Lễ hội truyền thống của người Việt được
ví như một bảo tàng sống tái hiện những
trầm tích văn hóa của lịch sử con người ở
một vùng đất. Trong số các trầm tích ấy có
tục hiến sinh. Việc duy trì một số tục hiến
sinh trong lễ hội truyền thống như thế nào
vẫn còn những ý kiến khác nhau. Bài viết
này, chúng tôi vận dụng lý thuyết tương đối
văn hóa của ngành nhân học văn hóa để bàn
luận, tìm ra cách ứng xử hợp lý dựa vào tâm
thức của người dân, đối với tục hiến sinh
trong một số lễ hội truyền thống, được dư
luận xã hội quan tâm trong thời gian gần đây.
1. Lễ hội truyền thống
Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa dân gian gắn bó bền chặt với cộng đồng làng xã, thể hiện ước muốn của con người về cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Lễ hội truyền thống được tổ chức với hai thành tố chính, đó là những nghi lễ bày tỏ lòng thành kính của cộng đồng trước các vị thần linh và những sinh hoạt có tính chất hội, thể hiện tài năng nghệ thuật của dân chúng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí tinh thần.
Lễ hội truyền thống là một bảo tàng văn hóa ở làng xã, phản ánh quan niệm của người dân về nhân sinh quan, thế giới quan và lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất. Trong cuộc sống thường nhật, rất nhiều di sản văn hóa vật thể (lễ vật, trang phục, đồ tế lễ, kiệu rước…), di sản văn hóa phi vật thể (lễ thức, quy trình tổ chức lễ hội, những bài cúng, bản nhạc, điệu múa, trò chơi, hát diễn…) được ẩn đi, hoặc giấu vào trí nhớ của người dân. Chỉ đến khi làng xã tổ chức lễ hội, đấy là thời điểm tạo nên cảm xúc mạnh mẽ, sự hưng phấn, huy động được công sức, trí tuệ, tài vật của cả cộng đồng chăm lo cho tổ chức lễ hội truyền thống, làm sống lại những sinh hoạt văn hóa của làng xã do cha ông truyền lại, toàn bộ cái đó là trầm tích văn hóa của vùng đất được tỏa sáng trong các nghi lễ thiêng liêng, ngay cả những di sản văn hóa của quá khứ đã được “hóa thạch” thành các tục hèm mà theo quan niệm của người làng, các tục lệ ấy cần phải làm trong lễ hội, làm một cách kín đáo thì mới thỏa mãn được ước nguyện của dân làng. Trong số nhiều lệ tục được “bật hiện” trong lễ hội truyền thống, chúng tôi thấy có tục hiến sinh.
2. Tục hiến sinh trong lễ hội truyền thống
Hiến sinh là giết những vật đang sống để dâng tế các vị thần linh. Tục lệ này xuất hiện rất sớm trong xã hội loài người, từ thời công xã nguyên thủy . Nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới đặt nền móng cho ngành văn hóa học và nhân học văn hóa là Edward Tylor (Vương quốc Anh) đã công bố công trình: Văn hóa nguyên thủy, xuất bản năm 1871, dành tới 7 chương (từ chương XV đến chương XXI) viết về thuyết vật linh, đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về tục lệ hiến sinh từng diễn ra ở các bộ lạc sống dưới thời công xã nguyên thủy.
Thực chất tục hiến sinh là biểu hiện quan niệm của con người và theo đó là những thực hành nghi lễ giết mổ con vật làm vật dâng lễ đối với các vị thần linh. Tư duy cổ xưa của loài người quan niệm rằng vạn vật trong vũ trụ đều có cuộc sống như con người, có phần xác và phần hồn, “vạn vật hữu linh”. Các loài vật khi chết về thể xác thì linh hồn thoát ra về cõi trú ngụ của các linh hồn, gọi tên chung là thần linh. Trong thế giới thần linh, có các vị thần tốt chuyên làm phúc giúp người nhưng cũng có các vị thần xấu, gây những điều tai hại cho con người, gọi là ác thần. Người nguyên thủy đã lựa chọn cách trung dung lưỡng kính các vị thần, cả phúc thần và ác thần.
Trong các nghi lễ cúng tế thần linh, nhất thiết phải có vật dâng cúng, trong đó có những con vật ở ngoài tự nhiên hoặc vật nuôi trong cộng đồng bị giết làm lễ vật hiến tế, một phần hoặc cả thây con vật. Từ bao đời nay, dân chúng quan niệm “vô vật bất linh”, thiếu lễ vật thì cúng tế mất thiêng. Hiến sinh động vật nhằm thỏa mãn một số nhu cầu tinh thần của dân chúng. Việc hiến tế là để tạ ơn các vị thần linh đã cứu giúp con người, ăn mừng được mùa, chiến thắng; cầu xin những điều tốt lành; tạ tội với các thần linh trước những lỗi lầm của con người; bày tỏ nỗi sợ hãi của con người trước những hiểm họa mà các ác thần gây ra. Vật hiến sinh là vật nhằm thế mạng cho những xui xẻo, quấy rầy đeo bám làm hại con người.
Tùy vào uy linh của vị thần hoặc việc tổ chức lễ hội thờ thần được coi là sự kiện lớn (đại hội, đại lễ) của cộng đồng mà vật hiến sinh có khác nhau. Nếu việc tổ chức lễ hội chỉ ở quy mô thường lệ của cộng đồng hay phạm vi hộ gia đình, dòng họ thì vật hiến sinh thường là gia cầm (chủ yếu là gà). Những lễ hội lớn có sự tham gia đông đảo dân chúng trong làng xã, vật hiến sinh thần linh phải là tiểu gia súc, loại động vật có vú, có tầm vóc nhỏ, không nặng quá 150 kg (lợn, dê, cừu…), đại gia súc (trâu, bò, ngựa…). Một số dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên (M’Nông, Ba Na, Gia Rai, …), trong tín ngưỡng thờ cúng người mất có tục làm lễ bỏ mả. Nghi lễ rửa nồi diễn ra vào ngày thứ 3 của buổi lễ khép lại lễ bỏ mả được tổ chức ở khu nhà rông của buôn làng, có tục hiến sinh một con trâu cho giàng vị thần linh bảo trợ cho làng. Trước năm 1945, một số lễ hội của người Kinh có tục tế lễ tam sinh thành hoàng làng. Lệ tục này ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo quan niệm mọi sự trong cuộc sống của con người an khang, vật thịnh là bởi sự thuận hòa của trời – đất – người, “Thiên, Địa, Nhân hòa, Càn Khôn hanh thông”. Vì vậy, đại hội lễ phải có ba con vật hiến sinh là: trâu – lợn – dê, nếu thiếu trâu thì thay bằng bò.
Các con vật hiến sinh trở thành biểu tượng thể hiện lòng thành kính của con người đối với các thần linh, cầu mong các phúc thần phù trợ và ác thần không gây hại để cuộc sống con người yên ổn, làm ăn tấn tới, mưu sự thành công.
Các tài liệu viết và truyện kể dân gian cho biết vật hiến sinh ở thứ bậc cao nhất theo quan niệm của dân chúng đối với thần linh trong các nghi lễ tế thần là việc hiến tế đồng loại (người sống). Nhà nhân học văn hóa Tylor đã miêu tả lại những câu chuyện ở các bộ lạc nguyên thủy dùng các nô lệ, tù binh mà bộ lạc bắt được trong xung đột giữa các bộ lạc với nhau làm vật hiến tế các thần linh và thủ lĩnh của họ khi bị chết. Các nhà khảo cổ học khi khai quật mộ Triệu Đà, vua nước Nam Việt ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đã tìm thấy nhiều bộ hài cốt nam, nữ chôn theo nhà vua. Ở nước ta, truyện dân gian lưu truyền về người Hán sang làm quan, buôn bán, họ tích vàng bạc, làm hầm giấu của và tìm một cô gái đẹp, còn trinh tiết chôn sống vào hầm để hiến lễ thần giữ của canh giữ. Những câu chuyện về dân làng phải cống người cho thủy tề, mãng xà (thần rắn), chim đại bàng… Truyện Ông Dầu bà Dầu (vợ chồng Vũ Phục) nghe theo lời thầy bói tự hiến sinh tế thủy thần ở dòng nước sông Cái (sông Hồng) bên góc thành Thăng Long để cầu nước rút và mong cho vua Lý Nhân Tông khỏi bệnh đau mắt. Truyện phi tần Phạm Thị Ngọc Trần theo ước vọng của chồng là Lê Lợi, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã gieo mình xuống dòng sông Lam làm vật tế thần xin làm vợ thủy thần để sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh xâm lược sớm thành đạt.
Khi giết thịt các con vật hiến tế lên thần linh, dân chúng còn lấy lông và máu con vật gọi là lễ mao huyết để dâng cúng thần linh. Lại lấy máu con vật màu đỏ tưới, vẩy lên nền đất, nền nhà, bôi lên vật dụng trong nhà và cả người với quan niệm để con vật truyền sinh lực cho mọi vật ở trong nhà, cộng đồng được khỏe mạnh, sinh sôi, phát triển.
Lễ hội là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân chúng. Nghi lễ hiến sinh trở thành một thành tố trong lễ hội truyền thống. Nhiều lễ hội không chỉ thực hành nghi lễ hiến sinh với ý nghĩa tâm linh (thờ cúng thần linh) mà còn kiến tạo nên những thực hành liên quan đến nghi lễ hiến sinh với những giá trị và ý nghĩa về văn hóa tinh thần. Ví dụ: mâm lễ thờ cúng thần linh có ván xôi trên đó là con gà trống. Người dân dùng gạo nếp trắng trộn ruột quả gấc đồ chín để xôi có màu đỏ, màu của sinh khí, biểu tượng cho may mắn, hanh thông, trên là con gà trống nguyên con làm sạch sẽ, tạo hai cánh xòe ra, đầu ngóc lên ngay ngắn, miệng ngậm bông hoa hồng. Một số nơi có tục hiến sinh lợn thờ thần, dân làng có những quy định chặt chẽ để thiêng hóa con lợn như chọn gia đình bố, mẹ song toàn, nhà không có bụi (tang) trong năm để nuôi lợn, gọi là nuôi ông ỉ. Giống lợn thờ phải đen tuyền hoặc trắng tuyền không được lẫn sợi lông khác màu, vài tuần trước ngày đưa lợn ra hiến tế phải cho lợn ăn cháo trắng, tắm nước thơm để lợn tế thần sạch sẽ và người cho lợn ăn phải là nam giới khỏe mạnh. Có nơi như ở làng La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lợn hiến sinh được cạo sạch lông dùng giấy màu vẽ trang trí thêm vào tai, mõm, mắt lợn cho to, dài ra, đầu lợn cài bông hoa đỏ, đầu và mình lợn phủ một lá mỡ chài, sau đó đặt lên kiệu rước quanh làng vào đêm ngày 13 tháng Giêng. Cũng có nơi vật hiến sinh không phải dâng lễ thờ cả con lợn mà được chế biến thành mâm cỗ tế thần, tổ chức lễ hội thành cuộc thi làm cỗ từ con lợn hiến sinh, gọi là lễ hội chạy lợn như ở làng Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vào ngày mồng 7 tháng Giêng diễn ra ở đình làng. Lễ cầu mùa hay lễ bỏ mả của một số tộc người ở Tây Nguyên có nghi lễ hiến sinh trâu cúng giàng (thần) ở khu vực nhà rông của buôn làng. Trước khi con trâu bị giết, dân làng tổ chức diễn xướng ca múa nhạc, đấu võ xung quanh con trâu với quan niệm dâng các vị thần con trâu, cầu mong thần linh phù trợ cho cuộc sống của con người. Chủ tế ngâm hát bài tế “khóc trâu” nói về niềm tiếc thương của con người đối với con trâu làm vật tế thần.
Như vậy, tục hiến sinh đã từng tồn tại trong lịch sử phát triển của loài người phản ánh nhận thức của con người tùy thuộc vào tập tục văn hóa của mỗi dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử. Tục hiến sinh là một nghi lễ thiêng trong các lễ hội truyền thống, được hóa thạch cất giữ trong tâm trí dân chúng và được tái hiện khi làng xã mở hội.
3. Lý thuyết tương đối văn hóa của các nhà nghiên cứu nhân học
Lý thuyết tương đối văn hóa do Franz Boas, nhà nghiên cứu nhân học Mỹ nêu ra ý tưởng vào những năm cuối TK XIX. Sau đó, học trò của Boas là Herodotus hoàn thiện lý thuyết tương đối văn hóa, nêu các quan điểm, cách tiếp cận giải thích sự vật, hiện tượng ở một nền văn hóa khác, theo tinh thần trân trọng, thấu hiểu, giải mã và đề cao ý nghĩa các giá trị tự thân của nền văn hóa đó. Học thuyết này đòi hỏi nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu và đánh giá một nền văn hóa khác thì phải thâm nhập lâu dài, sống và hiểu rõ chủ thể sáng tạo của nền văn hóa đó để có cách nhìn, cách nghĩ, hiểu đúng cách thực hành tín ngưỡng của người dân ở nền văn hóa đó, cố gắng đánh giá sự vật, hiện tượng văn hóa từ trong lòng nó, bằng ánh sáng của chính xã hội đó và phải lấy thực tiễn đánh giá, khi ấy mới có cái nhìn trung thực, khắc phục chủ nghĩa vị chủng, với quan điểm “nhóm mình là trung tâm của tất cả mọi thứ, dựa vào đó tất cả các nhóm khác được đánh giá”.
4. Ứng xử với tục hiến sinh trong lễ hội truyền thống dưới góc nhìn lý thuyết tương đối văn hóa
Trong nền văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Khi đánh giá việc thực hành các nghi lễ trong lễ hội truyền thống phải trên tinh thần tôn trọng quyền văn hóa của chủ thể văn hóa, đó là quyền được sáng tạo, quyền hưởng thụ văn hóa và quyền được xã hội tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa các cá nhân và nhóm người nếu sự biểu hiện văn hóa đó không trái với pháp luật. Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội (1998) đã định hướng: “Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) đã xác định quan điểm: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”. Trong cuốn sách Đời sống mới (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu phương châm xử lý đối với di sản văn hóa dân tộc: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết. Không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng nhiều phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì phải làm. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn” (1). Tục hiến sinh trong lễ hội truyền thống là một nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác tôn giáo, xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Những quan điểm, định hướng trên của Đảng là cơ sở để chúng ta vận dụng vào thực tiễn quản lý và tổ chức lễ hội.
Quản lý lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Giá trị văn hóa tinh thần của lễ hội được thể hiện ở các lễ nghi, trong đó có nghi lễ hiến sinh. Chúng ta phải giải mã cho được những thực hành nghi lễ hiến sinh qua việc giết mổ, văn tế, diễn xướng, cách thức dâng lễ để làm rõ giá trị tâm linh, giá trị tinh thần của mỗi nghi lễ. Các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cần vận dụng lý thuyết tương đối văn hóa vào phân tích, đánh giá các nghi lễ hiến sinh, đặt mình ở vị trí của chủ thể văn hóa để giải mã sự vật, hiện tượng biểu hiện trong hiến tế.
Sự phát triển trí tuệ, trình độ nhận thức của con người dưới ánh sáng của khoa học ngày càng làm cho lễ hội truyền thống, một nhu cầu tinh thần của người dân, trở thành một sinh hoạt văn hóa hơn là một tín điều áp đặt, trói buộc con người. Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh tục lệ hiến sinh trong các nghi lễ thờ thần linh luôn có sự thay đổi theo nguyên tắc và phương châm thực hành là giảm dần các hành động dã man đối với vật hiến sinh, trước hết là hiến tế đồng loại.
Ở Trung Quốc, các nhà khảo cổ học khi khai quật mộ Tần Thủy Hoàng đã phát hiện rất nhiều tượng đất người, ngựa chôn theo vua Tần. Điều đó chứng tỏ việc hiến tế vật sống đã được thay thế bằng đồ vật bằng đất. Đến TK II, có vị quan Thái Luân sống ở triều Đông Hán (Trung Quốc) cải tiến nâng cao chất lượng tờ giấy. Từ đó, rất nhiều các vật cúng tế thần linh trong đó có cả nhiều vật hiến sinh trước đó được thay thế bằng đồ hàng mã, trang trí giấy như người và vật thật dâng lễ xong thì châm lửa “hóa” gửi đến các thần linh. Ở nước ta, lễ hội ông Đùng – bà Đà ở làng Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (Thái Bình) tổ chức vào ngày 14-4 âm lịch hằng năm, xưa có diễn nghi thức xử chém ông Đùng – bà Đà vào lúc nửa đêm, dân làng không được vào xem. Mật lệ này thực chất là diễn lại tục hiến sinh đối với thần linh, cầu mùa tươi tốt, làm ăn thuận lợi của cư dân khai phá vùng đất ven biển hoang dại thuở xưa. Điểm lưu ý là người dân đã tạo hình nộm ông Đùng – bà Đà như một rọ tròn dài thon ở phần trên, cao khoảng 1,5 m bằng nam tre đan mắt cáo, dùng mẹt để trang trí mặt người, chọn người chui vào hình nộm để diễn múa, gọi là múa ông Đùng – bà Đà vui mừng gặp nhau và ăn nằm với nhau. Hình nộm ông Đùng – bà Đà là vật thay thế trong mật lệ của làng xử chém hai người. Sau này mật tục thay đổi thành tục phá Đùng trong lễ hội diễn vào lúc chập choạng tối. Dân làng chen đẩy nhau vào giật bằng được những nan tre ở thân hình nộm ông Đùng – bà Đà, quan niệm ai lấy được nan tre thì trong năm gặp nhiều mau mắn.
Đối với một số tục hiến sinh trong lễ hội truyền thống như đập đầu trâu trong lễ hội cầu trâu ở xã Xuân Quang, huyện Tam Nông (Phú Thọ), chém lợn trong lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm (Bắc Ninh), đâm trâu – một nghi thức trong lễ ăn trâu ở các lễ hội bỏ mả, cầu mùa, cúng mó nước của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, theo tôi đều hàm chứa trong đó giá trị tinh thần, giá trị tâm linh, đó là nghi thức hiến lễ thần linh, cầu thần linh phù trợ cho cộng đồng an khang, thịnh vượng. Giải pháp cấm các nghi lễ trên là không nên vì cấm có thể dẫn đến làm mất đi một sinh hoạt văn hóa thể hiện bản sắc của lễ hội. Cộng đồng – chủ thể văn hóa của các nghi lễ hiến sinh trên có thể dân chủ bàn bạc tìm ra giải pháp hợp lý để vẫn giữ được những “hóa thạch” của tục lệ cổ ở làng xã và cải biên, cách điệu tạo ra cảm xúc thẩm mĩ thuận theo quy luật của cái đẹp, phù hợp với quan niệm hiện nay về không khuyến khích sử dụng bạo lực với động vật. Ví dụ: những năm gần đây, cộng đồng dân làng Ném Thượng đã đưa nghi lễ chém lợn vào trong khu quay vải đỏ kín để thực hành nghi lễ chém lợn truyền thống được dư luận đồng tình. Có thể sử dụng giải pháp dùng lốt vật được trang trí nghệ thuật vào nghi thức hiến tế và thực hành giết mổ vật hiến sinh. Đối với vật hiến sinh sống (toàn phần hay một phần) nên lấy máu con vật – biểu tượng của sinh lực, sự sinh sôi làm thứ dâng cúng không nên chấm máu bôi vào người và các đồ vật.
Tóm lại, nghi thức hiến sinh trong lễ hội truyền thống là một tục lệ đã có từ lâu đời, một thành tố phản ánh sự ứng xử của người dân trong môi trường sống, tạo nên bản sắc của nhiều lễ hội, thể hiện ước vọng của cộng đồng. Hiểu đúng giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của tục hiến sinh trong lễ hội, có giải pháp phù hợp chính là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống.
________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.92.
Tài liệu tham khảo
1. E.B Tylor, Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2001.
2. Nguyễn Văn Minh (chủ biên), Một số lý thuyết về tộc người và tiếp cận ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018.
Tác giả: Nguyễn Hữu Thức
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng