Vai trò của thiền tông với văn hóa dân tộc

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Phật giáo giữ vai trò quan trọng, không chỉ bởi sự xuất hiện sớm, nhiều thế kỷ từng được coi là quốc giáo mà đã trở thành một bộ phận hữu cơ của văn hóa dân tộc. Trên dòng chảy lịch sử đó, Thiền tông Việt Nam (TTVN) nổi lên như một biểu tượng của Phật giáo Việt Nam, thể hiện vai trò to lớn, góp phần cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Với công cuộc dựng nước và giữ nước

TTVN ra đời trên cơ sở hợp nhất ba hệ phái thiền trước đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường với văn hóa bản địa. Người sáng lập ra TTVN là vua Trần Nhân Tông. Sự thống nhất đó xuất phát từ lòng yêu nước, yêu dân tộc, đi cùng dân tộc, được thể hiện từ người đứng đầu cho đến đoàn thể, tăng ni.

Cuối thời nhà Lý, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội. Các lãnh chúa phong kiến địa phương nổi dạy cát cứ. Thời điểm đó dòng họ Trần nổi lên, dần chinh phục các lực lượng cát cứ khác. Về mặt văn hóa tư tưởng, nhà Trần vẫn đề cao Phật giáo, nhưng Phật giáo đương thời có 3 thiền phái, bởi vậy, cần thống nhất các lực lượng cát cứ tinh thần, tư tưởng. Đây là một trong những lý do quan trọng dẫn tới sự ra đời của TTVN. Hơn nữa, truyền thống văn hóa của người Việt vốn đề cao tính cố kết cộng đồng, ý thức tự chủ. Đây là tiền đề có tính quyết định cho sự ra đời của TTVN – một thiền phái của người Việt, được sinh ra từ ý thức tự chủ, tự tôn dân tộc của người Việt. Trần Nhân Tông đã hợp nhất ba dòng thiền ngoại nhập thành một thiền phái thống nhất, đồng thời hoàn tất quá trình Việt hóa tôn giáo ngoại nhập thành tôn giáo bản địa. Đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hay TTVN, một dòng thiền nhập thế, liên hệ mật thiết với chính trị, phong hóa và xã hội.

Thiền tông Việt Nam đã làm tốt và trọn vẹn phận sự với tổ quốc và dân tộc khi đi cùng với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, góp phần tạo ra trang sử vẻ vang thời Trần. Các vua Trần, cũng là thiền sư, cư sĩ, đã cố kết lòng dân, vua tôi hòa hợp, quyết tâm bảo vệ quê hương. Tinh thần nhập thế của TTVN được thể hiện trong suốt thời đại nhà Trần, nổi bật nhất là ba lần chống quân Nguyên – Mông xâm lược vào các năm 1258, 1285, 1288, hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng bàn về chiến lược quân sự đánh đuổi xâm lược Nguyên – Mông. Điều tưởng như mâu thuẫn lại không hề mâu thuẫn. Đó là Phật giáo, trong đó có TTVN chủ trương bất bạo động. Vậy sao có thể nhìn nhận thiền phái này có đóng góp tích cực trong một hoạt động vũ lực kháng cự. Bởi thực tế nhiều thiền sư đã ủng hộ, tham gia gián tiếp, trực tiếp cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Người phật tử trong thế chung của thân phận người dân bị xâm lược đã chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc. Ở đây cần thấy tính đan xen phức tạp về thân phận và bổn phận mà họ cùng lúc phải thể hiện trong xã hội, nhất là xã hội ấy lại bất thường về chủ quyền dân tộc. Nguyễn Lang, đã nhận xét: “Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập”(1). Sự ra đời của thiền phái này trong lúc đất nước bị quân Nguyên – Mông xâm lược đã tạo nên sức mạnh toàn dân. Từ vua quan đều là Phật tử cho đến những người dân đều đồng lòng ra sức để bảo vệ đất nước. TTVN đã tạo cở sở cho sự đoàn kết toàn dân ngay những buổi đầu dựng nước, trở thành sức mạnh tinh thần tạo nên khối cố kết cộng đồng dân tộc, quốc gia, tạo nên sức mạnh và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đóng góp to lớn của thiền phái này là ở chỗ, nó luôn đồng hành với dân tộc, là điểm tựa tinh thần, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của Đại Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử.

Với việc xây dựng nhân sinh quan, nhân cách

Thứ nhất, TTVN thể hiện nhân sinh quan thực tế. Câu chuyện Trần Thái Tông (1218-1277) bỏ trốn triều đình, lên núi tìm Quốc sư Trúc Lâm để tu. Quốc sư từng khuyên Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm… Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài”(2). Điều này cho thấy tính thực tế trong tư tưởng của TTVN. Tính thực tế của TTVN còn thể hiện qua tư tưởng nhập thế vị tha, tích cực hoạt động để tạo an lành, hạnh phúc cho xã hội.

Thứ hai, TTVN thể hiện nhân sinh quan giản dị. Trần Nhân Tông (1258-1308), vừa là vua, vừa là thiền sư – thi sĩ. Chuyện tu hành đơn giản như đói ăn, mệt ngủ:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…

(Cư trần lạc đạo)

Quan niệm về thiền thật tự nhiên, đơn giản nhưng không dễ thực hiện vì con người thường bị phân tán, vương vấn bởi nhiều điều, nhiều mối lo. Khi con người chú ý tập trung vào hiện tại, vào việc mà mình đang làm, chính đó là lúc thiền hiển hiện, không cần tìm cầu. Chính do sự đơn giản này mà thiền có thể thu hút nhiều đối tượng tham gia. Nó cũng phù hợp với triết lý sống giản dị, gần gũi với tự nhiên của người Việt.

Thứ ba, TTVN góp phần thể hiện lối sống linh hoạt, lạc quan. Bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh như một lý tưởng sống lạc quan của con người:

Sá chi suy thịnh cuộc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

Thái độ lạc quan là mạch sống của dân tộc Việt tự bao đời. Thiền sư Mãn Giác, trong bài kệ Thị tịch cũng thể hiện rõ tư tưởng đó:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai

Với cành mai biểu tượng của niềm tin, của sức sống dân tộc, chúng ta xây dựng lại, đứng lên từ những hoang tàn đổ nát. Tinh thần thiền như vậy là liệu pháp cần thiết với một dân tộc thường xuyên phải gánh chịu hậu quả từ chiến tranh và thiên tai.

Thứ tư, TTVN có nội dung tư tưởng bao dung, nhân hậu, hòa bình phù hợp với tính cách của người Việt. Điều này giải thích vì sao có sự hình thành quan điểm tam giáo đồng nguyên ở nước ta thời nhà Trần. Tinh thần bao dung, hòa bình của TTVN phù hợp với truyền thống và đạo lý của người Việt.

TTVN với lối sống phóng khoáng khỏe khoắn, giàu chất nhân văn là nguồn gốc tạo nên sức mạnh tinh thần của thời đại, củng cố khối đại đoàn kết quốc gia dân tộc, đạt được những thành tựu lớn cả về võ công lẫn văn trị. Nghi lễ Mông sơn thí thực, Bạt độ chẩn tế cô hồn (được ghi chép và tổ chức theo nghi chế chặt chẽ có từ thời Trần) không thuần túy là nghi lễ tôn giáo mà còn có ý nghĩa nhắc nhở, giáo dục thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, quốc gia dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những giá trị văn hóa sâu sắc, giàu bản sắc văn hóa dân tộc ấy, trải qua thời gian vẫn được gìn giữ trao truyền qua các thế hệ.

TTVN là dòng thiền yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đạo với đời. Trần Nhân Tông là một vị vua luôn lo cho dân, cho nước. Vì lo con người dễ bị mất gốc, dễ lạc vào đường ác nên ông đã kêu gọi mọi người tu theo thập thiện: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời độc ác, không nói lời bẩn thỉu, không tham lam, không giận dữ, không tà kiến; hành động cụ thể bằng mười điều thiện để xây dựng cho nhân dân nền tảng đạo đức Phật giáo. Trần Nhân Tông đi khắp nơi giảng thuyết thập thiện. Sau khi xuất gia, ông đã sống một nếp sống đạo hạnh, giản dị, trong sáng, bỏ địa vị cao sang phú quý, chấp nhận cuộc sống tu hành khổ hạnh. Ông khuyên mọi người không nên trọng công danh, không màng phú quý để xây dựng nếp sống đạo đức. Theo đó, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội. Trong quá trình đó, tâm con người mở rộng và đi đến giác ngộ.

Hiện nay TTVN còn duy trì công tác cứu trợ xã hội và từ thiện. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt đạo đức, phù hợp với văn hóa dân tộc. Xét dưới góc độ văn hóa thì những giá trị nhân văn, nhân đạo trong các hoạt động của TTVN hiện nay là những giá trị cơ bản, bền vững trong văn hóa cộng đồng, văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức người Việt Nam.

Thêm nữa, những người hành hương chiêm bái tại các Thiền viện Trúc Lâm của TTVN không đến xem mà là nhập thân với niềm tin thành kính thiêng liêng. Đó là những giây phút của cảm thức tâm linh, sự thăng hoa của nội tâm. Khoảnh khắc đó là động lực nuôi dưỡng, chuyển hóa nội tâm hướng thiện, điều chỉnh hành vi đạo đức.

Tư tưởng TTVN đã thấm nhuần trong nhiều cá nhân. Chính họ trở thành những tế bào tích cực của xã hội, tham gia giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh cho xã hội đồng thời tự hoàn thiện và xây dựng nhân cách cho mình. Những việc làm trên là minh chứng cụ thể nhất cho việc hướng thiện và hành thiện tính thực tế, đơn giản, lạc quan và tinh thần nhân hậu, hòa bình trong thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng nhân sinh quan, nhân cách con người Việt Nam, tham gia cải tạo xã hội của TTVN.

Góp phần làm giàu văn hóa dân tộc

Trong nhiều thành tố của văn hóa Việt Nam, cả vật thể và phi vật thể, đều có dấu ấn của Phật giáo trong đó có TTVN. Những đóng góp của TTVN vào kho tàng văn hóa dân tộc là không nhỏ. Trước hết, cần đánh giá cao vai trò Trần Nhân Tông, người đặt nền móng cho TTVN. Nối tiếp Trần Nhân Tông, Pháp Loa đã cho san khắc bộ Đại Tạng Kinh với hơn 5000 quyển, xây dựng hàng trăm ngôi chùa như Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai. Tiếp theo Pháp Loa, Huyền Quang để lại hơn 20 bài thơ chữ Hán, một bài phú vịnh chùa Vân Yên bằng chữ Nôm và câu chuyện liên quan đến Điểm Bích đậm chất thế sự. Tác phẩm của ba vị sư tổ đã trở thành những giá trị tinh thần dân tộc, vừa là di sản tư tưởng nhân văn của ông cha vừa là những áng thơ còn mãi với thời gian.

Điều quan trọng hơn, sự ra đời của TTVN góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Sự ra đời của TTVN đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, quy hướng nhiều tầng lớp tăng chúng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Bản thân hình tượng ba vị sư tổ cũng được tôn thờ, nghệ thuật hóa thành tranh, tượng và nhân vật trong văn học viết cũng như truyền thuyết dân gian. Những bài thuyết pháp giảng đạo của các vị sư tổ đồng thời cũng là những bài học đạo đức khuyên răn con người hướng thiện, đã được khắc in và truyền lại cho hậu thế.

Tinh thần của TTVN không chỉ xuất hiện trong văn học truyền miệng mà ngay cả trong văn học viết. Và thực tế, nó phong phú hơn nhiều những gì mà ngày nay chúng ta biết. Văn học thiền, đặc biệt là hệ phái thơ thiền, trở thành là ngọn nguồn chính của văn học nước ta thời Lý – Trần với các thể loại: kệ, thơ, luận thuyết, tựa, chú giải, dịch thuật, ký thuật, biên khảo, tranh luận. Các nhà lãnh đạo TTVN là những nhà văn hóa, thi nhân có tài. Họ đã ý thức muốn bảo vệ nền độc lập dân tộc thì phải dựa trên một nền văn hóa dân tộc. Một số nhà vua và quý tộc đã biên soạn những tác phẩm về giáo lý nhà Phật như Khóa hư lục, Thiền tông chi nam của Trần Thái Tông, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục của Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục của Trần Tung. Về lịch sử Phật giáo có Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục. Một số cuốn sách, cùng với những bản kinh, đã được nhà nước cho đem khắc in và phổ biến.

Về phương diện kiến trúc, TTVN tập trung xây dựng thiền viện phục vụ sự tu học của chư tăng. Chỉ riêng thời Pháp Loa đã xây dựng được hàng trăm ngôi chùa, trong đó nổi tiếng là Quỳnh Lâm, Báo Ân, Thanh Mai. Những tháp đời Trần còn lại là Phổ Minh (Nam Định) 14 tầng, Bình Sơn (Vĩnh Phúc) 11 tầng. Tương truyền trong bảo tháp có chứa đựng tro xương của các vị sư tổ kết tinh lại, gọi là xá lị, như xá lị của Trần Nhân Tông trong lòng tháp Phổ Minh. Về tượng Phật thì nổi tiếng có pho Di Lặc bằng đồng ở chùa Quỳnh Lâm. Các thiền viện, tự viện của TTVN hiện đang phát huy giá trị trong đời sống xã hội. Thứ nhất, ngoài chức năng thờ phật, nơi thực hành phật sự cho các phật tử, các thiền viện còn có một không gian đặc biệt thờ các vị tổ Trúc Lâm, có tháp phật, tượng Tam Tổ và tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Điều đó chứng tỏ ngoài giá trị nghệ thuật – kiến trúc, các công trình này còn mang ý nghĩa lưu niệm danh nhân, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của các bậc cao tăng, danh nhân văn hóa của đất nước là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang… Thứ hai, các thiền viện thường được xây dựng ở những địa điểm có cảnh trí thiên nhiên đẹp, với quy mô kiến trúc đồ sộ, trở thành danh lam thắng cảnh có ảnh hưởng lớn trong tâm thức người dân. Nhiều danh lam của TTVN được vinh danh là những đại danh lam như: Yên Tử, Quỳnh Lâm, các chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), Côn Sơn, Thanh Mai, chùa tháp Phổ Minh…, trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn với hoạt động lễ hội dài ngày. Những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của khu di tích nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo, trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước, mỗi năm đón hàng triệu lượt tín đồ phật tử, quần chúng nhân dân, du khách quốc tế tới tham quan, chiêm bái. Các Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Tây Thiên, Yên Tử, Cái Bầu… là hình thức tôn vinh, thăng hoa của TTVN trong đời sống xã hội hiện nay. Tại những nơi này, hình thức thực hành giản lược về nội dung giáo lý mà tập trung vào những nội dung gần gũi với đời sống văn hóa và con người Việt Nam. Mặt khác, kiến trúc thiền viện còn kết hợp cả hai yếu tố hiện đại và truyền thống, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đáp ứng công năng hoạt động và các nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong nước và quốc tế.

Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa

Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia trong thời đại ngày nay chính là toàn cầu hóa, quá trình mở rộng phổ và các mối liên hệ của sản xuất, giao tiếp, công nghệ ra khắp thế giới, khiến các hoạt động kinh tế và văn hóa đan bện vào nhau(3). Toàn cầu hóa làm cho các quốc gia xích lại gần nhau, làm xuất hiện một ranh giới mềm của mối quan hệ liên văn hóa được mở rộng, giao lưu, giao thoa, tiếp biến mạnh mẽ. Điều này làm nảy sinh nguy cơ đồng hóa văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc ở nhiều quốc gia. Trong quá trình toàn cầu hóa ấy, các đặc trưng văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến tiến trình và định hướng phát triển của từng dân tộc, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ(4).

TTVN có thể coi là một thứ đặc sản riêng có của văn hóa Việt Nam. Trước xu thế toàn cầu hóa, TTVN không ngừng gìn giữ những giá trị riêng có, vừa phù hợp với truyền thống dân tộc, vừa ăn nhập với thời đại. Hiện nay, TTVN đứng trước vận hội mới, mở ra cánh cửa của sự hội nhập, giao lưu, tăng cường mối quan hệ quốc tế, đồng thời không ngừng tự hoàn tự hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Các hoạt động giao lưu quốc tế của TTVN là sự thể hiện tư tưởng, giáo lý ưa chuộng hòa bình. Hiện nay, TTVN đã có quan hệ với Phật giáo các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Nga…; tham gia các tổ chức Phật giáo quốc tế; có mối quan hệ tốt với các tôn giáo khác; tham gia tích cực các phiên họp quốc tế bàn về vai trò của Phật giáo trong các vấn đề toàn cầu như môi trường, giáo dục, hòa bình…

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đội ngũ chức sắc của TTVN được đào tạo, tự đào tạo rèn luyện để có trình độ chuyên môn, không chỉ học tập tu luyện trong nước mà còn du học ở các trung tâm, các trường Đại học Phật giáo ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc. Đồng thời, những khóa đào tạo tu tập tại các thiền viện đã góp phần cho việc nâng cao sự hiểu biết và thực hành về giáo lý. Hiện nay, TTVN đã có hàng trăm tu sĩ ra nước ngoài để lĩnh hội kiến thức mới hoặc học tập tại Học viện Phật giáo Việt Nam mỗi năm.

Như vậy, xu thế toàn cầu hóa văn hóa – toàn cầu hóa Phật giáo là sự vận động tự thân của TTVN. Đây cũng là cách bảo lưu hữu hiệu nhất TTVN nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trên thế giới, từng bước khẳng định sức sống dẻo dai, sức mạnh nội lực tiềm ẩn trước những cơ hội và thách thức mà bối cảnh mới đem lại.

_______________

1, 2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr.482, 249.

3. Đỗ Quang Hưng, Toàn cầu hóa tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2-2006, tr.4.

4. Đỗ Bá Nam, Nhân học và bản sắc dân tộc: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa, Tạp chí Dân tộc học, số 2-2011, tr.3.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Dương Thị Thu Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *