Viện Goethe Hà Nội vừa tổ chức Tuần lễ phim Đức 2021 với bốn bộ phim được chiếu online vào tối thứ bảy hàng tuần, lúc 20 giờ. Thay vì những Tuần lễ phim diễn ra ở các cụm rạp tại các thành phố lớn, giờ đây hoạt động này đã chuyển thành chiếu phim trực tuyến.
Vừa là hoạt động giao lưu văn hóa, Tuần lễ phim này cũng như một món quà dành cho khán giả trong mùa dịch, khi mà giãn cách xã hội đã khiến chúng ta phải ở yên trong nhà và giao tiếp với mọi người thông qua Internet.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, tất cả chúng ta dù sống ở đâu cũng đều đã và đang phải làm quen với tình hình bình thường mới mà đại dịch mang đến. Ở yên trong nhà, không ra đường khi không có việc cần thiết, học online và làm việc tại nhà đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người. Với kỳ vọng “những bộ phim thú vị sẽ như món quà tinh thần giúp chúng ta vượt qua mùa giãn cách này một cách an toàn và vui vẻ, để việc ở nhà không nhàm chán”, Viện Goethe dành tặng khán giả bốn bộ phim được lựa chọn kỹ lưỡng, với những thể loại và chủ đề đa dạng. Đó là Đường xa vạn dặm (Zu weit weg), Tấm hình, Lời chào từ Fukushima và Amelie chạy.
Đều là những phim điện ảnh mới sản xuất và nắm bắt được những chủ đề thịnh hành ở Đức, bốn bộ phim đã cho thấy một lát cắt sinh động về nước Đức hiện đại và phần nào như bức phác thảo về điện ảnh Đức. Nếu Đường xa vạn dặm qua câu chuyện về hai cậu bé người Đức và Syria hé lộ góc nhìn về cuộc sống người tị nạn tại Đức thì Tấm hình là câu chuyện về tình cha con sau nhiều năm bị thất lạc. Lời chào từ Fukushima lại là sự tương tác giữa văn hóa phương Đông và phương Tây thể hiện qua mối quan hệ của hai người phụ nữ, một Đức, một Nhật sau thảm họa động đất – sóng thần tại Fukushima – Nhật Bản. Còn Amelie chạy kể về tình bạn cảm động giữa một cô bé mắc bệnh hen suyễn cùng với một cậu bé ở miền Bắc nước Ý.
Không chỉ khám phá những câu chuyện xoay quanh cuộc sống và con người nước Đức hiện đại, những bộ phim cũng cho thấy phác thảo chân dung các đạo diễn của điện ảnh Đức thông qua những tác phẩm điện ảnh hầu hết đều được sản xuất những năm gần đây.
Cảnh phim Đường xa vạn dặm
Bộ phim Đường xa vạn dặm (Zu weit weg) của đạo diễn kiêm nhà biên kịch Sarah Winkenstette, sinh năm 1980 tại Rheda-Wiedenbrück, Đức. Qua góc nhìn trẻ thơ của hai cậu bé – Ben 12 tuổi và Tariq 11 tuổi, những vấn đề về cuộc sống của những người tị nạn và cách mà họ phải vượt qua định kiến để hòa nhập được đặt ra. Những câu chuyện thú vị xoay quanh cậu bé người Đức vừa chuyển nhà từ một làng quê lên thành phố lớn, rụt rè làm quen với một cậu bé nổi trội trong lớp đến từ một gia đình tị nạn gốc Syria. Cách mà hai cậu bé tuy xuất thân khác nhau nhưng lại có nhiều điểm chung này từ đối đầu lại trở thành bạn đã gợi những liên tưởng thú vị về một xã hội hiện đại, cởi mở và hội nhập.
Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Sarah Winkenstette Đường xa vạn dặm đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc gia và quốc tế và được công chiếu tại các rạp chiếu phim của Đức vào tháng 3/2020. Winkenstette bắt đầu hoạt động chuyên nghiệp vào năm 2000 với tư cách là thực tập sinh tại Bertelsmann. Từ năm 2003 đến năm 2005, cô theo học trường báo chí RTL ở Cologne. Sau đó, cô làm việc cho các chương trình truyền hình dành cho trẻ em khác nhau của ZDFtivi và WDR. Từ năm 2007 đến năm 2011, cô theo học tại Học viện Nghệ thuật Cologne về Truyền thông.
Từng được chiếu tại các Liên hoan phim ở Torino, Thượng Hải và Havana, bộ phim Tấm hình (Atlas) là cái nhìn sắc sảo của đạo diễn (kiêm biên kịch và dựng phim) David Nawrath sinh năm 1980 tại Berlin (Đức) – mang nửa dòng máu Đức và nửa dòng máu Iran. Được gắn mác 16+, Tấm hình kể về một người đàn ông 60 tuổi làm nghề vận chuyển nhà chuyên nghiệp. Khi đang tham gia một phi vụ cùng ông chủ, ông tình cờ tìm được cậu con trai bị thất lạc từ lâu. Để giúp con trai ruột, Walter không những phải đối đầu với ông chủ mà cả với quá khứ của chính mình.
Đạo diễn David Nawrath đã lớn lên ở cả Đức và Iran. Năm 2005, cùng với Florian Schewe, anh ra mắt bộ phim tài liệu dài tập Moharram – Jugend der ewigen Morgenröte (Tạm dịch: Moharram – tuổi trẻ của bình minh vĩnh cửu) – bức chân dung về những thanh thiếu niên hiện đại ở Tehran. Bộ phim đã được trình chiếu tại Liên hoan Kassel DOK vào năm 2005, và cùng năm đó Nawrath bắt đầu học đạo diễn tại Học viện Điện ảnh và Truyền hình Đức Berlin (DFFB). Phim ngắn 17 phút Was bleibt (Tạm dịch: Điều gì còn lại) của anh đã được đề cử cho Giải thưởng Phim ngắn của Đức và Giải Phim ngắn Châu Âu. Tại Liên hoan phim Premiers Plans in Angers (Pháp), Nawrath đã được trao Giải nhất của Ban giám khảo trong hạng mục Phim sinh viên châu Âu. Anh tốt nghiệp với phim ngắn Die offene Tür (Tạm dịch: Cánh cửa mở) (2010).
Cảnh phim Lời chào từ Fukushima
Năm 2011, Nawrath được chọn là một trong sáu nhà làm phim quốc tế cho Résidence du Festival de Cannes ở Paris. Từ khi còn là kịch bản, Tấm hình đã được đề cử cho giải Deutscher Drehbuchpreis (giải dành cho kịch bản phim chưa được chuyển thể thành phim) vào năm 2016. Tại Liên hoan phim Turin, bộ phim đã nhận được giải Đặc biệt từ ban giám khảo và Rainer Bock giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Sau khi được công chiếu tại Đức vào tháng 4/2019, bộ phim Tấm hình đã nhận được đề cử ở các hạng mục Kịch bản hay nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Giải thưởng Điện ảnh Đức 2019.
Không chỉ là đạo diễn phim, Doris Dörrie (sinh năm 1955 tại Hannover) còn là ca sĩ Opera, nhà văn và giáo sư. Sau khi hoàn thành khóa học đào tạo diễn xuất tại Trường Đại học Pacific tại Stockton, Calfornia và Trường Nghiên cứu xã hội tại New York, bà theo học trường Đại học Điện ảnh truyền hình tại Munich, nơi bà nhận được bằng sáng tạo về viết kịch bản vào năm 1997. Trong sự nghiệp, bà từng giành rất nhiều giải thưởng cho những tác phẩm văn học và điện ảnh của mình. Lời chào từ Fukishima từng đoạt Giải thưởng phim Bayern, Giải thưởng Heiner Carow của Quỹ DEFA, đề cử các hạng mục Phim điện ảnh hay nhất và Nữ diễn viên chính hay nhất của Giải thưởng phim điện ảnh Đức.
Phim đưa khán giả quay trở lại ngày 11/3/2011, một trận động đất cấp độ 9 đã làm rung chuyển bờ biển phía Đông Bắc của Nhật Bản, tạo thành một cơn sóng thần. Chỉ trong vòng 5 tiếng sau đó, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sự cố trong hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và con số tử vong khoảng 16.000 người. Nhân vật Marie (Rosalie Thomass) đến cùng đoàn trợ cứu với vai trò là chú hề của đoàn, để động viên những người trốn thoát khỏi trận thiên tai về mặt tinh thần. Nơi này, cô gặp Satomi (Kaori Momoi) – Geisha cuối cùng của tỉnh Fukushima. Qua một đêm chiến dịch đầy sương mù, họ quyết định rời khỏi trại tập trung. Trong sự cô đơn của họ, hai nền văn hóa hoàn toàn đối nghịch giao thoa với nhau. Từ chỗ ngạc nhiên, thậm chí khó chịu, họ đã học được cách để hiểu và đồng cảm. Với bộ phim này, Doris Dörrie được đánh giá là tiếp cận những vấn đề thảm họa một cách tinh tế qua hai người phụ nữ hoàn toàn trái ngược. Trong một bộ phim về chủ đề thảm họa khác, bà cũng khiến cho những khía cạnh của nền văn hóa Nhật Bản có thể được thẩm thấu một cách dễ dàng đến mọi người.
Cảnh phim Amelie chạy
Bộ phim phiêu lưu Amelie chạy (Amelie rennt) tà tác phẩm điện ảnh thứ hai của đạo diễn Tobias Wiemann. Sinh năm 1981 tại Greifswald – Đức, Tobias Wiemann được đào tạo thành một nhà thiết kế truyền thông nhưng lại làm việc với vai trò là một nhà quay phim, biên tập, đạo diễn và sản xuất phim ngắn. Từ năm 2008, anh làm việc cho công ty sản xuất Barefoot Films của Til Schweiger trong các tác phẩm điện ảnh lớn. Anh vừa là nhà văn vừa là đạo diễn của bộ phim truyện Großstadtklein. Von einem, der auszog, das Fürchten zu lernen do anh sản xuất là câu chuyện cổ tích truyền hình thành công nhất năm 2015.
Từng gây ấn tượng ở hạng mục Generation Kplus dành cho các phim có đề tài trẻ em ở Liên hoan phim Berlin 2017, bộ phim Amelie chạy được các giám khảo nhận xét: “Với lời thoại dí dỏm và tiết tấu nhanh, bộ phim mô tả sự phát triển của một tình bạn không tưởng giữa hai nhân vật thú vị”.
HÀ THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình