Vài nét về biến đổi văn hóa vùng ven biển hà tĩnh


 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Ở nước ta, CNH, HĐH đã tạo ra bước ngoặt lớn trong đời sống xã hội, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần; làm thay đổi diện mạo của các các vùng, miền trong cả nước, từ miền núi, đồng bằng đến ven biển, từ miền ngược đến miền xuôi, từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam,… Sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp CNH, HĐH đã làm biến đổi các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, từ đó dẫn đến những biến đổi về văn hóa.

Hà Tĩnh là một tỉnh nằm ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ cũng trong xu thế chung của cả nước. CNH, HĐH ở Hà Tĩnh đã tác động đến tất cả các địa bàn trong tỉnh, từ miền núi, trung du, đồng bằng đến ven biển, trong đó diễn ra tập trung và trọng điểm là vùng ven biển. Vùng ven biển của Hà Tĩnh được xem là vùng có tiềm năng lợi thế, đồng thời cũng là vùng nằm trong chiến lược kinh tế mang tính thời đại của đất nước.

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137km, với diện tích thềm lục địa 18.400km2, có bốn cửa biển là cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, nhiều bãi triều, các vùng đất ngập nước, dải cát ven biển,rất thuận lợi cho việc sản xuất muối và quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Tiềm năng hải sản ở Hà Tĩnh lớn, trữ lượng cá ước tính 86.000 tấn (cá đáy 45.000 tấn, cá nổi 41.000 tấn), trong đó có khả năng cho phép đánh bắt 54.000 tấn/năm, có 267 loài cá thuộc 97 họ, trong đó 60 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng tôm khoảng 500 – 600 tấn, với 27 loài, trữ lượng mực vùng lộng 3.000- 3.500 tấn… Hà Tĩnh có các đảo nhỏ nằm gần bờ: cách bờ biển huyện Nghi Xuân 4km có hòn Nồm, hòn Lạp; ngoài khơi cửa Nhượng huyện Cẩm Xuyên cách bờ 5km có hòn én, cách bờ 2km có hòn Bơớc; ở phía nam huyện Kỳ Anh cách bờ biển xã Kỳ Lợi 4km có đảo Sơn Dương độ cao 123m, xa hơn phía đông có hòn Chim nhấp nhô trên mặt nước… là những đảo có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Vùng biển Hà Tĩnh còn có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản lớn, qua khảo sát, thăm dò và bước đầu tiến hành khai thác mỏ sắt Thạch Khê (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, có hàm lượng Fe 61,39 đến 62,38%; vùng biển Kỳ Anh có quặng titan với trữ lượng trên 5,3 triệu tấn, thuộc loại quặng giàu, hàm lượng ilmenite từ 63,3 đến 147,4kg/m3, zircon từ 3-5,2kg/m3. Hà Tĩnh còn có cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương là cụm cảng duy nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ có khả năng phát triển cảng nước sâu, trong đó: cảng Vũng Áng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 5 vạn tấn, cảng Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu 20 vạn tấn, có các cảng thương mại Xuân Hải, cảng cá cửa Sót, Cẩm Nhượng, Xuân Hội, cửa Khẩu, trong đó cảng Xuân Hải hiện có 2 bến được thiết kế cho tàu trọng tải 1.000 DWT,… Với lợi thế về các cửa biển, Hà Tĩnh cótiềm năng lớn để phát triển kinh tế hàng hải. Dọc bờ biển Hà Tĩnh có nhiều bãi biển đẹp, có thể đầu tư xây dựng thành các khu du lịch, khu đô thị ven biển,… Ngoài ra Hà Tĩnh còn có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển, gắn với hành lang kinh tế Đông – Tây, như: quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 8A qua cửa khẩu Cầu Treo, quốc lộ 12 qua cửa khẩu Chalo sang Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực. Xuất phát từ tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, lại ở vào thời điểm hiện tại nước ta, cũng như các nước trên thế giới đang quan tâm đầu tư, khai thác phát triển kinh tế biển, coi TK XXI là thế kỷ của đại dương,… từ đó nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và hải đảo ra đời, đặc biệt là chiến lược biển đến năm 2020 – bước cụ thể hóa sự nghiệp CNH, HĐH nước ta – được ban hành, đã thúc đẩy quá trình CNH, HĐH Hà Tĩnh diễn ra nhanh hơn. Quá trình đó đã đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo với thu nhập chủ yếu là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngư nghiệp trở thành tỉnh có các khu công nghiệp lớn của Bắc Trung Bộ và cả nước như: Khu công nghiệp Vũng Áng, một khu kinh tế trọng điểm của Bắc Trung Bộ với diện tích 22.781ha, là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có dịch vụ cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Mianma; mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng sắt lớn nhất cả nước và nhiều khu du lịch, khu đô thị nằm dọc ven biển, như: Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), Thạch Bằng (huyện Lộc Hà),… Sự phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, những đầu tư cho phát triển kinh tế vùng biển như: đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản,… cùng những thành tựu về khoa học công nghệ của sự nghiệp CNH, HĐH đã tác động trực tiếp vào vùng ven biển Hà Tĩnh, làm cho khu vực ven biển Hà Tĩnh có nhiều biến đổi về cục diện cũng như trên các mặt kinh tế, văn hóa. Bước đầu có thể nhận diện sự biến đổi này như sau:

Về cục diện: Trong xã hội truyền thống, cư dân ven biển Hà Tĩnh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật sẵn có của biển để phục vụ cho cuộc sống mưu sinh, ngoài đánh bắt, họ còn chế biến hải sản, làm muối,… Do đất đai thổ nhưỡng ở đây chủ yếu là đất cát, cát trắng và đất trũng sâu, nhiễm mặn nên nông nghiệp và trồng trọt không phát triển, rải rác một số xã ở huyện Nghi Xuân, và huyện Kỳ Anh có trồng lúa, nhưng năng suất cũng không cao, do đó nông nghiệp ở vùng ven biển Hà Tĩnh chỉ là nghề phụ. Do đặc điểm kinh tế truyền thống đánh bắt thủ công là chính, nên các làng ven biển Hà Tĩnh trong xã hội truyền thống cũng mộc mạc, giản đơn, yên ả, và họ đã xây dựng một đời sống văn hóa gắn với cuộc sống làng biển và gắn với nghề biển, như: thờ cá ông (thần biển), thành hoàng làng, người có công, tổ nghề, thờ cúng tổ tiên…, đồng thời họ cũng đã tích lũy được những tri thức dân gian về biển, cá, thời tiết, chế độ và lịch con nước, phong tục, tập quán,… trải qua hàng ngàn năm trở thành nét văn hóa đặc trưng vùng biển.

Bước sang thời kỳ CNH, HĐH, các làng ven biển Hà Tĩnh trở nên nhộn nhịp, sôi động. Quán xá, các địa điểm vui chơi giải trí được xây dựng ngày càng nhiều, các dịch vụ kinh doanh đủ các mặt hàng, từ những nhu yếu phẩm hàng ngày đến vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Cuộc sống nơi đây trở nên sầm uất, người thì ra vào để giao thương buôn bán, đường sá thuận tiện khách qua lại đông đúc, học sinh đi học cách xa khoảng 10km đã có dịch vụ xe khách đưa đón, trẻ con nhà nào đến tuổi mẫu giáo cũng được đến trường,… một nhịp sống mới vồn vả với lối sống công nghiệp, đô thị ra đời, những nét văn hóa truyền thống được đan xen thêm nhiều yếu tố mới, làm cho văn hóa truyền thống có nhiều biến đổi. Sự biến đổi văn hóa truyền thống ở đây được xuất phát từ những thay đổi về phương diện kinh tế.

Về phương diện kinh tế: Với sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố khoa học công nghệ, kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị hiện đại,… những kết quả do sự nghiệp CNH, HĐH mang lại, đã làm thay đổi phương thức đánh bắt truyền thống của cư dân ven biển Hà Tĩnh, từ đánh bắt thủ công dùng sức người với các ngư cụ chủ yếu là: lưới rút, lưới xăm, lưới mười, te, vó, thuyền buồm chạy bằng sức gió,… Ngày nay các phương tiện và ngư cụ đánh bắt được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại với kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến như: các tàu thuyền đánh cá có máy móc với công suất lớn từ 90 đến 300CV (mã lực – sức kéo được tính theo sức ngựa) thay cho lợi dụng sức gió của thuyền buồm trước kia, các ngư cụ đánh cá là các loại lưới nếu trước đây khi đã vây (bủa vây) được đàn cá vào trong lưới, các trai bạn (bạn thuyền – những người nam giới có sức khỏe tốt, thông thường là ở độ tuổi thanh niên và trung niên, tập hợp thành một nhóm đi đánh cá cho một chủ thuyền trên một con thuyền) phải dùng sức và kéo lưới bằng tay, thì nay đã được thay bằng các ròng rọc và mô tơ để tời, kéo, vì vậy số lượng trai bạn trên mỗi thuyền đánh cá ngày nay cũng ít hơn trước… Tiếp đến là việc dò tìm, xác định vị trí có đàn cá đi qua, hay trú ngụ nếu trước đây phụ thuộc cả vào sự tinh anh, tài đoán định và đôi mắt tinh tường của người thợ lái (thợ kỹ thuật trong lái mười) thì nay đã có thiết bị dò cá bằng máy, giúp cho người đánh cá biết được vị trí có cá và xác định được điểm chính xác để đến bằng thiết bị định vị,… Cùng với việc đổi mới phương thức đánh bắt, vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay đã xuất hiện một số ngành nghề mới mà trước đây chưa có như: xuất khẩu lao động ra nước ngoài, làm thợ lặn thuê ở các tỉnh miền nam, phát triển một số nghề lao động phổ thông như: xây dựng, phụ nề, làm công nhân hoặc nấu ăn ở khu công nghiệp, nghề đông lạnh, các cơ sở thu mua hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá (bán nhiên liệu, sửa chữa tàu thuyền, bán đá lạnh,…), dịch vụ vận tải, dịch vụ quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, buôn bán hải sản đi các tỉnh và ra nước ngoài bằng ô tô, dịch vụ hàng tạp hóa, internet, dịch vụ chăm sóc làm đẹp, trang điểm cô dâu, xe chuyên chở khách du lịch, quán cà phê, karaoke,… Đặc biệt, một số thanh niên có trình độ trong vùng đã tham gia vào các dây chuyền sản xuất tại khu công nghiệp Vũng Áng, mặc dù số lượng này chưa nhiều nhưng cũng đã góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống nơi đây… Từ những vấn đề việc làm trên, có thể nhận định nhiều loại hình kinh tế thời hiện đại đã du nhập và xuất hiện ở vùng ven biển Hà Tĩnh.

Về phương diện văn hóa: Những thay đổi về phương diện kinh tế từ phương thức đánh bắt, đến xuất hiện các ngành nghề mới,… đã kéo theo đời sống văn hóa ở vùng ven biển Hà Tĩnh cũng có nhiều biến đổi. Những biến đổi về đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh được thể hiện trên nhiều mặt, cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Bài viết giới hạn đề cập đến những biến đổi về đời sống văn hóa tinh thần như: phong tục tập quán, đời sống tín ngưỡng và tri thức về biển của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH.

Về phong tục tập quán: Sự biến đổi về phong tục, tập quán của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay được thể hiện trên nhiều mặt. Thứ nhất, trước đây ngư dân quan niệm mỗi khi ra đường đi đánh cá nếu gặp phải phụ nữ thì quay về, vì họ cho rằng nếu gặp phụ nữ sẽ không được may mắn, họ còn kiêng phụ nữ bước qua lưới, kiêng đếm lưới, không cho phụ nữ lạ leo lên tàu đánh cá (nhất là đối với tàu đánh bắt xa bờ),… Nhưng ngày nay, những kiêng kỵ dân gian đó không còn phổ biến như trước, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, có thể nói, với thực tiễn xã hội ngày nay, các làng xã ven biển đã trở nên sầm uất, các dịch vụ giao thương buôn bán phát triển mạnh, đường sá, các cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư hiện đại, khách qua lại đông đúc, vì vậy nếu muốn ra đường mà không gặp phụ nữ là điều khó thực hiện. Về nguyên nhân chủ quan, trước hết có thể nói cư dân ven biển hiện nay đã được nâng cao về mặt nhận thức và đã có những hiểu biết nhất định, do đó những quan niệm như vậy được cho là ấu trĩ. Thứ hai, trong xã hội truyền thống ngư dân mỗi khi ra khơi buông câu, thả lưới là cả người ở nhà cũng như người đi biển của gia đình chỉ biết cầu nguyện và trông chờ vào hai chữ may mắn: gặp được đàn cá để đánh, gặp lúc trời yên biển lặng, cá khoang đầy thuyền,… Ngày nay mỗi khi ngư dân ra khơi, là mỗi khi ngư dân đi tìm cá để đánh bằng sử dụng thiết bị dò cá hiện đại, mà biển thì chưa bao giờ hết cá do đó đã cất bước ra đi là có cá mang về, nhiều hay ít lại được quyết dịnh bởi ngư cụ và phương tiện đã được trang bị mua sắm, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng chủ thuyền,… Vì vậy việc đánh bắt cá bằng thiết bị dò cá hiện đại không phải là vấn đề may mắn mà được quyết định bởi các yếu tố khoa học kỹ thuật, phương tiện trang thiết bị đầu tư,… Thứ ba, do trước kia khả năng dự báo thời tiết còn nhiều hạn chế, việc ngư dân gặp sóng to, bão lớn trên biển dẫn đến rủi ro thường xảy ra, ngư dân chưa có được thông tin trước để trú ẩn, hoặc tránh những ngày có bão không ra khơi, nên chỉ biết cầu vào may mắn, trong những cầu nguyện được may mắn đó thì cái may mắn được sống trở về vẫn là mong ước lớn nhất, bởi biển khơi mang lại nguồn sống cho họ nhưng cũng hung dữ thất thường, mỗi lần ra khơi là một nỗi lo lớn. Cư dân ven biển Hà Tĩnh có câu “Trong nôốc (thuyền) thì ngài, ngoài nôốc thì ma, đi thì chết một mình cha, không đi thì chết cả bà liền con…”, cũng chính vì vậy mỗi khi nhổ neo ra khơi cả đám trai bạn trên thuyền đều phải đồng thanh hô to may, nếu ai đó hô nhỏ, hoặc quên hô sẽ bị ông thợ cả dùng những lời lẽ rất xấu mắng nhiếc,… Nhưng với khả năng dự báo thời tiết của ngày nay, ngư dân đã biết có bão trước nhiều ngày để tránh hoặc không đi biển,… vì vậy họ không còn nặng nề trong chuyện may rủi hay gặp phụ nữ,… Để chứng minh cho những điều vừa nói, có thể dẫn ra hai trường hợp mà chúng tôi đã gặp, có dịp trao đổi trong đợt đi khảo sát: trường hợp thứ nhất là anh Lê Xuân Tiến, sinh năm 1964, ngư dân đánh cá ở thôn Lâm Hoãn xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), chuyên đánh bắt vùng lộng, đã cho biết quan điểm về kiêng kỵ gặp phụ nữ trên đường đi đánh cá: “Đối với nghề đánh cá của chúng tôi hiện nay,ai nắm bắt được khoa học thì người đó làm ăn, đánh bắt đạt được thành công, tránh được các thua lỗ, tôi không quan niệm chuyện ra đường gặp phụ nữ là không tốt”. Ở trường hợp thứ hai, khi đoàn chúng tôi đi khảo sát ở vùng biển cửa Hội (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) gặp nhóm trai bạn gồm 5 người (một trong năm người đó là chủ thuyền cùng bốn bạn thuyền) sau chuyến đánh bắt xa bờ trở về, bốn thợ bạn đang ngồi vá lưới trên tàu (300CV), khi được chúng tôi chào hỏi và tỏ ý muốn được tìm hiểu con tàu, họ đã mời chúng tôi lên tàu, trò chuyện vui vẻ và dẫn chúng tôi đi tham quan trên hai con tàu (mỗi chủ thuyền ở đây thường có hai tàu, họ còn cho biết ở vùng biển cửa Hội có mười lăm đôi tàu như vậy). Chúng tôi đi khắp hai con tàu vừa quan sát vừa chụp ảnh về các bộ phận trên tàu, về các ngư cụ một cách thoải mái và cũng rất tự do, trong khi đó lưới, phao cùng các ngư cụ đánh bắt được bày lung tung khắp cả con tàu, ban đầu chúng tôi cũng hơi e ngại vì muốn đi tiếp phải bước qua lưới và các ngư cụ,… dường như đoán biết được điều đó, một người trong nhóm bạn thuyền đã nhanh nhảu bước tới dẫn đường cho chúng tôi vừa cười vừa bảo cứ dẫm lên mà đi tự nhiên,… Qua hai trường hợp nêu trên, có thể nhận thấy một số phong tục, tập quán của cư dân ven biển Hà Tĩnh đã có xu hướng không còn tồn tại trong xã hội CNH, HĐH.

Về đờisốngtín ngưỡng: Nói đến đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biển Hà Tĩnh hiện nay, không thể không đề cập đến trào lưu hướng về cội nguồn, hướng về cộng đồng. Điều đó được thể hiện ở chỗ cư dân rất quan tâm đến trùng tu, tôn tạo di tích đình, đền, chùa, miếu,… của làng, xây dựng nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên ông bà ngày càng chu đáo khang trang. Với ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), việc xây dựng mồ mả tổ tiên ông bà diễn ra không kể đến sự khác nhau về tôn giáo. Bên cạnh đó, việc trùng tu sửa chữa chùa chiền, miếu mạo,…của làng cũng được người dân tích cực hưởng ứng, hầu như nhà nào cũng có những đóng góp nhất định hoặc tiền hoặc đồ thờ, con em địa phương đi làm ăn xa có điều kiện kinh tế khá giả, thường có những phần công đức lớn đóng góp vào việc trùng tu, tôn tạo di tích của địa phương,… Chẳng hạn Anh hùng lao động Phạm Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam, là người không chỉ bỏ của mà còn có công lớn trong việc thiết kế trùng tu, tôn tạo di tích đền Cả ở xã Cẩm Nhượng hiện nay,… Những việc làm này của cư dân cho thấy đời sống tín ngưỡng hiện đang được cư dân quan tâm thực hiện chu đáo, bên cạnh đó cũng nói lên những nỗi niềm mong muốn, lo lắng, bất an mới của cuộc sống hiện đại, của nền kinh tế thị trường đã len lỏi xuất hiện, từ đó cư dân muốn tìm kiếm một chỗ dựa về mặt tinh thần, muốn gửi gắm một niềm tin,và mong nhận được sự chở che, phù hộ của tổ tiên, ông bà và các thần linh… Như vậy, với cuộc sống hiện đại, cho dù khoa học công nghệ đã phát triển, nhưng nhu cầu về đời sống tín ngưỡng của cư dân không những không mất đi mà đang ngày càng được coi trọng, việc hướng về tổ tiên, cội nguồn để thực hiện nhu cầu đời sống tín ngưỡng cũng là một trong những xu hướng có tính phổ biến đối với cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay, nhất là những người xa quê và làm ăn phát đạt.

Việc quan tâm, coi trọng đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biển Hà Tĩnh hiện nay còn được thể hiện ở không gian, thời gian, lễ vật và đối tượng thờ cúng.

Về đối tượng thờ cúng: Ngoài thờ các vị thần mang tính truyền thống của cư dân vùng biển, như: cá ông (cá voi), thành hoàng làng, người có công,… tại các di tích trong làng, thờ cúng tổ tiên ở các gia đình,… ngày nay, ở thôn Lâm Hoãn xã Cẩm Nhượng trong các gia đình cư dân còn thờ: Bác Hồ và Phật (thờ Phật chỉ xuất hiện ở một số gia đình, còn thờ Bác Hồ có tính phổ biến), thổ công thổ địa, thần linh bản thổ, thần tài (đối với những gia đình làm nghề buôn bán, dịch vụ) và các thần thánh khác. Do đó, trong các gia đình hiện nay, ngoài bàn thờ gia tiên, còn có bàn thờ Bác Hồ và Phật (thờ Phật Và thờ Bác Hồ thường được cư dân bài trí chung một ban thờ, bên cạnh ban thờ tổ tiên), trước sân có cột thiên đài (thờ các thần linh khác),… thờ Bác Hồ là yếu tố mới được du nhập vào các gia đình gần đây.

Về lễ vật: Để tưởng nhớ những người thân đã khuất trong gia đình (thờ cúng tổ tiên), ngày xưa cư dân ven biển Cẩm Nhượng vào các ngày rằm, mùng 1 chỉ có nén hương, chén nước, nhà nào có điều kiện thì có thêm vài thứ quả sẵn có trong vườn, thậm chí có gia đình còn không thắp hương vào những ngày này. Nhưng ngày nay đã khác, lễ vật vào các ngày rằm, mùng 1 ngoài hương, đèn còn có hoa tươi, đĩa quả (nhà có điều kiện kinh tế hoặc gia đình buôn bán còn sắm ngũ quả) chủ yếu là mua ở chợ, tiền vàng,… Còn vào những ngày kỵ (giỗ) người thân hoặc các dịp lễ tết như: Thượng nguyên, Trung nguyên, tết Nguyên đán ngày nay còn có đủ cả lễ mặn, lễ ngọt, tiền vàng, vải vóc, quần áo, nhà cửa, xe cộ, vật dụng thường ngày giống như người đang sống sử dụng, chỉ khác là làm bằng giấy nên gọi chung là đồ mã để đốt (hóa) cho người thân sau khi thắp hương. Riêng đối với các di tích đền, chùa, miếu… của làng (xã) ngày nay vào ngày rằm và mùng 1, các thủ từ (người trông coi đền, miếu) thường mở cửa và sắm lễ để cư dân đến thắp hương (việc này trước đây chỉ diễn ra vào dịp lễ hội của di tích hoặc trước lúc ngư dân ra khơi đánh cá), có người chỉ có nén hương, nhưng cũng có người sắm cả lễ ngọt và hoa tươi, còn vào các ngày lễ hội của đền, chùa, miếu ngày nay lễ cúng tế được tổ chức trọng thể, chu đáo hơn xưa và xóm (thôn) nào cũng có cả lễ mặn, lễ ngọt và đồ mã để dâng cúng thần. Như vậy, có thể nói lễ vật thờ cúng ngày nay đầy đủ, phong phú hơn xưa. Tại các di tích, vào dịp lễ hội, ngoài những lễ vật có tính truyền thống, đặc trưng cho mỗi di tích hay nhân vật được phụng thờ, còn có nhiều lễ vật khác do người dân trong vùng, con em địa phương xa quê mang về của khách thập phương dâng lễ… Còn tại các gia đình (phổ biến là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả) những năm gần đây vào dịp lễ tết còn cả các lễ vật là: thuốc lá ngoại, rượu ngoại, bánh kẹo ngoại, bia, … đồ mã, tiền vàng để đốt trongcác dịp lễ tết, ngày kỵ của người thân trong các gia đình còn có cả USD, điện thoại di động, ô-tô,… tuy nhiên được làm bằng giấy (hàng mã).

Về thời gian thực hành tín ngưỡng tại gia đình và tại các di tích trong làng: Ngày trước việc thắp hương cúng tổ tiên ông bà chỉ diễn ra vào các ngày kỵ của người thân trong nhà, hoặc vào dịp tết Nguyên đán, hay lễ Thượng nguyên, Trung nguyên, còn đối với các vị thánh, thần của làng (xóm, thôn) được thờ ở đình, đền, miếu,… việc thắp hương chỉ diễn ra vào dịp lễ hội, ngày kỵ của thần, hoặc trước lúc ngư dân đi biển (đối với miếu thờ cá voi),… Ngày nay, việc thắp hương còn diễn ra vào cả những ngày rằm và mùng 1 hàng tháng ở bàn thờ tổ tiên cũng như ở các đền, chùa, miếu,… của làng. Như vậy, về thời gian thực hành tín ngưỡng thờ cúng ngày nay tăng lên so với trước

Về phạm vi, không gian thực hành tín ngưỡng: Ngày xưa, việc thực hành đời sống tín ngưỡng của cư dân chỉ gói gọn trong phạm vi làng. Ngày nay, không gian đã mở rộng hơn nhiều, không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, dòng họ, làng xã mà cư dân còn đến các địa phương khác để thắp hương hàng năm (thường là đầu năm) như: đền bà Hải (cửa Khẩu – Kỳ Anh – Hà Tĩnh), chùa Hương Tích (Can Lộc – Hà Tĩnh; Hà Tây – Hà Nội), đền Bà Chúa Kho, chùa Yên Tử,… Ngược lại cũng có nhiều người dân ở các làng xã khác đến các đền, miếu thuộc vùng ven biển Hà Tĩnh để thắp hương,… Điều này một mặt cho thấy điều kiện kinh tế của ngư dân ven biển Hà Tĩnh đã được nâng cao và có phần dư giả, mặt khác cũng nói lên những nỗi lo lắng mới của ngư dân trước vô vàn những bất trắc của cuộc sống hiện đại.

Tri thức về biển: Trước đây ngư dân mỗi khi muốn ra khơi, muốn nắm bắt và xác định được địa hình, vị trí trên biển phải học thuộc những bài vè của cha ông để lại, được gọi là các bài nhật trình đi biển, muốn nắm được ngày cá di cư, mùa cá đẻ,… lại có những bài vè về các loài cá, về mùa sinh của các loài cá,… ở vùng cửa Sót, cửa Nhượng, cửa Khẩu và cửa Hội của Hà Tĩnh phổ biến cả vè nhật trình đi vào (phía Nam) và vè nhật trình đi ra (phía Bắc), cùng các bài Nhật trình về các loài cá,… Căn cứ vào các bài vè do kinh nghiệm của cha ông đúc rút được để lại, giúp ngư dân nhận biết bến bờ sắp tới và mùa các loài cá xuất hiện để đánh bắt. Còn ngày nay, việc nắm bắt các tri thức, hiểu biết về biển chủ yếu được ngư dân dựa vào khoa học và áp dụng các thành quả kỹ thuật công nghệ vận dụng vào cuộc sống và nghề đánh bắt, chẳng hạn để nhận biết và xác định vị trí trên biển, ngư dân đã sử dụng thiết bị định vị, hay muốn nhận biết con nước trong tháng để nắm bắt chu kỳ cá di chuyển, mùa cá đẻ,… ngư dân đã biết vận dụng các kiến thức khoa học thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đài, sách, báo, ti vi,… để tìm hiểu về chu kỳ của mặt trăng qua đó nắm chu kỳ con nước trong tháng.

Như vậy, bước đầu có thể nhận định sự nghiệp CNH, HĐH đã và đang diễn ra ở Hà Tĩnh, mà trọng điểm là vùng ven biển Hà Tĩnh. Do xuất phát từ đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của vùng đất này, quá trình CNH, HĐH đã tác động trực tiếp lên khu vực ven biển Hà Tĩnh và làm biến đổi cục diện khu vực này so với truyền thống. Trong cục diện của sự biến đổi đó, dễ nhận thấy những biến đổi về phương diện kinh tế, thể hiện trong việc chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang phương thức đánh bắt hiện đại với việc áp dụng thành quả của khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nghề đánh bắt, và việc xuất hiện một số ngành nghề mới bên cạnh các ngành nghề truyền thống. Từ những biến đổi cục diện cũng như những biến đổi về phương diện kinh tế, kéo theo đời sống văn hóa có nhiều biến đổi, có những biến đổi tích cực, nhưng cũng có những biến đổi tiêu cực do mặt trái của lối sống công nghiệp đô thị, của nên kinh tế thị trường mang lại, như: những dịch vụ vui chơi giải trí thiếu lành mạnh, việc du nhập và tiêu thụ các sản phẩm phi văn hóa, băng đĩa hình thiếu lành mạnh, các trò chơi có tính bạo lực, các tệ nạn xã hội, lối sống thực dụng quá coi trọng vật chất,… đòi hỏi các cơ quan quản lý và các ngành chức năng cần phải quan tâm và có giải pháp quản lý phù hợp trên cơ sở những phân tích khoa học, để vừa đảm bảo tính tiếp thu có chọn lọc các giá trị truyền thống dân tộc, góp phần vào xây dựng một xã hội phát triển bền vững trên con đường hội nhập và phát triển ở những vùng CNH, HĐH hiện nay, nhất là đối với vùng ven biển Hà Tĩnh.

 

1. Trần Văn Bính (chủ biên), Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006.

2. Nguyễn Đổng Chi (chủ biên), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, Vinh, 1995.

3. Phạm Lê (chủ biên), Địa chí Cẩm Nhượng, Hà Nội, 2008.

4. Nguyễn Duy Thiệu, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

5. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hóa dân gian làng ven biển, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Đặng Thị Thúy Hằng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *