Từ đệm là một yếu tố thuộc thành phần từ phụ trong lời ca, xuất hiện khi lời thơ được phổ nhạc, có vai trò khá quan trọng, thậm chí còn góp phần tạo nên những nét độc đáo riêng cho nhiều thể loại dân ca. Trong dân ca đối đáp nam nữ của người Việt ở trung du và châu thổ sông Hồng, từ đệm rất phong phú và đa dạng. Những loại hình còn đơn sơ, mộc mạc như hát ví, hát đúm đến những loại hình đã phát triển cao hơn trên phương diện âm nhạc như cò lả, trống quân, hát ghẹo Phú Thọ, dân ca quan họ Bắc Ninh, ít nhiều đều có sự tham gia của từ đệm.
1. Từ đệm lót
Sử dụng từ đệm với vai trò đệm lót giữa câu hát là một thủ pháp phổ thơ khá phổ biến trong thể loại dân ca đối đáp nam nữ. Cùng với lời ca chính, từ đệm lót đã mang lại những hiệu quả nghệ thuật phong phú, đa dạng và những sắc thái riêng cho từng bài bản, làn điệu. Những nguyên âm: a, ơ, i, y, ư, được sử dụng làm từ đệm tương đối phổ biến, trong đó, nguyên âm a được dùng nhiều hơn cả. Trong một bài bản, nguyên âm này có thể đứng độc lập hoặc kết hợp với một số nguyên âm khác như ơ, ư… Chẳng hạn, trong bài hát ghẹo Giồng chuối giồng cam, nguyên âm a kết hợp với nguyên âm ơ đệm lót tạo thêm sự sinh động cho các câu hát:
Trong bài dân ca quan họ Bắc Ninh Bèo dạt mây trôi, nguyên âm y được sử dụng kết hợp với các âm thanh ở âm vực cao của giai điệu tạo thêm tính chất bay bổng, da diết:
Lối sử dụng các nguyên âm như i, ơ còn thấy trong nhiều bài bản dân ca quan họ Bắc Ninh khác như Người nghỉ tôi về, Chuông vàng gác cửa tam quan, Chia rẽ đôi nơi, Con nhện giăng mùng…
Bên cạnh những nguyên âm, các bài bản, làn điệu còn sử dụng từ đơn để đệm lót. Phổ biến là các từ như mấy, rằng, mà, là, chứ… Chẳng hạn, bài Đúm đôi (dân ca Hải Dương) sử dụng nhiều từ đệm rằng và nguyên âm y kết hợp với âm hình luyến âm tạo tính chất mềm mại cho các câu hát:
Lời ca của hát ghẹo Phú Thọ cũng sử dụng phổ biến những từ đệm nêu trên. Trong bài Hoa thơm, từ đệm đơn là từ mà, tạo thêm sự nhịp nhàng, cân đối cho câu hát:
Từ đơn trong vai trò đệm lót còn được sử dụng phổ biến trong hát trống quân. Chẳng hạn như từ thời và mấy, kết hợp với tiết tấu đảo phách tạo tính chất nhịp nhàng, tươi vui:
Ngoài những nguyên âm và từ đơn, trong những bài bản, làn điệu hát ghẹo Phú Thọ và quan họ Bắc Ninh còn sử dụng những từ đệm lót là từ đôi hoặc cụm từ có 3, 4 từ. Chúng ta thấy, các từ đệm này đã phát huy được vai trò khi kết hợp với giai điệu âm nhạc, đa dạng và năng động hơn so với nguyên âm và từ đơn. Bên cạnh đó, có cả những tiếng tượng thanh giả làm tiếng đàn như tang tình trong bài Cây trúc xinh, lính tình tang trong bài Người đi đâu, tang tính tình trong Bèo dạt mây trôi… (dân ca quan họ Bắc Ninh). Hoặc có những từ đôi và các cụm từ như phú lý trong bài Duyên phận phải chiều, thời thương thời trong bài Mắc phải nhện vương (hát ghẹo Phú Thọ), qua lới nọ trong bài Cây trúc xinh, ấy mấy trong bài Ra ngõ mà trông. Ngoài ra, còn có cả những cặp từ đôi như yhơ, ối a trong bài Ngồi tựa song đào và rất nhiều bài dân ca quan họ khác. Trong câu hát của bài Hoa thơm bướm dạo, từ đệm ố tình xen vào giữa ca từ chính là “con bướm lượn, con bướm dạo” sau đó ngắt câu hát bằng hai tiếng đệm ối a tạo tính chất vui tươi, duyên dáng, mềm mại, mang nét đặc trưng của giai điệu dân ca quan họ. Cặp từ ối a này còn được sử dụng đệm lót vào giữa câu hát cuối của bài dân ca này tạo tính cân đối cho cấu trúc câu hát. Có thể nói, thủ pháp sử dụng từ phụ này của người quan họ đã đạt tới tầm cao về nghệ thuật.
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, hư từ là những từ không có chức năng định danh, không có khả năng độc lập làm thành phần câu (1). Hiểu một cách đơn giản hơn, hư từ là những từ vô nghĩa hoặc không có nghĩa. Trong dân ca đối đáp nam nữ người Việt, hư từ được sử dụng khá phổ biến trong vai trò đệm lót. Trong nhiều câu hát, chúng ta thường gặp các từ đệm là hư từ như ư hừ, ức cừ, ức hự, ứ hự… Nếu đứng riêng rẽ, các từ này sẽ không có ý nghĩa nhưng trong tổng thể của một bài dân ca và khi được kết hợp với giai điệu để diễn tả hoặc khắc họa một hình tượng nào đó thì chúng lại có giá trị nhất định. Chẳng hạn, trong một số bài hát ghẹo như Bông lúa gié vàng, Hoa thơm, Lúa chín, từ ức cừ được dùng với vai trò đệm lót tạo tính chất dí dỏm, vui tươi. Đặc biệt, trong bài Bông lúa gié vàng, hư từ này xuất hiện với vai trò gần như chủ đạo kết hợp với tiết tấu móc kép tạo cho các câu hát một nét tinh nghịch độc đáo:
2. Từ đệm với vai trò làm tiếng đưa hơi và đệm láy đuôi
Ngoài những vai trò nêu trên, từ đệm còn có vai trò đệm láy đuôi (2) ở vị trí cuối câu, cuối đoạn, cuối bài. Thông thường là nguyên âm i hoặc những cặp từ đôi, vừa có vai trò làm tiếng đưa hơi, vừa làm từ đệm láy đuôi. Xuất phát từ đặc điểm của ca hát dân gian cổ truyền, cụ thể ở đây là cách nhả chữ ở những âm cuối của câu hát, đoạn hát, bài hát, nếu có trường độ dài thì được chia nhỏ tiết tấu và kết hợp với các từ đệm. Lối sử dụng này thường gặp trong những bài quan họ cổ, những âm có trường độ lớn ở cuối câu hát, đoạn hát thường được chia nhỏ tiết tấu và không được nhả dần theo cách phát âm của phương pháp thanh nhạc mới mà được chuyển thành những tiếng đưa hơi, cách hát có tác dụng tạo thuận lợi về thanh nhạc khiến giọng hát của người hát thoải mái, tự nhiên hơn (3). Chẳng hạn trong bài Mong người như cá mong mưa (4) ở các trổ hát, các cặp từ đôi như hư la, hôi hừ, ôi hừ, hư ừ xuất hiện ở vị trí cuối câu:
Hay, trong bài Trèo lên cây gạo cao cao (5) các từ đệm cuối câu là i hi được sử dụng ở các vị trí cuối mỗi câu hát với cách chia nhỏ tiết tấu như đã nêu ở trên:
Ngoài ra, nguyên âm i với vai trò đưa hơi và đệm láy đuôi cũng tạo cho các câu hát, đoạn hát sự thanh thoát, nhẹ nhàng để chuyển tiếp đến những câu hát, đoạn hát tiếp sau không bị gò bó, khô cứng mà rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Lối sử dụng nguyên âm i này là một đặc trưng trong hát trống quân. Trong bài Trống quân xẩm ở Hưng Yên (6):
3. Từ đệm với vai trò mở/ đóng các cấu trúc trổ, bài hát
Bên cạnh vai trò đệm lót, đệm láy đuôi, từ đệm trong dân ca đối đáp nam nữ còn được sử dụng với vai trò mở và đóng một cấu trúc trổ hát, bài hát. Những từ đệm này gọi là đệm nghĩa, có ý nghĩa về nội dung. Trong những bài bản hát ví, hát đúm và một số bài trống quân ở Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội), ở đầu và cuối mỗi trổ hát hoặc bài hát thường xuất hiện cụm từ: anh hai ơi, chị hai ơi, anh cả anh hai đấy ơi, duyên kết bạn tình ơi, bạn tình ơi, người tình nhân ơi, hỡi người tình nhân ơi… Hát đúm ở Đức Bác (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) sử dụng những cụm từ ở đầu mỗi trổ hát như ơ vậy (do nữ xướng lên trước) và nam đáp lại sao rằng. Bên cạnh đó, từ đệm nghĩa được sử dụng ở cuối mỗi trổ hát với cụm từ kia hỡi a trống quân, sau đó trổ hát sau sẽ tiếp nối theo chu kỳ luân phiên.
Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng sử dụng từ đệm nghĩa nhưng so với hát ví, đúm và hát trống quân, cách sử dụng dạng từ đệm này của người quan họ có phần đa dạng hơn. Ngoài lối sử dụng các cụm từ ở vị trí đầu hoặc sau mỗi câu hát, trổ hát như đôi người ơi, đôi ba người ơi, nhân tình ơi, duyên tình ơi, anh hai ơi, chị ba ơi, đương quan họ ơi… ngay sau ca từ chính, các cụm từ đệm nghĩa còn được sử dụng với vai trò mở rộng, bổ sung về nội dung ca từ, kết hợp với giai điệu âm nhạc. Trong bài Ngồi tựa mạn thuyền, câu đệm nghĩa xuất hiện cuối bài với vai trò giống như hình thức cô đa (kết) mang tính độc lập và năng động chứ không đóng khuôn cố định như các cụm từ đệm nghĩa trong hát ví, hát đúm hay hát trống quân:
4. Từ đệm với vai trò tạo cấu trúc hình thức và hoàn thiện ý nhạc
Bên cạnh vai trò đệm lót, đệm láy đuôi, đệm nghĩa tạo nên sự sinh động, linh hoạt và sức biểu hiện đa dạng cho các câu hát thì từ đệm còn góp phần tạo ra những hình thức cấu trúc và hoàn thiện ý nhạc. Vai trò góp phần tạo ra những cấu trúc hình thức như câu, đoạn hoặc dạng trổ hát khác nhau của từ đệm trong dân ca người Việt đã được nhạc sĩ Phạm Phúc Minh đề cập: “tiếng đệm còn góp phần vào việc bố cục khúc thức, nó đảm nhiệm cả một đoạn nhạc tạo thành phong cách riêng cho từng bài” (8).
Khảo sát những bài bản, làn điệu dân ca đối đáp nam nữ của người Việt ở trung du và châu thổ sông Hồng, chúng tôi thấy biểu hiện này giữa các loại hình có sự khác biệt. Ở những bài hát ví, hát đúm, các từ đệm tham gia vào phần ca từ chính thường chỉ có vai trò đệm lót hoặc đệm nghĩa ở đầu và cuối cấu trúc trổ hát, bài hát, do đó, về cơ bản, kết cấu của các dòng thơ thường không bị phân tách, chia cắt bởi các từ đệm. Đặc điểm này xuất phát từ lối phổ nhạc xuôi chiều thơ (9). Do đó, trong những làn điệu dân ca này, kể cả khi đã có sự tham gia của các từ đệm, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra cấu trúc nguyên gốc của câu thơ. Hay, trong các bài hát trống quân, kể cả khi đã sử dụng thủ pháp phổ thơ theo lối vay trả (10) và thêm vào các từ đệm thì lời thơ gốc và cấu trúc giai điệu âm nhạc vẫn có sự gần gũi, tương ứng. Chẳng hạn, lời thơ của điệu hát trống quân phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ là thể thơ lục bát:
Ở đây đất thấp trời cao
Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời
Khi được phổ nhạc nó thành câu hát:
Trong những bài hát quan họ, vai trò của từ đệm đã có biểu hiện phát triển đa dạng hơn so với những bài bản, làn điệu thuộc các loại hình khác. Chỉ với một dòng thơ 6 hoặc 8 từ, các nghệ nhân đã phát triển thành trổ hát dài bằng cách đưa thêm từ đệm. Từ đó, cấu trúc nguyên gốc của câu thơ đã bị phân tách, thay đổi. Chẳng hạn, trong bài Nhất ngon là mía Loan điền (11), 6 từ của dòng thơ lục bát “nhất ngon là mía Loan điền” đã được phát triển thành một trổ hát có hai câu do có sự tham gia dày đặc của các từ đệm như tình rằng, a, ơ hơ, là cái hời cái ả…
Câu 1:
Bên cạnh vai trò tạo ra các cấu trúc hình thức, từ đệm còn đứng độc lập và được phát triển thành một ý nhạc hoàn chỉnh mà bài Còn duyên (dân ca quan họ Bắc Ninh) là một trường hợp tương đối điển hình. Câu hát: “Tuy rằng tôi lắm bạn nhưng vẫn chờ là chờ người ngoan” có thể là câu kết thúc của bài dân ca này, nhưng tác giả dân gian đã phát triển thành một câu nhạc nữa bằng thủ pháp sử dụng các từ đệm là từ tượng thanh và hư từ:
Có thể nói, sự phong phú, đa dạng về thủ pháp sử dụng từ đệm và việc phát huy vai trò của nó trong những bài bản, làn điệu thường tập trung vào loại hình dân ca đã phát triển trên phương diện nghệ thuật âm nhạc như hát ghẹo Phú Thọ, quan họ bắc Ninh và một số bài hát trống quân. Tuy nhiên, có được những giá trị nghệ thuật cao, các từ đệm còn phải kết hợp và tương tác với một thành tố quan trọng, đó là giai điệu âm nhạc. Xuất phát từ nghệ thuật phổ thơ dân gian, từ đệm còn tiếp tục được bồi đắp, biến đổi trong quá trình thực hành và sáng tạo của chủ thể diễn xướng. Phương thức sử dụng từ đệm độc đáo của người Việt cần được tiếp tục nghiên cứu để có cái nhìn hệ thống với những hướng tiếp cận khác nhau.
_______________
1. Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2009, tr.608.
2, 3, 7. Hồng Thao, Dân ca quan họ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996, tr.256, 257, 261.
4, 5. Nguyễn Trọng Ánh, Âm nhạc quan họ, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2000, tr.338, 321.
6. Trần Việt Ngữ, Trống quân xẩm, in trong Hát trống quân, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002.
8. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.78.
9. Lối phổ nhạc giữ nguyên cấu trúc lời thơ, không đảo trật tự các từ trong các dòng thơ.
10. Từ thường dùng trong dân gian, chỉ lối phổ thơ đảo 4 từ của dòng thơ lục (6 từ) lên đầu câu hát rồi sau đó mới nhắc lại 4 từ đó ở sau.
11. Ký âm Nguyễn Trọng Ánh.
Tác giả: Nguyễn Đỗ Hiệp
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn