Từ tư tưởng Nho giáo nghĩ về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ở Việt Nam


Khổng Tử – ông tổ của Nho giáo – được suy tôn là vạn thế sư biểu không chỉ vì những công lao của ông trong việc đào tạo thế hệ học trò kế tục mà còn vì những tư tưởng giáo dục tiến bộ, vượt thời đại. Ngày nay, các quốc gia muốn phát triển đều phải quan tâm đến giáo dục. Việt Nam cũng đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để giáo dục Việt Nam đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước. Nghiền ngẫm lại tư tưởng Nho giáo cách nay hơn 2000 năm, chúng ta vẫn thấy những vấn đề mà đổi mới giáo dục Việt Nam đang hướng tới, giải quyết thì Nho giáo cũng đã đặt ra. Vì vậy, đổi mới giáo dục Việt Nam cũng cần trở lại với tư tưởng Nho giáo.

Hơn 25 thế kỷ trước, Nho giáo đã đề cao vai trò của giáo dục và hiện nay các quốc gia cũng như Việt Nam càng thấy rõ hơn vai trò của giáo dục, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, muốn phát triển, nâng cao vị thế quốc gia không có con đường nào khác là phải đầu tư cho giáo dục. Để giáo dục Việt Nam đáp ứng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, “hoàn thiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhất là những giải pháp chủ yếu, có tính đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần: chấn chỉnh, khắc phục triệt để những khuyết điểm, bất cập lâu nay; củng cố những kết quả, thành tựu đã đạt được; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo lên tầm cao mới” (1). Nhìn lại những khuyết điểm, bất cập của giáo dục Việt Nam thời gian qua mà công cuộc đổi mới giáo dục Việt nam hiện nay đang tìm cách khắc phục, chúng ta thấy Nho giáo đã đề cập đến.

Chú ý đến giáo dục đạo đức, nhân cách làm người

Chúng ta một thời phê phán giáo dục truyền thống quá chú trọng đến đạo đức mà không chú ý đến giáo dục các kiến thức khoa học, để rồi chúng ta lại chuyển sang một thái cực thứ hai là quá chú trọng đến dạy chữ, dạy chuyên môn mà không chú ý đúng mực đến giáo dục đạo đức, nhân cách cho người học. “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nhân lực trình độ cao còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người” (2). Chính vì vậy, chúng ta tạo ra những con người giỏi về lý thuyết chuyên môn nhưng thiếu khả năng thực hành, thiếu những phẩm chất đạo đức và nhân cách cần thiết để có thể đóng góp cho xã hội. Thời gian qua, trong giáo dục phổ thông, dạy chữ còn chiếm quá nhiều thời gian, trong khi giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức dân tộc, tư duy độc lập sáng tạo còn quá ít quỹ thời gian để các nhà giáo xử lý. Sự thiếu hoàn thiện về nhân cách chỉnh thể toàn diện, hài hòa đã khiến con người Việt Nam chưa thể trở thành động lực cho sự phát triển. Vì vậy, đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang hướng tới đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Chúng ta khẳng định cần phải quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức, nhân cách. Để khắc phục những khiếm khuyết của giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Nho giáo “Phu Tử lấy 4 điều để dạy người: văn chương, đức hạnh, lòng trung thực và lòng thành tín” (Luận ngữ, Thuật nhi). Các môn văn chương, đức hạnh, trung, tín thì ngoài văn chương đều thuộc lĩnh vực đạo đức. Nho giáo nhấn mạnh đến việc giáo dục hành vi đạo đức và ý thức trách nhiệm đối với xã hội, với vua, cha mẹ, anh em, bạn bè. Mặc dù hạn chế của Nho giáo không đưa những tri thức về tự nhiên, sản xuất, kinh doanh vào chương trình giảng dạy nhưng rõ ràng việc nhấn mạnh một nội dung quan trọng của giáo dục là giáo dục nhân cách, đạo làm người là một tư tưởng đúng đắn của Nho giáo cần phải chú ý trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay.

Mục đích của việc giáo dục, việc học là hoàn thiện nhân cách để đóng góp cho xã hội

Một hạn chế của giáo dục Việt Nam là động cơ học tập của người học chưa đúng đắn, học cốt lấy tấm bằng để tiến thân, kiếm được việc làm “vinh thân phì gia”. Từ đó, dẫn tới những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục như không ít trường hợp mua bằng bán điểm, nhờ người khác học hộ, thi giúp, học ít cũng có sao đâu miễn sao có tấm bằng, không học mà có bằng lại càng tốt. Tư duy bằng cấp dẫn tới việc học không chú ý đến chất lượng thực sự, chạy theo thành tích. Điều này cũng xuất phát một phần từ cơ chế tuyển dụng, hay đánh giá cán bộ nhiều khi vẫn dựa vào bằng cấp hơn là thực chất kiến thức cũng như đóng góp của họ trong công việc. Để khắc phục sự thiếu đúng đắn trong xác định động cơ, mục tiêu học tập, giáo dục của người học và cả người dạy cần phải trở về với tư tưởng của Nho giáo. Mục đích cao nhất của học, theo Khổng Tử, không chỉ là biết đạo mà còn để làm quan, tham gia vào việc chính trị quốc gia “Người có tri thức như có của quý mà ôm giấu, để cho nước nhà rối loạn, không phải là người nhân” (Luận ngữ, Dương hóa, 1). Học là để có tri thức, hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người có đủ phẩm chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm để từ đó, đóng góp cho xã hội chứ không phải là mưu lợi cá nhân. Việc Nho giáo xác định động cơ học tập, giáo dục như vậy là hoàn toàn đúng đắn. Hiện nay, chúng ta xác định động cơ đúng đắn trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân là để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua việc đóng góp cho xã hội, bản thân mỗi người cũng đều được nhận những giá trị, lợi ích cho mình. Tuy nhiên, hạn chế của Nho giáo là giới hạn việc giúp đời, thực hành những điều đã biết của mình bằng việc ra làm quan. Luận điểm mà Khổng Tử nhấn mạnh trong Luận ngữ: “học mà giỏi thì làm quan”. Tuy nhiên, để đóng góp cho xã hội không chỉ làm quan mà cả lao động, cày cấy, binh đao… Chính vì quan niệm giúp đời bằng cách ra làm quan nên Nho giáo cho rằng dạy học là dạy kẻ cầm quyền trị dân chứ không dạy học nghề cày cấy.

Nhân cách của người dạy có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

Ngày nay, khoa học giáo dục phát triển và đều khẳng định vai trò của phương pháp nêu gương trong giáo dục. Người thày tác động đến người học không chỉ bằng kiến thức, những phương pháp giáo dục của mình mà còn giáo dục bằng chính nhân cách của mình. Người thày trên bục giảng rao giảng đạo đức, những điều tốt đẹp mà trong cuộc sống lại không gương mẫu, làm những điều trái đạo đức thì khó có thể thuyết phục và hình thành, bồi dưỡng ở người học những phẩm chất tốt đẹp. Sự trái ngược giữa lời giảng và nhân cách trên thực tế của người dạy làm mất hết tác dụng, ý nghĩa những lời giảng của thầy dù những lời giảng ấy có chuẩn bị công phu, hay đến mức nào. Thực tế giáo dục Việt Nam hiện nay đang phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường, một bộ phận thày cô đã không giữ được nhân cách, vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, thiếu công bằng, công tâm, bán điểm, biến giáo dục trở thành trao đổi mua bán… Các nghiên cứu đều khẳng định muốn chấn hưng giáo dục, mọi cuộc cải cách trong giáo dục đều bắt đầu từ người thày. Chất lượng giáo dục không thể cao hơn chất lượng người thày. Nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo không chỉ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp mà cả về nhân cách của người thày. Cách đây 25 thế kỷ, Nho giáo cũng đã nói về nhân cách của người thày trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục “Không thể sửa mình ngay thẳng lại có thể sửa người ngay thẳng được sao” (3). Như vậy, những vấn đề đang đặt ra trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay như hoàn thiện nhân cách, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thì Nho giáo đã đề cập tới.

Giáo dục phải phát huy năng lực, tính độc lập, sáng tạo, tư duy phản biện của con người

Một hạn chế của giáo dục Việt Nam thời gian qua là giáo dục quá chú trọng đến trang bị kiến thức, cung cấp thật nhiều kiến thức cho người học mà không chú ý phát triển năng lực của người học (bao gồm có các kỹ năng và năng lực cần thiết) thông qua giáo dục. Người thày chỉ truyền thụ những gì mình có mà không xuất phát từ người học trong giáo dục, không lấy người học làm trung tâm, không căn cứ vào nhu cầu, trình độ của người học để điều chỉnh quá trình giáo dục cho phù hợp. Vì vậy, một trong trọng tâm của đổi mới giáo dục hiện nay ở nước ta là chuyển từ giáo dục theo hướng truyền thụ tri thức sang giáo dục phát triển năng lực người học. Để giáo dục phát triển năng lực người học thì phải cá biệt hóa, giáo dục theo từng đối tượng cụ thể và nắm được năng lực của mỗi người học để phát huy hết năng lực của họ. Vì vậy, giáo dục phát triển năng lực người học phải chú ý phương pháp giáo dục phù hợp từng đối tượng người học khác nhau.

Điều này Khổng Tử đã khẳng định và đã thực hành trong thực tiễn dạy học của mình. Trình Di thời Bắc Tống đã nói: “Khổng Tử dạy người đều căn cứ vào tố chất của họ”. Chu Hi từng nói: “Cách dạy người của Phu Tử, đều dựa vào tố chất của từng người”. Khổng Tử cũng đã khẳng định dạy học phải dựa vào tố chất, năng lực của từng người: “Từ người trí lực bậc trung trở lên thì có thể bảo cho những đạo lý cao siêu. Từ người trí lực bậc trung trở xuống thì không thể giảng những đạo lý cao siêu” (4). Vì dạy học phải dựa vào tố chất của từng người học nên hàng ngày, Khổng Tử quan sát, để ý học trò mình rất kỹ lưỡng. Khổng Tử xem xét tính cách từng người mà giảng luận và sửa chữa cho họ, khi đệ tử hỏi về đạo hiếu, ông trả lời mỗi người một khác. Với Mạnh Ý Tử vốn là người trái ngược, Khổng Tử dạy rằng: chớ nên trái lễ; với Tử Du biết nuôi cha mẹ mà chẳng biết kính, Khổng Tử dạy rằng nuôi cha mẹ, biết kính trọng thì mới là hiếu. Khi học trò hỏi về chính sự, với Tử Cống ông trả lời: “Lương thực cho đầy đủ, binh lực cho đầy đủ và được dân tin cậy ” (Luận ngữ, Nhan Uyên). Sau đó Khổng Tử chỉ rõ nếu bất đắc dĩ phải bỏ bớt thì bỏ binh lực rồi bỏ lương thực chứ không được bỏ dân vì “dân mà không tin cậy thì không thể đứng vững” (Luận ngữ, Nhan Uyên). Với Tử Trương thì Khổng Tử khuyên: “Giữ chức vụ không mệt mỏi, làm công việc cốt trung thực” (Luận ngữ, Nhan Uyên). Còn đối với Tử Hạ, Khổng Tử dạy: “Đừng ham nhanh, đừng trông lợi nhỏ. Ham nhanh thì kết quả không chu đáo, trông lợi nhỏ thì việc lớn hỏng mất” (Luận ngữ, Tử Lộ). Câu trả lời của Khổng Tử nhắc nhở học trò về những thiếu sót, cần bổ sung của mình. Nhan Hồi là học sinh thông minh, lanh lợi, đạo đức tốt nhưng lập trường lễ chưa vững vàng, khi hỏi về nhân, Khổng Tử trả lời: “Hạn chế mình để trở lại điều lễ, đó là nhân” (Luận ngữ, Nhan Uyên). Phạm Trì là học trò thích hỏi han, ham hiểu biết nhưng không nắm được cốt lõi của vấn đề nên Khổng Tử trả lời nhân là yêu người, Tư Mã Ngưu là học trò lắm lời, nóng tính, hỏi về nhân, Khổng Tử trả lời: “Nhân là nói năng từ tốn, thận trọng” (Luận ngữ, Nhan Uyên). Nắm rõ đặc điểm, trình độ năng lực của từng người để phát huy những năng lực sẵn có của họ, bổ khuyết những năng lực còn thiếu mà Nho giáo đưa ra thật phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay là giáo dục phát triển năng lực người học.

Trong mục tiêu giáo dục phát triển năng lực người học, năng lực sáng tạo được đặc biệt đề cao. Theo UNESCO, đặc trưng của giáo dục hiện nay là bồi dưỡng nhân tài có ý thức sáng tạo, có tinh thần sáng tạo, có năng lực sáng tạo. Đó là mục tiêu số một, quan trọng hơn bất kỳ mục tiêu nào mà công cuộc cải cách giáo dục của các nước đang theo đuổi (5). Năng lực là cái tự nó, của chính nó. Phát triển là tự phát triển, không ai ban phát được. Năng lực không được tạo ra nhờ người khác truyền thụ mà phát triển trong quá trình tự học, tự nghiền ngẫm, tư duy. Do đó, việc dạy học quá chú trọng đến truyền thụ tri thức và truyền thụ theo kiểu một chiều, thày thuyết trình, độc giảng đã làm hạn chế năng lực người học, đặc biệt là năng lực tư duy sáng tạo, độc lập suy nghĩ. Cách dạy truyền thụ một chiều, kiểm tra, đánh giá đơn thuần là kiểm tra sự ghi nhớ của người học về những gì thày giảng vô hình chung đã tạo ra những con người nói và suy nghĩ theo người khác, không có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo. Xã hội hiện đại là xã hội thông tin thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cần những con người có khả năng sáng tạo chứ không cần những người chỉ nhớ những điều người khác nói.

Điều này đã được Nho giáo nhấn mạnh và lưu ý cách đây hơn 2000 năm. Khổng Tử yêu cầu người học phải có tư duy độc lập, có phê phán, không dễ dàng xuôi chiều chấp nhận quan điểm của người khác mà phải có chính kiến riêng, biết xem xét, đánh giá bằng chính quan điểm, lập luận của mình. Nhan Hồi là người hiếu học, thông minh, linh lợi được Khổng Tử yêu mến nhưng phong cách học của Nhan Hồi khiến ông phàn nàn: “Hồi chẳng giúp đỡ gì cho ta cả. Nghe ta nói gì cũng hài lòng ngay” (Luận ngữ, Tiên tiến). Tử Hạ tuy đạo đức và học thức không bằng Nhan Hồi nhưng Khổng Tử lại thích thú con người này vì Tử Hạ đọc Kinh Thi có ý kiến riêng của mình. Khổng Tử nói: “Phát khởi được ý ta chính là trò Thương. Thế mới xứng đáng cùng ta bàn về kinh thi” (Luận ngữ, Bát dật). Khổng Tử khuyên mọi người học phải luôn xem xét các quan điểm của người khác, so sánh trên quan điểm riêng, độc lập của mình để tìm ra những điều hay điều dở chứ không phải nhắm mắt tin vào mọi điều mình nghe “phải nghe nhiều rồi chọn điều hay mà theo, thấy nhiều để xét cho rõ cái hay, dở mà nhớ lấy, đó là điều quan trọng để trở thành trí giả” (Luận ngữ, Thuật nhi, 27). Tư duy độc lập, phê phán, có phản biện mà Khổng Tử yêu cầu ở người học vẫn còn nguyên giá trị đối với giáo dục hiện đại.

Nho giáo không chỉ yêu cầu người học phải có tư duy độc lập, phê phán mà còn phải có tư duy sáng tạo, học một mà biết mười. Phương pháp giáo dục của Khổng Tử là học phải gắn liền với việc phát huy sự năng động, sáng tạo của người học. Học phải biết suy tư, biện luận những điều đã học: “Học mà chẳng suy nghĩ thì mờ mịt không hiểu, suy nghĩ mà không học thì nguy hại” (6). Theo Khổng Tử, tư là suy nghĩ từ cái này sang cái khác, từ cái biết rồi suy ra cái chưa biết: “Không tức bực vì không hiểu được thì ta không bảo cho mà hiểu. Không hậm hực vì không nói ra được thì ta không bảo cho mà nói. Cứ một góc chẳng biết xét đến 3 góc khác thì ta không thể bảo lại vậy” (7). Khổng Tử cho rằng những người học chỉ biết những điều đã biết, không biết từ đó mà suy luận, sáng tạo ra những tri thức mới từ những tri thức đã biết thì ông không dạy nữa. Nhưng ông cũng nói tư duy sáng tạo phải có chất liệu, tức là thông tin, thông tin có được qua học, không có nền tảng kiến thức không thể có tư duy sáng tạo.

Xây dựng tinh thần học tập suốt đời

Ngày nay trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cứ 2-3 năm, tri thức của loài người lại tăng lên gấp đôi. Trong điều kiện tri thức tăng theo cấp số nhân như vậy, nhà trường không thể nào trang bị hết tri thức cho người học và sau khi ra trường, tri thức đó đã trở nên lạc hậu, cần phải bổ sung những tri thức mới mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì vậy, học tập suốt đời đã trở thành yêu cầu tất yếu. Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời gắn bó với nhau là nhu cầu trong một thị trường lao động đang biến động với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và văn hóa, đồng thời nhằm đạt tới sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục. Nắm bắt được yêu cầu khách quan này, Nghị quyết trung ương 8 khóa XI khẳng định cần “đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người” (8). Để có thể thực hiện chủ trương học tập suốt đời, Đảng ta cho rằng cần tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, giúp người học có năng lực tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh xã hội ít có sự vận động như trong xã hội cổ đại, Nho giáo đã khẳng định tinh thần học tập không ngừng nghỉ, thường xuyên, liên tục. Khổng Tử luôn khẳng định phải “học không biết chán, dạy không biết mỏi” và bản thân ông là tấm gương sáng về việc dạy và học với niềm đam mê bất tận. Sau này, các bậc nho gia kế tiếp Khổng Tử cũng khẳng định tinh thần học tập không ngừng, Tuân Tử cho rằng: “Không góp từng nửa bước thì không đi đến ngàn dặm. Không góp những ngòi nhỏ không thành được sông lớn, biển cả. Thành công là ở sự làm luôn mà không bỏ” (9). Để có thể học tập suốt đời, không ngừng nghỉ ngoài việc phải có tư duy độc lập, sáng tạo thì theo Nho giáo còn phải bồi dưỡng hứng thú học tập, tạo sự ham thích trong học tập, “biết học đạo chưa bằng ham thích đạo, ham thích đạo chưa bằng vui với đạo” (Luận ngữ, Ung dã).

Những hạn chế, bất cập chính của giáo dục Việt Nam cũng như những định hướng chủ yếu nhất trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ở Việt Nam hiện nay đều đã được Nho giáo đề cập và bàn luận. Mặc dù còn những hạn chế nhất định, song tính thời sự và những giá trị của tư tưởng Nho giáo về giáo dục trong bối cảnh xã hội hiện nay đã chứng tỏ tầm vóc của một học thuyết lớn, có khả năng vượt không gian và thời gian. Khẳng định ý nghĩa của Nho giáo với công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam giúp chúng ta thấy rõ hơn đổi mới cũng bắt nguồn từ trong truyền thống, Nho giáo vẫn đang tiếp tục sống trong công cuộc hiện đại hóa ở Việt Nam cũng như nhiều nước có truyền thống Nho học.

________________

1, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.12, 128.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.167 -168.

3, 9. Chu Hi, Tứ thư tập chú, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.380.

4, 6, 7. Khổng Tử, Luận ngữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.326, 67, 243.

5. Ủy ban giáo dục quốc tế TK XXI của UNESCO, Giáo dục nơi cất giấu sự giàu có, Nxb Khoa học Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.6.

 

Tác giả: Nguyễn Tiến Thư

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *