Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, Lam Sơn (Lam Kinh) là vùng đất chứa đựng dấu ấn quan trọng, nơi dựng cờ khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi. Từ Lam Kinh – quê hương của hoàng tộc nhà Lê, căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống quân Minh đến Đông Kinh – kinh đô của vương triều Hậu Lê có những mối dây liên hệ trên nhiều phương diện về lịch sử, văn hóa nghệ thuật. Nghiên cứu mối liên hệ đó góp phần tái hiện không gian, làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật điển hình thời Lê sơ, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Lam Kinh, Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội) hiện nay.
1. Tên gọi Lam Kinh, Đông Kinh
Lam Sơn, xưa gọi là sách Khả Lam, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Diện tích vùng Lam Sơn xưa trong phạm vi hành chính khoảng 305,42 ha. Nơi đây có khu lăng mộ thờ cúng tổ tiên của Lê Lợi. Đến khi lên ngôi vua, ông ra lệnh xây dựng Lam Kinh tại vùng đất Lam Sơn. Lam Kinh trở thành “kinh đô tinh thần” – Tây Kinh của nhà Lê sơ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua ban luật lệ, đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô thành Tây Kinh. Mùa thu tháng 8 năm Quý Sửu (1433), vua về bái yết Lam Kinh, đến ngày 22-8-1433, vua băng hà” (1). Lê Thái Tổ mất ngày 22 – 8 năm Quý Sửu, đến ngày 22 – 11 cùng năm đó đưa về chôn ở Lam Kinh, lăng mộ Lê Thái Tổ được gọi là Vĩnh Lăng. Lam Kinh trở thành khu sơn lăng của nhà Lê sơ. Sau vua Lê Thái Tổ, các vua đầu triều Lê khi mất cũng được đưa về an táng ở Lam Kinh.
Tên gọi Đông Kinh – kinh đô chính của triều Lê sơ bắt đầu xuất hiện từ năm1430. Lê Lợi đổi Đông Quan là Đông Kinh (đối lại với Tây Kinh hay Lam Kinh). Như vậy, chỉ trong hơn 30 năm, Thăng Long đổi tên tới 3 lần: Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh.
Tên gọi của thành Đông Kinh từ 1397- 1430
2. Mối liên hệ về lịch sử
Lam Kinh là vùng đất khởi nghiệp buổi đầu của Lê Thái Tổ còn Đông Kinh là nơi đăng quang, đánh dấu giai đoạn thịnh trị của nhà Lê sơ. Lam Kinh tồn tại song song với kinh thành Đông Kinh, tạo thành một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Lam Sơn – Lam Kinh là nơi tiên tổ của vương triều Hậu Lê chọn làm đất lập nghiệp, nơi chuẩn bị cho khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, là căn cứ địa, chiêu tập hào kiệt nghĩa sĩ bốn phương, phất cờ khởi nghĩa. Từ buổi đầu khởi binh ở Lam Sơn, với sự đồng lòng trên dưới, bản chất chính nghĩa, hào khí Lam Sơn đã làm nên đại thắng. Sau ngày đại thắng quân Minh, Lam Kinh trở thành vùng đất linh thiêng, gắn liền với quá trình dựng nghiệp đế vương. Còn Đông Quan – Đông Kinh lại là nơi nghĩa quân Lam Sơn vây hãm quân Minh hung bạo khiến Vương Thông phải cúi đầu xin cầu hòa. Đông Kinh vang khúc khải hoàn của đoàn quân Lam Sơn, trở thành biểu tượng lòng tự hào dân tộc khi cờ nghĩa rợp bay khắp kinh thành.
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Đông Kinh trở về với vị trí thiêng liêng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Một Đông Kinh phồn hoa, đô hội là minh chứng cho sự huy hoàng của đất nước dưới sự trị vì của vị vua giai đoạn Lê sơ. Còn Lam Sơn – Lam Kinh trở thành nơi an táng, thờ cúng tổ tiên, hoàng đế, hoàng hậu thời Lê sơ.
Bên cạnh đó, Lam Kinh, Đông Kinh là nơi gắn bó với những hội thề có tính bước ngoặt của chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi lãnh đạo. Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra với sự chuẩn bị chu đáo, được bắt đầu với hội thề Lũng Nhai (1416) diễn ra trên mảnh đất Lam Sơn, kết thúc thắng lợi với hội thề Đông Quan tại Thăng Long vào tháng 12 – 1427.
Lam Kinh còn là nơi trời trao mệnh lớn cho Lê Lợi khi nhận gươm báu, còn Đông Kinh là nơi mệnh lớn đã xong, Lê Lợi trao lại gươm thần cho rùa vàng. Lam Kinh là nơi Lê Lợi nhận binh khí trời trao để giải phóng dân tộc. Sau ngày đại thắng, đất nước yên bình, thuyền vua ngự trên hồ Lục Thủy, hiện bóng rùa thần lên đòi gươm, Lê Lợi đã không ngần ngại trả lại gươm thần cho rùa vàng. Hình ảnh Lê Lợi trả gươm trở thành một hình ảnh thiêng liêng, thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, xét về phương diện lịch sử dưới vương triều Hậu Lê, Lam Sơn – Lam Kinh có mối quan hệ mật thiết về nhiều mặt với Đông Kinh – Thăng Long – Hà Nội. Đó là mối quan hệ giữa mảnh đất lập nghiệp, dựng cờ khởi nghĩa với mảnh đất vang khúc khải hoàn, định đô lập quốc, củng cố địa vị vương triều. Mối quan hệ giữa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục lớn nhất đất nước với trung tâm tín ngưỡng, tôn vinh truyền thống đạo lý, thờ cúng tổ tiên, hướng về quê cha đất tổ. Đó còn là mối quan hệ mang màu sắc thần bí trong huyền tích tại hai mảnh đất thiêng liêng.
3. Mối liên hệ về văn hóa nghệ thuật
Thời Lê sơ kéo dài khoảng 100 năm (1428 – 1527), trải qua 10 đời vua. Đây là thời kỳ các vua Lê nắm trọn quyền hành, cũng là thời kỳ đỉnh cao của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí thời Lê sơ gắn với cung đình lầu gác của nhà vua và hoàng tộc, dinh thự quan lại ở trung ương và địa phương phục vụ vương triều. Trải qua thăng trầm của lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật cung đình bị mai một, chỉ còn lại một số mặt bằng kiến trúc như: điện Kính Thiên, điện Lam Kinh.
Về kiến trúc, các công trình tập trung ở hai khu vực: Đông Kinh (Thăng Long) và Tây Kinh (Lam Kinh).
Về điêu khắc, những tác phẩm tượng tròn, hay chạm khắc trang trí điện Kính Thiên (Đông Kinh), điện Lam Kinh (Tây Kinh), với hình tượng rồng và các môtip trang trí: mây đao lửa, hoa sen, hoa lá cách điệu… tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc rừng rực hào khí thời Lê sơ. Tinh thần đó được các giai đoạn sau của nhà Lê phát huy, tạo nên giá trị nghệ thuật mang tính nhất quán cho phong cách mỹ thuật thời Hậu Lê.
Nghệ thuật kiến trúc
Hoàng thành thời nhà Lê được mở rộng gấp đôi so với hoàng thành thời nhà Lý, nhà Trần. Trong cấm thành, hoàng thành Đông Kinh, nhà Lê sơ xây dựng khá nhiều lâu đài, cung điện, nhưng di tích trên mặt đất còn lại đến nay chỉ còn bậc thềm điện Kính Thiên và cửa Đoan Môn (trong Thành cổ Hà Nội hiện nay). Điện Kính Thiên là điện chính, điểm nhấn trong quần thể lầu điện trong cung thành thời Lê. Điện này được xây dựng lại trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, Trần, nằm tại vị trí núi Nùng. Đây là nơi thiết triều, nhà vua cùng bá quan văn võ bàn tính việc nước, việc quân. Điện Kính Thiên được vua Lê Thánh Tông sửa lại năm 1965. Năm 1967, Lê Thánh Tông cho dựng đôi rồng đá ở hai bên thềm trước điện này. Đôi rồng đá ấy cho đến nay vẫn còn tồn tại, là di tích nổi tiếng tại khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Lê Thái Tổ không những xây dựng Đông Kinh còn chú trọng cho xây dựng, sửa sang Lam Kinh (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Điện Lam Kinh là công trình xây dựng năm Thuận Thiên 6, tức năm 1433, ngay sau khi Lê Lợi mất (1418 – 1433). Năm 1456 sửa 3 cung điện: Quang Đức, Diên Khánh và Sùng Hiếu. Điện Lam Kinh nguy nga, bề thế, xây dựng trên triền đồi thoai thoải, được cải tạo thành 3 lớp nền phẳng hình chữ nhật (3,15m x 2,56m). Sau một số lần bị cháy, đã được tu bổ vào thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Ngày nay còn thấy toàn bộ mặt bằng nền, bốn bề còn những dấu tích thành bao. Nền điện chính còn khá nguyên vẹn lối lên điện với thành bậc của điện Lam Kinh, có kích thước: (ngang 5,6m; dài 4,15m; cao 1,85m). Quy cách và trang trí của 4 thành bậc, chia làm 3 lối lên (giống kiểu thành bậc điện Kính Thiên).
Nhìn chung, kiến trúc thời Lê sơ có những bố cục theo khuôn mẫu, gợi vẻ trang nghiêm song kém phần đồ sộ, bề thế so với thời Lý, Trần. Cũng tùy theo mức độ quan trọng mà kiến trúc Lê sơ có kích thước khác nhau. Kiến trúc lăng mộ ở Lam Kinh quy mô cũng không đồ sộ bằng thời Lý – Trần.
Nghệ thuật chạm khắc đá và đồ án trang trí
Trải qua thời gian, biến động của lịch sử, hiện nay chỉ còn lại mặt bằng phế tích, một số di vật thời Lê sơ như: thành bậc đá Đàn Nam Giao (ở thái ấp Hà Nội) dựng vào thời niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), thành bậc đá điện Kính Thiên (ở trong thành Hà Nội), thành bậc đá điện Lam Kinh. Bên cạnh đó, ở Lam Kinh còn lưu giữ lăng mộ chôn cất nhiều vị vua đầu triều Lê. Lăng Lê Lợi (Vĩnh Lăng) ở vị thế trung tâm, nằm riêng hẳn ra phía sau khu điện Lam Kinh, có hai đôi voi to lớn nằm phủ phục chầu vào. Tiếp đó là lăng của các vị vua sau nằm tản sang các bên: Hựu Lăng (1442) của Lê Thái Tông (1434 -1442), Mục Lăng (1459) của Lê Nhân Tông (1443 -1459), Chiêu Lăng (1498) của Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Dụ Lăng (1504) của Lê Hiến Tông (1498 – 1504), Kinh Lăng (1505) của Lê Túc Tông (1504 – 1505). Ngoài ra, còn có các lăng của Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (1498), lăng của hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyền (1505).
Thành bậc đá điện Kính Thiên có kích thước: ngang 14m, dọc 4,45m, cao 2,10m, niên đại 1467 thời vua Lê Thánh Tông, gồm 4 dải thành bậc, chạy dài suốt 9 cấp từ dưới đất lên thềm điện, tạo thành ba lối lên điện. Nghệ thuật điêu khắc đá còn tương đối nguyên vẹn. Lối lên chính giữa là hai hình rồng uốn khúc, bò từ trên nền thềm điện xuống. Đầu rồng to nhô cao, có hai nhánh sừng, mắt lồi, bờm mượt cuộn ra sau. Lưng rồng nhô hình vây nhọn theo khúc uốn. Một tay rồng cầm lấy râu. Hai dải thành bậc được chạm thành khối cuồn cuộn nhịp nhàng (phỏng theo khúc uốn hình rồng). Mặt dựng mé ngoài thành bậc trang trí bằng chạm khắc hình mây xoắn vút lên, hình mũi đao dài, hình ngọn lửa. Khung tam giác vuông có viền hình hoa chanh, trong khung chạm hoa lá cách điệu với đặc trưng riêng. Thành bậc của điện Lam Kinh có quy cách, trang trí giống kiểu thành bậc điện Kính Thiên. Nét chạm sắc sảo, điêu luyện của nghệ thuật chạm khắc đá cổ truyền.
Mỹ thuật thời Lê sơ phát triển phù hợp với yêu cầu thời đại, kế thừa tinh hoa mỹ thuật Lý – Trần, lấy nghệ thuật dân gian làm gốc. Tuy chịu những tác động của Nho giáo, khiến cho văn hóa Trung Hoa ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa nghệ thuật thời Lê nhưng tinh thần độc lập dân tộc đã tạo cho nền mỹ thuật thời Lê sơ phong cách riêng. Những tác phẩm điêu khắc như: tượng rồng trên thành bậc ở điện Kính Thiên (Thăng Long – Hà Nội), trên thành bậc điện Lam Kinh (Lam Sơn – Thanh Hóa), với rồng 5 móng sắc nhọn, các hình xoắn trang trí nổi cao trên thân rồng. Những tượng quan hầu, con vật linh thiêng ở hai bên đường thần đạo của các lăng: Lê Lợi, Lê Hiến Tông, Lê Thánh Tông… cùng với những chạm khắc hoa văn trang trí thành bậc điện, trên các văn bia (Văn Miếu), hoặc trong nghệ thuật dân gian ở chùa… Nổi bật với mây hình đao lửa và hình tượng rồng trang nghiêm, râu bờm, sừng nổi cao dũng mãnh uy quyền, mở ra một phong cách thời Lê sơ khác với các thời trước.
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc đặc biệt là giai đoạn Lê sơ, Lam Kinh, Đông Kinh đã thể hiện mối quan hệ mật thiết về nhiều phương diện. Lam Kinh chính là mô hình kinh đô thu nhỏ, mang vóc dáng của Đông Kinh. Mối liên hệ đó góp phần quan trọng tái hiện không gian và ý nghĩa trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống quân Minh, làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật điển hình thời Lê sơ, có ý nghĩa thiết thực trong công tác quản lý di sản văn hóa ở Lam Kinh (Thanh Hóa) và Đông Kinh (Hà Nội) giai đoạn hiện nay.
_______________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.350.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017
Tác giả : LƯU THỊ NGỌC DIỆP
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám