Vài nét về hoạt động phát hành và phổ biến phim của thành phố Hà Nội hiện nay


Hà Nội là một trong những địa bàn trọng điểm của thị trường điện ảnh Việt Nam với dân số hơn 8 triệu người, có dân trí và thu nhập cao. Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2009 trở lại đây khi có Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung, được sự quan tâm của chính quyền thành phố, cùng với những cơ chế chính sách cởi mở của Nhà nước về đầu tư và xã hội hóa điện ảnh, công tác phát hành và phổ biến phim trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Báo cáo năm 2019 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về thực hiện Luật Điện ảnh cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở phát hành và phổ biến phim hoạt động kinh doanh có hiệu quả, phục vụ nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, thành phố luôn tạo một sân chơi bình đẳng cho các cơ sở điện ảnh, khuyến khích mọi cơ sở điện ảnh phát triển. Từ khi Luật Điện ảnh ra đời, công tác phát hành, phổ biến phim tới đông đảo người dân Thủ đô được nâng cao rõ rệt. Hoạt động chiếu phim có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả tốt. Thông qua các bộ phim, hoạt động điện ảnh đã nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân…”.

Bức tranh tổng quan

Từ những rạp chiếu đầu tiên vào năm 1920 và 1921 (rạp Pathé ở cạnh đền Bà Kiệu và rạp Tonkinoise ở phố Hàng Quạt) (1) cho đến nay, Hà Nội đã có một hệ thống phát hành và phổ biến phim phong phú. Các rạp chiếu phim được mở rộng với nhiều cụm rạp hiện đại được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, phòng chiếu định dạng 2D, 3D, 4D ứng dụng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Bên cạnh hệ thống các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim tư nhân và liên doanh nước ngoài phát triển mạnh mẽ, tăng nguồn thu cho ngân sách Thủ đô, các đội chiếu bóng phim lưu động thuộc Nhà nước được tăng cường đến tận xã, phường, phục vụ đông đảo người xem, qua đó góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Tổng quan về hệ thống phát hành và phổ biến phim Hoạt động trong cơ chế thị trường, dưới sự cởi mở, thông thoáng của Luật Điện ảnh, các doanh nghiệp phát hành phim đã mau chóng nắm bắt cơ hội, thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Theo Cục Điện ảnh, cả nước hiện có 5 cơ sở phát hành và phổ biến phim lớn trong nước; 7 cơ sở phát hành và phổ biến phim liên doanh với nước ngoài. Các cơ sở này đều có cụm rạp và đại diện đóng trên địa bàn Hà Nội như các công ty CJ CGV, Lotte, Thiên Ngân, BHD…

Về phổ biến phim, theo thống kê của Công ty Thiên Ngân, tính đến tháng 12-2020, Hà Nội có 41 rạp và cụm rạp, chiếm tỷ lệ lớn là của tư nhân, cụ thể nhiều nhất là cụm rạp của Công ty CGV: 23 rạp; kế đến là Lotte: 4 rạp; BHD: 3 cụm rạp; Galaxy: 2 rạp… Về hệ thống rạp nhà nước, Trung tâm Chiếu phim quốc gia (trực thuộc Bộ VHTTDL) là cụm rạp được đầu tư hiện đại, hoạt động khá hiệu quả. Hệ thống rạp do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý có 3 rạp thuộc Trung tâm Văn hóa Thành phố là Rạp Kim Đồng (19 Hàng Bài – Hoàn Kiếm), Rạp 2-9 (Thị xã Sơn Tây đã sửa chữa, đang chờ nhận bàn giao) và Rạp Đại Đồng (số 1- Hoàng Hoa Thám – Hà Đông, đang sửa chữa). Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội sở hữu 6 cụm rạp nhưng đến nay chỉ có Rạp Tháng Tám là còn hoạt động. Về chiếu bóng phim, Trung tâm văn hóa thành phố có 5 đội chiếu phim lưu động hoạt động trên địa bàn 13 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức… Đội chiếu phim lưu động   văn phòng: Tổ chức chiếu phim lưu động tại các khu công nghiệp, trường Đại học, phục vụ vận động viên tại Trung tâm Thể thao Hà Nội, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.

Tổng quan về hoạt động phát hành và phổ biến phim

Rạp Kim Đồng – do Trung tâm Văn hóa thành phố quản lý trực tiếp – nhiều năm qua đã trở thành điểm đến quen thuộc của thanh thiếu niên nhi đồng và các tầng lớp nhân dân, được đầu tư hiện đại với 3 phòng chiếu, 350 ghế. Rạp thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động chính trị, chiếu phim vào các ngày lễ lớn như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô. Đặc biệt là vào các ngày lễ của thiếu nhi như 1/6, Rằm Trung thu, rạp đã tổ chức hoạt động chiếu phim, vui chơi giải trí, chiếu phim miễn phí cho đông đảo thiếu nhi Thủ đô. Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa Thành phố, bình quân mỗi năm, rạp phục vụ: 2.780 buổi chiếu và đón khoảng 193.000 lượt người xem. Từ năm 2017 đến nay, rạp chủ động phối hợp với Công ty cổ phần BHD xây dựng phương án xã hội hóa hoạt động điện ảnh tại địa chỉ này.

Các đội chiếu bóng lưu động (cũng thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố) trong thời gian qua đã bám sát cơ sở, tổ chức nhiều buổi chiếu tại 39 quận, huyện, thị xã, và tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp, Trung tâm nuôi dưỡng người có công, Trung tâm bảo trợ xã hội, các Trường Đại học, Trường dân tộc nội trú đóng trên địa bàn Thành phố. 6 đội chiếu bóng lưu động đã chiếu phục vụ được 100% các xã vùng cao, người dân tộc thiểu số tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn. Các nội dung phim về đề tài lịch sử, cách mạng, phục vụ tuyên truyền chính trị luôn thu hút đông đảo người xem.

Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội sở hữu 6 cụm rạp là: Tháng Tám (phố Hàng Bài), Bạch Mai (phố Bạch Mai), Đống Đa (phố Thái Thịnh), Mê Linh (phố Lò Đúc), Dân Chủ (phố Khâm Thiên), Kinh Đô (phố Cửa Nam). Từ năm 2012 trở về trước, hằng năm, Công ty hoạt động kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chỉ còn cụm Rạp Tháng Tám gồm 4 phòng chiếu với 980 ghế hiện đang hoạt động. Rạp vẫn duy trì chiếu phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị và kinh doanh các phim giải trí.

Về hệ thống rạp tư nhân, thời gian qua đã có những bước phát triển, với sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty, nhất là công ty liên doanh với nước ngoài, đã tạo nên diện mạo phong phú cho hoạt động Thủ đô. Các công ty này vừa làm công tác phát hành, vừa phổ biến phim nên có nhiều thuận lợi trong việc khép kín chuỗi kinh doanh. Các rạp có mặt ở nhiều vị trí đắc địa ở Trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tập trung đông dân cư. Nổi bật như: Công ty CJ CGV Việt Nam, Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy Cinema)…

Nhìn chung, hệ thống rạp chiếu phim tư nhân được đầu tư hiện đại, công nghệ tiên tiến, chủng loại phim đa dạng, nhất là các phim nhập khẩu từ Mỹ. Giờ đây, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức những bộ phim “bom tấn” của Hollywood đồng thời với giờ chiếu phim tại Mỹ. Cụm rạp tư nhân đã cung cấp kịp thời và tương đối đầy đủ lượng phim giải trí trong và ngoài nước, phục vụ tốt đời sống tinh thần của người dân.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phát hành và phổ biến phim trên địa bàn Hà Nội cũng đang nảy sinh những vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, đó là nguồn lực đầu tư cho hoạt động phát hành, phổ biến phim chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Các rạp chiếu phim do thành phố quản lý chưa được đầu tư, trang bị hiện đại đồng bộ. Vướng mắc lớn nhất là nhiều rạp tại Hà Nội, vốn được xây dựng trước năm 1954 nên khuôn viên nhỏ, việc cải tạo thành cụm rạp rất khó khăn vừa do yếu tố thực tế, vừa do vướng các quy định của pháp luật. Các rạp chiếu phim của nhà nước gặp những trở ngại trong việc đa dạng hóa phương thức phục vụ khán giả. Bởi lẽ, khi đến các rạp chiếu phim, bên cạnh mong muốn thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, người xem còn có nhu cầu giao lưu, thư giãn, giải trí. Nếu như với các cụm rạp tư nhân, bên cạnh việc tổ chức chiếu phim còn mở rộng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như dịch vụ giải khát, sân chơi cho thiếu nhi… thì các rạp của nhà nước lại gặp nhiều khó khăn trong việc tăng nguồn thu phụ trợ. Điều này dẫn đến việc các rạp nhà nước khó cạnh tranh được với các cụm rạp tư nhân khi mà lượng khán giả không cao, doanh thu thấp.

Thứ hai, do chưa có quy hoạch rạp phim nên việc phân bố các cụm rạp thời gian qua không đồng đều, tại các quận nội thành, mật độ các cụm rạp rất dày, trong khi đó tại các quận, huyện xa trung tâm hầu như không có rạp chiếu phim. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mức hưởng thụ văn hóa chênh lệch giữa các khu vực.

Thứ ba, việc chưa có ưu đãi về thuế nói chung cũng như thuế đất nói riêng đã gây khó khăn cho các đơn vị điện ảnh như trường hợp Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội. Từ năm 2012, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, giá thuê đất đã tăng từ 1 lên gấp 3, tức là từ 90.000/m2 lên đến gần 300.000/m2. Rạp Tháng Tám hiện phải trả mỗi tháng tiền thuê nhà và thuê đất tới gần 1 tỷ đồng. Hệ số giá đất cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả phổ biến phim. Ông Lê Thanh Tấn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty cho biết: “Các rạp phim tư nhân, liên doanh liên kết nở rộ, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi. Đa số các rạp của chúng tôi đều là 1 phòng chiếu nên lượng phim không dồi dào mà lại phải chiếu ở vòng 2. Giá vé thì không cạnh tranh được với các rạp tư nhân. Trong khi đó, trang thiết bị rạp thì xuống cấp, không có kinh phí được sửa chữa. Do doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên Công ty đã dừng hoạt động chiếu phim tại 5 rạp và đã chuyển đổi kết hợp xã hội hóa nhiều loại hình dịch vụ văn hóa khác nhau” (2).

Thứ tư, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 08/2015 /TT-BVHTTDL quy định hoạt động của đội chiếu phim lưu động nhằm phát huy hiệu quả đơn vị chuyên môn nghiệp vụ này trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp chiếu phim với công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí cho đội chiếu phim hiện nay chưa có sự thống nhất, quy định chung, nên rất cần Bộ Tài chính có thông tư quy định chế độ kinh phí hoạt động cụ thể cho đội chiếu phim lưu động phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ năm, trong hoạt động phim tư nhân đang nảy sinh những bất cập đó là các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ lớn thị phần rạp chiếu phim ở Việt Nam như CGV chiếm tới 43% và Lotte là 20% (nguồn: Công ty BHD). Là đơn vị nắm đầu ra, nên các công ty nước ngoài có lợi thế áp đặt về tỷ lệ phần trăm chia lợi nhuận, suất chiếu với các doanh nghiệp, rạp chiếu trong nước. Đây cũng là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phổ biến phim Việt tới công chúng hiện nay. “Phim Việt Nam khi sản  xuất ra khó vào được hệ thống rạp của họ, nếu có vào được số suất chiếu cũng ở mức tối thiểu và chịu một tỷ lệ phân chia lợi nhuận không công bằng dẫn đến những người làm phim Việt Nam không có khả năng thu hồi vốn” (3).

Thứ sáu, từ năm 2020 đến nay, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, hoạt động phát hành và phổ biến phim trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, các rạp phải hoạt động cầm chừng, doanh thu sụt giảm 40-50%, có lúc phải đóng cửa hoàn toàn do thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều phim phải rời lịch chiếu, rạp đóng cửa, nhân viên phải nghỉ việc, các doanh nghiệp phát hành như Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, BHD, Lotte Cinema, CJ CGV đã có đơn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính “kêu cứu”. Các đơn vị nói doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của họ gần như bằng 0 nhưng vẫn phải gồng gánh tiền thuê mặt bằng, lương, phúc lợi nhân viên (4). Đại diện Galaxy cho biết họ bị thua lỗ 15-20 tỷ đồng mỗi tháng. Với số lượng khoảng 600 nhân viên, đơn vị này buộc phải giảm lương của người lao động. Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trong việc giãn các loại thuế, cơ cấu lại khoản nợ đến hạn, gia hạn đóng bảo hiểm xã hội (5).

Kết luận

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội khoảng 10 năm lại đây, bên cạnh những thành tựu kinh tế – xã hội hết sức to lớn, lĩnh vực văn hóa của Thủ đô cũng đã có những khởi sắc đáng khích lệ, trong đó có hoạt động điện ảnh nói chung, công tác phát hành và phổ biến phim nói riêng. Chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động phát hành và phổ biến phim đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều rạp phim hiện đại được xây dựng với nguồn phim chiếu dồi dào, phong phú, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thứ bảy của đông đảo người dân Thủ đô.

Chính sự phát triển đó, cũng là áp lực lớn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực phát hành và phổ biến phim khi phải đối diện với nhiều thách thức về sự thích ứng với cơ chế mới, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi công nghệ nhất là số hóa… nhất là đối với các đơn vị nhà nước vốn lâu nay quen được bao cấp.

Bên cạnh sự bùng nổ của các rạp phim tư nhân với sự đầu tư hiện đại đi kèm nguồn phim phong phú lại đặt ra những vấn đề bình đẳng trong kinh doanh mà cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm. Tuân thủ hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng Nhà nước cũng có các chính sách duy trì hoạt động phổ biến phim công ích – đó là hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động ở nhiều quận, huyện ngoại thành, phục vụ các bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng, truyền thống dân tộc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên, để các đơn vị phát hành và phổ biến phim của Nhà nước, phát huy lợi thế, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ngoài những nỗ lực của bản thân các đơn vị, cần có những cơ chế chính sách quản lý phù hợp.

Theo quy định của Luật Điện ảnh hiện hành, nội dung các phim truyện do Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cấp phép phổ biến; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép phổ biến các phim tài liệu, khoa học, hoạt hình… Là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh, Thanh tra Bộ tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đảm bảo hoạt động điện ảnh đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh phát triển, đồng thời chấn chỉnh những bất cập, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho hoạt động phát hành và phổ biến phim.

________________

1. Trần Viết Nghĩa, Tiếp cận lịch sử từ điện ảnh Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.17.

2. Trả lời phỏng vấn tác giả ngày 10-6-2021.

3. quochoi.vn, 19-4-2021.

4. vnepress.net, 3-6-2021.

5. zing.vn, 3-6-2021.

Tác giả: Hoàng Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *