Nghệ thuật hình thể (NTHT) đã có từ thời cổ xưa, một số tộc người đã dùng cách vẽ lên thân thể mình bằng nhiều hình thức: tô vẽ, xăm xiên lên cơ thể, có khi dùng cả lông chim, da thú, móng vuốt, răng nanh, sừng… xiên, treo, gắn, ghép vào cơ thể để thể hiện sức mạnh quyền lực hoặc gây ấn tượng cho người khác giới, bộ tộc khác… Hình thức nghệ thuật này đang còn lưu giữ lại dấu ấn trên các vách đá hang động ở nhiều nơi trên thế giới.
Nghệ thuật vẽ trên vách đá hang động
Hình thức nghệ thuật trang trí trên cơ thể người vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Một số tộc người vẫn đang thực hành nó dưới nhiều dạng thức khác nhau và có xu hướng lan ra nhiều nơi trên thế giới. Ngay ở Việt Nam, nhiều người phụ nữ khắc xăm chân mày, mắt, môi… để làm đẹp, họ muốn khắc phục những nhược điểm bẩm sinh để nét đẹp được hoàn thiện hơn.
Một bộ phận giới trẻ hiện nay còn rất ham thích, đam mê khắc trên cơ thể những hình thù khác nhau: chữ nghĩa, ngày, tháng, năm, hình rồng, đại bàng, hổ báo… thậm chí cả một bức tranh nhiều mầu sắc được khắc họa lên toàn bộ cơ thể. Họ thực hiện với những mục tiêu, mục đích khác nhau, trước hết là họ thấy đẹp, sau đó là chứng tỏ vẻ oai hùng, phong độ, ấn tượng… hoặc có khi chỉ là để kỷ niệm, ghi nhớ hoặc chỉ vì thích như thế.
Xăm mắt, môi
Quá trình phát triển NTHT cũng dẫn đến sự hình thành một đội ngũ làm nghề trang trí, tô vẽ, phun xăm… Các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật thực hiện công việc này cũng có xu hướng phát triển mạnh mẽ.
NTHT chính là tô vẽ hóa trang trên thân thể người. Ở đây, thân thể người đóng vai trò là chất liệu, phương tiện để thực hiện. Sau khi hoàn thiện nếu có giá trị thẩm mỹ nó trở thành tác phẩm nghệ thuật được làm theo đơn đặt hàng của người mang trên cơ thể mình bức hình đó. Trong trường hợp này, thân thể người (bức hình) mang tính khách thể phản ánh được vẻ bề ngoài của chủ thể (người mang bức hình đó) và chất lượng phụ thuộc phần lớn vào tài năng tô vẽ trang trí của người thực hiện (tác giả).
Khái niệm NTHT hiện nay đã được mở rộng, nó không chỉ đơn thuần là việc tô vẽ trang trí trên cơ thể người nữa mà đã có sự tham gia trực tiếp các hoạt động thân thể của người thực hiện. Thân thể người từ khách thể mang tính chủ thể chủ động thực hiện và hợp tác để tự hoàn thiện bản thân – bằng cách sử dụng toàn bộ chuyển động của thân thể để lộ thái độ bằng hành vi cử chỉ kết hợp với việc hóa trang, trang trí, trang phục… nhằm đạt được thông điệp của người cần thể hiện. Với khái niệm NTHT được mở rộng này, thân thể người đã được thay đổi hẳn về chất vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là phương tiện và vật liệu sáng tạo, đặc biệt còn là tác phẩm để thưởng thức và đánh giá.
NTHT được hình thành từ mọi hoạt động hình thể của con người
Hoạt động hình thể (HĐHT) của con người ra đời cùng với sự tồn tại của con người, khi HĐHT không còn nữa thì cũng là lúc con người không tồn tại. HĐHT là hoạt động mang tính tất yếu để con người tồn tại.
Chúng ta hãy cùng nhau xem quá trình trưởng thành của con người, bắt đầu từ tiếng khóc chào đời, cái miệng bé mở ra và thét lên, chân tay bé giẫy đạp quờ quạng, đôi mắt mở to nhìn sự vật xung quanh… Muốn tồn tại và phát triển, con người tiếp tục phải dùng tai lắng nghe những âm thanh, dùng mắt để quan sát, nhìn nhận, dùng tay để sờ nắm, buông bỏ… phối hợp tay chân và toàn bộ cơ thể để lật lẫy, rồi bò tiến lùi, sử dụng đôi chân để đứng dậy, bước đi, chạy nhảy… rồi cái miệng ngoài để ăn, còn để cười, bắt đầu học nói hoặc cách im lặng. Khi con người không còn hoạt động thân thể nữa – nhắm mắt xuôi tay đã là lúc kết thúc – đã chết, không tồn tại nữa.
HĐHT diễn ra trên toàn bộ cơ thể người. Tạo hóa đã cho tất cả 5 giác quan cơ bản để con người tiếp nhận và thưởng thức cuộc sống. Thông qua 5 giác quan đó con người thực hiện các hoạt động hình thể của mình để phản ánh lại sự tác động của cuộc sống. HĐHT diễn ra trên tất cả các bộ phận thân thể cả nội thân (nhịp đập con tim, hơi thở…) và ngoại thân (chân, tay, mặt, mũi, sắc diện da…) thông qua các động tác hình thể, các cử chỉ điệu bộ hoặc các dấu vết trên thân thể con người.
HĐHT có diễn biến phức tạp, đa dạng, nhiều chiều, mang những quy luật chung của loài người, nhưng có nét rất riêng cá thể, cá biệt. HĐHT của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà con người trải qua trong môi trường sống. Toàn bộ hoạt động của con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành là những hoạt động liên tục, ngay cả khi con người tưởng đang tồn tại ở trạng thái bất động (ngồi im, đứng lặng hay nằm yên, ngủ) cơ thể người vẫn chuyển động cùng trái đất tự xoay và xoay quanh mặt trời.
Như vậy có thể khẳng định, bản thể của con người là một chuỗi hoạt động liên tục phát triển tùy thuộc vào mọi điều kiện, chịu sự tác động từ rất nhiều yếu tố… vạn vật tự nhiên và môi trường xã hội.
Từ khi chưa biết nói, con người đã sử dụng mọi hoạt động thân thể là ngôn ngữ chính thể hiện mọi thông điệp của mình với nhau và với toàn bộ thế giới tự nhiên. Sự hình thành tiếng nói cũng bắt đầu từ hoạt động thân thể, những chuyển động của cơ miệng, lưỡi, hơi thở… hình thành nên tiếng nói. Nói cũng là một HĐHT của con người, không có hoạt động thân thể tiếng nói không thể phát ra được. HĐHT của con người xuất phát từ nhu cầu nhưng được quyết định bởi ý thức. Cũng như các loại động vật, hoạt động thân thể của con người được hình thành do nhu cầu, đói người ta ăn no rồi thì dừng lại không ăn nữa, ngon thì ăn nhiều không ngon thì ăn ít, cũng tương tự như thể thích thì tới không thích hoặc sợ thì bỏ đi, nắng quá thì tìm bóng cây, chỗ râm mát trú chân, gặp thời tiết lạnh thì tìm lửa đốt để làm nóng không khí, tìm chỗ kín để ẩn nấp, lấy những vật liệu có thể làm chăn để đắp, làm áo để mặc…
Chúng ta có thể nhận thấy quá trình hoạt động thân thể theo sơ đồ sau:
Sự hình thành của hoạt dộng thân thể
Hoạt động thân thể chính là quá trình hình thành NTHT
Nhiều nhà nghiên cứu về HĐHT của con người trong cuộc sống đều khẳng định giá trị truyền tải thông điệp của nó. Kết quả nghiên cứu cho thấy các HĐHT của con người là một ngôn ngữ căn bản, cùng với lời nói nó chuyển tải thông điệp của con người với con người, hiện tượng xã hội và vạn vật thiên nhiên…
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định sức mạnh của HĐHT rất to lớn trong việc truyền tải thông điệp. Giáo sư tâm lý học Albert Mehraham (người Mỹ) cho rằng: “Sức mạnh của thông điệp thể hiện ở ngôn từ (nghĩa của từ) 7%, giọng nói (ngữ điệu và dấu nhấn của gọng nói) 38%, hình ảnh (ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ không lời) 55%”. Khi hành động không lời được nghệ thuật hóa thành NTHT thì khả năng truyền tải thông điệp của nó có sức mạnh hơn nhiều. Vai trò, vị trí của hành động thân thể với việc thể hiện thông điệp của con người trong cuộc sống của mình được ông đưa ra theo sơ đồ sau:
Ngôn ngữ hình thểtrong việc truyền tải thông điệp
NTHT được hình thành từ ý thức của con người
Các động tác hình thể của con người về cơ bản thì giống nhau, nhưng khả năng thực hiện hoạt động thân thể của mỗi người có sự khác nhau. Có người thực hiện đơn giản, chậm chạp, vụng vể, nhưng cũng có người thực hiện chính xác, nhanh nhẹn, mạnh mẽ… trong số đó có người thực hiện vượt trội hơn hẳn. Con người ai cũng muốn vươn lên, muốn phát triển và luôn cố gắng tự hoàn thiện mình để chứng tỏ được khả năng của bản thân. Ý thức đó giúp cho con người vươn tới hình thành NTHT.
Sinh ra, mỗi người có chỉ số sinh học khác nhau, ngoài các chỉ số cơ bản như nhau “mũi mọc giữa mặt hai mắt hai bên” còn có những chỉ số khác chưa hẳn giống nhau như: cân nặng, chiều cao, gen, chỉ số IQ… Mầm sống lại được tạo ra từ những yếu tố khác nhau và rất đa dạng, nên cá thể sinh ra có rất nhiều điểm khác biệt. Ngay cả những cặp sinh đôi bên ngoài giống nhau như hai giọt nước nhưng các tố chất cơ thể bên trong vẫn có sự khác biệt được phát tiết ra bên ngoài, đặc biệt qua cử chỉ điệu bộ, thái độ, tính cách và mọi hoạt động thân thể khác để người ta vẫn nhận ra và phân biệt được. Mỗi người được sống trong môi trường, hoàn cảnh tự nhiên xã hội, mức độ tác động khác nhau nên mỗi người tạo nên những thói quen hoạt động thân thể khác nhau, tất yếu sẽ hình thành NTHT có sự khác biệt.
Muốn có được NTHT con người phải có ý thức, cố gắng học tập rèn luyện, biết kết hợp nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, cả bên trong lẫn bên ngoài… Ý thức của con người được đúc kết trở thành ý tưởng, nhưng nó phải được thực hiện một cách bài bản công phu thì mới có được NTHT. Đáp ứng nhu cầu đời sống thực tiễn của mình, con người đã sử dụng hoạt động thân thể một cách có tuyển chọn, được thực hiện tinh xảo, nhanh nhạy, thuần thục, đẹp đẽ, ăn nhập bên trong với vẻ bề ngoài để phát đi thông điệp theo ý định của con người cần chuyển tải. Thông điệp phải mang được tính bản chất cốt lõi, có giá trị thẩm mỹ, thỏa mãn mong muốn của người tiếp nhận.
NTHT được hình thành từ quá trình học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, luyện tập công phu qua, nhiều thế hệ mới trở nên hoàn thiện. Đấy là NTHT của loài người, mỗi người muốn có được NTHT cho chính mình thì bản thân phải là người tự học tập rèn luyện và tự tổ chức thực hiện. Trong NTHT, cơ thể con người đầy đủ cả yếu tố khách thể và chủ thể. Cơ thể con người vừa là chủ thể sáng tạo (tác giả) vừa là phương tiện sáng tạo (chất liệu) vừa là tác phẩm sáng tạo (đối tượng phản ánh hiện thực) để chính mình và những người xung quanh cùng thưởng thức chiêm nghiệm.
Trên cơ sở nhìn nhận và phân tích vừa nêu cho thấy, trong thời đại ngày nay mọi người nên thống nhất cách hiểu về NTHT như sau: NTHT là mọi sáng tạo của con người trên thân thể mình, hun đúc hoàn thiện để đủ tiêu chí trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ truyền tải được nhiều thông điệp của con người phản ánh được hiện thực cuộc sống và những ước mơ gây được cảm thức, làm biến đổi cuộc sống của con người theo hướng tích cực.
NTHT trong đời sống của con người
NTHT được hình thành từ hoạt động thân thể của con người cho nên cũng được biểu hiện trên toàn bộ cơ thể người, cả bên trong lẫn bên ngoài được con người nhận biết thông qua các động tác, cử chỉ điệu bộ hoặc các dấu vết để lộ trên toàn bộ thân thể con người. Thông qua các giác quan để lộ thái độ trước mọi sự vật hiện tượng tự nhiên và xã hội. Khả năng bộc lộ hoặc che dấu ở mỗi con người khác biệt ở chỗ có sự kết hợp của tạo hóa và ý thức tu dưỡng của mỗi cá thể khác nhau.
NTHT xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày qua quá trình ứng xử giao tiếp. Con người đã sử dụng NTHT trong mọi lĩnh vực cuộc sống, nó được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao.
NTHT ở những lĩnh vực nào, thì có tiêu chí cụ thể với nội dung, hình thức và quy định của lĩnh vực đó. Ví dụ, trong thể thao, tiêu chí khác với trong nghệ thuật. Ngay trong lĩnh vực thể thao, NTHT trong quần vợt khác NTHT thể trong bóng đá cũng khác NTHT trong bóng chuyền… Trong lĩnh vực nghệ thuật, NTHT trong nghệ thuật múa khác với NTHT trong nghệ thuật biểu diễn kịch… Ở những bộ môn, ngành nghề, lĩnh vực, thời điểm… khác nhau đòi hỏi những hoạt động thể chất khác nhau với những yêu cầu, mục đích, tiêu chí khác nhau.
Nghệ thuật hình thể phải truyền tải mạnh mẽ thông điệp con người cần hướng tới, đó cũng chính là mục tiêu mà con người cần đạt được. Thấy được giá trị cốt lõi của HĐHT và khả năng truyền tải thông điệp vượt trội của nó, con người đã chú trọng xây dựng những hoạt động của mình một cách chu toàn, nâng cấp, có mục đích rõ ràng… và được rèn luyện để thực hiện những tiêu chí cụ thể trong từng lĩnh vực. Các HĐHT trở thành NTHT có giá trị thẩm mỹ lay động và thuyết phục được lòng người, từ đó đạt được mục tiêu cần thiết. Phải khẳng định rằng, NTHT mang đậm tính mục đích, thực hiện được mục tiêu và thông điệp của con người cần hướng tới.
Có phải con người càng trưởng thành HĐHT càng hoàn thiện hơn về mặt mục đích? Thoạt nghe tưởng đúng nhưng thực NTHT có tuổi. Các cầu thủ bóng đá chỉ đạt được nghệ thuật đá bóng tốt nhất của mình trong khoảng thời gian từ 20 – 30 tuổi; một vũ công cũng chỉ hoạt động tốt nhất trong một khoảng thời gian. Ở mỗi người, mỗi hoàn cảnh lại có những độ tuổi khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh sống. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là vì: NTHT là nghệ thuật hành động, những mong muốn, suy nghĩ, tư duy, dự định… phải được thực hiện cụ thể thì đó mới là nghệ thuật hành động.
NTHT trong mọi lĩnh vực phải đạt tiêu chí có tính khái quát cao mang tính nền tảng chung cho tất cả các tộc người nhưng lại phải có được sự khác biệt rõ nét đại diện cho mỗi cá nhân, cá biệt. Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy rõ điều này. Một bộ môn nghệ thuật sử dụng NTHT đậm nét đó là múa ba lê, với những động tác hình thể cơ bản của chân, tay, thân người, vẻ mặt… phải có những nét đặc trưng cơ bản của múa ba lê, là tiêu chí chung cho tất cả mọi người tham gia nghệ thuật múa ba lê phải hướng theo. Tuy nhiên ở mỗi con người cụ thể, họ được sáng tạo trên cơ thể của mình với khả năng tư duy và cảm xúc riêng. Hoạt động thân thể được thực hiện liên tục sẽ trở thành thói quen, việc lặp đi lặp lại một hoạt động (cho dù là có ý thức hay không) về mặt bản chất là sự tập luyện thường xuyên. Thói quen có nét tương đồng và khác biệt với NTHT ở chỗ các HĐHT tự phát và có chủ đích cùng được tập luyện thường xuyên liên tục để nó đạt được tiêu chí: nhuần nhuyễn, thuần thục, tinh xảo, điêu luyện trở thành thói quen. Thói quen thường ngày dù hay hoặc dở phản ánh rõ nét văn hóa của người đó, là một yếu tố quan trọng cần được lưu tâm khi xây dựng NTHT.
NTHT vừa là đối tượng vừa là phương tiện để con người phản ánh cuộc sống của mình. NTHT có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, nó được thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động thể thao, nghệ thuật ứng xử và đặc biệt trong nghệ thuật biểu diễn.
Chính những giá trị to lớn của NTHT đã cho thấy: sự phát triển NTHT rất đa dạng và có xu hướng rất khác nhau. Đó chính là điểm hấp dẫn của NTHT để cho chúng ta quan tâm nghiên cứu và hướng tới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : BÙI NGỌC THẮNG
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại