Vận động học tập đạo đức hồ chí minh cần phải đúng đối tượng, đúng trọng tâm


         Tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 14/2, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đề cao sự gương mẫu của cấp ủy đảng, người đứng đầu, ông nhấn mạnh: “Cần tránh trường hợp nói thế mà không phải thế, sẽ rất phản cảm. Nhiều người cứ nói về Bác thao thao bất tuyệt nhưng làm lại không được”…

Trong báo cáo kết quả hai năm thực hiện cuộc vận động, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Tô Huy Rứa cho hay, một nguyên nhân quan trọng làm hạn chế kết quả cuộc vận động trong hai năm qua là: cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động và tích cực nêu gương nói và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh… Có nghĩa là chúng ta vẫn đang vận động chưa đúng đối tượng cần vận động…

Như vậy, người đứng đầu Bộ máy lãnh đạo của Đảng và người đứng đầu cơ quan Tuyên giáo đã nhìn thấy các kết quả của cuộc vận động và chỉ ra những hạn chế mà cuộc vận động cần sớm khắc phục để nó thật sự đi sâu vào đời sống, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục những yếu kém, những tiêu cực xã hội do chính cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt, gây ra.

Còn nhớ nhà bác học cổ đại Hy Lạp Archimedes (287-212 trước Công nguyên) người phát minh ra nguyên lý lực đẩy đã từng phát biểu: hãy cho tôi một điểm tựa và một chiếc đòn bẩy, tôi sẽ bẩy quả đất này lên; trong truyện Thủy hử của Trung Quốc, Lý Quỳ cũng đã nói một câu nổi tiếng tương tự: Nếu mặt đất này có quai, tôi sẽ xách bổng nó lên…

Muốn tạo nên một lực đẩy vật chất, người tạo lực trước tiên phải có lực đẩy vật chất là đòn bẩy và một điểm tựa để lực đẩy phát huy hiệu lực đẩy. Để tạo ra năng lượng hạt nhân, các nhà khoa học phải bắn phá hạt nhân nguyên tử để giải phóng năng lượng, nếu không bắn vào được hạt nhân, bắn vu vơ thì năng lượng sẽ không được giải phóng… Nếu chúng ta thật sự coi tấm gương về tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh là một di sản văn hóa tinh thần dân tộc, một “đòn bẩy”, một động lực có khả năng thúc đẩy, kích hoạt sự chuyển biến xã hội theo hướng tích cực và hữu ích nhằm trong sạch và hiệu lực bộ máy nhà nước thì chúng ta phải tìm đúng vị trí để kích hoạt cái lực đẩy này, tức phải tìm thêm cho “đòn bẩy” này một điểm tựa vững chắc, có cơ sở khoa học, có như thế nó mới mang lại hiệu quả mong muốn. Nếu kích hoạt không đúng chỗ, không đúng trọng tâm, trọng điểm thì lực đẩy không mang lại được hiệu ứng lực…

Trước hết phải xác định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động chính trị, một chính khách nên mọi hành vi, cử chỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa sáng và gây “hiệu ứng lực” chủ yếu trong môi trường chính trị và trong bộ máy nhà nước; do đó khi nói đến di sản về các giá trị tinh thần mà bản thân cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chủ yếu là nằm trong môi trường này, không nên tách ra khỏi môi trường này. Có như vậy mới là biện chứng. Là người hoạt động nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng hành vi, cử chỉ, đạo đức, tác phong trong công vụ cũng như trong đời sống của người cán bộ vì cán bộ quyết định hết thảy… Tư tưởng này này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực ra là kế thừa và dựa trên nền tảng của đạo đức ứng xử truyền thống của dân tộc, hiện tượng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”; “Nhà dột từ nóc”… những điều đi ngược, làm hủy hoại các giá trị truyền thống dân tộc trong phép ứng xử cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội; kể cả trong quan hệ cá nhân lẫn trong quan hệ giữa công dân và công chức, giữa công chức và quan chức…

Do đó cuộc vận động phải tùy vào từng loại đối tượng để áp dụng, để đưa những hành vi, những lời nói việc làm mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nêu ra. Trong y học có khái niệm “nhờn thuốc”; trong cơ học xảy ra hiện tượng trơn, trượt khi lực đẩy không tác động vào đúng trọng tâm trong điểm sẽ là hao phí công năng sản sinh lực và không mang lại hiệu quả mong muốn: nước đổ lá khoai hay đàn gảy tai trâu…

Theo dõi các cách thức tổ chức của các vận động trong hai năm qua, chúng tôi thấy không ít trường hợp mang tính phô trương phong trào để lấy thành tích hơn là mang lại hiệu quả thiết thực. Xin lấy ví dụ tại một số địa phương: Đem mẩu chuyện Bác Hồ nêu gương tiết kiệm trong việc sử dụng ôtô công kể cho các em học sinh miền núi, có em thậm chí chưa nhìn thấy ôtô ra làm sao, thì mẩu chuyện mang nhiều ý nghĩa thú vị này có mang lại kết quả? Hay bài học mà Bác thường nhắc: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… thì hai chữ đầu chủ yếu dành cho cán bộ cấp thấp, còn lại là lời chỉ bảo dành cho tầng lớp cán bộ có quyền ký tên vào các tài khoản, các quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ… Đem lời giáo huấn này ra giảng chung cho tất cả mọi người đều nghe và quán triệt là không thật sự mang lại hiệu quả cao, lãng phí công năng của động lực…

Những hạn chế mà Tổng Bí thư và Trưởng ban Tuyên giáo vừa nhắc, theo chúng tôi xuất phát từ những thiếu sót của các ban vận động vì đã không đặt cuộc vận động học tập đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong khi tại các vụ án trọng điểm và tại nhiều cơ quan hành chính khác ở Hà Nội và nhiều địa phương, ban, bộ đã xảy ra hiện tượng: sử dụng xe công vượt quá tiêu chuẩn mà Bộ Tài chính đã ban hành; Các Ban vận động cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm xem đã có lần nào mời các vị lãnh đạo chủ chốt… đến để nghe thuyết giảng về tấm gương sử dụng xăng, xe của Bác; nếu các trường Đảng, các cấp ủy Đảng đã quên khuấy mất việc đưa các vị này vào diện các đối tượng phải được tuyên truyền để làm theo tấm gương của Bác hay đã tổ chức rồi nhưng do lâu ngày và do nhiều việc quá nên quên chế độ chính sách, quên lời khuyên của Bác? Bởi các vị đó mới cần nghe những bài học, những tác phong đạo đức đó của Bác…

Để khắc phục tình trạng do lâu ngày không được nhắc nhớ tấm gương, đạo đức tác phong của Bác, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp cụ thể sau đây. Ở phường của chúng tôi, cán bộ tổ dân phố có sáng kiến đi đến từng nhà để vận động theo hình thức soạn sẵn các bản cam kết thực hiện các quy ước. Ví dụ: cam kết không xả rác ra đường, cam kết giáo dục các cháu không ra đường chửi bậy; cam kết không để các cháu nghiện heroin và các tệ nạn khác; cam kết không đốt pháo… Nếu vi phạm các điều khoản cam kết trên sẽ bị xử lý, xử phạt tương xứng, cụ thể a,b,c…

Trong lúc chúng ta cần giáo dục các em nhỏ không xả rác thải ra đường, không chửi bậy, không nghiện heroin… thì lại đem chuyện tiết kiệm xăng, xe của Bác ra giảng giải tại rất nhiều trường phổ thông trung học và cơ sở là không hẳn thiết thực. Trong tình hình tiêu cực của xã hội của chúng ta hiện này điều đáng lo ngại nhất đó là sự thoái hóa nằm ngay trong bộ máy của đảng và nhà nước… Hiện nay các bộ, ngành, địa phương, cơ quan ban ngành đều đã thành lập các ban vận động học tập tấm gương về tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh. Tại rất nhiều cơ quan vẫn thường tổ chức theo cách thức rất hình thức: Tập trung cán bộ lại và mời các báo cáo viên đến giảng; hoặc cho đào tạo một số người có năng khiếu tổ chức thi, hội diễn, hội thảo… Những cách thức đó theo chúng tôi hiệu quả không cao. Tại các đơn vị các Ban vận động nên căn cứ vào tình hình đặc điểm tình hình của đơn vị và cán bộ thuộc đơn vị mình quản lý để vừa căn cứ vào cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đề ra các quy ước cụ thể. Ví dụ tại một bộ quản lý nhà nước thì cán bộ phải ký cam kết cụ thể: không đi muộn về sớm, không lấy cắp giờ nhà nước, không sử dụng điện thoại công bừa bãi… Nhưng đến cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng thì lại phải có những cam kết khác; ví như: Không sử dụng, xe, nhà công vụ vượt quá tiêu chuẩn, sai quy định, không nhận quà biếu, khi có đám cưới của con cam kết không mời và nhận quà của cán bộ dưới quyền hoặc trong quan hệ công vụ mà chỉ mời họ hàng thân tộc. Mỗi khi đề bạt một cán bộ vào một cấp nào đó, theo chúng tôi các Ban vận động các cơ quan nên đưa ra các bản cam kết cụ thể thực hiện theo tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh để các vị này ký vào chứ không tuyên bố chung chung để quần chúng giám sát…

Sở dĩ phải có các cam kết cụ thể vì dư luận Hà Nội đang bàn tán về đám cưới của con của 2 vị quan chức cao cấp tổ chức mời gần 1000 mâm tại một khách sạn 5 sao tại Hà Nội; đám cưới này chắc chắn sẽ là đám cưới “kinh doanh” dựa vào công vụ chứ không xuất phát từ quan hệ giao lưu tình cảm. Nếu chúng ta có các bản cam kết tận từng cá nhân của các vị này trước đó; riêng các vị có quyền cao chức trọng các bản cam kết học theo tấm gương của Bác được treo dán công khai trước phòng làm việc hoặc ngay văn phòng thì chúng tôi tin nó sẽ mang lại hiệu quả hơn, sẽ hạn chế được phần nào tình trạng như Tổng Bí thư và Trưởng ban Tuyên giáo vừa nêu: nói rất hay về tác phong đạo đức Hồ Chí Minh nhưng thực tế làm rất dở, thậm chí làm ngược… Việc xử lý cũng dễ dàng hơn.

Chọn điểm tựa cho cuộc vận động quan trọng này: Học tập và làm theo tấm gương về tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh để từ đó kích hoạt sự chuyển hóa xã hội, điểm tựa đó là các cán bộ chủ chốt: cán bộ cấp Bộ từ hàm Vụ trưởng trở lên; cán bộ địa phương thì từ giám đốc sở và các ông giám đốc dự án cỡ như ông Huỳnh Ngọc Sĩ?! Nếu không tin các vị cứ vào nhà lao làm phép thử, kiểm tra, đối chất với ông Huỳnh Ngọc Sĩ xem ông ta đã từng nghe nói về tác phong và đạo đức Hồ Chí Minh chưa? Nếu ông ấy chưa biết hoặc biết rồi nhưng làm ngược lại thì các Ban vận động nên xem xét lại cách thức vận động của mình như thế nào cho nó hiệu quả, thiết thực để những ông khác sẽ không tái phạm. Chính các vị ấy mới cần thấm nhuần!

Tóm lại, tôi tin nếu chúng ta thật sự triển khai cuộc vận động học tập tấm gương về tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc, đúng đối tượng, đúng trọng tâm trọng điểm thì sẽ tạo được một bước chuyển biến tích cực trong xã hội. Những cán bộ chủ chốt mà nghiêm túc làm theo tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh thì những cán bộ dưới quyền làm sao giám ho he làm bậy…

Điểm tựa tạo sức bật trong xã hội đối với cuộc vận động học tập tấm gương về đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chúng tôi chính là các đối tượng kể trên, những người nắm những chức vụ quyền hạn quan trọng nếu chọn các vị này làm điểm tựa cho cuộc vận động để từ đó mà làm bật lên được sự chuyển hóa, xã hội sẽ chuyến biến theo. Trong chiến tranh chống Mỹ nhà thơ Tố Hữu đã có câu thơ rất hay về vai trò điểm tựa của các đảng viên: Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa; Vui gì hơn làm người lính đi đầu. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc đến vai trò gương mẫu, đầu tàu của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên chủ chốt…

Tổng Bí thư và Trưởng Ban Tuyên giáo đã nhìn thấy chính xác mặt hạn chế đích thực của cuộc vận động học tập tấm gương về tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian qua, vấn đề là các cấp ủy đảng và các ban vận động cần nhanh chóng rút kinh nghiệm để cuộc vận động đi vào chiều sâu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Phạm Viết Đào

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *