Ngày 16-12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải đã chủ trì cuộc họp báo về Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa Mông lần thứ III do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26-12-2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Mông của 12 tỉnh (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hòa Bình), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu trong cuộc họp báo “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021” – Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Ngày hội là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông các tỉnh tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Các chương trình tham gia Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, có nhiều cái mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Gắn hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh. Các nội dung hoạt động của Ngày hội do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, nhạc công… là người dân tộc Mông thực hiện; chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông, tổ chức hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại; góp phần tạo dựng một sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch thật sự bổ ích của cộng đồng dân tộc Mông; đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đời sống xã hội.
Hoạt động của Ngày hội gồm hai phần, phần Lễ gồm Lễ khai mạc và Lễ bế mạc sẽ diễn ra tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu; Lễ dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2, VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lai Châu và Đài truyền hình một số địa phương trong cả nước tiếp sóng.
Phần Hội là các hoạt động văn hóa: không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, thi giã bánh giầy, trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; hoạt động thể dục thể thao truyền thống dân tộc Mông: tù lu, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy; hoạt động du lịch: tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững”, trải nghiệm sản phẩm du lịch tại huyện Tam Đường, Festival dù lượn; và các hoạt động tuyên truyền, cổ động: trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông.
Nói về những điểm mới trong “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết: Trong Ngày hội lần này, điểm mới là Lễ Khai mạc sẽ có các tiết mục đặc sắc của tất cả các cộng đồng dân tộc Mông ở các địa phương tham gia, giới thiệu những nét đặc sắc của dân tộc mình. Trong khuôn khổ hoạt động, được bổ sung thêm một số hoạt động như: các đoàn nghệ nhân sẽ được giới thiệu nội dung giã bánh giầy trong ngày hội – hoạt động mang giá trị cộng đồng, truyền thống cũng như nhân văn; các trích đoạn lễ hội, các nghi thức sinh hoạt văn hóa lần đầu tiên được thể hiện để tạo ra sự phong phú, nét hấp dẫn, sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của dân tộc Mông tại các địa phương trong cả nước. Du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa như lễ hội Gầu Tào ở tỉnh Bắc Cạn, lễ giải hạn, nối số của người Mông ở tỉnh Lạng Sơn, lễ hội cúng thần nước ở tỉnh Hà Giang… Về du lịch, ngoài việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch thì du khách sẽ được trải nghiệm thực tế để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc Mông tại Bản Sin Suối Hồ và Chợ đêm San Thàng tỉnh Lai Châu…”.
Ngày hội được tổ chức đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và áp dụng linh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ngày 11-10-2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
NGỌC BÍCH
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z