Từ làng cổ trung quốc nhìn về làng cổ việt nam


        Trong chuyến viếng thăm và khai mạc trưng bày giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc về “Con đường tơ lụa trên biển – Đồ gốm sứ khai quật từ những con tàu cổ tại vùng biển Việt Nam”, đoàn cán bộ Bảo tàng chúng tôi được bạn mời đến thăm tỉnh Giang Tây – quê hương của đồ gốm sứ nổi tiếng, đồng thời cũng là tỉnh có những ngôi làng được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia, mà theo tôi, thông tin về những ngôi làng ấy sẽ giúp ích nhiều cho các nhà quy hoạch, tôn tạo, bảo tồn, bảo tàng có được thêm kinh nghiệm, áp dụng cho Việt Nam.

1. Từ ba ngôi làng cổ Trung Quốc

Ngôi làng đầu tiên chúng tôi đến thăm là Thôn Lý, thuộc huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây. Đó là một ngôi làng lấy con suối rộng làm trục trung tâm. Tuy nhiên, chỉ một bên là có đường hẹp và hướng các ngôi nhà cổ đều quay ra mặt đường này. Chủ các ngôi nhà đều mở các cửa hàng bán cổ vật, đồ lưu niệm, thuốc bắc…. Giữa con đường, đồng thời cũng là trung tâm làng, còn lại một ngôi đình kiến trúc gỗ, có niên đại thời Minh, là nơi hội họp. Đình có bình đồ vuông, hai lớp mái, không giống như đình làng Việt, không phải nơi thờ thành hoàng, mà chức năng chủ yếu là nơi họp và phân xử những vấn đề vi phạm hương ước của những người dân trong làng. Phía bên kia, cũng là những ngôi nhà quay mặt ra suối, nhưng không mở cửa hàng vì không có đường xá, đồng thời có những lối ngõ xương cá, và các ngôi nhà cổ quay mặt ra những lối ngõ hẹp ấy. Dường như địa hình núi chỉ cho phép làng được mở rộng không gian về phía này, theo đó, những ngôi nhà trong ngõ không được hưởng lợi ích buôn bán. Nối hai bờ suối là những cây cầu nhỏ bằng đá hoặc gỗ, không cổ xưa như những ngôi nhà. Suối dù là mùa cạn nhưng nước vẫn đầy, sạch và trong, dân vẫn giặt giũ ở đôi bờ, cho dù, mỗi hộ gia đình đều có nước giếng khoan. Trên mặt nước có một số con thuyền nhỏ, dường như là phương tiện cho khách du lịch vãn cảnh chứ không phải là phương tiện giao thông của làng.

Nhà ở Thôn Lý chủ yếu có niên đại thời Thanh muộn. Duy chỉ còn một ngôi, có quy mô khá lớn, do một quan lại hồi hưu về làng xây dựng, hưởng tuổi già vào những năm cuối đời, có niên đại Thanh sớm. Kiến trúc còn khá nguyên vẹn, nhưng nội thất không còn nhiều. Mặc dù vậy, người đến thăm vẫn cảm nhận về một kiến trúc nhà quan.

Đầu làng có một cây trương (đinh hương) cổ thụ có gắn dao và kéo, mách bảo trong làng có một trẻ sơ sinh mới ra đời. Đây là một phong tục xa xưa được bảo lưu đến tận hôm nay.

Dường như gần 200 năm, ngôi làng không hề có một sự thay đổi nào về không gian và kiến trúc, bởi, áp lực tăng dân số đã được giải quyết bằng một quỹ đất, nằm cách xa vài ba cây số. Hai dãy phố giãn dân, có kiến trúc hai tầng, nhưng phong cách giống như nhà cổ, nay đã gần như một thị tứ.

Nằm giữa làng cổ và khu thị tứ là một bãi đỗ xe, một văn phòng của công ty du lịch làng, một cửa hàng lưu niệm, một hội trường tiếp đón khách. Công ty du lịch có trách nhiệm đưa đón từ bãi đỗ xe vào làng bằng xe điện và điều tiết ăn nghỉ của khách lữ hành vào các hộ, sao cho công bằng và hợp lý, với giá 30 nhân dân tệ ăn, nghỉ trong một ngày. Công ty du lịch làng còn làm thêm nhiều dịch vụ khác nữa để điều phối lợi ích giữa các nhà mặt đường và trong ngõ, theo đó, mỗi hộ trong cộng đồng làng cổ đều có trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của làng, kể cả vật thể và phi vật thể.

Khoảng cách giữa thị tứ, công ty du lịch và làng cổ vừa đủ để thuận tiện cho khách tham quan, nhưng không phá vỡ cảnh quan, sinh thái, môi trường làng cổ.

Rõ ràng, vấn đề quy hoạch và đặc biệt là đặt chủ thể cộng đồng dân cư quản lý, phát huy để đem lại lợi ích cho chính họ dường như là một bài học hay nhất từ ngôi làng cổ này.

Thôn Giang Loan, cùng huyện lại có một quan điểm bảo tồn, tôn tạo khác. Nếu như Thôn Lý bảo tồn nguyên gốc, thì Giang Loan bổ sung nhiều yếu tố mới. Đây là một ngôi làng có xuất xứ gốc nguồn từ dòng họ nhiều đời của Chủ tịch Giang Trạch Dân. Năm 2002, ông về thăm trường tiểu học của thôn, đồng thời thăm quê hương, theo đó, nhiều địa danh nơi ông đến đã được xây dựng nhiều kiến trúc mới. Đó là sân khấu, kỳ đài, đền thờ, nhà lưu niệm có phong cách kiến trúc giống với làng cổ quê ông, nằm kề cận. Tuy nhiên, tất cả những công trình ấy, giờ đây đã trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, theo đó, đem lại lợi ích thiết thực cho chính cộng đồng nhỏ ấy, chứ không phải là nơi khói lạnh hương tàn, xuân thu nhị kỳ mới có người đến thăm viếng.

Cùng một dãy phố như thị tứ nằm giữa đền thờ, nhà lưu niệm và ngôi làng cổ, nhưng cùng một phong cách kiến trúc được xây dựng vừa là để giãn dân, nhưng cũng là để tăng thêm sức hấp dẫn cho ngôi làng bằng hàng loạt các cửa hàng lưu niệm và dịch vụ nhỏ – điều mà làng gốc ở đây không có lợi thế như Thôn Lý.

Các ngõ, hẻm của Giang Loan rất hẹp, nhưng những ngôi nhà ở đây không kém gì Thôn Lý về sự cổ kính và hấp dẫn. Tuy nhiên, quần thể kiến trúc đại gia họ Giang hôm nay chỉ còn là một khu đất trống với một biển đề “Đây là ngôi nhà của dòng họ Chủ tịch Giang Trạch Dân”, cùng một bình đồ tầng tầng, lớp lớp kiến trúc, mới bị sập đổ năm 1982, vẫn còn nguyên tài liệu, có thể phục dựng lại được. Vậy nhưng, các nhà bảo tồn bảo tàng Trung ương cũng như của tỉnh không thực hiện việc phục dựng này. Đó có thể là ý chỉ của Chủ tịch, nhưng cũng có thể là quan điểm bảo tồn Trung Quốc, khi mà có thêm ngôi nhà ấy, không làm tăng thêm nhiều giá trị của ngôi làng cổ. Theo tôi, đây là một bài học rất đáng rút tỉa từ thực tế quần thể kiến trúc họ Giang, khi mà kiến trúc được cất lên, không có linh hồn, không có sức hấp dẫn, chi bằng để bia biển tưởng niệm, khiến khách viếng thăm thỏa trí tưởng tượng về một dòng họ nổi danh.

Thôn Hiếu Khởi cũng thuộc huyện Vụ Nguyên, lại là một mô hình khác nữa của bảo tồn, mà ngay từ khi du khách bước chân vào đầu thôn, đã cảm nhận được ngay, vì phải vượt qua một con dốc nhỏ lên một quả gò thấp, toàn là những cây cối và bụi rậm um tùm – chứng tích của một khu rừng tự nhiên còn sót lại. Con đường nhỏ, độc đạo vào thôn, băng qua cũng một cánh đồng nhỏ, đệm giữa làng và rừng, là Hiếu Khởi, với quy hoạch không thật là hay, giống như một chiếc thập ác. Nhà ở đây không đẹp và không cổ. Đường làng hẹp nhưng cũng có đôi ba cửa hàng bán cổ vật, ăn uống, làm đồ gỗ… xem ra không mấy sầm uất như hai làng nêu trên. Cuối trục chính của làng, có hai lối rẽ phải và trái, dường như đó là xu thế phát triển chính cho các hộ dân cư, khiến cho chiều ngang – chiều thập ác, dài hơn chiều dọc. Trục ngang, một bên nhà dựa vào đồi, bên kia là tường dựa tường, tạo nên một quy hoạch có vẻ như thiếu trật tự, ngăn nắp. Phía trái của trục ngang, người dân mới dựng một ngôi nhà gỗ dài, cao, dùng làm “chợ” bán hàng lưu niệm. Chợ chiều, chỉ còn sót lại đôi hàng, bán những đồ chơi sản xuất từ gỗ trương và những lát gỗ trương có mùi thơm hắc cho du khách đem về như là một kỷ vật mang tính đặc sản của Hiếu Khởi.

Đúng là đặc sản, bởi vượt qua chợ này là một rừng cây trương, có tuổi vài trăm năm. Cây được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, trên etiket ghi 1.000 năm, được bao quanh rào sắt thấp, lát cuội tròn, có ghế đá cho du khách hóng mát và chiêm ngắm. Vậy là, những nhà bảo tồn Trung Quốc muốn “thăng hoa” ngôi làng để cư dân ở đó bảo vệ rừng trương cổ thụ. Tôi có thể khẳng định như vậy, bởi di tích cổ xưa nhất của làng thuộc thời Minh, TK XV, XVI là hai khẩu giếng đá nằm liền kề nhau, một để rửa gầu, một là để cấp nước. Giếng hiện nay vẫn dùng, dù dân đã có giếng khoan. Vậy là, để bảo tồn một khu rừng cổ, người ta đã phải đặt cộng đồng dân cư liền kề khai thác cái họ sở hữu (nhà và làng), không nhiều giá trị văn hóa, di sản và tôn vinh nó như một điểm đến của du lịch, giúp nguồn thu cho dân khỏi phá rừng, lấy gỗ.

Khi chúng tôi đến thăm làng, một vài hạng mục được xây dựng theo quy hoạch trước, đang bị dỡ bỏ, hoặc làm lại, vì sự thiếu thận trọng và bất cập. Đó là một thái độ nghiêm túc, cầu thị của những người quản lý và những người làm quy hoạch.

Có thể nói, với cách ứng xử với ba ngôi làng ở Giang Tây, đây đó trong chi tiết, sẽ còn nhiều điều phải bàn, song, xét về hiệu quả, theo tôi, đó là những mẫu hình thành công. Sự thành công, định lượng bằng số khách tham quan đông và định tính bằng những thông tin của người viết, cố chắt lọc sự tinh túy và hợp lý trong ứng xử của người làm bảo tồn Trung Quốc với ba ngôi làng, dù rằng, tài năng miêu thuật của người viết chắc chưa thể lột tả hết sự mềm dẻo, tài kéo của những người xử lý từ thực tiễn ba ngôi làng chắc còn có nhiều bài học sinh động hơn thế nhiều.

2. …Đến ba ngôi làng ở miền Bắc Việt Nam

Thổ Hà, thuộc Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một ngôi làng cổ, nằm cạnh con sông Cầu thơ mộng, huyết mạch giao thông chủ yếu thời xưa. Nhưng, ngày nay, hành trình về làng nghề Thổ Hà, bằng đò, xuôi ngược trên sông Cầu chắc chắn vẫn đem lại cho du khách một cảm giác lãng mạn hơn bất kể phương tiện nào.

Thổ Hà xưa là một làng gốm cổ truyền. Gốm ở đây không men, gọi là sành, được coi là đặc trưng nhất của làng gốm châu thổ Bắc Bộ, nhưng giờ đây đã thất truyền, ngoi ngóp với đôi ba “đốm lửa” muốn trở về với nguồn cội, nhưng xem ra còn vất vả lắm, khi chưa phải là định hướng ưu tiên của địa phương.

Có thể nói, Thổ Hà là một trong những ngôi làng cổ còn lại đến hôm nay ở miền Bắc với một phức hợp khá hoàn hảo: Cổng làng – chùa – đình – đền – miếu và làng với những ngôi nhà san sát bám vào triền sông, tỏa vào các lối ngõ, theo quy hoạch truyền thống làng ven sông. Di tích cổ nhất là đình, có niên đại TK XVI, XVII, thờ tổ nghề gốm, còn lại đều vào thời cuối Nguyễn, nhưng xem ra, nó chưa hề có một bàn tay can thiệp từ các nhà quy hoạch để có một định hướng phát triển du lịch. Nó vẫn đang tự phát, dù cho kinh phí Trung ương, tỉnh đã đổ vào tôn tạo chùa, đình, chưa đủ cho một điểm đến của du khách. Đã có một dự án mang tên “Hành trình về làng nghề truyền thống”, trong đó, Thổ Hà là một làng được quan tâm, nhưng dường như, tôi chưa thấy một cách giải quyết tổng thể cho ngôi làng này, cho dù, những người thực hiện là các chuyên gia Âu Châu và Việt Nam hàng đầu. Có lẽ, kinh phí cộng với mục tiêu của dự án trên, không đủ và không phải nhằm giải quyết tổng thể, nhưng với tình trạng như hiện nay của Thổ Hà, hành trình về đây để làm gì?

Tôi về Thổ Hà vào ngày mưa xuân ẩm ướt. Đình làng trống trơn, không cửa, không đồ thờ tự. Đường làng, ngõ xóm đầy phân chó và bùn lầy. Vào các lối ngõ, xông ra mùi hôi nồng nặc phân lợn và nước thải của bột dong diềng, bột gạo, bởi cơ cấu làng nghề ở đây chuyển từ gốm sang làm miến và bánh đa nem không biết từ khi nào. Anh bạn tôi, cán bộ Bảo tàng Bắc Giang, bảo rằng, khi về làng làm hồ sơ di tích, ở một tuần, sút 5kg, do không ăn, không ngủ được vì ô nhiễm. Vậy thì khách du lịch ăn ở sao đây, nếu cộng đồng làng muốn làm du lịch lữ hành?

Thế nhưng, Thổ Hà chỉ cần có một cái nhìn tổng thể về quy hoạch, về bảo tồn, bảo tàng, về làng nghề truyền thống, về cộng đồng dân cư trong mối quan hệ với di sản, về sự phát triển bền vững, cùng với định hướng và đầu tư tốt từ địa phương và Trung ương, tôi chắc chắn sẽ không kém gì Thôn Lý, Giang Tây. Nếu không sớm làm, Thổ Hà sẽ mất đi nhiều giá trị truyền thống mà khó tiền của nào có thể mua lại được.

Làng Đường Lâm, trước thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội, là một ngôi làng cổ, còn giữ lại được nhiều nét truyền thống với sự pha trộn giữa trung du và đồng bằng Bắc Bộ, sớm được can thiệp từ bàn tay của các nhà bảo tồn bảo tàng trong nước và quốc tế, với nhiều dự án đầu tư, không thật lớn, theo tôi biết, nhưng cũng đủ để nó không bị phá vỡ quy hoạch do sức ép tăng dân số hay tâm lý đô thị hóa ồ ạt của các làng xóm thời mở cửa. Tuy nhiên, ở Đường Lâm, tôi vẫn thấy một sự phát huy kém hiệu quả, thiếu bền vững. Chưa thấy cộng đồng dân cư được hưởng lợi nhiều qua ngôi làng mà chính họ là chủ thể. Nông nghiệp, tương chưa đủ để cho họ yên tâm với việc gìn giữ di sản, mà rất có thể, họ phải ra đi kiếm kế sinh nhai nơi đất khách. Như thế, thay vào họ, là những người ngụ cư, không thể hiểu hết để bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống làng.

Có chủ ngôi nhà cổ cách đây 200 năm nói với tôi rằng, ngôi nhà 5 gian hai trái hiện không đủ cho ba gia đình nội tộc sinh sống, rất muốn thay thế nhà tầng để giải quyết sức ép này. Vậy địa phương sẽ giải quyết ra sao, khi quỹ đất giãn dân không có, hoặc chưa có quy hoạch. Chủ một ngôi nhà khác không biết thu nhập thêm ở đâu, khi sản lượng nông nghiệp không đủ cung cấp cho 10 miệng ăn. Chính quyền địa phương đã có lời giải chưa cho một định hướng làng cổ phát triển du lịch, tạo thêm thu nhập, cân đối hài hòa giữa người mặt đường và những hộ trong ngõ hẻm. Làm tương hay phát triển một nghề phụ mới ở Đường Lâm để bảo vệ môi trường, cảnh quan. Nếu Đường Lâm trở thành một điểm đến của du lịch nay mai, nên chăng phải đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, hướng tới phục vụ du khách, giống như Giang Loan, tôi đã thấy người xếp hàng chờ lấy một đồ gốm có in hình của mình phần mặt ngoài, hay Thôn Lý, cho những người trong ngõ được nhận khách lữ hành ăn nghỉ với giá phải chăng.

Những cách làm, sao cho chủ thể di sản phải được hưởng lợi từ tài nguyên cha ông họ truyền lại, tác động lại, họ sẽ chính là người gìn giữ và bảo vệ di sản. Đó chính là sự phát triển bền vững.

Đường Lâm có thể làm được tốt cho sự phát triển bền vững, bởi tiềm năng của nó còn nguyên sơ, chưa bị phá vỡ, cần được khơi dậy và định hướng tốt, chủ trương hay và sự đầu tư đúng tầm, đúng chỗ.

Làng Tổng bí thư Trần Phú ở Hà Tĩnh, có vẻ hao hao giống với Giang Loan của Chủ tịch Giang Trạch Dân về tính chất. Tôi đã được đồng nghiệp bảo tàng địa phương đưa đến đây thăm viếng. Một đường rộng thênh thang, bê tông dầy 10 phân, đèn cao áp san sát, giống như đường dẫn tới một quảng trường của một tân đô thị sắp được xây dựng. Nhà lưu niệm của ông khang trang nhưng không đủ hấp dẫn vì tài liệu nghèo nàn, khiến khách đến tham quan phải vào cho đúng lễ nghi và lễ nghĩa. Kề cận là ngôi nhà ông, thuở thiếu thời, dường như duy nhất là di tích gốc, không còn gì trong nội thất, nhưng cũng gợi cho du khách một sự rung động, giống như sự rung động khi đến tư gia của bao danh nhân khác. Khu mộ ông, ngoài phần mộ khiêm tốn, còn bao quanh được công viên hóa với ý tưởng thô thiển, chẳng ăn nhập gì nơi linh thiêng trong khi cảnh quan bến thuyền xưa cũ của làng vẫn còn đó lại gợi trong tôi suy tư về thuở thiếu thời của vị cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, dù chưa hề có một sự gia công gì về tôn tạo. Một khách sạn bốn tầng nằm trơ vơ nơi cánh đồng, đang xuống cấp, không có khách, như một chứng tích thuyết phục về dự án đầu tư thiếu tính toán, thiếu đồng bộ. Đó là tất cả những gì dành cho ngôi làng của cố Tổng Bí thư đầu tiên và dường như người dân sở tại không biết làm gì để biến nó thành di sản mà họ là người sở hữu. Làng vẫn nghèo, vẫn lấy đồng ruộng là nguồn sống chính, nhưng di sản của một vị danh nhân thì không thể khai thác, mà lẽ ra, họ có thể làm được điều ấy, nếu những ý tưởng đầu tư bám sát vào cộng đồng, nhằm biến họ trở thành những người quảng bá, tuyên truyền cho truyền thống và cách mạng, thông qua di tích của vị tổng Bí thư vĩ đại. Mục đích của đầu tư, tôn tạo nhằm để phát huy, chứ không chỉ là công trình thể hiện lòng biết ơn của cháu con đối với các vị tiên liệt. Nếu chỉ có thế, có lẽ không thể làm hài lòng người cách mạng cộng sản.

Quả là khó để có thể điều chỉnh dự án như ở thôn Hiếu Khởi, Giang Tây, khi mục đích ban đầu đặt ra ít hướng tới phục vụ cộng đồng. Do đó, tôi không dám bình luận gì hơn và chỉ mong các nhà kiến trúc, quy hoạch trăn trở với những ý tưởng, tránh được những điều đáng tiếc không dễ gì khắc phục.

           Đưa ra sáu ví dụ về những ngôi làng, lẽ ra, ở phần cuối này tôi cần có một đôi điều tổng kết để rút ra cái hay, cái dở, cái được và cái chưa được, đặng làm bài học cho những người làm công tác quản lý, bảo tồn, quy hoạch, kiến trúc. Nhưng, do là một người ngoại đạo, nên khó có thể nhận ra sự đúng, sai trong phương pháp cũng như thực tiễn rút tỉa từ sáu ngôi làng ấy, do vậy, chỉ dám nêu hiện tượng, với đôi ba điều phẩm bình, phân tích chủ quan, mong được những người quan tâm góp bàn để di sản của chúng ta tránh được những nguy cơ do sai lầm từ con người, khi mà thiên nhiên và chiến tranh đã phá hủy khá nặng nề và nghiệt ngã. Tôi cũng mong mọi ý tưởng, mọi dự án trước di sản cần phải được cân nhắc, để tránh những sai lầm, tận dụng được lợi thế của người đi sau, do sự phát triển của đất nước còn chậm, còn nghèo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Phạm Quốc Quân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *