Văn chương về đề tài tam nông – bàn luận từ góc nhìn văn hóa

1. Văn chương về tam nông – thành công trong quá khứ

Những mùa màng văn chương về đề tài tam nông (nông thôn – nông nghiệp – nông dân) trong quá khứ có thể làm hài lòng người đọc và giới phê bình. Có thể nói, ngay sau hòa bình (1954), ở miền Bắc, văn học về đề tài tam nông đã phủ sóng trên văn đàn đương thời với nhiều tác phẩm gây bão như: Thôn Bầu thắc mắc của Sao Mai, Sắp cưới của Vũ Bão, Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương… Tiếp sau là những tác phẩm viết về đời sống nông thôn mới trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa như: Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Tầm nhìn xa, Người trở về của nguyễn Khải, Bão biển của Chu Văn… Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, đề tài tam nông vẫn là lực hút với các nhà văn với những tác phẩm có tiếng vang như: Dốc nắng của Nguyễn Hữu Nhàn, Đồng tháng năm, Nhìn dưới mặt trời của Nguyễn Kiên, Trai làng Quyền của Nguyễn Địch Dũng, Chủ tịch huyện của Nguyễn Khải, Đất mặn của Chu Văn, Hạt mùa sau, Đất làng của Nguyễn Thị Ngọc Tú… Những năm 90 của thế kỷ trước tiếp tục xuất hiện Thủy hỏa đạo tặc (về sau mở rộng, nâng lên thành Gia phả của đất) của Hoàng Minh Tường, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ma làng của Trịnh Thanh Phong… Văn chương về tam nông đã từng gây nên những dư chấn trên văn đàn vào những thập niên cuối TK XX và những năm đầu TK XXI, các hiện tượng văn chương: Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu, Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp, Dòng sông mía của Đào Thắng, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều, Tráo đá của Phùng Kim Trọng, Vết xoáy trước ngực làng của Nguyễn Hiếu… dường như vẫn hùn sức góp vốn cho đề tài tam nông. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân gọi những tác phẩm này thuộc nhóm văn xuôi sản xuất, tất nhiên chỉ là một phần (lớn), vì còn có những tác phẩm viết về sản xuất công nghiệp như: Xi măng của Huy Phương, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Giấy trắng của Triệu Xuân, Chân dung một quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường, Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, truyện ngắn của Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến… về lao động của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh, một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

 

Ngày càng thiếu vắng những cuốn tiểu thuyết về đề tài
nông thôn có sức hút bạn đọc như Mảnh đất lắm người
nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường

 

Đi vào thực tế đời sống như là phương cách hữu hiệu giúp nhà văn bám rễ vào hiện thực (phương châm “đến những nơi tiên tiến viết về những con người tiên tiến” được thực hành trong quá trình thâm nhập thực tế và viết của nhà văn). Vì sao có những mùa bội thu về đề tài tam nông trong quá khứ? Câu trả lời không khó. Vì thời ấy, nhà văn còn nương theo phương châm “sống đã rồi hãy viết”, nông thôn vẫn là thung thổ của văn hóa Việt Nam có hấp lực đối với nhà văn. Nông thôn không chỉ là nơi đi về của các nhà văn mà còn như một sợi dây vô hình nhưng bền chặt nối liền truyền thống với hiện đại, quá khứ với hiện tại. Nông thôn Việt Nam trên nền văn minh lúa nước, đằm mình trong truyền thống văn hóa làng xã, cộng đồng bao giờ cũng hun đúc, tô đậm cái tình (nên có thể là duy tình). Con người trên nền cảnh ấy yêu đất đai, mê say công việc ruộng đồng, quý trọng lao động chân tay. Trên nền cảnh nông thôn ấy dường như con người gắn bó mật thiết với nhau hơn theo đạo lý tình làng nghĩa xóm. Bao đức tính tốt đẹp làm nên căn tính Việt, có thể nói không quá, bắt đầu từ nông thôn – nông nghiệp – nông dân. Phẩm tính Việt đã được đúc kết trong ca dao dân ca mấy nghìn năm, chỉ một câu ca dao thôi đã làm lay động lòng người bao đời: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”; chỉ một bài thơ tứ tuyệt thôi cũng đủ vẽ nên sắc diện của cảnh và người hài hòa, quấn quýt trong niềm vui lao động: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về nhà” (Ngô Văn Phú – Mây và bông).

Cũng cần phải nhắc đến một số tác phẩm viết về tam nông có nhiều người tìm đọc thích thú nhưng thường khoét sâu những vết thương tinh thần trong quá khứ, đôi khi đay nghiến ai đó, điều gì đó nhất là giai đoạn cải cách ruộng đất và sửa sai sau đó trong nửa sau thập kỷ 50 của thế kỷ trước, từ Ly thân của Trần Mạnh Hảo, Ác mộng của Ngô Ngọc Bội, Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng đến Ba người khác của Tô Hoài, Kiến chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập gần đây. Hiện vẫn có nhà văn theo đuổi đề tài về cải cách ruộng đất, họ viết tâm huyết và tự tin vào xác tín cá nhân, nhưng đều bị các nhà xuất bản từ chối in, cũng không khó giải thích.

2. Thực trạng văn học về tam nông

Sự lép vế của văn học (nhất là mảng văn xuôi) viết về tam nông là một tồn tại khó tháo gỡ. Có chân trong Ban Giám Khảo (vòng Sơ khảo) cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi quan sát thấy văn xuôi viết về tam nông đang trong tư thế phòng thủ: trên tổng số 145 tác phẩm gửi dự thi (đã in thành sách 76, bản thảo 69) chỉ có 6 cuốn chạm tới đề tài tam nông (chưa tới 5%): Góc làng của Phùng Phương Quý, Vùng xoáy của Vũ Quốc Khánh, Bèo nước Hậu Giang của Nguyễn Mỹ Hồng, Dưới bóng tre làng của Trần Quốc Tiến, Và khép rồi lại mở của Vũ Từ Trang, Gái làng Bầu của Nguyễn Văn. Lại càng đáng bàn hơn khi có 30 cuốn sau sơ loại được giới thiệu vào Chung khảo, không có cuốn nào về đề tài tam nông. Trong khi đề tài truyền thống (chiến tranh, lịch sử) chiếm hơn 70%, còn lại là thế sự – đời tư, có cả tình dục,…

Để kích thích văn học về đề tài tam nông, Báo Nông thôn ngày nay và Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải – Nhà tài trợ Kim Cương, phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” (thời gian từ 4-2019 đến 5-2021). Khai mở rầm rộ, giải treo cao ngất, nhưng đã hai phần ba quãng đường của “cuộc đua chữ nghĩa” vẫn chưa thấy tín hiệu nào báo cho biết sẽ có tác phẩm hay về đề tài tam nông. Rõ ràng, trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, sự cố gắng (nhiệt tình cao) và điều kiện vật chất chưa phải là yếu tố tiên quyết. Vẫn phải chờ đợi những tài năng văn chương như một thách đố của thời gian.

Tôi có điều kiện đọc sát truyện ngắn in trên báo chí như Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ TP.HCM thời gian gần đây, vẫn chưa thấy đọng lại tác phẩm nào về tam nông có ấn tượng, lật xới được vấn đề về nông thôn mới trong cơn chuyển mình to lớn. Đến tận năm 2020, Việt Nam vẫn là một nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và gia công cho thế giới. Nhưng chúng ta thì quá say mê 4.0, cứ nghĩ mình sẽ trở nên thông minh hơn…

Theo dõi giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, TP.HCM mấy năm gần đây, tôi cũng thấy vắng bóng những tác phẩm hay về tam nông. Cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” (2018-2019) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội được in trong Tuyển tập tác phẩm hay và đoạt giải (gồm 45 truyện, Nxb Hội Nhà văn, 2020) cũng thấy thưa vắng các truyện viết về tam nông đáng để đọc.

Cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (Hội Nhà văn việt Nam) cũng phải đốt đuốc đi tìm tác phẩm viết về tam nông. Các giải Nhất, Nhì toàn viết theo lối thần thực, xa rời đời sống nóng bỏng của xã hội nói chung, tam nông nói riêng. Có vẻ như thần thực là phương pháp viết an toàn mà nhà văn đa số lựa chọn như là cách tránh né, không dám đối diện với thực tế ngày càng trở nên phong phú, phức tạp, khó lường hơn trước.

Trong nhiệm kỳ 9 (2015-2020), Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có động thái, động hướng khi cử một số đoàn nhà văn đi thực tế các vùng nông thôn Nam bộ, Bắc bộ, Trung bộ… nhưng chưa thấy có sản phẩm (tác phẩm) nào hay về tam nông được công bố, bạn đọc thì nghi ngờ hay là các nhà văn đang thai nghén quá lâu (?!).

Tình hình trên không có gì đáng lạc quan, nếu không nói là bi quan. Hẳn vì thế trong công trình Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới 1986-2016 (Nguyễn Thành – Hồ Thế Hà chủ biên, Nxb Văn học, 2017), với 49 tiểu luận, không có tiểu luận nào đề cập nghiên cứu văn học về tam nông (vẫn chủ yếu nghiêng về tha hương, giới, trò chơi, phi trung tâm, hiện sinh, lệch chuẩn, sinh thái…). Có thể lý giải hiện tượng này như sau: vì thực tế sáng tác về đề tài tam nông chưa đủ độ/ nền để giới nghiên cứu, lý luận, phê bình động bút. Rất nhiều câu hỏi (vì sao?) được đặt ra. Nhưng câu trả lời còn phải chờ thời gian. Nhưng thời gian lại không chờ con người (nhà văn).

3. Đi tìm nguyên nhân

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và cuộc di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành phố đã khiến con người hiện đại (trong đó có nhà văn) bỏ quên cội rễ văn hóa. Theo cách diễn đạt của nhà văn Thiết Ngưng (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc), đó là sự vong bản. Trong cuộc đối thoại với nhà văn Hà Phạm Phú, nhà văn Thiết Ngưng chia sẻ: “Đảm nhiệm chức vụ do các nhà văn tín nhiệm mà có thì phải tận lực, nhưng đừng vong bản, bản ở đây là sáng tác. Ba là chớ lìa bỏ vùng đất quen thuộc của mình. Vùng đất quen thuộc của tôi chính là Hà Bắc. Mang danh nhà văn mà không sáng tác thì là “nhà văn chết”. Tuyệt đại đa số nhà văn của ta hiện nay, nếu có điều kiện là vội vã giã từ thôn quê, co cụm về thủ đô hoặc các thành phố lớn. Ít có những nhà văn cắm bản như các thày cô giáo vì sự nghiệp trồng người. Cuộc sống viên chức ở chốn phố phường đã khiến cho nhà văn thích hợp với những tiện nghi đời thường, dẫu cho đô thị ô nhiễm ngày càng nặng nề. Nông thôn ngày càng trở nên mờ nhạt trong tình cảm của người cầm bút, đôi khi chỉ như ký ức, một ký ức ngủ quên không được đánh thức, mời gọi, kích thích. Họ thích viết về sự tha hóa con người trong đời sống hiện đại với nhiều tiện ích và hấp dẫn nhưng cũng ẩn tàng nhiều nguy cơ tha hóa (nếu là lớp nhà văn có tuổi), hoặc là thiên về tái hiện “tự ngã trung tâm”, bản năng gốc (sex) với các “màn” bắt mắt (nếu là lớp nhà văn trẻ). Nhà văn trẻ thì như “cánh đống bất tận, nhưng “chỉ khéo thêu thùa cho bản thân mà kém vá may cho đồng loại” (Hữu Thỉnh).

Văn hóa nhà văn và tầm nhìn về tam nông, yếu tố quyết định thành công của sáng tác, nhưng lại đang là vấn đề nổi cộm của đội ngũ nhà văn (rất đông đảo về số lượng nhưng xét đến cũng vẫn cứ thiếu và yếu). Không ít nhà văn “rửa tay gác kiếm” sau khi đăng quang, ngủ quên trong thành tích, mấy chục năm liền không động bút.

Năm 2005, khi Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đăng nhiều kỳ trên báo Văn nghệ, sau đó in thành sách cùng với một số truyện khác, đặc biệt sau khi nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2006) và Giải thưởng Văn học ASEAN (năm 2008), thì dư luận đóng đinh đây là thành tựu cao của văn học đổi mới (có hơn 60 bài viết về Nguyễn Ngọc Tư và Cánh đồng bất tận)?!. Khen/ chê trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật là chuyện bình thường. Nhưng điều không bình thường ở trường hợp này là, ít người quan sát kỹ, phân tích và nêu trúng khiếm khuyết của Nguyễn Ngọc Tư. Rất ít bài viết phê bình, theo tinh thần “thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng” về Cánh đồng bất tận. Trên Tạp chí Nghiên cứu văn học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) số tháng 7-2006 (mục “Trao đổi ý kiến”), nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng đã đăng tiểu luận Bài học văn chương từ Cánh đồng bất tận. Trong tiểu luận này, tác giả đã chỉ ra thẳng thắn những kẽ hở, chỗ trống, khiếm khuyết của một tác phẩm nhận được nhiều giải thưởng văn chương trong và ngoài nước. Dường như chúng ta có một định kiến, đã là tác phẩm nhận giải thưởng thì không có gì đáng phê bình. Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận đã xây dựng biểu tượng cánh đồng chết. Trong khi đọc văn chương thế giới và Việt Nam, riêng tôi, đã cảm nhận sâu sắc Cánh đồng mẹ của nhà văn Nga T. Aitơmatôp, Cánh đồng không có chân trời của Đỗ Chu, Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng hoang (kịch bản phim truyện) của Nguyễn Quang Sáng… Trong các tác phẩm vừa dẫn, với những mức độ thành công khác nhau, các nhà văn đều gặp nhau ở một điểm: cánh đồng là không gian văn hóa của người nông dân, đó là cội nguồn, cội rễ sự sống của hàng triệu người lao động bình thường mà vĩ đại. Đặc biệt hơn, Việt Nam là nước có truyền thống văn minh lúa nước. Nhưng với Nguyễn Ngọc Tư thì đó là cánh đồng chết. Nói cánh đồng chết vì nó bị hoang hóa (không phải do biến đổi khí hậu toàn cầu), mà vì sự bê trễ, vô cảm, tàn phá của con người. Cánh đồng chết biểu tượng cho sự băng hoại về tự nhiên, xã hội, đạo đức thời hiện đại. Tôi đã chỉ ra chỗ bất cập của tác giả là khi chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”. Ngày nay, khi Việt Nam đứng nhất/ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo, vậy nếu chỉ có toàn những cánh đồng chết, liệu chúng ta làm nên cơm cháo gì? Xem phim tài liệu thấy những cánh đồng mẫu lớn (một mô thức canh tác nông nghiệp mới mẻ) ở đồng bằng Nam bộ, Bắc bộ với những máy móc hiện đại giúp người nông dân sản xuất hiệu quả nhất, khiến cho ai ai cũng mát lòng hả dạ vì mặt trận tam nông, liệu tác giả có cho đó là ngụy tạo. Liệu biểu tượng cánh đồng chết còn có thể nỉ non với những ai vốn bi quan về sự cơ hàn của người nông dân. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hay Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu có phải được thổi phồng quá mức vì những lý do ngoài văn chương (?!). Thêm nữa, liệu tác giả có cập thời vũ, thấu hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang chuyển từ công thức “lúa gạo – hải sản – hoa quả” sang “hải sản – hoa quả – lúa gạo”. Liệu tác giả có biết vùng Nam Trung bộ đang chuyển đổi canh tác nông nghiệp phù hợp với điều kiện thiên nhiên khô hạn (nuôi cừu, trồng nho, các giống cây phù hợp với đất thiếu nước, nhiễm mặn,…). Cánh đồng chết như một biểu tượng do Nguyễn Ngọc Tư xây dựng nên, tôi nghĩ, chỉ ngang cơ với tâm thế của một số ít người, trong một khoảng hạn không gian – thời gian nhất định. Nó không thể biểu trưng cho đề tài tam nông trong văn chương dài lâu. Thiết nghĩ, nếu nhà văn (và một số không ít trong chúng ta) khư khư ôm lấy biểu tượng cánh đồng chết và tự gậm nhấm, tự gây ức chế thì có nguy cơ làm cho ngòi bút mất hết nhựa sống, trở nên khô cằn cảm xúc và suy thoái lý trí. Tương lai không thể đi lên từ những cánh đồng chết.

4. Kết luận

Hội Nhà văn Việt Nam cần có kế hoạch hạ phóng (đưa, động viên, tổ chức) nhà văn đi xuống/ về cơ sở sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong cả nước (63 tỉnh, thành). Nhà văn sẽ viết ra cái gì (tác phẩm) nếu chỉ thích trùm chăn trong các tháp ngà nhỏ bé của mình. Cũng có thể có người biện luận rằng, nhà văn có tài là do có đầu óc tưởng tượng phong phú, viết văn là mạnh về hư cấu, bịa đặt. Chúng ta không phủ nhận ưu thế của trí tưởng tượng. Nhưng nếu tưởng tượng non kém thì vô tình hạ thấp giá trị tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà hiện đang có xu thế phì đại của văn học tư liệu. Tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh là một ví dụ cho thấy quyền uy của tư liệu. Hãy cứ viết như Chuyện thường ngày ở huyện của nhà văn Liên Xô V. Oveskin, tư liệu và tư liệu, nhưng lôi cuốn và có dư âm. Một dạo tác phẩm này được coi như là tài liệu học tập của cán bộ cơ sở sản xuất nông nghiệp ở ta.

Ưu tiên đầu tư chiều sâu sáng tác, dành các giải thưởng uy tín cho văn học về tam nông, đây là công việc của Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội VHNT địa phương. Nếu cần thiết, nên xây dựng những giải thưởng văn học lớn dành cho sáng tác chuyên biệt về tam nông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây mấy năm đã tổ chức sự kiện này nhưng hiệu ứng không lan tỏa mạnh mẽ, thường xuyên).

Các cơ quan truyền thông cần chú trọng và quan tâm giới thiệu, quảng bá tác phẩm viết về đề tài tam nông. Nghĩa là, cần một cuộc ra quân đồng bộ, hùng hậu, bền bỉ để kích cầu năng lượng sáng tác có thể đang ngủ quên trong các nhà văn với rất nhiều lý do khách quan, chủ quan. Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rành rẽ, thành công trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật không thể đong đếm bằng đơn vị thời gian ngắn hạn (1 năm hay hơn). Nghĩa là chúng ta vẫn phải chờ đợi. Đôi khi chờ đợi trong sự hồi hộp có thể cũng là một niềm vui đầy hưng phấn.

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *