Vai trò của việt nam trong xây dựng cộng đồng văn hóa xã hội asean

ASEAN được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một cộng đồng gắn kết về chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ rộng mở với thế giới, xây dựng cộng đồng các dân tộc hài hòa, chia sẻ, chăm lo cho thể chế, phúc lợi, môi trường sống của người dân, tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. ASEAN tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào cuộc sống của người dân trong khu vực, thúc đẩy sự gắn kết giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng cộng đồng, chính trị, an ninh, kinh tế. Với phương châm tích cực, chủ động, có trách nhiệm, Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển, thành công của hiệp hội theo các phương hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác ASEAN.

Sự tham gia của Việt Nam trong việc xây dựng cộng đồng văn hóa, xã hội ASEAN (ASCC)

Chủ trì, điều phối ASCC

ASCC tại Việt Nam có sự tham gia rộng rãi, tích cực của 12 bộ, ngành liên quan; trong đó, Bộ Lao động, thương binh, xã hội đảm nhận trách nhiệm trong việc điều phối, duy trì trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời, phối hợp hành động với các cơ quan tham gia ASCC, nhằm thực hiện các mục tiêu chung của ASCC khu vực. Trong những năm qua đã có 9 cuộc họp của hội đồng cộng đồng được tổ chức với sự tham gia của 300 lượt cán bộ của bộ, ngành. Điều này đã góp phần tạo cơ hội chia sẻ thông tin trong cộng đồng cũng như thúc đẩy những nỗ lực đưa các ưu tiên của Việt Nam trong kênh chuyên ngành lên cộng đồng.

Chủ động tham gia, đưa ra các sáng kiến trong ASCC

Thúc đẩy việc đưa ra các ưu tiên quốc gia thông qua quá trình tham gia tích cực xây dựng, hoàn thiện các văn kiện định hướng cho việc thực hiện các mục tiêu của ASCC về phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em, an sinh xã hội, quản lý thảm họa, giảm rủi ro thiên tai; biến đổi khí hậu, quyền của lao động di cư. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã cùng các quốc gia thành viên ASEAN thông qua 2 tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng cho phục hồi kinh tế, tăng trưởng bền vững; tuyên bố ASEAN về phúc lợi, phát triển cho phụ nữ, trẻ em ASEAN.

Việt Nam tích cực triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực, kế hoạch tổng thể ASCC, được đánh giá là một thành viên có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của kế hoạch tổng thể ASCC vào các chương trình, dự án quốc gia, đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học, công nghệ… Đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thành viên, thúc đẩy hợp tác chuyên ngành thông qua việc tổ chức thành công cả về tổ chức, đưa ra sáng kiến thực hiện các sự kiện quan trọng cấp bộ trưởng thuộc ASCC.

Lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn lực

Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình hành động của chính phủ, chủ động, tích cực, có trách nhiệm, thực hiện các cam kết của ASEAN nói chung, của ASCC nói riêng trong từng giai đoạn; ban hành cơ chế phối hợp, điều phối của ba trụ cột; ban hành, tập trung nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình quốc gia liên quan đến 6 lĩnh vực của ASCC ở cấp bộ, ngành. Ngoài ra, một số bộ, ngành cũng đã viện dẫn đến kế hoạch tổng thể ASCC trong việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác mà Bộ, ngành quản lý thực hiện, xây dựng kế hoạch hành động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực chuyên ngành liên quan.


 ASEAN một tầm nhìn. Ảnh Quốc Trung  

Đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng ASCC

Lao động, việc làm

Việt Nam tham gia tích cực vào việc nêu sáng kiến lập dự án nghiên cứu so sánh luật lao động giữa các nước ASEAN; diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về thanh tra lao động; tổ chức hội nghị nguồn nhân lực; đối thoại lao động, sửa đổi luật lao động về khuôn khổ pháp lý, quy tắc liên quan đến quan hệ việc làm; thảo luận văn kiện về bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động di cư; thúc đẩy mở rộng thị trường lao động trong các nước ASEAN, hợp tác phát triển nguồn nhân lực; hình thành, luật hóa việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động trong luật dạy nghề; phối hợp với Bộ GDĐT xây dựng khung trình độ quốc gia; tham gia, đăng cai tổ chức hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 5 năm 2004, lần thứ 10, năm 2014.

Phúc lợi, phát triển xã hội

Việt Nam đã tích cực tham gia, đăng cai tổ chức các hội nghị cấp bộ trưởng, quan chức ASEAN về phúc lợi xã hội, phát triển các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác, lập nhóm các nhà sư phạm, thực hành công tác xã hội ASEAN; thực hiện chiến lược cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình, an sinh xã hội, chế độ thai sản cho lao động nữ… Ngoài ra, nước ta còn đi đầu trong việc xây dựng tuyên bố ASEAN về tăng cường an sinh xã hội, tuyên bố về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em trong ASEAN; hợp tác với Nhật Bản về chính sách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh; hợp tác với Hàn Quốc về công tác chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi.

Phụ nữ, trẻ em

Việt Nam là một trong những nước có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật đóng góp vào việc chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền của phụ nữ ASEAN. Năm 2010, Ủy ban thúc đẩy, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em (ACWC) được lập tại Việt Nam, xây dựng kế hoạch, thiết lập mạng lưới, xây dựng kết nối giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ trong lĩnh vực bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em thông qua các hội thảo, dự án.

Hợp tác môi trường, chống biến đổi khí hậu

Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức diễn đàn môi trường ASEAN để trao đổi kinh nghiệm, các bài học thực tế trong các vấn đề về môi trường. Năm 2013, nước ta đã chủ trì hội thảo cấp cao Đông Á về thành phố bền vững môi trường lần thứ IV; tổ chức thành công lễ trao chứng nhận vườn quốc gia U Minh Thượng là vườn di sản ASEAN. Nhiều lượt cán bộ, chuyên gia của ta đã tham gia các khóa tập huấn tăng cường năng lực trong lĩnh vực này.

Hợp tác quản lý thiên tai

Việt Nam đã phối hợp với ASEAN triển khai Hiệp định ASEAN về ứng phó khẩn cấp, quản lý thiên tai; lồng ghép các cam kết hợp tác quản lý thiên tai thảm họa cấp khu vực vào chương trình phát triển quốc gia; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đầu tư nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai…

Hợp tác thông tin, truyền thông

Hợp tác về quản lý, khai thác các dịch vụ viễn thông, dịch vụ bưu chính, chuyển phát giữa Việt Nam với các nước ASEAN được liên tục mở rộng, phục vụ kịp thời nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc, phát triển các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời, góp phần xây dựng không gian điện tử chung, hướng tới phát triển xã hội điện tử, kinh doanh điện tử, chính phủ điện tử; thu hẹp khoảng cách số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hợp tác văn hóa

Một trong những hoạt động hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam với ASEAN là hợp tác văn hóa thông qua ủy ban hợp tác văn hóa, thông tin của ASEAN (COCI). Các lĩnh vực hợp tác văn hóa giữa Việt Nam với ASEAN chủ yếu là: văn học, nghiên cứu về ASEAN; nghệ thuật biểu diễn, trưng bày; phát thanh, truyền hình, phim, video; in ấn, truyền thông báo chí.

Hợp tác khoa học, công nghệ

Hoạt động hợp tác ASEAN tập trung trong các lĩnh vực như: tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, hoạt động hợp tác khoa học công nghệ trong ASEAN COST; thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN về thiết bị điện, điện tử; hiệp định hài hòa quy chế quản lý thiết bị điện, điện tử của ASEAN… Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, triển lãm quy mô lớn như: tuần lễ khoa học công nghệ ASEAN, đề xuất, thực hiện nhiều dự án, sáng kiến hợp tác khoa học công nghệ của ASEAN.

Hợp tác giáo dục, đào tạo

Từ khi Việt Nam tham gia Hội nghị hội đồng bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á đã đem lại lợi ích thiết thực cho giáo dục, đào tạo. Hàng nghìn lượt giảng viên, các nhà khoa học đến giảng dạy, trao đổi học thuật, sinh viên, học sinh các nước thành viên đến học tập, giao lưu văn hóa. Việt Nam đã tiếp nhận nhiều nguồn học bổng để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như: chương trình học bổng quỹ quốc tế Singapore, chương trình học bổng AUN Hàn Quốc. Nước ta cũng tham gia mạng lưới đại học Đông Nam Á với công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Hợp tác thanh niên

Năm 2011, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị bộ trưởng thanh niên ASEAN lần thứ VII, góp phần tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực thanh niên, nâng cao sự gắn bó, hiểu biết giữa các tầng lớp thanh niên, lãnh đạo trẻ trong khu vực. Việt Nam cũng tham gia các chương trình giao lưu thanh niên học sinh giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hợp tác y tế

Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, hội nhập với ASEAN trong các lĩnh vực: y tế dự phòng, phòng chống đại dịch cúm ở người, dự trữ thuốc Taminflu, bộ phòng chống dịch, tổ chức các cuộc diễn tập phòng chống đại dịch trong khu vực; phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, y học cổ truyền, an toàn vệ sinh thực phẩm, thống nhất cách thức quản lý mỹ phẩm tại các nước ASEAN…

Hợp tác công vụ

Việt Nam đã tham gia đầy đủ, tích cực vào các hoạt động của ACCSM, tạo điều kiện, đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn về cải cách công vụ ở mỗi nước thành viên. Hiện nay Việt Nam chủ trì trung tâm nguồn ASEAN- Việt Nam về quản lý nhân sự.

Đối ngoại nhân dân

Việt Nam quan tâm duy trì, phát triển công tác ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân. Đến nay, các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã phát triển được một mạng lưới rộng khắp với nhiều đối tác trong khu vực trên tất cả các lĩnh vực (hòa bình hữu nghị, xóa đói giảm nghèo, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền), nhanh chóng thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, cơ chế trong ASEAN, mở rộng quan hệ với các cơ chế, tổ chức đa phương mang tính khu vực.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *