Tình hình hoạt động mỹ thuật trong vài năm trở lại đây, nhất là đối với lớp nghệ sĩ trẻ, không khỏi khiến nền mỹ thuật của chúng ta tiếp tục có thêm những hoang mang rằng, viễn cảnh tương lai sẽ rất khó có cơ hội cho hội họa. Bởi quả thực những gì dội bom đa phần đều là những dự án nghệ thuật, những sắp đặt, trình diễn… dù rằng theo chúng tôi, trong đó có rất nhiều bom xịt. Vấn đề này cho thấy có một mặc cảm nào đó từ phía những họa sĩ đã từng xác định cho mình con đường chuyên tâm với hội họa. Với nhiều trường hợp, không gì khác ngoài việc chính họ tự cho rằng có thể một bức tranh, một triển lãm tranh là không đủ… và đơn giản là phải thêm cái gì đó vào cho đủ. Khi cái sự thêm đó không xuất phát thực sự từ đòi hỏi nghệ thuật, hẳn sẽ lộ ra khá nhiều vấn đề về chất lượng nghệ thuật cũng như hiệu quả thẩm mỹ. Nghệ sĩ tự dưng đẩy mình vào thế cái thân làm tội cái đời, tốn kém thời gian và tài chính cho nghệ thuật mà kết quả không mấy khi như ý.
Nhưng chỉ trong một vài tháng vừa qua, có hai triển lãm của những họa sĩ trẻ rất đáng chú ý: Nguyễn Thế Dung bò – người (tác giả Nguyễn Thế Dung) và Vỏ bọc của hiện thực (tác giả Lưu Tuyền). Đây là hai triển lãm diễn ra liền nhau ở cùng địa điểm Vietart Center (42 Yết Kiêu, Hà Nội) (1) và đều nhận được sự đánh giá khá cao từ cả phía truyền thông lẫn giới chuyên môn. Điều này có thể khiến nhiều người lại tiếp tục hy vọng vào sự phát triển của hội họa trẻ Việt Nam. Chúng tôi nghĩ điều này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào tay nghề cũng như sự nghiêm túc và đầu tư của họ đối với từng bức tranh có trong triển lãm.
Cho đến giờ phút này, có thể nói cả hai cái tên Nguyễn Thế Dung và Lưu Tuyền đều là những tài năng bất ngờ. Vài năm trước rất ít người biết đến hội họa của họ. Nguyễn Thế Dung là người trẻ tuổi hơn. Anh sinh năm 1985, bắt đầu được chú ý khi trình làng lô tranh đầu tiên về những con bò (2). Cho đến triển lãm này, những con bò này ngày càng chuyên nghiệp hơn một cách rõ rệt. Ở trên bề mặt tranh, chúng được xuất hiện có tổ chức, đông đảo, sành điệu và chỉn chu hơn. Nhưng có lẽ, thành công nhất không phải chỉ nói đến hình tượng bò mà toàn bộ tranh đã được Dung làm đơn giản đi rất nhiều, mặc dù để đơn giản như vậy thì ai cũng thấy anh phải làm việc kỹ lưỡng hơn gấp bội. Tôi nghĩ thành công của họa sĩ này từ những series trước cho đến giờ luôn thường trực với những chất vấn về sự tồn tại của hình tượng bò trong tranh. Đó là hình tượng được họa sĩ giải quyết rất tốt trên diện tích bề mặt, hơn thế, chúng đã tạo được những ám thị rất rộng và có thể nói là đã phát huy được hiệu quả thị giác. Những ám ảnh rất khó giải thích lại là sự nuôi dưỡng cho tranh của Dung. Đó là một điều đặc biệt, vì không phải sự khó hiểu nào cũng tạo nên sự hấp dẫn và ám ảnh, có những khó hiểu chỉ cho ta những cảm giác rối rắm và tối nghĩa mà thôi. Và một lần nữa, tôi cho rằng để đi tiếp thành công này, anh phải đối mặt với sự khó hiểu mà mình đã trung thành cùng với hình tượng.
Việc kết hợp bút pháp vờn tả với những màng sơn rất nhẫn nại như cắt dán là một thể hiện đắc địa cho tinh thần chung của những bức tranh. Tương thích với nó là sự dũng cảm của họa sĩ khi thể hiện một tông màu nhờn nhợt xám tím và ám vàng. Khi nhìn thật kỹ vào những mảng màu nền, tưởng như không có đất gì để diễn, hóa ra nó không hoàn toàn phẳng trơ một màu một diện. Sự tỉ mỉ của nét cọ làm tan dần cái màu vàng ệch lẩn vào vùng xám.
Nhiều người cho rằng loạt tranh này là một bước tiến rất chuyên nghiệp của Dung nhưng nó cũng chỉ là biểu hiện của một sự chớp lóa cái hiện trường cuộc sống đương đại ngày nay. Đó cũng được coi là một hạn chế của một số nghệ sĩ trẻ thành danh bây giờ. Và quả thật triển lãm này có dáng vẻ khá đặc trưng của tinh thần hội họa đương đại, môtip hội họa đương đại, những gì được hiển thị rất ăn hình. Và lo ngại của chúng ta về một hay những chủ chương sáng tác kiểu như vậy là hoàn toàn có lý. Khi mà tính sự kiện, tính thông tin lại lấn át cả tính khái niệm trong tác phẩm thì tức là nó hoàn toàn có khả năng lấn át cả chính nghệ sĩ. Với thực trạng được nêu ra ở đây, tôi có cảm tưởng rằng, đôi khi việc thưởng thức các tác phẩm như vậy tựa như việc chúng ta đang thưởng thức chương trình thời sự trên… truyền hình. Trong giây lát hoặc lâu chút thôi, bạn sẽ thấy tác phẩm trước mắt bạn tồn tại mà như chẳng hề tồn tại.
Khi được hỏi về triển lãm Nguyễn Thế Dung bò – người, tôi cũng thấy rằng đây là một bước tiến rõ rệt của họa sĩ, một triển lãm thể hiện sự làm việc chuyên nghiệp, một họa sĩ có nghề. Một triển lãm mạch lạc, sáng sủa và rõ ràng, họa sĩ biết mình muốn trình bày cái gì. Có 2 bức đã thực sự gây ấn tượng đối với tôi, Thời của công viên và Đích; chúng là những bức tranh đẹp nhất triển lãm, những con bò này biết nói bằng ám thị của chúng. Còn về những bức tranh khác, tôi thấy lũ bò ở đó ăn hình nhiều hơn khả năng đối thoại.
Trở lại với triển lãm Vỏ bọc của hiện thực của Lưu Tuyền. Hãy bắt đầu với một câu then chốt trong quan điểm về hội họa của anh: “Tôi coi hiện thực chỉ là vỏ bọc, là nơi để cất giấu những ý niệm mà bản thân sự hiện diện của nó không tự lột tả được cụ thể, rõ nét.” Phát ngôn này và tên của triển lãm đã như một trò nhào lộn về câu chữ cũng như ý nghĩa của nó: hiện thực chỉ là vỏ bọc – vỏ bọc của hiện thực. Có người đã quả quyết với tôi rằng, tức là ý tác giả sẽ giải quyết bốn thứ, gồm hai vỏ bọc và hai hiện thực được chập vào nhau. Nếu cứ theo đà suy diễn câu chữ như vậy thì e rằng, sẽ ngày càng thấy rất nhiều lớp được chập vào nhau. Nhưng có thể Lưu Tuyền chỉ đơn giản muốn đề cập tới khái niệm hiện tồn và thực tồn mà thôi?
Nhưng hãy đến với phần quan trọng nhất đó là những bức tranh đầy uy lực trong triển lãm này và một tác phẩm sắp đặt ở trung tâm phòng triển lãm.
Cũng giống như Nguyễn Thế Dung, Lưu Tuyền được đánh giá rất cao về tay nghề và sự đầu tư chăm chút cho những bức tranh của mình. Quả thực, đó là điều hầu như ai cũng phải thừa nhận nhất khi được tận mắt xem triển lãm này. Có gì đó rất kiên định và ý chí trong từng lớp sơn cứ khít dần để hình thành nên những bức tranh này. Tôi đã tò mò và chú ý đến họa sĩ này từ khi được dịp xem tranh của anh bày ở festival Mỹ thuật trẻ cuối năm ngoái. Bức tranh đó khá ám ảnh, vẫn một con búp bê với không gian bị giới hạn, gợi đến có một sự kiện nào đã đi qua và chỉ còn búp bê với nilon trùm bên ngoài là chứng cứ duy nhất để chúng ta bấu víu vào… Cho đến triển lãm này, những giá trị đó vẫn tiếp tục được phát huy một cách xuất sắc với series Vỏ bọc #1; #2; #3… Sự cô đọng này được Lưu Tuyền thể hiện trên mặt như là cách trình bày sự phi lý bằng hiện thực. Mặc dù những con búp bê trong series Vỏ bọc hầu như chỉ tồn tại trên nền phẳng mang tính tượng trưng cho một không gian, một ngữ cảnh nào đó, nhưng theo tôi, anh lại là người có tư duy về không gian khá tinh tế và sự cảm nhận về tồn tại của không gian trên mặt phẳng hoàn toàn như sự tồn tại của một thứ gì đó có thể sờ nắm được. Tôi nghĩ, kỹ năng này đang thiếu ở rất nhiều họa sĩ trẻ hiện nay. Tôi đã muốn tạm kết luận rằng, Lưu Tuyền đã điển hình hóa một hình tượng búp bê rất thành công. Nếu như không quá lời thì đối với tôi series Vỏ bọc trong tương quan hội họa trẻ Việt Nam hiện nay là một trong những đỉnh cao, cho thấy một hứa hẹn về những triển vọng nghệ thuật lớn lao khác với một họa sĩ có năng lực như Tuyền.
Nhưng, thật lạ thay, đã có gì đó khiến tôi thất vọng nhanh chóng với triển lãm này. Vẫn những con búp bê đó nhưng ở series Thời đại số đã không còn sức nặng. Nó được phức hợp trong một không gian gợi tính siêu thực cùng với vài đồ vật lơ lửng một cách quen thuộc… và chúng như được họa sĩ trọng dụng vài lần na ná như vậy. Giá trị của hội họa siêu thực hay đơn giản là tính siêu thực có lẽ cũng không chỉ nằm ở việc dàn cảnh. Hơn nữa trong một tương quan nằm cùng với series Vỏ bọc vốn rất sắc sảo, tinh tế và bộc lộ cả sự cực đoan thì Thời đại số lại càng trở nên nhẹ ký và cầu toàn. Còn phải kể đến bức Cầm tù chiến tranh với một chiếc lồng chim phủ nhiễu điều đỏ bị bọc nilon. Bức Tự họa vẽ chân dung chính mình cũng bị bọc nilon. Nó chỉ cho ta thêm cảm giác về sự lựa chọn phủ nilon lên mọi thứ không còn là một sự chắt lọc nữa, nó có phần tùy tiện và tham lam. Và hoàn toàn có thể đặt luôn tên cho hai bức này là Vỏ bọc… mà chẳng có vẻ mâu thuẫn gì.
Điểm cuối cùng, cũng được coi như vị trí trung tâm của triển lãm, một sắp đặt có lẽ đã được tác giả rất chú trọng và là tác phẩm duy nhất công khai gắn giá 25.000 USD, vẫn với cái tên Thời đại số. Có thể thẳng thắn nói ngay rằng, đây là một trong những sắp đặt hết sức nghiệp dư và dễ dãi. Chính nơi đây đã phơi bày tất cả những giới hạn rất đáng lo ngại về khả năng làm việc với không gian ngoài giá vẽ và đây cũng là vấn đề chung của nhiều nghệ sĩ. Trong bài viết giới thiệu cho triển lãm của Lưu Tuyền, một bài viết hình như chỉ say mê ca tụng, có đoạn: “Trong bối cảnh ồn ào có phần khoa trương của diện mạo mỹ thuât đương đại, sự xuất hiện của hội họa Lưu Tuyền đặt thêm một niềm hy vọng cho công chúng yêu nghệ thuật”. Phải nói, một trong những sự ồn ào và khoa trương mà bài viết nói tới nên dành cho chính sắp đặt Thời đại số.
Dù thế nào đi nữa, một triển lãm vẫn nên chỉ được nhìn nhận là một triển lãm với thành công hay khiếm khuyết ở thời điểm nó xuất hiện. Chúng ta không thể không công nhận rằng, với tay nghề của Lưu Tuyền, Nguyễn Thế Dung, hội họa Việt Nam đương đại trong một tương lai gần là rất đáng xem. Có lẽ, chúng ta cũng đều dễ nhận thấy rằng, hội họa Việt Nam đương đại ngày càng ít những họa sĩ chuyên tâm theo nghiệp vẽ và có tài năng như Nguyễn Thế Dung, Lưu Tuyền. Chính vì vậy, họ và những họa sĩ trẻ tương tự càng cần được coi như những viên ngọc quý.
_______________
1. Triển lãm Nguyễn Thế Dung bò – người diễn ra từ ngày 16 đến 21-4-2012. Triển lãm Vỏ bọc của hiện thực diễn ra từ ngày 24 đến 29-4-2012.
2. Nguyễn Thế Dung có triển lãm cá nhân đầu tay tiêu đề Đàn bò một con, Cactus contemporary art gallery, TP.HCM, tháng 11-2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012
Tác giả : Vũ Đức Toàn
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng