TƯỢNG NGƯỜI TRONG ĐIÊU KHẮC LĂNG MỘ THỜI LÊ – NGUYỄN


Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hình thành từ rất lâu đời và đã tạo ra những tác động không nhỏ tới quan niệm sống của nhân dân ta. Trong đó, việc xây dựng mộ phần luôn được hết sức coi trọng. Đối với người dân, việc xây dựng sinh phần thường khá đơn giản. Trong khi đó, phần mộ của quý tộc, nhất là của vua chúa, thường được xây cất khá công phu.

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Những lăng mộ đầu tiên được xây dựng từ thời Lý. Trải qua một giai đoạn tiến triển dài, từ thời Trần – Lê, những quy chuẩn đầu tiên cho phong cách xây dựng lăng mộ mới được hình thành và sau này được dần hoàn thiện trong thời Nguyễn. Những công trình lăng mộ vua và hoàng hậu thời Lê, táng ở Lam Sơn (Thanh Hóa), được thiết kế với một mặt bằng lăng đơn giản, diện tích không lớn, hệ thống tượng điêu khắc đóng vai trò chủ đạo giúp tạo nên không gian và sắc thái riêng của từng lăng mộ. Cách sắp đặt hệ thống tượng khác nhau sẽ tạo ra diện mạo khác nhau của các lăng mộ; bỏ đi những thành phần điêu khắc này cũng có nghĩa triệt tiêu luôn cả kiến trúc. Tại các lăng vua thời Nguyễn sau này, những điêu khắc tượng tròn đã không còn mang giá trị quan trọng như trước kia nữa. Tại đây, do những công trình kiến trúc được tăng cường, lăng mộ trở thành một tổng thể lớn gồm phần lăng và phần tẩm với rất nhiều những công trình phong phú đa dạng. Vì vậy, điêu khắc tượng chầu tại các lăng mộ thời Nguyễn ít có giá trị tự thân cao như ở thời Lê trước đó.
Nằm trong hệ thống điêu khắc lăng mộ ấy, sự hiện diện của hình tượng con người từ thời Lê đến Nguyễn với những biến đổi về kích thước, số lượng và phong cách tạo hình không chỉ thể hiện sự khác biệt về trình độ, phong cách điêu khắc của mỗi thời kỳ mà còn cho ta thấy được những thay đổi trong quan niệm tín ngưỡng cũng như lịch sử tư tưởng đương thời.
Riêng về kích thước và phong cách tạo tác, tượng người trong các lăng vua Nguyễn đã có những biến đổi rất nhiều so với lăng mộ các vua và hoàng hậu thời Lê trước đó.
Thời Lê, kích thước của hệ thống tượng điêu khắc đặt trong các lăng ở Lam Kinh (Thanh Hóa) khá nhỏ bé. Đa phần các tượng điêu khắc đều có chiều cao từ 50-60cm, riêng tượng quan hầu cao trung bình 1m10. Sự chi phối bởi các yếu tố tâm thức dân gian đã góp phần làm nên kích thước nhỏ bé của các tượng này. Do nhà Lê vốn gốc người Mường nên trong giai đoạn đầu, ý thức về văn hóa của họ còn mang đậm tính dân gian với quan niệm chia vũ trụ làm ba tầng thế giới. Họ cho rằng chết là trở về với thế giới bên dưới (mường ma) – thế giới này cũng được xây dựng theo mô thức như một mường của người đang sống (gồm có ruộng đồng, nhà cửa, chợ búa, làm ăn…), chỉ có điều, mọi thứ đều được thu nhỏ lại, con người chỉ bằng cái ống suốt chỉ. Và để không gây ảnh hưởng xấu tới linh hồn người đã khuất thì các tượng điêu khắc lăng mộ đều phải được làm với kích thước khiêm tốn như vậy.
Về mặt tạo hình, buổi đầu thời Lê sơ, hệ thống tượng điêu khắc lăng mộ được tạo nên nhằm mục đích táng theo người đã khuất nên không chú trọng lắm tới hình thức thể hiện, sự thô mộc biểu hiện rõ ràng qua cách tạo tượng. Nhưng càng về sau, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Nho giáo, ý thức về địa vị xã hội của tầng lớp quý tộc ngày càng lớn. Những lăng mộ được dựng lên không chỉ nhằm đưa linh hồn người chết tới thế giới bên kia theo tâm thức dân gian mà quy mô cũng như hình thức của những lăng mộ thời kỳ này còn tượng trưng cho quyền lực của vị vua khi còn sống và sự tận hưởng vinh dự sau khi chết với hy vọng lăng mộ được tồn tại mãi mãi. Chính vì vậy, hình thức của tượng điêu khắc trong các lăng mộ ngày càng được chú trọng thể hiện một cách hoa mỹ hơn nhằm để lại di sản cho đời sau chiêm ngưỡng.
Sang tới thời Nguyễn, không chỉ kích thước của tượng được làm lớn hơn rất nhiều với chiều cao xấp xỉ người thực mà cả cách tạo hình cũng rất cân đối, chú trọng hiện thực. Tượng đều được làm bằng đá- loại chất liệu rất hợp với môi trường ngoài trời và theo quan niệm của dân gian thì đây là vật chất thiêng để linh hồn tán ngụ, màu sắc lại hợp cảnh lăng trầm mặc. Các tượng đều được nghiên cứu khá kỹ ở ngoại hình và nội tâm, được thể hiện trong trạng thái thành kính với dáng đứng trang nghiêm. Trong đó, tượng quan võ được thể hiện trong tư thế tay trái giữ kiếm, tay phải đưa lên ngang bụng. Tượng có khối mặt bẹt, mắt nhìn thẳng, đuôi mắt xếch, mũi nổi to, sống mũi cao, hai tai cao trên phần chân mày, có ria mép và râu, râu dài xuống phần ngực. Tượng được thể hiện trong trang phục: đội mũ tròn ôm sát đầu, ống tay áo ngắn, bó sát để lộ bàn tay. Tượng quan văn có kích thước tương đương như quan võ nhưng thần thái gương mặt có phần hiền hòa hơn. Tượng quan văn được thể hiện trong trang phục triều đình với đầu đội mũ cánh chuồn và tư thế đứng chắp tay trước bụng rất thành kính. Hai bàn tay của quan văn được lồng vào bên trong ống tay áo, chỉ để lộ ra chiếc thẻ bài. Trang phục của những tượng quan hầu này đều được trang trí bằng những hình hoa lá, hổ phù… dày đặc, hết sức tỉ mỉ.
Những sự biến đổi trên không diễn ra trong một sớm một chiều mà đã phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp khá dài của thời Lê trung hưng. Điêu khắc tượng người trong các lăng thời Lê trung hưng chính là sự kế thừa và nâng cao tính chất tả thực và hoa mỹ từng xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc lăng mộ thời Lê sơ. Nhưng được thể hiện với một tỷ lệ hình khối cơ thể cân đối như người thực và những đường nét chạm khắc hoa văn tinh tế, sắc nét. Điều đó cho thấy tượng người tại lăng mộ thời kỳ này đã không còn mang tính chất nguyên thủy là vật để táng theo người chết nữa, mà trở thành vật để phô trương quyền lực của chủ nhân, đặc biệt là của dòng họ Trịnh. Bắt đầu từ đây, những tượng điêu khắc lăng mộ đã mang tính chất hiện thực rất cao, tượng được thể hiện với tỷ lệ gần với người thực. Những tượng võ sĩ này giống như một đội quân đầy vẻ phục tùng đang sẵn sàng đợi lệnh chủ nhân. Trang phục cũng được thể hiện một cách cầu kỳ, hoa mỹ, khác hẳn với cách tạo khối thô sơ, giản dị của những tượng lăng mộ Lê sơ thời kỳ trước.
Ở những lăng mộ thời Trần và Lê sơ thường chỉ có hai tượng quan hầu đứng chầu hai bên. Nhưng sang đến thời Lê trung hưng, tại lăng Đa Bút – lăng Trịnh Sâm, số lượng tượng võ sĩ đã tăng lên tới 10 tượng và không còn xuất hiện tượng thú. Số lượng tượng như vậy đã trở thành định thức cho những lăng mộ thời Nguyễn sau này.
Nhìn chung, cấu tạo tượng ở các lăng vua triều Nguyễn tương đối đồng nhất về kích thước cũng như phong cách tạo hình, tuy nhiên số lượng tượng quan hầu tại mỗi lăng mộ được biến đổi sinh động theo từng thời kỳ.
Lăng Gia Long, Minh Mệnh và Thiệu Trị là ba ngôi lăng được xây dựng đầu tiên tại Huế. Hệ thống tượng điêu khắc tại những lăng này bao gồm: 10 tượng quan hầu, chầu hai bên sân bái đình, trong đó, có 6 tượng quan võ và 4 tượng quan văn. Sự chênh lệch về số lượng tượng quan văn và quan võ như trên có thể do nhiều nguyên nhân liên quan tới vấn đề về lịch sử, chính trị của nước ta lúc bấy giờ. Thứ nhất, vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn – Nguyễn Ánh – là một người khởi nghiệp từ con đường võ học. Lên 17 tuổi, Nguyễn Ánh đã thu nhận được một đội quân đông đảo với những võ tướng tài giỏi như Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Luông và Hồ Văn Lân… Và sau đó ít lâu, ông đã được các tướng tôn làm Đại nguyên soái Nhiếp quốc chính. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và những cuộc chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn, cuối cùng Nguyễn Ánh đã thống nhất được giang sơn, lập ra vương triều nhà Nguyễn. Sự lên ngôi của nhà Nguyễn có đóng góp không nhỏ của đội quân thiện chiến với những vị tướng như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Luông và Hồ Văn Lân, Võ Duy Nguy, Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Phước Hội, Philipe Vannier, Nguyễn Văn Hòa, Chưởng cơ Cố… Chính vì vậy, sau khi triều đình nhà Nguyễn thành lập thì võ tướng đã chiếm s lượng rất lớn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng triền miên của tư tưởng Nho giáo nước nhà trong suốt nhiều thế kỷ trước cũng đã khiến đội ngũ nho sĩ, văn thần ngày càng giảm sút và nhanh chóng đánh mất địa vị cũng như uy thế trước những võ tướng dày công trận mạc. Mặt khác, đây là thời kỳ nhà Nguyễn mới thành lập nên không tránh khỏi những thế lực chống đối trong nước và sự dòm ngó của nước ngoài. Vì vậy, nhà Nguyễn luôn coi trọng việc ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc phòng. Điều này không những thế hiện ở những chính sách củng cố quốc phòng của nhà Nguyễn mà còn thấy được ở hệ thống kiến trúc của kinh thành Huế thời bấy giờ. Trong đó, bộ phận kiếm trúc tạo nên diện mạo tổng quát của kinh thành chính là những vòng thành đồ sộ được xây theo kiểu vauban mang nặng tính chất quân sự. Có thể nói, triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là dưới thời vua Gia Long và Minh Mệnh đã rất chú trọng vào tính chất phòng thủ của các kiến trúc với hệ thống các thành lũy và đồn bảo có mật độ cao nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhà Nguyễn đặt mối quan tâm rất lớn tới vấn đề quân sự, quốc phòng. Điều đó đã góp phần không nhỏ giúp nâng cao địa vị của tầng lớp võ quan trong triều đình. Sự trọng thị này được thể hiện qua số lượng tượng võ tướng xuất hiện tại những lăng vua Nguyễn được xây dựng trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, tuy quan lại buổi đầu triều Nguyễn phần lớn là các võ tướng xuất chúng, song, các vua Nguyễn vẫn coi trọng tầng lớp văn thần trong việc trị nước sau này. Cho nên, ngay từ đầu triều Nguyễn, vua Gia Long đã liên tục cho ban hành những chính sách có tác dụng trong việc trấn hưng Nho giáo với những chính sách thanh lọc đội ngũ nho sĩ và thống nhất chế độ giáo dục, thi cử nho học chính quy trên phạm vi cả nước. Chính vì vậy mà số lượng tượng quan võ trong các lăng mộ này tuy nhiều hơn nhưng không hoàn toàn áp đảo.
Lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định là những lăng vua Nguyễn được xây dựng vào thời kỳ sau này. Hệ thống tượng điêu khắc tại những lăng này có 8 tượng quan hầu, chầu hai bên sân bái đình. Trong đó, tượng võ quan và văn thần đã có sự cân bằng về tỷ lệ, mỗi dãy tượng gồm có 2 quan văn và 2 quan võ. Trải qua 45 năm gây dựng cơ nghiệp, vương triều nhà Nguyễn đã bước đầu ổn định về kinh tế, văn hóa, chính trị. Vai trò tích cực của tầng lớp văn thần, nho sĩ ngày càng được khẳng định. Họ nhanh chóng lấy lại thế cân bằng về địa vị với tầng lớp võ quan trong triều đình. Thêm vào đó, những vị vua sau này cũng hết sức coi trọng đạo Nho. Đặc biệt, vua Tự Đức nổi tiếng là một ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn, một nhà thơ xuất chúng với nhiều sáng tác văn thơ. Như vậy, tại lăng Tự Đức số lượng tượng quan văn và quan võ chiếm tỷ lệ ngang nhau đã tạo nên một chuẩn mực mới cho hệ thống tượng điêu khắc của những lăng mộ sau này như lăng Đồng Khánh, Khải Định.
Đặc biệt nhất là lăng Khải Định. Ngoài 2 tượng quan văn và 2 quan võ đứng chầu hai bên sân thì còn xuất hiện thêm 6 tượng lính hầu đứng ở hàng phía sau. Những tượng lính giống hệt nhau, đội nón, mặc áo cài theo kiểu cúc tàu, ống chân quấn xà cạp, bàn chân để trần, hai tay trong tư thế chầu trước ngực. ở giữa hai tay thường được đục một lỗ nhỏ có lẽ để cắm một đồ vật nào đó (cờ, biển, vũ khí). Có thể do dưới thời Khải Định (1916-1925), chủ quyền Việt Nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp và văn hóa nghệ thuật phương Tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta, cho nên, ở lăng Khải Định, một số yếu tố hiện đại đã xâm nhập vào dòng nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc, mà điển hình ở đây là những tượng lính hầu xuất hiện trong lăng.
        Như vậy, sự chuyển biến về kích thước, phong cách tạo hình cũng như số lượng tượng trong các lăng mộ Lê – Nguyễn, không chỉ thể hiện những thay đổi về quan niệm thẩm mỹ của từng thời kỳ mà nó còn là tấm gương phản ánh rõ nét quan niệm về tư tưởng, tín ngưỡng, mở ra cái nhìn toàn cảnh về tình hình văn hóa – xã hội của đất nước ta trong hai triều đại Lê – Nguyễn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011

Tác giả : Triệu Thanh Tú

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *