Hiện nay công luận, các cơ quan truyền thông đại chúng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống độc quyền ở nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có xuất bản và phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào nghiên cứu một cách tập trung, đầy đủ về độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa cũng như đưa ra các giải pháp hiệu quả đối với vấn đề này.
Về lý thuyết, độc quyền trong kinh doanh được hiểu là việc một doanh nghiệp hay một tập đoàn kinh tế với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội nhất định khống chế thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Độc quyền trong kinh doanh được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là kết quả của quá trình tích tụ tư bản dẫn tới sự ra đời của các bộ phận kinh tế có khả năng chi phối sản xuất, cung ứng và giá cả thị trường. Đó có thể là ưu thế về kỹ thuật công nghệ, nhờ đó sản phẩm hàng hóa sẽ trở nên đặc biệt, độc đáo so với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, nhờ quyền lực chính trị, xã hội hoặc quyết định hành chính, doanh nghiệp có thể có được vị trí độc quyền kinh doanh một mặt hàng nhất định.
Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng độc quyền chủ yếu được hình thành từ quá trình cạnh tranh, thông qua quá trình tập trung và tích tụ tư bản. Nền kinh tế nước ta chưa hình thành độc quyền doanh nghiệp nhờ hiệu quả kinh doanh thông qua con đường tập trung, tích tụ vốn. Độc quyền doanh nghiệp của tư nhân cũng chưa hình thành do quy mô vốn nhỏ, phân tán, trình độ công nghệ tương đối thấp. Doanh nghiệp có vốn nước ngoài chưa trở thành độc quyền mặc dù một số doanh nghiệp có ưu thế về vốn và công nghệ nhưng chưa có khả năng chi phối thị trường.
Theo điều kiện hình thành, ở nước ta có hai loại độc quyền: độc quyền theo quy định hành chính của Nhà nước và độc quyền tự nhiên. Độc quyền do Nhà nước quy định chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước gồm: xuất nhập khẩu ấn phẩm, phân phối điện, đường sắt, xây dựng và khai thác – dịch vụ bến cảng… Hình thái độc quyền tự nhiên một phần cũng do Nhà nước quy định, theo phương thức hành chính, hoặc do ưu thế về vốn và quan hệ khách hàng. Về cơ bản, độc quyền trở thành lực cản, gây trở ngại cho môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn tự do kinh doanh và văn minh thương mại, làm giảm động lực phát triển của nền kinh tế. Từ đó, vấn đề lợi ích được giải quyết không phù hợp với các nguyên tắc phân phối bình đẳng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã coi chống độc quyền là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Việt Nam cũng đang từng bước xóa bỏ độc quyền, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực xuất bản và phát hành sách giáo khoa, một lĩnh vực được coi là nhạy cảm, vấn đề này vẫn đang được cân nhắc.
Dưới góc độ xã hội, sách giáo khoa và hoạt động xuất bản sách giáo khoa là tấm gương phản chiếu hệ thống giáo dục của mỗi một quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò của hoạt động xuất bản sách giáo khoa, coi đây là một khâu có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp phát triển giáo dục toàn diện. Trong xuất bản sách giáo khoa hiện nay, vấn đề độc quyền xuất phát từ những căn cứ sau:
Theo tinh thần Luật Giáo dục 2005, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành chương trình giáo dục phổ thông, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Quyết định số 58/QĐ ngày 28-1-1989 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD). NXBGD được khẳng định là nhà xuất bản quốc gia có trách nhiệm giúp Bộ tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành các loại sách giáo khoa và các loại sách khác đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh của ngành giáo dục.
Quyết định số 3961/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 28-7-2003 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tổ chức lại NXBGD thành công ty mẹ theo mô hình công ty mẹ – con; trong điều 2 quy định công ty mẹ (NXBGD) có nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách giáo khoa… phục vụ việc giảng dạy và học tập cho các ngành học, bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Như vậy, theo Luật thì vấn đề chương trình và việc biên soạn sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm. NXBGD có chức năng biên tập, in và phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên theo tinh thần hai Quyết định thì toàn bộ hoạt động xuất bản sách giáo khoa từ biên soạn, biên tập, in, phát hành đều nằm trong phạm vi hoạt động của NXBGD. Rõ ràng, độc quyền nhà nước đã chuyển thành độc quyền doanh nghiệp.
Để ra đời một cuốn sách giáo khoa phải trải qua các khâu biên soạn, thẩm định, biên tập, phát hành. Kế hoạch biên soạn sách giáo khoa phổ thông do Bộ GD&ĐT hoạch định và giao cho NXBGD là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm tổ chức biên tập, xuất bản. Căn cứ vào chủ trương của Bộ GD&ĐT, NXBGD tiến hành lập kế hoạch đề tài, kế hoạch biên tập và xuất bản, sau đó, NXBGD giao in gia công và in đấu thầu cho các nhà in trong cả nước. Tiếp đó, sách giáo khoa sẽ được phát hành cho 64 các Công ty sách và thiết bị trường học các tỉnh thành phố thuộc ba miền Bắc – Trung – Nam, công ty Sách và thiết bị trường học tỉnh, thành phố nào sẽ phụ trách phát hành ở tỉnh thành phố đó, không phát hành trái tuyến.
Việc Bộ GD&ĐT và NXBGD giữ độc quyền khâu biên soạn sách giáo khoa tạo ra sự thống nhất về chương trình giảng dạy trên cả nước nhưng chính điều này đã làm hạn chế khả năng huy động chất xám của toàn xã hội để xây dựng được bộ sách giáo khoa đạt chất lượng cao. Sau khi được biên soạn, nội dung sách giáo khoa sẽ được giao cho NXBGD tiến hành biên tập bản thảo, in và phát hành. Như vậy, việc tổ chức biên tập, hoàn thiện nội dung sách giáo khoa là nhiệm vụ của NXBGD. Không thể phủ nhận NXBGD có một đội ngũ biên tập viên đông đảo, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, khi NXBGD còn độc quyền trong biên tập sách giáo khoa thì sẽ không thể có một sự so sánh nào nhằm đánh giá chất lượng biên tập của họ. Quan sát thực trạng sách giáo khoa chúng ta có thể thấy, chất lượng về mặt nội dung của sách giáo khoa chưa thực sự hoàn thiện. Hiện nay, quá trình in sách giáo khoa không còn bó hẹp trong phạm vi các đơn vị in trực thuộc NXBGD. NXBGD đã tổ chức đấu thầu cho 80 nhà in thuộc các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tham gia in sách giáo khoa. Trong số các nhà in này chỉ có 4 nhà in của NXBGD. Vì vậy không thể khẳng định NXBGD độc quyền trong khâu in ấn sách giáo khoa. Thế nhưng, trên thực tế, hoạt động đấu thầu cho các nhà in này thực hiện dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của NXBGD. Phải chăng, NXBGD vẫn chi phối trong việc in ấn sách giáo khoa. Có thể nói, trong quy trình xuất bản sách giáo khoa, NXBGD đã trực tiếp “độc quyền” ở hai khâu biên soạn, biên tập và giữ vai trò chỉ đạo, giám sát công đoạn in. Để sách giáo khoa đến được tay người sử dụng, NXBGD còn phải tổ chức phát hành sách giáo khoa đến các đơn vị phát hành trực thuộc. Độc quyền trong phát hành sách giáo khoa cũng nảy sinh từ đây. Điều này được thể hiện rõ nét qua kênh phân phối khép kín của nhà xuất bản Giáo dục.
Hệ thống phát hành của NXBGD được phân chia theo ba khu vực tại ba miền Bắc – Trung – Nam: NXBGD tại Hà Nội cung ứng sách cho 29 tỉnh phía Bắc; Chi nhánh NXBGD tại miền Trung cung ứng sách cho 9 tỉnh miền Trung Tây Nguyên; Chi nhánh NXBGD tại miền Nam cung ứng sách cho 26 tỉnh phía Nam.
Hoạt động phát hành được cụ thể hóa thành 5 tuyến chính: Từ NXBGD đến các Công ty sách và thiết bị trường học; Từ các Công ty sách và thiết bị trường học đến Phòng Giáo dục, rồi đến người sử dụng; Từ các Công ty sách và thiết bị truờng học đến trường học, từ trường học đến người sử dụng; Từ Công ty sách và thiết bị trường học đến các đại lý bán buôn và bán lẻ, rồi đến người sử dụng; Từ các Công ty sách và thiết bị trường học trực tiếp đến người sử dụng (thông qua cửa hàng bán lẻ).
Có thể thấy kênh phân phối sách giáo khoa như vậy được sắp xếp theo trật tự từ Trung ương đến địa phương đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của NXBGD. Điều đó có nghĩa là Công ty sách và thiết bị trường học ở tỉnh, thành phố nào chỉ được phép tiêu thụ sách giáo khoa cho các cửa hàng, đại lý, thư viện, trường học hay phòng giáo dục ở tỉnh, thành phố đó theo mức chiết khấu đã được quy định, không được phép tiêu thụ sách ra khỏi khu vực thị trường đã được phân định. Đây chính là những dấu hiệu chứng minh NXBGD độc quyền trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa.
Trong nền kinh tế thị trường, lợi ích của người tiêu dùng được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm mà tất cả các doanh nghiệp khác khi tham gia vào hoạt động sản xuất hàng hóa đều hướng đến cái đích cuối cùng là khách hàng. Họ không ngừng cạnh tranh về chất lượng hàng hóa dịch vụ cũng như giá cả nhằm có được số lượng khách hàng thường xuyên và ổn định. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính chất độc quyền sẽ không thể tồn tại trong điều kiện hiện nay, nhất là khi nước ta đang trong quá trình mở cửa hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Trường hợp NXBGD giữ vị trí độc quyền trong hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa trên thực tế đã đi ngược lại quy luật kinh tế chung. Dù xét nó vẫn có những điểm tích cực nhất định: Đảm bảo cho thị trường sách giáo khoa ổn định và hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đảm bảo cung ứng sách giáo khoa theo đúng kế hoạch, song việc độc quyền trong hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa đã gây ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của người sử dụng và của các nhà xuất bản khác. Đó là việc cản trở cho môi trường cạnh tranh lành mạnh, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và người sử dụng, phân định thị trường và hoạch định mức chiết khấu tạo rào cản thương mại. Mô hình phân phối khép kín này tuy phục vụ tốt cho ngành giáo dục song ở khía cạnh nào đó lại làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà kinh doanh và người sử dụng. Đã đến lúc cần xóa bỏ độc quyền trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản, các nhà in, các đơn vị phát hành khác nhau hứa hẹn sự ra đời của những bộ sách giáo khoa không chỉ rẻ, đẹp mà còn đảm bảo về chất lượng nội dung, sự đa dạng của sản phẩm, hạ giá bán hàng hóa… Phá bỏ độc quyền trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa sẽ ngăn chặn được tình trạng cửa quyền trong việc cung cấp sách.
Để thị trường sách giáo khoa ổn định, mấu chốt không phải là bám giữ độc quyền mà là tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, để cho mục tiêu lợi nhuận đi đôi với mục tiêu xã hội. Nhu cầu sử dụng sách giáo khoa ngày càng tăng, và sẽ có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh mảng sách này. Vì vậy cần xóa bỏ độc quyền phát hành và tình trạng phân định thị trường sách giáo khoa để mọi thành phần, mọi đối tượng có thể tham gia kinh doanh một cách bình đẳng. Hơn thế, kinh doanh sách giáo khoa mang tính thời vụ cao. Do đó, cần huy động tiềm lực của nhiều thành phần, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia để sách có điều kiện tới tay người tiêu dùng nhanh hơn, rẻ hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục. Xóa bỏ độc quyền là việc là cần thiết, nhưng không thể thực hiện ngày một, ngày hai. Để hoạt động xuất bản phát hành sách giáo khoa phát triển theo đúng quy luật của thị trường, cần có sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, và giữa các nhà xuất bản một cách khoa học và theo lộ trình hợp lý.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009
Tác giả : Lê Thị Phương Nga
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam