức, tâm lý thời đại của nền văn hóa Việt Nam, rộng hơn là cả văn hóa phương Đông mà tiêu biểu là sự ảnh hưởng của tam giáo, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Sự hòa đồng tam giáo trong truyện Nôm Từ Thức thể hiện khá rõ ở hình tượng Từ Thức. Ở Từ Thức, có dấu ấn của một nhà Nho, một tín đồ Phật giáo, có cả bóng dáng của một người tu tiên, tìm sự trường sinh bất tử theo lý tưởng của Đạo giáo. Ở mỗi tư cách lại có sự biểu hiện phong phú. Từ Thức vừa là nhà nho hành đạo, vừa mang dấu ấn của nhà nho ẩn dật, lại khoác cả tấm áo của một nhà nho tài tử. Bởi trước hết Từ Thức là nho thành danh, nhưng rồi treo ấn từ quan thì lại là một nhà nho ẩn dật, là bóng dáng của một Đào Tiềm thanh bạch, không vì mấy đấu gạo đỏ mà phải xu mình, rồi lại theo tiếng gọi của tình duyên mà ngày đêm mơ tưởng bóng dáng một giai nhân, hẳn rằng là dáng dấp của một tài tử. Ở góc độ khác, tuy là một huyện quan, Từ Thức vẫn mang tâm lý của một Phật tử, ngày xuân đi hội chùa mải mê với cảnh:

Tiếng tiu, tiếng cảnh rập rình

Cầu phan phổ độ, quyển kinh sấm cầu

Có thể thấy trong truyện Nôm Từ Thức, cảm quan xã hội không được nói nhiều, nếu có nói thì là tiếng nói ngợi ca cảnh. Ngược lại, truyện mang đậm dấu ấn của cảm quan tam giáo, nó là sự đan xen nhiều tầng bậc của những niềm tin tôn giáo, dấu ấn Nho giáo, do vậy, người đọc truyện Nôm Từ Thức theo đó mà đánh thức những ký ức đã được tiếp nhận từ lâu trong đời sống sinh động hoặc qua đọc thi thư về tam giáo để đối thoại với văn bản.

Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa của dân tộc cũng xuất hiện trong sinh động trong tác phẩm như những hội hè, đình đám, vẻ đẹp của non xanh thủy tú, dấu vết của danh lam thắng cảnh, tình yêu quê hương, xứ sở, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã có từ ngàn đời của người Việt:

 Mà người cậy được thì không

Để nơi phần mộ tổ tông sao đành

Đây chính là dấu ấn của đời sống văn hóa đan cài, thâm nhập vào văn bản do sự cố ý hoặc vô thức của tác giả tạo nên mối liên hệ đa chiều giữa truyện Nôm Từ Thức với đời sống, không chỉ khi văn bản ra đời mà còn có ý nghĩa đến tận ngày nay.

Tính liên văn bản là một thành tựu trong nghiên cứu văn bản, văn học từ nửa sau TK XX đến nay. Quan điểm này nhìn nhận văn bản như là sự tổng hòa, sự đối thoại của vô số yếu tố ở các văn bản khác cũng như ở đời sống xã hội. Quan điểm này đã đặt văn bản vào trung tâm của mọi sự đọc, nghiên cứu, đồng thời mở rộng địa hạt của văn bản, đặt văn bản trong tương quan rộng từ đó có thể nhận diện được vô số ý nghĩa khác nhau của văn bản cũng như của các hình tượng trong văn bản.

Qua góc nhìn liên văn bản, người đọc truyện Nôm Từ Thức có thể nhận thấy tác phẩm có sự liên hệ phong phú từ đời sống văn hóa đến văn học, từ văn học nước ngoài đến văn học Việt Nam, từ văn học dân gian đến văn học viết, từ thể loại văn học này đến thể loại văn học khác ở cả phương diện hình thức đến nội dung. Ở mối liên hệ nào, tích truyện Từ Thức cũng để lại những ấn tượng đẹp, liên tưởng phong phú, những quan niệm nhân sinh sâu sắc, trong đó nổi bật là tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu lứa đôi tha thiết, những ước vọng cao đẹp trong tâm hồn người Việt xưa nay.

______________

1. Lại Thị Xuân, Lưu Bình – Dương Lễ, mối quan hệ giữa truyện Nôm và kịch bản chèo, Luận văn thạc   sĩ, 2014.

2. Trần Đình Sử, Nguyễn Dữ và tiên thoại Trung Quốc, Tạp chí Phê bình văn học, 2013.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : NGUYỄN HỒNG QUÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *