Truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam


   Uống nước nhớ nguồn là một giá trị đạo đức truyền thống quý báu, được hình thành và phát triển từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Giá trị ấy đã được phát triển lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, truyền thống uống nước nhớ nguồn càng cần được giữ vững và phát huy, góp phần “đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (1) tạo nên sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

   Truyền thống uống nước nhớ nguồn được hình thành và phát triển từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam

   Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam liên tục phải chống chọi với thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển. Để giữ cho xã tắc bình yên, người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, nhiều tấm gương người Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh. Biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nghĩa lớn, các triều đại phong kiến Việt Nam đề ra nhiều chính sách đãi ngộ, động viên toàn dân nhằm tôn vinh, tri ân đối với những người có công và gia đình, người thân của họ.

   Sử cũ có ghi về chế độ tặng và tuất. Đời vua Thần Tông, năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), quy định về chính sách cho quan và binh chết trận: cai đội, cai thuyền được tặng chức tả hiệu điểm và mỗi viên được cấp 20 mẫu quan điền; chánh đội trưởng và đội trưởng được gia tặng chức hữu hiệu điểm và mỗi viên được cấp 15 mẫu quan điền; binh lính thì được cấp 5 mẫu quan điền và cho con được miễn trừ việc quan, nếu chưa có con thì anh em hay cháu gọi bằng chú, bác ruột, một người được miễn việc quan (2). Đời vua Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 5 (1774), quy định: quan và binh mà chết trận đều được tặng chức một bậc; một người con trai của các thuộc viên tùy hiệu chết trận được phong chức bát phẩm, có tài cán thì được bổ dụng, không có tài cán thì ở nhà; quân nhân các sắc mà chết trận thì cho một người con trai được chức cửu phẩm; người chết trận không có con trai thì thuộc viên tùy hiệu cấp cho 5 mẫu quan điền, quân nhân các sắc cấp cho 3 mẫu, giao cho cha mẹ hay vợ con, chỉ được ăn một đời; các quân nhân chết tại mặt trận thì tạm cấp cho mỗi người 3 quan, giao cho cơ đội và làm mộ chí để dễ nhận; tiền, gạo, khẩu phần của quân nhân đã chết vẫn được chia bình thường, cho vợ con hay thân thuộc được truy lĩnh, đợi khi tuyển suất điền khác thì thôi (3). Sắc chỉ vua ban quy định rất cụ thể, được thực hiện nghiêm ngặt, bình đẳng, theo sự cống hiến của từng người, vừa thu hút được sự quan tâm, thể hiện sự tôn vinh của toàn xã hội đối với các đối tượng chính sách, vừa động viên được tinh thần chiến dấu dũng cảm của người lính trên chiến trường và gia đình, hậu phương của họ.

   Gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng của từng địa phương, người dân Việt Nam đã lập ra nhiều đền thờ, miếu thờ, phong thần từ thành hoàng làng đến đức thánh, tổ chức nhiều lễ hội để tưởng nhớ công ơn của những anh hùng vì dân, vì nước. Đền Hùng và lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương thờ cúng và tưởng nhớ công ơn của các đời Vua Hùng. Đền Gióng và lễ hội Gióng Sóc Sơn thờ cúng và tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng. Đền thờ và lễ hội đền Kiếp Bạc thờ phụng và tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Trần – Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội Đống Đa tưởng nhớ người Anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huê… Qua nhiều thế hệ, những chính sách và việc làm ý nghĩa này đã trở thành truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.

   Truyền thống uống nước nhớ nguồn được phát triển lên một tầm cao mới

   Cuối TK XIX, đầu TK XX, chính quyền triều Nguyễn đã từng bước khuất phục trước cuộc xâm lược của Pháp. Hệ tư tưởng phong kiến đã tỏ ra lỗi thời, lạc hậu nhưng những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam không những không bị mất đi mà lại được khơi dậy như những làn sóng. Khi phong trào cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám… bị thất bại, những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Khi tìm thấy lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, xác định đúng mục tiêu, phương pháp, lực lượng cách mạng, Người không quên giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ các lớp huấn luyện ở Chiến khu Việt Bắc cũng như toàn thể nhân dân phải có trách nhiệm phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” (4).

   Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn chú ý lãnh đạo đất nước giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đề cao truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên thành Hội giúp binh sĩ bị thương) đã được thành lập ở Bình Trị Thiên, Hà Nội…, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự. Hội đã có những việc làm rất thiết thực, quyên góp, ủng hộ quần, áo, giày, mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, phát động cuộc vận động Mùa đông chiến sĩ, làm cho phong trào đền ơn, đáp nghĩa phát triển rộng khắp.

   Cuối năm 1946, đời sống của quân và dân ta gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ. Tháng 6-1947, Hội nghị đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã được tổ chức tại Đại Từ – Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.

   Vào ngày Thương binh toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng)” (5) để ủng hộ anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành dịp để nhân dân cả nước bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã đóng góp máu thịt cho sự nghiệp cách mạng. Năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ. Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự trường tồn của dân tộc: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta” (6).

   Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những công việc cần phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình… Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương… cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con… mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (7). Tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã tiếp nối được truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn đậm chất nhân văn của dân tộc Việt Nam, trở thành một tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

   Giá trị uống nước nhớ nguồn tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong tình hình mới

   Trong điều kiện kháng chiến cũng như hòa bình, dù đất nước còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân ta vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 27-10-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 142/TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

   Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã nhiệt tình, sôi nổi tham gia phong trào đền ơn, đáp nghĩa, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có ngày càng nhiều hành động thiết thực như đỡ đầu con liệt sĩ, bố trí việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh; thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công với cách mạng. Đã có hàng vạn nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội được xây dựng trong cả nước đến tay những bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc được chăm sóc, tu sửa, tôn tạo, xây mới. Nhiều thương binh được giúp đỡ vượt khó, vươn lên hòa mình vào cuộc sống của đất nước, trở thành những người công dân kiểu mẫu.

   Có thể nói, những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có truyền thống uống nước nhớ nguồn, là cầu nối gắn kết lịch sử – hiện tại – tương lai, tạo nên sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước cần phải thường xuyên khơi dậy, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, kiên quyết chống những nhận thức, hành động trục lợi chính sách, xuyên tạc, phá hoại giá trị truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

___________

   1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.126-127.

   2, 3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương Loại chí, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.36-37.

   4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.259.

   5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5, tr.205.

   6. Hồ Chí Minh, sđd, tập 12, tr.401.

   7. Hồ Chí Minh, sđd, tập 15, tr.616.

 

Tác giả: Phạm Công Thưởng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *